Nhật Bản giải bài toán khó: Thu hút du khách trở lại và xử lý du lịch quá tải

Thanh Nguyễn
06:48 - 13/09/2023
Công dân & Khuyến học trên

Du lịch quá tải (overtourism) là chủ đề từng được nhắc đến nhiều từ thời trước COVID-19. Nay kể từ khi Nhật Bản dỡ bỏ các quy định hạn chế biên giới vào tháng 10/2022, đã dấy lên những lo ngại về du lịch không bền vững quay trở lại. Đặc biệt là với danh thắng nổi tiếng núi Phú Sĩ.

Nhật Bản giải bài toán khó - thu hút du khách trở lại và xử lý du lịch quá tải - Ảnh 1.

Thời hậu COVID-19, Nhật Bản vừa đón tin vui thu hút hơn 2,3 triệu du khách quốc tế (imbound) chỉ riêng trong tháng 7/2023. Đây là con số khách đến cao nhất trong 1 tháng kể từ năm 2019. Ảnh: Travel Daily Media

Giải bài toán khó du lịch quá tải khi du khách đổ tới Tuyến đường Vàng

Sau 8 năm du lịch inbound (đón du khách quốc tế nhập cảnh) tăng trưởng liên tiếp, năm 2019 Nhật Bản đón số du khách quốc tế kỷ lục 32 triệu lượt người. Nhưng "thủy triều dâng cao không nâng được tất cả con thuyền", khi hầu hết du khách đổ xô tới Tuyến đường Vàng Tokyo - Osaka - Kyoto - Kobe.

Thực tế đó khiến nhiều khu vực lịch sử, đền thờ Thần đạo, chùa Phật giáo và bảo tàng nổi tiếng rơi vào tình trạng căng thẳng vì du lịch quá tải (overtourism).

Chuông báo động du lịch quá tải lại được gióng lên mạnh mẽ hơn, khi điểm đến nổi tiếng thế giới núi Phú Sĩ (Fuji) "đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng thực sự", theo lời ông Masatake Izumi - một quan chức tỉnh Yamanashi - nói hôm 9/9, trước khi các tuyến đường mòn dẫn lên đỉnh núi Phú Sĩ đóng cửa, kết thúc mùa du lịch núi Phú Sĩ mùa hè 2023 (từ đầu tháng 7 đến đầu tháng 9).

Nhật Bản giải bài toán khó - thu hút du khách trở lại và xử lý du lịch quá tải - Ảnh 2.

Du khách đổ tới khu phố mua sắm Komachidori ở thành phố Kamakura, tỉnh Kanagawa, ngày 3/5. Ảnh: AFP

Nhật Bản giải bài toán khó - thu hút du khách trở lại và xử lý du lịch quá tải - Ảnh 3.

Hầu hết hành trình leo núi Phú Sĩ diễn ra vào ban đêm, để lúc lên tới đỉnh du khách được đón thời khắc thiêng liêng - mặt trời mọc trên đỉnh núi tỏa vầng sáng đỏ rực rỡ. Ảnh: Yamanashi Prefectural Government

Tình hình hiện đang ở mức "không thể kiểm soát được và chúng tôi lo ngại núi Phú Sĩ sẽ trở nên kém hấp dẫn, đến mức (có thể) không ai còn muốn leo lên nữa" – ông Izumi nhấn mạnh.

Được mệnh danh là ngọn núi thiêng gắn với những câu chuyện tâm linh từ thời xa xưa, núi Phú Sĩ (Fuji) là một trong "Tam linh sơn". Núi Phú Sĩ (Fuji) là một trong những ngọn núi dễ nhận biết và ấn tượng nhất hành tinh. Với vẻ đẹp lộng lẫy và hình dạng đối xứng cực kỳ hoàn hảo, danh thắng nổi tiếng này của Nhật Bản là một trong những ngọn núi được chụp ảnh nhiều nhất thế giới.

Nhật Bản giải bài toán khó - thu hút du khách trở lại và xử lý du lịch quá tải - Ảnh 4.

"Đăng sơn" (leo núi) Phú Sĩ được cho không chỉ là một trải nghiệm chinh phục đỉnh cao, mà đó còn là hành trình vào văn hóa Nhật Bản và là bài học về sự tôn trọng. Ảnh: Travel Daily Media

Núi Phú Sĩ được coi là biểu tượng của đất nước Nhật Bản, thu hút khoảng 300.000 - 400.000 du khách "đăng sơn" (leo núi) hàng năm. Chưa kể còn nhiều du khách khác ghé thăm danh thắng Phú Sĩ Ngũ Hồ (5 hồ nước ngọt được hình thành do núi lửa, ở dưới chân núi Phú Sĩ) và các điểm đến hấp dẫn khác quanh đó, đưa số du khách tới khu vực này lên tới hàng triệu người mỗi năm.

Giải bài toán khó du lịch quá tải - núi Phú Sĩ kiểm soát đám đông

Tình trạng du lịch quá tải dẫn tới vấn nạn rác thải bị bỏ lại dọc đường chất đống, làm mức độ ô nhiễm gia tăng cực độ. Mùa leo núi Phú Sĩ năm 2023 (vốn đã được dự báo là sẽ càng đông du khách sau 3 năm bị hạn chế vì COVID-19) vừa kết thúc ngày 10/9 cũng đã cho thấy thực trạng này.

Núi Phú Sĩ (Fuji) được công nhận là Di sản Thế giới từ tháng 6/2013 khiến danh thắng càng thêm nổi tiếng, nhưng cũng đi kèm với điều kiện Nhật Bản cần giảm bớt tình trạng quá tải du khách gây tác hại tới môi trường. Đồng thời cần sửa chữa những cảnh quan nhân tạo, ví dụ như những bãi đậu xe lớn được xây dựng để phục vụ du khách.

Nhật Bản giải bài toán khó - thu hút du khách trở lại và xử lý du lịch quá tải - Ảnh 5.

Mùa leo núi Phú Sĩ hè 2023 vốn đã được dự báo là sẽ càng đông du khách sau 3 năm bị hạn chế vì COVID-19. Ảnh: Interacnetwork

Nhật Bản giải bài toán khó - thu hút du khách trở lại và xử lý du lịch quá tải - Ảnh 6.

Trong số 10 trạm đi bộ đường dài (hiking) lên núi Phú Sĩ, trạm số 5 Subaru đón tới 90% số du khách "đăng sơn". Ảnh: Yamanashi Prefectural Government

Tuy nhiên tình trạng du lịch quá tải vẫn nghiêm trọng hơn, kể cả tại trạm số 5 Subaru lớn nhất và nổi tiếng nhất - nơi vừa thu hút khoảng 4 triệu du khách mùa leo núi Phú Sĩ hè 2023. Thực tế đó khiến chính quyền Nhật Bản đang phải cân nhắc hạn chế du lịch. Hồi tháng 8, Thủ tướng Fumio Kishida đã tuyên bố: Chính phủ Nhật Bản sẽ đưa ra các biện pháp trên toàn quốc, nhằm giảm thiểu tình trạng du lịch quá tải (overtourism) vào mùa thu này".

Trong tuần qua, các bộ trưởng trong Chính phủ Nhật Bản cũng đã họp bàn các biện pháp giải quyết điều mà ông Kenji Hamamoto - một quan chức cấp cao của cơ quan Du lịch Nhật Bản (JTA) gọi là "quá tải và vi phạm nghi thức" tại các địa điểm quá đông du khách.

Nhật Bản giải bài toán khó - thu hút du khách trở lại và xử lý du lịch quá tải - Ảnh 7.

Năm 2024 số du khách dự kiến tăng trở lại theo đà bùng nổ du lịch Nhật Bản, với sự đóng góp đáng kể của du khách Trung Quốc. Ảnh: Getty

Riêng đối với núi Phú Sĩ, hồi tháng 8 chính quyền thông báo sẽ lần đầu tiên áp dụng các biện pháp kiểm soát đám đông nếu đường lên núi trở nên quá đông đúc. Nhờ đó số lượng du khách "đăng sơn" Phú Sĩ dự kiến sẽ giảm nhẹ trong năm 2023, so với năm 2019.

Nguồn: AFP/Reuters, Al Jazeera