Nhân Tết Trùng cửu, bàn về các vị thần bất tử nước Nam (bài cuối)

Minh Xuân
07:06 - 04/10/2022
Công dân & Khuyến học trên

Riêng vị trí thứ tư của Tứ bất tử lại có tới 3 người từng được xếp ở đây. Đó là Từ Đạo Hạnh, Nguyễn Minh Không và thánh mẫu Liễu Hạnh.

Đặc điểm rõ ràng là cả 3 vị này đều là những tu sĩ. Khả năng của các vị này khá hạn chế, còn chưa được trường sinh bất lão như Huyền Thiên Lão Tử. Các vị vẫn phải “hóa” rồi tái sinh chuyển thế. Điển hình như Từ Đạo Hạnh hóa sinh thành Lý Thần Tông, hay nhất là thánh mẫu Liễu Hạnh có tới 3 lần hóa sinh. Ở vị trí này ảnh hưởng của đạo Phật thấy cũng khá rõ vì Từ Đạo Hạnh, Nguyễn Minh Không đều là các nhà sư, còn Liễu Hạnh công chúa đã quy y Phật sau trận chiến ở Sòng Sơn. Bản thân khái niệm “hóa sinh” hay luân hồi là khái niệm của Phật giáo, không phải gốc của đạo Giáo.

Từ Đạo Hạnh

Sách Nam Hải dị nhân của Phan Kế Bính kể: Đạo Hạnh... muốn sang nước Ấn Độ học phép, nhưng đi qua núi Kim Sỉ, hiểm trở lắm mới trở về. Đạo Hạnh mới vào trong hang núi Phật Tích, kết thành hội Bạch Liên để học phép Ngũ giáo. Ngày nào cũng tụng kinh “Đại bi tâm” và niệm câu thần chú “Bà la ni”, cứ tung 18 vạn lần mới thôi.

Một hôm thấy thần báo mộng rằng: Đệ tử tức là Tứ trấn thiên vương đây, cảm công đức của thầy tụng kinh cho nên lại hầu, tùy thầy muốn sai khiến gì tôi xin vâng lệnh. Đạo Hạnh biết là đạo pháp của mình đã thành rồi…

Từ Đạo Hạnh sang phương Tây tìm đạo, nhưng mới đi được đến núi Kim Sỉ đã quay về. Vậy đạo pháp mà Từ Đạo Hạnh tu thành được là đạo pháp gì? Rõ ràng không phải là Phật pháp chính tông. Nhiều nhận định hiện nay cho rằng Từ Đạo Hạnh đã sang vùng Tam giác vàng ở giáp Vân Nam - Miến Điến và học theo Mật tông. Kinh Đà la ni mà ông trì tụng cũng là bộ kinh điển hình của Mật tông, như từng được khắc trên các cột kinh tìm thấy ở Hoa Lư (Ninh Bình) trong thời nhà Đinh.

Nhân Tết Trùng cửu, bàn về các vị thần bất tử nước Nam (bài 3): Cấp độ bất tử thứ tư - Ảnh 1.

Cột kinh tràng thời Đinh tìm thấy ở Hoa Lư.

Khá đặc biệt là việc sau khi tụng 18 vạn lần kinh Đà la ni thì thấy xuất hiện Tứ trấn thiên vương, nhận theo sai khiến của Từ Đạo Hạnh. Tứ trấn thiên vương hay Tứ đại thiên vương là 4 vị thần của Bà La Môn, theo phục Vua Trời Đế Thích. Chi tiết này cho thấy, thực chất Từ Đạo Hạnh đã tu theo đạo Bà La Môn hay Hindu giáo. Bản thân “Mật tông” cũng là giáo phái chịu ảnh hưởng sâu sắc của đạo Bà La Môn.

Theo Thiền uyển tập anh thì Từ Đạo Hạnh đã tìm đến chùa Pháp Vân thỉnh giáo thiền sư Sùng Phạm và ngộ thêm đạo. Từ đó pháp lực mạnh thêm, duyên thiền càng chín, pháp thuật của sư đã có thể khiến cho rắn rết, muông thú chầu phục. Các phép lạ như đốt ngón tay cầu mưa, phun nước phép chữa bệnh, không việc gì không ứng nghiệm.

Ghi chép này cho thấy Từ Đạo Hạnh có khả năng “cầu mưa”. Cần biết là Tứ đại thiên vương cũng là Tứ pháp Vân Vũ Lôi Điện ở vùng Luy Lâu (Bắc Ninh). Sự việc Từ Đạo Hạnh biết phép cầu mưa chứng tỏ thêm mối liên quan giữa đạo pháp của ông với Hindu giáo, tương tự như trong chuyện Khâu Đà La làm phép cầu mưa ở Luy Lâu trước đây.

Theo Việt điện u linh, khi Từ Đạo Hạnh chuẩn bị viên tịch có nói với các đệ tử: Ta chưa hết nhân duyên với đời, lại phải thác sinh làm vua ở nhân gian, khi nào chết lại về làm chủ “Tam thập tam thiên”. Sau đó ngài đã đầu thai làm vua Lý Thần Tông. Chính từ sự thác sinh đầu thai này mà Từ Đạo Hạnh được tôn là một trong các vị thánh bất tử của trời Nam.

Đặc biệt nhất trong đoạn trên Từ Đạo Hạnh cho biết mình sẽ lại về “làm chủ Tam thập tam thiên”. Vị thần chủ của “Tam thập tam thiên”, cõi trời 33, là Vua trời Đế Thích trong đạo Bà La Môn. Từ Đạo Hạnh như vậy chính là hóa thân của Đế Thích.

Khả năng “bất tử” của Đế Thích cũng từng được biết trong câu chuyện “Hồn Trương Ba, xương da hàng thịt” khi mà Đế Thích đã triệu Tam phủ hoàn hồn cho kỳ thủ Trương Ba. Còn ở chùa Thầy, bên cạnh đó cũng có đền Tam phủ thờ ba vị vua Thiên phủ, Địa phủ và Thủy phủ. Từ Đạo Hạnh là hóa thân của Đế Thích nên được xếp vào bậc thần bất tử là hoàn toàn hợp lý.

Hai bên chùa Thầy còn có 2 cây cầu gọi là Nhật Tiên và Nguyệt Tiên. Đây là hình tượng khá giống với các nơi thờ Đế Thích, có 2 vị thần là Nhật Thiên và Nguyệt Thiên theo cùng, như ở đền Đế Thích tại Cầu Váu (Vĩnh Khúc, Văn Giang, Hưng Yên) hay đền Xá (Ân Thi, Hưng Yên).

Nhân Tết Trùng cửu, bàn về các vị thần bất tử nước Nam (bài 3): Cấp độ bất tử thứ tư - Ảnh 2.

Cầu Nhật Tiên bắc sang đền Tam phủ ở cạnh chùa Thầy.

Nhân Tết Trùng cửu, bàn về các vị thần bất tử nước Nam (bài 3): Cấp độ bất tử thứ tư - Ảnh 3.

Khám thờ ở chùa Thầy, bên trong có tượng xá lợi Từ Đạo Hạnh.

Không Lộ thiền sư

Không Lộ thiền sư là một trong các vị thần bất tử của tín ngưỡng dân gian người Việt. Tuy nhiên các ghi chép và di tích còn lại về vị này lại thường lẫn lộn trong thân thế và tiểu sử của thánh, ít nhất có 2 xuất xứ được nói tới. Một là Dương Không Lộ ở Hải Thanh - Thái Bình. Hai là Nguyễn Minh Không ở Đàm Xá - Ninh Bình. Sự tích và công trạng của những vị này theo các ghi chép rất giống nhau và phạm vi di tích tín ngưỡng thờ 2 người này cùng tập trung ở khu vực Thái Bình và Nam Định. Do đó về xuất xứ của Không Lộ Lý triều quốc sư cho đến nay trong giới học thuật vẫn còn chưa ngã ngũ.

Nhân Tết Trùng cửu, bàn về các vị thần bất tử nước Nam (bài 3): Cấp độ bất tử thứ tư - Ảnh 4.

Gác chuông đền thờ thánh Nguyễn ở Đàm Xá (Gia Viễn, Ninh Bình).

Các thần bất tử Tản Viên Sơn Thánh là Thần Sư, Chử Đồng Tử là Đạo Tổ, Phù Đổng là Thiết Xung Thần Vương, Đổng Thiên Vương là Thái Thượng Lão Quân. Như thế ta nhận thấy họ đều là các vị "giáo chủ", mở đầu cho những đạo phái trong tín ngưỡng của người Việt. Đây cũng chính là ý nghĩa cơ bản của tín ngưỡng thờ thần bất tử, là thờ những vị tổ khai lập môn phái, mở đường cho đạo.

Hai vị Không Lộ thiền sư và Từ Đạo Hạnh được xếp ở hàng thứ tư trong các vị thần bất tử nên đây cũng là những vị sư tổ, có công gây dựng tông phái và được thờ như các giáo chủ của giáo phái. Giáo phái của Không Lộ thiền sư có thể được gọi là phái Không Lộ. Đồng thời Không Lộ cũng là danh xưng của Giáo chủ giáo phái này. Với cách hiểu như thế thì sẽ thấy rõ, không phải chỉ có 1 vị Không Lộ thiền sư bởi vì chức Giáo chủ của giáo phái có thể là những người khác nhau đảm nhận qua các thời. Nhận định này giúp giải quyết được khúc mắc về việc có tới 2 ngài Không Lộ như ở phần đầu bài đã nêu.

Một đạo phái được xác lập khi nó có đủ 3 yếu tố, gọi là Tam bảo. Trước hết là có giáo chủ là Không Lộ thiền sư như nêu trên. Thứ hai là có giáo lý thể hiện qua những tiêu chí và hành động của giáo phái. Thứ ba là có các tăng lữ hay đạo sĩ theo đạo này.

Giáo lý của phái Không Lộ vừa theo giáo lý nhà Phật lại vừa kết hợp với Đạo Giáo ở nước ta. Điều này thể hiện qua các tài phép “lục trí thần thông” của Không Lộ thiền sư như đi trên không, nổi trên nước… Các chùa nơi Không Lộ từng tu hành đều có tên Thần Quang tự, phần nào cũng nói tới sự thần bí (tính chất của Đạo Giáo) của vị thiền sư này. Lý triều quốc sư Không Lộ như vậy không chỉ là một Phật tử mà còn là một Pháp sư cao tay. Bia chùa Keo Hành Thiện ở Nam Định ghi rõ ông là một Đại pháp sư.

Câu đối ở đền Lại Trì nêu công nghiệp của Không Lộ thiền sư:

Tài phép cứu chúng sinh, đức chính thánh thần, tâm chính phật

Thuốc tiên giúp thánh thượng, nước lưu sự nghiệp, sử lưu tên.

Nhân Tết Trùng cửu, bàn về các vị thần bất tử nước Nam (bài 3): Cấp độ bất tử thứ tư - Ảnh 5.

Gian thờ Dương Không Lộ ở đền Lại Trì.

Đặc biệt, đạo Không Lộ có mức độ nhập thế rất cao so với các thiền phái của nhà Phật thể hiện trong việc Không Lộ chữa bệnh cho vua Lý và thực hành nghề đúc đồng. Nhận định Không Lộ là tên giáo chủ hay giáo phái giúp giải quyết khúc mắc về sự kiện Không Lộ thiền sư đã đúc An Nam tứ đại khí vì 4 đồng khí lớn được đúc vào các thời kỳ khác nhau. Câu chuyện Không Lộ thiền sư đi sang Trung Quốc chở đồng đen về đúc chuông có lẽ muốn nói giáo phái này đã học được nghề đúc đồng tới mức thu hút hết tinh hoa của nghề này về nước ta. Không Lộ thiền sư được các làng nghề đúc đồng trên cả nước tôn làm vị tổ nghề.

Nhân Tết Trùng cửu, bàn về các vị thần bất tử nước Nam (bài 3): Cấp độ bất tử thứ tư - Ảnh 6.

Đầu rối thánh tượng chùa Keo Hành Thiện, Nam Định.

Giáo phái Không Lộ từng phổ biến chính ở vùng Nam Định - Thái Bình, với trung tâm là 2 ngôi chùa Keo ở 2 bên sông Hồng. Chữ Keo có thể nghĩa là Cả, là thủ lĩnh hay giáo chủ. Chùa Keo nghĩa là chùa Cả, trung tâm của giáo hội.

Về tăng lữ của phái Không Lộ, có thể thấy các chùa thờ Không Lộ và Từ Đạo Hạnh thường ban đầu không có sư trụ trì như chùa Keo Hành Thiện, Keo Thái Bình hay chùa Đại Bi. Điều này nay có thể hiểu vì giáo phái của Không Lộ khác với Phật giáo chính dòng.

Nhân Tết Trùng cửu, bàn về các vị thần bất tử nước Nam (bài 3): Cấp độ bất tử thứ tư - Ảnh 7.

Đầu rối thánh tượng chùa Keo Thái Bình.

Điểm đặc biệt là ở các chùa thờ Không Lộ và Từ Đạo Hạnh tới nay còn lưu được nghi lễ hầu thánh bằng múa rối đầu gỗ, là các thánh tượng, đại diện cho giới tăng lữ của giáo phái này. Câu chuyện về các thánh tượng này có liên quan đến truyền tích Pháp sư diệt thần Xương Cuồng trong Lĩnh Nam chích quái. Vị pháp sư và các đệ tử của mình đã diệt được thần Xương Cuồng chính là Không Lộ thiền sư.

Với đầy đủ tam bảo: giáo chủ, giáo lý và tăng lữ, rõ ràng phái Không Lộ có thể được coi là một Đạo, phổ biến và có vai trò lớn dưới thời Lý. Vua Lý cũng là đệ tử của giáo phái này (Lý Thần Tông là hóa thân của Từ Đạo Hạnh) và giáo chủ Không Lộ được tôn làm Lý triều quốc sư. Đây mới là tôn giáo chính của nước ta dưới thời nhà Lý.

Liễu Hạnh Thánh Mẫu

Mẫu Liễu được tôn là một trong bốn vị thần bất tử, thay chỗ cho cả Từ Đạo Hạnh hay Nguyễn Minh Không. Tuy vậy, 3 lần giáng sinh của bà thực ra không có gì đáng kể về công tích. Lần thứ nhất bà giáng sinh ở Vi Nhuế (Vụ Bản, Nam Định) trong một gia đình giàu có họ Phạm. Trong lần giáng sinh đầu này bà là người rất có hiếu với cha mẹ, không lấy chồng, giúp đỡ nhân dân xây đường, đắp cầu, dựng chùa. Bà có tiếng tăm tốt (hiếu, trinh, từ) nên khi mất được người dân tôn làm phúc thần.

Lần giáng sinh thứ hai của Liễu Hạnh ở Vân Cát (Vụ Bản, Nam Định) vào nhà họ Lê, kết duyên với chồng họ Trần, sinh 2 con rồi hóa sớm năm 20 tuổi. Lần thứ ba bà giáng sinh ở Thanh Hóa, lấy chồng là kiếp sau của ông Trần Đào là Mai Thanh Lâm, sinh được 1 con trai, rồi cũng hóa sớm.

Nhân Tết Trùng cửu, bàn về các vị thần bất tử nước Nam (bài 3): Cấp độ bất tử thứ tư - Ảnh 8.

Thủy đình ở phủ Vân Cát tại Vụ Bản, Nam Định.

Sự kỳ lạ của câu chuyện Liễu Hạnh công chúa thực sự nằm ở các diễn biến sau đó. Ghi chép của tác giả Nguyễn Văn Huyên về hành tích của Mẫu Liễu trong cuốn Sự thờ cúng các thần tiên ở Việt Nam:

… Khi mãn hạn đi đầy, nàng chết. Nhưng thay vì trở về thiên đình nàng ở lại trên trái đất, khi thì dưới dạng một người đàn bà đi đường hoặc bán hàng, khi thì là một cô hàng nước để khiêu khích tình dục của người trần. Tất cả những ai làm trái ý nằng đều bị nàng làm cho chết. Hơn nữa, để thỏa cơn giận, nàng còn giết hại cả súc vật, gây nên sự kinh hoàng trong nhân dân vùng Sơn Nam. Để nàng nguôi giận tại nhiều làng người ta phải lập đền thờ nàng. Sau đó nàng đến tỉnh Thanh Hóa. Nàng đến bất cứ đâu thì ở đó súc vật chết hàng loạt và các vị thần thành hoàng đều lánh xa, để tránh nàng.

Tới vùng Sùng Sơn, thấy phong cảnh ngoạn mục, nàng quyết định ở lại đấy. Ngay đêm hôm đó, nàng báo mộng cho các vị chức sắc trong làng, ra lệnh cho họ phải xây cất ngay những ngôi đền để thờ nàng, nếu không thì chết chóc sẽ tàn phá cả vùng.

Từ khi đó, trong năm ngày liền, dân làng chết hàng loạt. Vì vậy người ta quyết định theo lời chỉ dẫn trong mộng, xây cất những ngôi đền tại Sùng Sơn để thờ nàng.

Gạt bỏ đi những quan niệm nhìn nhận về Mẫu Liễu từ các khía cạnh khác nhau, những ghi chép trên cho thấy Mẫu Liễu đã hành động rất tích cực không phải chỉ vì tính ngang tàng, phá phách. Mục đích chính của những hành động này được nói rất rõ khi hiển mộng: “Ra lệnh cho họ phải xây cất ngay những ngôi đền để thờ nàng”. Đây mới là động cơ chính cho sự tung hoành của Chúa Liễu. Mục tiêu chính mà bà yêu cầu là phải đưa các nữ thần vào trong thần điện phụng dưỡng thờ cúng. Đòi hỏi sự chia sẻ “thần quyền” cho phái nữ này sẽ dễ dàng hiểu được nếu biết bối cảnh về tín ngưỡng Tam phủ lúc đó.

Các di tích đền Tam phủ còn lại tới nay cho thấy trước khi Thánh mẫu Liễu Hạnh xuất hiện, tín ngưỡng Tam phủ gồm Thiên phủ, Địa phủ và Thủy phủ với 3 vị thần chủ là: Ngọc Hoàng thượng đế, Diêm La thiên tử và Long Vương Bát Hải. Ở thời gian này các phủ chưa hề có mặt các nữ thần với vai trò thần chủ như trong hệ thống Tứ phủ hiện nay. Việc đưa các nữ thần vào Tứ phủ thành các Mẫu, sánh ngang cùng với với các vị vua cha chính là công lao của mẫu Liễu Hạnh.

Chúa Liễu đã phải giáng sinh 3 lần, rồi khổ công đi Bắc (Lạng Sơn biên giới phía Bắc) vào Nam (tới Đèo Ngang, tức là biên giới phía Nam của nước ta thời đó) để “vận động hành lang” nhằm nâng cao vai trò của thần nữ trong Việt điện. Cuối cùng Chúa cũng phải ra mặt, yêu cầu gắt gao ở Sòng Sơn, dẫn đến cuộc đại chiến với các nam thần của Nội Đạo Tràng.

Đi sâu vào lai lịch của ba vị quan thánh đã đối đầu với Chúa Liễu trong trận chiến Sòng Sơn ta sẽ hiểu hơn, đây thực chất là cuộc đấu tranh của các tín đồ Tam phủ thờ nam thần chống lại đòi hỏi vị trí cho các nữ thần trong các phủ. Ba vị quan thánh là các con đầu của Thượng sư họ Trần có tên Nhật Quang, Nguyệt Quang và Ngọc Quang. Đây là khái niệm về Tam tài gồm Thiên (Nhật - Dương), Địa (Nguyệt - Âm) và Nhân (Ngọc). Sau này 3 vị quan thánh cũng được phân chia cai quản Tam phủ gồm Thiên đình, Trái đất và Người trần.

Nói cách khác, ba vị quan thánh là đại diện cho tín ngưỡng Tam phủ thờ nam thần khi đó. Chữ “Nội đạo” liệu có phải hiểu nghĩa là đạo Cha, đạo thờ nam thần, đối lập với “đạo Mẫu” do Chúa Liễu khởi xướng (“Ngoại đạo”, đạo bên ngoại)?

Khả năng hóa sinh nhiều lần và trong một ngôi gồm cả thánh thần tiên Phật thấy rõ ở thánh mẫu Liễu Hạnh. Câu đối ở lăng mộ Liễu Hạnh tại Vụ Bản (Nam Định) nói về khả năng hóa sinh, chuyển thể của thánh:

Năm trăm năm lẻ thần hóa cũ

Ba lần chuyển thế thánh là tiên.

Phép thuật cụ thể của Mẫu Liễu là gì thì truyền tích không đề cập đến. Có thể thấy khả năng của Mẫu Liễu hạn chế hơn nhiều so với Huyền Thiên Đổng Thiên Vương. So về năng lực và thời gian xuất hiện (thời Lê) thì Liễu Hạnh xếp thứ tư trong Tứ bất tử là đúng, cho dù Liễu Hạnh là Mẫu chủ của Địa phủ trong đạo Tứ phủ.

Nhân Tết Trùng cửu, bàn về các vị thần bất tử nước Nam (bài 3): Cấp độ bất tử thứ tư - Ảnh 9.

Nghi môn Nguyệt Du cung (Phủ Bóng) ở Phủ Giầy.

Nhân Tết Trùng cửu, bàn về các vị thần bất tử nước Nam (bài 3): Cấp độ bất tử thứ tư - Ảnh 10.

Đền Phố Cát, Thạch Thành, Thanh Hóa.

Tứ bất tử là 4 cấp độ tu tiên đạo, đánh dấu những mốc trong quá trình hình thành và phát triển Đạo thần tiên ở nước Nam. Thứ tự của Tứ bất tử được sắp xếp như sau:

- Đứng đầu là Tản Viên Sơn Thánh, người có gậy thần sách ước, là Hà thư Lạc đồ, những kiến thức khoa học thời sơ khai. Tản Viên là người đã tập hợp các bộ tộc Việt chiến thắng thiên tai trong thời kỳ dựng nước.

- Thứ hai là Chử Đạo Tổ, cũng là người nắm được thuật Âm dương, có bảo bối là gậy nón, có khả năng cải tử hoàn sinh. Truyền thuyết Chử Đồng Tử là cách kể khác của chuyện Hậu Nghệ thời nhà Hạ.

- Xếp hàng thứ ba là có Phù Đổng Thiên Vương và Huyền Thiên Lão Tử. Phù Đổng Thiên Vương với các thần khí là ngựa sắt, nón sắt, roi sắt, áo giáp hoa lau, đã lập nên kỳ tích phong bách thần ở núi Vệ Linh. Huyền Thiên Lão Tử là giáo chủ Đạo giáo, là thầy thuốc cứu dân độ thế, có khả năng trường sinh bất lão, có thể trừ yêu dẹp quỷ, trấn quy xà. Lão Tử là người đã giúp vua Chủ An Dương Vương xây thành Cổ Loa vào đầu thời Đông Chu.

- Ở hàng thứ tư gồm các vị thiền sư Không Lộ, Từ Đạo Hạnh và muộn nhất là thánh mẫu Liễu Hạnh. Thánh mẫu người sáng lập ra Đạo Mẫu Tứ phủ, có khả năng tái sinh nhiều lần, đắc đạo thánh thần tiên phật, nổi danh hiếu trinh từ ở thời Lê.



Bình luận của bạn

Bình luận