Nhân Tết Trùng cửu, bàn về các vị thần bất tử nước Nam (bài 2)

Minh Xuân
06:20 - 29/09/2022
Công dân & Khuyến học trên

Vị trí thứ ba trong Tứ bất tử theo quan niệm hiện tại là Thánh Dóng. Tuy nhiên, khi xét quan niệm về thần “bất tử” là những vị thần có phép màu nhiệm, có sinh hóa, liên quan đến đạo thần tiên (Đạo Giáo) thì có thể còn có một vị thần khác cùng ở vị trí bất tử thứ ba này. Đó là Đổng Thiên Vương.

Nhân Tết Trùng cửu, bàn về các vị thần bất tử nước Nam (bài 2): Cấp độ bất tử thứ ba - Ảnh 1.

Tranh vẽ Tứ bất tử.

Thánh Dóng cởi nhung y thành tiên ở núi Vệ Linh

Thánh Dóng không chỉ là một vị tướng đã đánh bại giặc Ân, mà còn là một tiên nhân, như được thể hiện trong bức tranh dân gian vẽ Tứ bất tử. Phép tiên thánh của Thánh Dóng có thể thấy qua những “thần khí” của ngài.

Được biết nhiều nhất là con ngựa sắt của Thánh Dóng. Ngoài chuyện con ngựa thần kỳ này phun ra lửa diệt giặc thì chi tiết ít người chú ý là Thánh Dóng đã cưỡi ngựa sắt mà bay về trời. So với việc Tản Viên Sơn Thánh bay lên trời ở núi Ba Vì hay Chử Đồng Tử một đêm về trời ở đầm Dạ Trạch thì việc hóa bất tử thành tiên của Thánh Dóng có phần thấp hơn một bậc, phải nhờ đến thần thú ngựa sắt mới có thể bay lên được.

Nhân Tết Trùng cửu, bàn về các vị thần bất tử nước Nam (bài 2): Cấp độ bất tử thứ ba - Ảnh 2.

Voi và hoa tre trong lễ hội đền Sóc.

Thần khí thứ hai của Thánh Dóng là cây roi sắt, nguyên văn chữ Nho là “thiết tiên”. Cây roi này có thể đánh chết cả Thạch Linh thần tướng của nhà Ân, nên chính xác tên nó được gọi là “Roi đánh thần”. So với cây gậy đầu sinh đầu tử của Chử Đồng Tử hay Tản Viên Sơn Thánh thì Roi sắt chỉ có 1 đầu tử để đánh thần, chứ không có khả năng cải tử hoàn sinh. Cũng vì chỉ có 1 đầu sử dụng nên nó mới được gọi là roi, chứ không phải gậy. Chiếc roi này còn bị rơi hoặc gãy mất trong khi đánh nhau với giặc Ân, tức là không phải vật toàn năng như cây gậy thần của Tản Viên Sơn Thánh hay Chử Đồng Tử.

Nhân Tết Trùng cửu, bàn về các vị thần bất tử nước Nam (bài 2): Cấp độ bất tử thứ ba - Ảnh 3.

Đền Thượng Sóc Sơn.

Nhân Tết Trùng cửu, bàn về các vị thần bất tử nước Nam (bài 2): Cấp độ bất tử thứ ba - Ảnh 4.

Đền Thượng Sóc Sơn.

Nếu Tản Viên Sơn Thánh có sách ước, Chử Đồng Tử có nón thần, còn Thánh Dóng lại có nón sắt làm thần khí. Nón sắt như vậy tương đương với cuốn Thiên thư của Tản Viên Sơn Thánh, ở đây hàm ý là trí tuệ (nón đội trên đầu). 

Chiếc áo ra trận giáp của Thánh Dóng không phải là áo giáp sắt, mà lại là áo hoa lau. Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả kể: “Đổng Thiết cười vang một tiếng, duỗi tay vươn vai, tiếng vang như sấm, ánh mắt loé sáng như chớp, thân mình cao hơn 18 thước. Vì chưa kịp may quần áo nên sai 10 vạn quân đi bẻ hoa lau đem về kết thành đồ mặc”. Rồi sau khi thắng giặc, “đến núi Sóc xã Vệ Linh huyện Kim Hoa, Thần vương cởi bỏ bộ áo hoa lau, cưỡi ngựa bay lên không mà bay đi. Nay nơi ấy vẫn còn dấu chân ngựa in trên lèn đá”.

Nhân Tết Trùng cửu, bàn về các vị thần bất tử nước Nam (bài 2): Cấp độ bất tử thứ ba - Ảnh 5.

Hòn đá nứt ở lưng núi Vệ Linh. Tương truyền là áo giáp của Phù Đổng Thiên Vương
để lại trước khi bay lên trời.

Áo hoa lau nhưng lại là vật hộ thân thần kỳ, không mũi tên hay gươm đao nào có thể xâm nhập được. Những bông hoa lau từ chiếc áo thần này khi Thánh Dóng thoát nhung y ở núi Sóc vẫn còn được tái hiện qua những hoa tre màu vàng, màu đỏ dùng trong lễ hội đền Sóc hàng năm. Màu vàng là màu trung tâm của Ngũ hành, nên những bông hoa lau như những chiếc cờ “Hành hoàng kỳ” hay “Ngũ hành kỳ” tỏa ra che chở cho Thần vương. Ngay cái tên địa danh Kim Hoa của vùng núi Sóc Sơn cũng chính là nhắc tới chiếc áo giáp hoa lau thần kỳ này.

Nhân Tết Trùng cửu, bàn về các vị thần bất tử nước Nam (bài 2): Cấp độ bất tử thứ ba - Ảnh 6.

Tiền tế đền Phù Đổng.

Núi Sóc còn có tên Vệ Linh, mang hàm nghĩa một nơi linh thiêng. Linh thiêng không chỉ vì đó là nơi Thánh Dóng cưỡi ngựa sắt về trời, mà bởi đó còn là nơi Thánh Dóng đăng đàn trảm tướng phong thần sau chiến thắng. Trong lễ hội đền Sóc vào mồng 6/8 tháng Giêng hàng năm, thôn Yên Tràng ở chân núi Vệ Linh còn có tục diễn cảnh chém 3 tướng Ân của Phù Đổng trước khi bay về trời. Đỉnh Đá Chồng trên núi Vệ Linh với dấu chân ngựa in trên đá là đàn tế phong thần của Phù Đổng Thiên Vương năm xưa.

Nhân Tết Trùng cửu, bàn về các vị thần bất tử nước Nam (bài 2): Cấp độ bất tử thứ ba - Ảnh 7.

Hoành phi Bách thần nguyên tự đền Phù Đổng.

Đền Phù Đổng và đền Sóc đều có bức hoành phi đề “Bách thần nguyên tự”, cho biết việc thờ cúng bách thần khởi nguyên từ Phù Đổng Thiên vương. Câu đối ở đền Phù Đổng:

Vạn cổ trường xuân, chiếm liễu trung ương khoa thắng địa

Bách thần nguyên tự, nguy nhiên thượng đẳng đối cao thiên.

Dịch:

Muôn thuở mãi xuân, chiếm giữa trung tâm vùng đất lớn

Trăm thần thờ gốc, sừng sững thượng đẳng sánh trời cao.

Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả chép về vua Hùng: “Bấy giờ vua truy ơn các bậc thánh trước, bèn thực hiện việc chia đất phân cõi, lập các bộ Sơn tinh Thuỷ tinh, định làm các tộc, đổi làm trăm họ, đặt ra chức vụ trăm quan, phong tên cho trăm thần”. Tín ngưỡng thờ bách thần của thiên hạ Bách Việt được bắt đầu từ sau chiến thắng nhà Ân Thương và lễ tế phong bách thần của Thánh Dóng cho các tướng sĩ của cả 2 bên tử trận trong cuộc chiến lập quốc Văn Lang.

Huyền Thiên Lão Tử trừ yêu quỷ thành Cổ Loa

Phù Đổng là từ phiên thiết của chữ Phổng hay Bổng, chỉ Thánh Dóng. Còn Đổng Thiên Vương lại là Huyền Thiên Đại Thánh. Đền thờ Huyền Thiên Đổng Thiên Vương nằm ở làng Bộ Đầu (xã Thống Nhất, Thường Tín, Hà Nội). Thần phả ở đền Bộ Đầu có tên “Bộ Đầu linh từ sự tích Đổng Sóc Thiên Vương Huyền Thiên Đại Thánh Thành hoàng nhất vị”. Các sách cũ đều cho rằng đền này thờ Huyền Thiên Đại Thánh. Bản thân đền được gọi là đền Quán Thánh. 

Nhân Tết Trùng cửu, bàn về các vị thần bất tử nước Nam (bài 2): Cấp độ bất tử thứ ba - Ảnh 8.

Chùa Bà Đanh, Kim Bảng, Hà Nam.

Theo sự tích ở Huyền Thiên quán tại làng Ngọc Trì (xã Thạch Bàn, Gia Lâm, Hà Nội) thì Huyền Thiên nhiều lần giáng sinh, tu hành, từ đó có phép thuật trấn yêu ma các động. Còn Huyền Thiên ở đền Sái (Thụy Lôi, Đông Anh) là người đã giúp Thục An Dương Vương xây thành Cổ Loa. Huyền Thiên còn là vị thần được thờ tại Trấn Vũ quán ở Hồ Tây (Hà Nội). Ở những nơi này tượng thờ Huyền Thiên đều được làm dưới hình dạng một người cao lớn, tay bắt quyết và dẫn dụ rắn rùa. 

Nhân Tết Trùng cửu, bàn về các vị thần bất tử nước Nam (bài 2): Cấp độ bất tử thứ ba - Ảnh 9.

Đổng Thiên Vương ở đền Bộ Đầu, Thường Tín.

Huyền Thiên không ai khác chính là Lão Tử, vì Huyền Thiên hay Huyền Nguyên là tên sắc phong của nhà Đường cho Lão Tử. Lão Tử, vị giáo chủ Đạo giáo, có khả năng giáng sinh nhiều kiếp, có phép màu trấn yểm yêu quỷ, điều khiển rắn rùa, nên Huyền Thiên Đổng Thiên Vương là một thần bất tử hoàn toàn hợp lý. Lão Tử hiện còn được thờ làm thành hoàng ở đình Thổ Hà (xã Vân Hà, Việt Yên, Bắc Giang), với công trạng giống như của Huyền Thiên tại đền Sái là đã cử Rùa vàng đến giúp An Dương Vương thời Đông Chu diệt trừ yêu quỷ khi xây thành Cổ Loa.

Nhân Tết Trùng cửu, bàn về các vị thần bất tử nước Nam (bài 2): Cấp độ bất tử thứ ba - Ảnh 10.

Tượng Huyền Thiên Trấn Vũ ở đền Ngọc Trì, Gia Lâm.

Câu đối ở đình Thổ Hà:

Đông Chu phong vũ thị hà thì, biệt bả thanh hư khai đạo Giáo

Nam Việt sơn hà duy thử địa, độc truyền ảo hóa tác thần tiên.

Dịch:

Mưa gió Đông Chu đây một thời, riêng tay nắm chốn thanh hư, khai mở đạo Giáo

Núi sông Nam Việt chỉ đất đó, một mình truyền phép màu nhiệm, tạo tác thần tiên.

Theo thần tích của xã Phù Đạm (Phủ Lý, Hà Nam) thì “Thái Thượng Lão Quân, hiệu là Lý Bá Hoành, tự là Lão Đam, húy là Thái Ông. Ngài giáng sinh đầu thai ở thôn Kim Chân, xã Thúc Lực… Ngài vốn tính thông minh, thông hiểu thiên văn địa lý. Ngài đem đạo phù thủy truyền bá cho nhân dân. Ngài đến xã Phù Khê (tức Phù Đạm) thấy nhân dân trong xã bị dịch chết quá nửa. Ngài bèn đóng giả một cụ già viết 1 đạo bùa thổi vào trong xã, bao nhiêu người bị bệnh trong xã đều khỏi…”

Nhân Tết Trùng cửu, bàn về các vị thần bất tử nước Nam (bài 2): Cấp độ bất tử thứ ba - Ảnh 11.

Đình Phù Vân ở Phủ Lý, Hà Nam, nhìn từ bên ngoài.

Nhân Tết Trùng cửu, bàn về các vị thần bất tử nước Nam (bài 2): Cấp độ bất tử thứ ba - Ảnh 12.

Đình Phù Vân ở Phủ Lý, Hà Nam.

Thôn Phù Vân của xã Phù Đạm xưa, nay thuộc thành phố Phủ Lý. Đình Phù Vân vẫn còn lưu giữ được tục thờ Thái Thượng Lão Quân ở đây. Theo thần tích trên Thái Thượng Lão Quân chính là Lão Tử, vị tổ sư của Đạo Giáo. Lão Tử giáng sinh ở ngay khu vực Hà Nam của nước ta, từng chữa dịch bệnh cho nhân dân trong vùng. Đó là lý do tại sao khu vực Hà Nam lại thờ Thái Thượng Lão Quân như ở chùa Bà Đanh (Kim Bảng, Hà Nam). Các di tích và truyền tích ở Hà Nam là minh chứng về quê hương bản quán của Lão Tử ở Việt Nam, ngay trên đất Hà Nam.

Nhân Tết Trùng cửu, bàn về các vị thần bất tử nước Nam (bài 2): Cấp độ bất tử thứ ba - Ảnh 13.

Bài vị Thái Thượng Lão Quân ở đình Phù Vân.

Có thể thấy phép thuật của Huyền Thiên Lão Tử - Đổng Thiên Vương hạn chế hơn so với Chử Đạo Tổ. Trong khi Chử Đồng Tử có thể cải tử hoàn sinh, tham dự vào huyền cơ thiên địa, thì phép thuật của Đổng Thiên Vương là ở khả năng chữa bệnh dịch, diệt yêu trừ quỷ, chỉ hóa sinh chứ không cải tử hoàn sinh. Vì thế Đổng Thiên Vương được xếp ở cấp độ thứ ba trong Tứ bất tử, sau Tản Viên Sơn Thánh và Chử Đạo Tổ.

(Còn nữa)