Nhà thơ Hữu Thỉnh: “Nhà Ký ức là sáng kiến rất hay của Ngày Thơ Việt Nam”

Đắc Quang
16:00 - 05/02/2023
Công dân & Khuyến học trên

Tham quan Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 21, nhà thơ Hữu Thỉnh ấn tượng với Nhà Ký ức, nơi trưng bày các hiện vật đặc biệt của các nhà thơ tên tuổi qua nhiều thời kỳ của văn học Việt Nam do Bảo tàng Văn học Việt Nam cung cấp.

Sau 3 năm bị gián đoạn vì đại dịch COVID-19, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 21 ngày 5/2/2023 (tức Rằm tháng Giêng năm Quý Mão). 

Nhà thơ Hữu Thỉnh: “Nhà Ký ức là sáng kiến rất hay của Ngày Thơ Việt Nam” - Ảnh 1.

Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 21 được tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội).

Đây là lần đầu tiên Ngày Thơ Việt Nam được tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) thay vì Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám như những năm trước.

Với chủ đề "Nhịp điệu mới", Ngày Thơ năm nay mang thông điệp hướng tới tương lai tràn đầy hy vọng về những điều tốt đẹp khi cuộc sống bình thường mới trở lại với nhịp điệu, khí thế và niềm tin mới cùng sự phục hồi mọi mặt đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội.

Đường thơ trưng bày những câu hay của nền thi ca Việt Nam.

Qua Cổng thơ, khán giả sẽ dạo bước trên Ðường thơ để thưởng lãm 100 câu thơ hay của thi ca Việt Nam.

Cuối Ðường thơ, khán giả sẽ đến Nhà ký ức, nơi trưng bày các hiện vật đặc biệt của các nhà thơ tên tuổi qua nhiều thời kỳ do Bảo tàng Văn học Việt Nam cung cấp.

Tại đây, công chúng sẽ được gặp lại hình ảnh của các nhà thơ nổi tiếng giai đoạn Thơ Mới đến thơ kháng chiến chống Pháp như: Chế Lan Viên, Huy Cận, Xuân Diệu, Nguyễn Ðình Thi, Hoàng Cầm,...

Tượng của một số nhà thơ được trưng bày tại Nhà ký ức.

Tham gia ngày hội, Nhà thơ Hữu Thỉnh xúc động khi những kỷ vật của các nhà thơ gạo cội được đến gần hơn với công chúng.

"Nhà ký ức là sáng kiến rất hay của Ngày Thơ Việt Nam năm nay. Ở đây, mỗi kỷ vật đều có tiếng nói riêng, giúp công chúng hiểu hơn quá trình sáng tác của các nhà thơ. 

Nhà thơ Hữu Thỉnh: “Nhà Ký ức là sáng kiến rất hay của Ngày Thơ Việt Nam” - Ảnh 4.

Nhà thơ Hữu Thỉnh xúc động khi những kỷ vật của các nhà thơ gạo cội được đến gần hơn với công chúng.

Bằng thi ca, các tác giả đã ký thác cảm xúc của mình trong quá trình dấn thân vào những cuộc chiến lớn của dân tộc. Với truyền thống tốt đẹp của thơ ca Việt Nam trong quá khứ, nhất định chúng ta sẽ có mùa gặt mới với nhiều tác phẩm hay", Nhà thơ Hữu Thỉnh chia sẻ.

Tại ngày hội, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thị Phương Lan cảm thấy vui mừng vì đông đảo người dân tham gia hào hứng.

Người dân hào hứng về nhũng kỷ vật của các nhà thơ được trưng bày tại Nhà ký ức. 

"Đến đây, tôi thấy một không gian mới, phong cách mới, tinh thần mới. Nhà ký ức là điểm nhấn quan trọng của Ngày Thơ Việt Nam năm nay. 

Chúng ta chỉ có thể có những bước đi mới trên nền vững trãi của nhịp điệu truyền thống. Mọi người hào hứng tham gia chương trình. Điều đó cho thấy thơ ca vẫn luôn có vi trí quan trọng trong lòng công chúng", Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thị Phương Lan cảm nhận.

Nhà thơ Hữu Thỉnh: “Nhà Ký ức là sáng kiến rất hay của Ngày Thơ Việt Nam” - Ảnh 6.

Nhà thơ Ngô Minh Lý, nguyên Phó Chủ nhiệm CLB Thơ Truyền thống Hán Nôm Việt Nam

Nhà thơ Ngô Minh Lý, nguyên Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thơ Truyền thống Hán Nôm Việt Nam cảm thấy ngỡ ngàng về việc ngày thơ năm nay được tổ chức ở Hoàng thành Thăng Long. 

"Tôi thấy không khí rất trang trọng, gợi cho những người yêu thơ, những tác giả về lịch sử thơ ca Việt Nam. Tình yêu thơ giúp mọi người gắn với nhau. Ngày Thơ Việt Nam là dịp để khách thập phương đến chia sẻ, cùng thưởng thức những vần thơ của các tiền bối", nhà thơ Ngô Minh Lý bộc bạch.

Cùng bạn tham gia ngày hội, Nguyễn Thị Phượng, sinh viên khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội bồi hồi khi được gặp hình ảnh và kỷ vật của các nhà thơ đã xuất hiện trong sách giáo khoa.

Nhà thơ Hữu Thỉnh: “Nhà Ký ức là sáng kiến rất hay của Ngày Thơ Việt Nam” - Ảnh 7.

Nguyễn Thị Phượng, sinh viên khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cùng bạn tham gia Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 21.

"Lần đầu tiên được tận mắt nhìn thấy tác phẩm của các nhà thơ mình được học từ khi ngồi trên ghế nhà trường, tôi rất xúc động. Thông qua hình ảnh thực tế, đặc biệt, được tiếp xúc với những cô chú yêu thơ, tôi được tiếp thêm tình yêu với văn học, nghệ thuật Việt Nam", Nguyễn Thị Phượng tâm sự.

Bên cạnh Nhà ký ức, Ngày Thơ Việt Nam còn tổ chức Quán thơ, nơi các nhà thơ nhiều thế hệ giao lưu với công chúng, đọc thơ và trò chuyện về nền thi ca Việt Nam.

Ngày Thơ Việt Nam là dịp để những người yêu thơ trao đổi, thỏa niềm đam mê.

Cùng với đó là đường sách, với khoảng 40 ki-ốt dành cho các nhà xuất bản, công ty văn hóa, phát hành sách; công chúng tham quan và mua các tác phẩm văn học, các tuyển tập thi ca cổ điển và đương đại.

Tọa đàm "Thơ hiện nay với hôm nay", với sự tham gia của các nhà thơ nhiều thế hệ, thảo luận và làm rõ những vấn đề quan trọng của thi ca đương đại.

Nhà thơ Hữu Thỉnh: “Nhà Ký ức là sáng kiến rất hay của Ngày Thơ Việt Nam” - Ảnh 9.

Nhà ký ức tái hiện quá trình sáng tác, các tác phẩm lớn của nhiều nhà thơ của Việt Nam qua các thời kỳ.

Từ 19 giờ đến 21 giờ ngày 5/2 là chương trình nghệ thuật chính của Ngày Thơ, diễn ra tại sân khấu trung tâm trước cổng Ðoan Môn, Hoàng thành Thăng Long.

Tại đây, sẽ có 21 bài thơ/tác giả thơ xuất hiện trong chương trình, tương đương với con số Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21.

Nhà thơ Hữu Thỉnh: “Nhà Ký ức là sáng kiến rất hay của Ngày Thơ Việt Nam” - Ảnh 10.

Một số tư liệu được trưng bày tại Nhà ký ức.

Nhận định về Ngày Thơ Việt Nam năm nay, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cho biết, sự kiện lần này đánh dấu sự đổi mới, đột phá có tính chuyên nghiệp hơn bởi đã có sự đồng hành của ê-kíp chuyên nghiệp và nhiều tâm huyết. 

Các chương trình hòa quyện giữa trình diễn thơ, âm nhạc, hội họa và thơ tạo thành những cung bậc để lan tỏa thơ ca đến với mọi người. Không chỉ là người yêu thơ mà cả người chưa yêu thơ, chưa hiểu thơ, khi bước chân đến Cõi thơ cũng hiểu hơn về thơ, yêu thơ hơn.

Bình luận của bạn

Bình luận