Sống đạo đức, tích phúc là ý nghĩa giáo dục sâu sắc nhất của việc ban ấn đền Trần

Ngọc Ánh
16:03 - 04/02/2023
Công dân & Khuyến học trên

Bản chất của bốn chữ "Tích phúc vô cương" trên ấn là nhà Trần ban cho con cháu cái phúc, dạy con cháu, bách gia trăm họ phải biết giữ gìn phẩm chất đạo đức, tích phúc thật tốt.

Sau ba nǎm phải tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch COVID-19, năm 2023, Lễ hội khai ấn đền Trần (Nam Định) được tổ chức trở lại, từ ngày 1/2 đến ngày 6/2 (tức từ ngày 11 đến ngày 16 tháng Giêng).

Điểm nhấn chính của lễ hội này như thường lệ vẫn là Nghi lễ khai ấn được tổ chức vào giờ Tý đêm 14 rạng sáng ngày 15 tháng Giêng, nhằm nhắc nhở về công lao Trần tổ, về võ công, văn nghiệp của triều Trần và cũng như một thông điệp tuyên cáo kết thúc "kỳ nghỉ Tết" để mọi người chính thức bắt đầu một năm mới làm việc chuyên cần.

Năm nay, ấn sẽ được phát từ 5 giờ ngày 5/2 (tức ngày 15 tháng Giêng) tại 4 điểm gồm 3 điểm ở nhà Giải Vũ và 1 điểm ở Nhà trưng bày Đền Trùng Hoa.

Mặc dù đã tồn tại từ lâu đời nhưng ý nghĩa thực sự của nghi lễ này vẫn chưa được hiểu đúng. Không phải ai xin ấn đền Trần cũng nắm được nội dung và ý nghĩa của việc ban ấn.

Sống đạo đức, tích phúc là ý nghĩa giáo dục sâu sắc nhất của việc ban ấn đền Trần - Ảnh 1.

Ấn đền Trần. Ảnh: Ngọc Ánh

"Tích phúc vô cương" - với mong muốn tích dày phúc đức cho đời sau

Ấn xưa từ triều Trần không còn, trong năm ở ngôi thứ 3 (1822), vua Minh Mạng cho làm ấn mới để phục hồi tích xưa.

Ấn mới được đóng, ghi rõ bốn chữ thể triện "Trần miếu tự điển" - nhắc lại điển xưa tại miếu nhà Trần, có thêm bốn chữ "Tích phúc vô cương" - mang ý cầu mong sự tích dày phúc đức cho đời sau.

Tuy vậy, không ít người lầm tưởng rằng, xin ấn có thể cầu thăng quan, tiến chức, tiến tài tiến lộc.

Bản chất của bốn chữ "Tích phúc vô cương" trên ấn là nhà Trần ban cho con cháu cái phúc, dạy con cháu, bách gia trăm họ phải biết giữ gìn phẩm chất đạo đức, tích phúc thật tốt. Phúc đức càng dày thì được hưởng lộc càng bền vững. Đấy là ý nghĩa giáo dục sâu sắc nhất của việc ban ấn.

Cách treo ấn đền Trần

Ấn đền Trần có thể đóng trong khung, treo lên vị trí trang trọng trong nhà hoặc nơi làm việc, đặt tại cơ quan hay phòng làm việc ở nhà. Treo ấn sao cho mình có thể nhìn thấy ấn thường xuyên, ấn hướng vào mình, hướng vào tủ sách, hoặc có thể hướng ra cửa.

Không nên treo ấn hướng vào nhà vệ sinh, dán trên tường nhà vệ sinh. Không gấp để trên bàn, càng không nên gấp để trong ví.

Nguồn: Tổng hợp