Người chỉ huy con thuyền mở "Đường Hồ Chí Minh trên biển"

Nguyễn Năng Lực

Nguyễn Năng Lực

09:17 - 30/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Một ngày cuối tháng 3/1946, từ Cồn Lợi (xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre), một con thuyền gỗ chèo tay, một cột buồm, hình dáng như con thuyền đánh cá của ngư dân trong vùng giương buồm ra khơi tiến thẳng ra vùng biển quốc tế trên Biển Đông xa thẳm.

Người chỉ huy con thuyền mở "Đường Hồ Chí Minh trên biển" - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Định, Phó Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam. Ảnh: TL

Trên thuyền có 4 người, thuyền trưởng là một người phụ nữ

Đó là đoàn đại biểu Quân - Dân - Chính tỉnh Bến Tre trong chuyến công tác bí mật ra Bắc gặp Trung ương báo cáo tình hình và xin chi viện vũ khí cho miền Nam đánh giặc.

Lúc đó, tình hình cách mạng trong nước rất khó khăn.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hồ Chủ tịch đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hai mươi ngày sau, ngày 23-9-1945, thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm Sài Gòn - Gia Định. Cuộc kháng chiến của quân dân Nam bộ bắt đầu

Với danh nghĩa là lực lượng Đồng Minh vào "giải giáp quân đội Nhật", 200.000 quân Tưởng Giới Thạch vượt biên giới kéo vào miền Bắc, song mưu đồ thật sự của họ là lật đổ chính quyền non trẻ của nước ta.

Ở phía Nam, gần 100.000 quân Anh cũng đổ bộ vào "giải giáp quân Nhật". Nguy hiểm hơn, quân Anh đã cấu kết với thực dân Pháp tấn công tái chiếm miền Nam.

Tình thế cách mạng Việt Nam "lửa cháy hai đầu".

Ngày 26-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư "Gửi đồng bào Nam Bộ" khẳng định cuộc đấu tranh đánh đuổi thực dân Pháp là chính nghĩa, nhân dân cả nước đoàn kết một lòng thì cuộc kháng chiến giữ nước nhất định thắng lợi.

Ngày 25/11/1945 Trung ương Đảng ra Chỉ thị "Kháng chiến kiến quốc". Các tỉnh Bắc bộ, Trung bộ thành lập các trung đoàn chủ lực, lên đường "Nam tiến" chi viện cho chiến trường miền Nam. Thế nhưng, sau khi vượt qua cực Nam Trung bộ, các đơn vị Nam tiến chỉ tiếp cận được các tỉnh miền Đông Nam bộ và ngoại vi Sài Gòn, chưa chi viện được cho các tỉnh miền Tây Nam bộ.

Tình thế chiến sự Khu 8 những tháng cuối năm 1945 trở nên gay go, ác liệt, bất lợi cho cách mạng. Sau khi mặt trận phía Nam Sài Gòn vỡ, quân Pháp tiến chiếm các tỉnh Mỹ Tho, Gò Công. Lực lượng bộ đội các địa phương mới hình thành, vũ khí thô sơ phải chiến đấu với hải quân, không quân, xe tăng, pháo binh, lục quân hiện đại của địch.

Các đơn vị Cộng hòa Vệ binh Nam bộ, bộ đội Gò Công, bộ đội Bình Xuyên… rút dần về các xã huyện Giồng Trôm và cuối cùng về căn cứ tại huyện Thạnh Phú. Ngày 8-2-1946, thực dân Pháp tiến đánh thị xã Bến Tre. Tỉnh cù lao Bến Tre là địa phương cuối cùng của các tỉnh Nam bộ bị địch chiếm đóng. Tỉnh ủy Bến Tre từ tháng 11-1945 đã rút vào bí mật... Thực tiễn cách mạng ở Khu 8 và chiến trường Bến Tre đặt ra một nhu cầu cấp bách, phải có vũ khí để trang bị cho bộ đội, du kích đánh Pháp.

Trước tình thế ấy, Khu uỷ Khu 8 và Tỉnh uỷ Bến Tre quyết định cử một đoàn đại biểu Quân - Dân - Chính Khu 8 vượt biển ra gặp Trung ương báo cáo tình hình và xin chi viện vũ khí.

 Nhiệm vụ khó khăn đó được giao cho đồng chí Nguyễn Thị Định, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Phụ nữ Cứu quốc tỉnh Bến Tre. Lúc ấy, chị Ba Định mới 26 tuỏi.

Người nữ thuyền trưởng kiên cường

Chị Ba Định sớm giác ngộ, hoạt động cách mạng từ năm 13 tuổi, đã từng bị địch bắt tù đày, chồng bị địch sát hại, lại có kinh nghiệm đi biển. Nợ nước, thù nhà và nhiệt tình cách mạng đã tôi rèn chị Ba Định thành người cán bộ kiên cường, đầy bản lĩnh, xứng đáng với sự tin cậy lựa chọn của lãnh đạo tỉnh.

Thành phần đoàn cán bộ Quân – Dân - Chính Bến Tre ra gặp Trung ương có 4 người. Ngoài thuyền trưởng Nguyễn Thị Định, có nhà giáo Ca Văn Thỉnh, bác sỹ Trần Hữu Nghiệp.

Người thứ tư, theo báo Đồng Khởi ngày 25/9/2011, là đồng chí Đoàn Văn Trường, Tư lệnh Khu 8. Nhưng theo tài liệu gia đình do bà Trần Kiều Lan, con gái bác sỹ Trần Hữu Nghiệp cung cấp cho phóng viên Tạp chí Công dân và Khuyến học, người thứ tư là đồng chí Nguyễn Văn Khước, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre.

Người chỉ huy con thuyền mở "Đường Hồ Chí Minh trên biển" - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Định và Chủ tịch Cuba Fidel Castro. Ảnh: Tư liệu

Trên hải trình, đoàn sử dụng la bàn, xem thời tiết, hướng gió, nhìn sao ban đêm để định hướng. Con thuyền lênh đênh trên biển hai ngày thì gặp gió chướng đánh gẫy cột buồm. Sau khi hội ý, chỉ huy quyết định hướng mũi thuyền vào bờ, tìm cách bắt liên lạc với quân ta rồi đi bộ xuyên rừng núi ra Khu 5. Nơi ấy là mũi Kê Gà, tỉnh Phan Thiết đã bị Pháp chiếm đóng.

May sao, gió chuyển hướng Tây Nam, đoàn thuê được một con thuyền khác, giương buồm tiếp tục cuộc hành trình ra Bắc. Lần thứ 2, thuyền quay vào bờ đã đến vùng tự do Phú Yên. Chính quyền cách mạng địa phương tiếp đón đoàn, cử giao liên đưa đoàn ra Quảng Ngãi theo đường bộ. Tại đây, Tư lệnh Khu 5 Nguyễn Sơn đã tiếp đón, bố trí cho đoàn ra Hà Nội bằng xe lửa.

Ngày 19/5/1946, tại Thủ đô Hà Hội, đồng chí Nguyễn Thị Đinh, nhà giáo Ca Văn Thỉnh và bác sỹ Trần Hữu Nghiệp được gặp mừng sinh nhật Bác Hồ. Tại buổi gặp mặt và báo cáo tình hình, Bác Hồ đã chỉ đạo và dặn dò: "Thế nào Trung ương và Chính phủ cũng có súng gửi về Nam. Nhưng nước ta còn nghèo, các cô, các chú về, phải đánh Pháp cho giỏi, cướp lấy súng của nó dùng thì cái vốn đó mới nhiều". (Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, tập 3, NXB Chính trị Quốc gia- năm 2006, trang 217).

Trong thời gian lưu lại trên đất Bắc, nhà giáo Ca Văn Thỉnh và bác sỹ Trần Hữu Nghiệp được Trung ương giao nhiệm vụ mới. Cuối tháng 5/1946, chị Ba Định theo đường bộ vào Quảng Ngãi, nơi đặt trụ sở Ủy ban Kháng chiến miền Nam Việt Nam và Bộ Tư lệnh Khu 5. Từ đó, chị Ba nhận vũ khí chuyển về Nam trên  một con thuyền gỗ với thuỷ thủ đoàn 10 người.

Đến nay, đã có tài liệu xác định đường dây vận chuyển vũ khí Bắc - Nam trên biển giai đoạn 1946-1954 với hành trình: Thạnh Phú (Bến Tre) - Phú Yên - Quảng Ngãi - Hà Nội - Quảng Ngãi - Phú Yên - Thạnh Phú (Bến Tre).

Đồng chí Trần Bạch Đằng (năm 1946 là Ủy viên Xứ ủy Nam bộ), trong một bài nghiên cứu đã xác nhận: "Đường dây áp tải vũ khí vào Nam, lấy vùng tự do Khu 5 làm trạm trung chuyển hình thành từ năm 1946, không thể không ghi công của chị Ba Nguyễn Thị Định, là một trong những người đề xuất chủ trương và tổ chức thực hiện".

Hồi ký của Thượng tướng Trần Văn Trà viết năm 1992 nói rõ về kết quả chuyến trở về của con thuyền mang theo 12 tấn vũ khí do chị Ba Định chỉ huy . Tháng 12/1946, đồng chí Trần Văn Trà - Khu trưởng Khu 8 - là người trực tiếp nhận số vũ khí Trung ương chi viện do thuyền trưởng Nguyễn Thị Định mang về, địa điểm giao nhận số vũ khí này là bờ biển Thạnh Phú.

Người chỉ huy con thuyền mở "Đường Hồ Chí Minh trên biển" - Ảnh 3.

Con tàu không số trên Đường Hồ Chí Minh trên biển. Ảnh: TL

Con đường tiếp vận vũ khí từ Bắc vào Nam bắt đầu từ đó.

Chuyến vượt biển đầu tiên do bà Nguyễn Thị Định chỉ huy chuyên chở vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam thành công năm 1946 được coi như tiền đề cho sự hình thành Đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Sau này, Bà Nguyễn Thị Định (1920 - 1992) là Thiếu tướng, Phó Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Viẹt Nam.

Bà được Đảng và Chính phủ Cuba trao tặng Huân chương Hiron. Nhà nước Liên Xô trao tặng Giải thưởng Hòa bình Lê nin. 

Bà đã được trao Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng. 

Ngày 30/8/1995, bà được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Bình luận của bạn

Bình luận