Hoãn phiên tòa xét xử nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa

Lam Linh
17:51 - 20/07/2023
Công dân & Khuyến học trên

Ngày 20/7, Tòa án Nhân dân tỉnh Thanh Hóa mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với bị can Phạm Thị Hằng, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa cùng 11 đồng phạm về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng". Tuy nhiên, vì lý do khách quan, phiên tòa đã tạm hoãn.

Hoãn phiên tòa xét xử nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa - Ảnh 1.

Bị cáo Phạm Thị Hằng - nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hoá được áp giải đến phiên toà. Ảnh: Huy Hoàng

Lý do hoãn phiên tòa xét xử nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa

Theo kế hoạch, sáng ngày 20/7/2023, Toà án Nhân dân tỉnh Thanh Hóa sẽ xét xử sơ thẩm vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" đối với bị can Phạm Thị Hằng, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa cùng 11 đồng phạm.

Tuy nhiên sau khi mở phiên tòa, đã có 2 bị cáo vắng mặt là: Đặng Xuân Minh - Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty Thẩm định giá BTC VALUE và Nguyễn Quốc Việt - Thẩm định viên Công ty BTC VALUE.

Hai bị cáo Đặng Xuân Minh và Nguyễn Quốc Việt đang bị giam giữ ở trại giam khác, chưa hoàn thành thủ tục trích xuất về trại tạm giam Công an tỉnh Thanh Hóa để tham gia phiên tòa. Ngoài ra, một số bị hại, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan cũng vắng mặt.

Vậy nên, xét đề nghị của đại diện viện kiểm sát nhân dân giữ quyền công tố tại tòa và luật sư bào chữa cho các bị hại, Chủ tọa phiên toà là ông Hà Huy Hùng đã quyết định hoãn phiên xét xử. 

Phiên tòa sẽ được mở lại vào ngày 15/8/2023.

Như Tạp chí Công dân và Khuyến học đã đưa tin, ngày 11/7, Toà án Nhân dân tỉnh Thanh Hóa cho biết đã có lịch xét xử đối với bị can Phạm Thị Hằng, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa cùng 11 đồng phạm về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".

Theo đó, phiên tòa sẽ bắt đầu diễn ra từ ngày 20/7, tại Tòa án Nhân dân tỉnh Thanh Hóa. Chủ tọa phiên tòa là ông Hà Huy Hùng; Thẩm phán là ông Lê Quốc Thành; Hội thẩm nhân dân có các ông, bà: Lê Hữu Tới, Lê Như Hạnh, Nguyễn Thị Hương.

Điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" như sau:

1. Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu;

b) Thông thầu;

c) Gian lận trong đấu thầu;

d) Cản trở hoạt động đấu thầu;

đ) Vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu;

e) Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu;

g) Chuyển nhượng thầu trái phép.

2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:

a) Vì vụ lợi;

b) Có tổ chức;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

đ) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

3. Phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Vi phạm quy định về đấu thầu gây thiệt hại ngân sách Nhà nước hơn 20 tỉ đồng

Theo cáo trạng, năm 2020, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa triển khai 2 gói thầu mua đồ dùng dạy học lớp 1 thực hiện chương trình sách giáo khoa mới từ năm 2020-2021 cho các trường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, tổng giá trị hơn 119 tỉ đồng.

Nội dung cáo trạng nêu, bị can Phạm Thị Hằng đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu, chỉ đạo cấp dưới tạo điều kiện cho Công ty sách Thanh Hóa tham gia và trúng thầu.

Kết luận giám định tài sản cho thấy tại gói thầu số 1 giá trị thực tế là 24,9 tỉ đồng nhưng đã bị nâng khống lên 32,6 tỉ đồng (chênh lệch 7,6 tỉ đồng). Tại gói thầu số 2, giá trị thẩm định thực tế là 73,7 tỉ đồng, trong khi gói thầu thực hiện gần 87 tỉ đồng (nâng khống 13,2 tỉ đồng). Tổng giá trị 2 gói thầu bị nâng khống, gây thất thoát ngân sách Nhà nước là trên 20,8 tỉ đồng.

Bà Phạm Thị Hằng được hưởng lợi trái pháp luật 3 tỉ đồng. Nhiều bị can trong vụ án hưởng lợi hàng tỉ đồng.

Bà Phạm Thị Hằng bị Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an khởi tố và bắt tạm giam giữa tháng 7/2021, thời điểm này bà Hằng đang giữ chức Phó trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh Thanh Hóa (được điều động, luân chuyển tháng 12/2020). Bà Phạm Thị Hằng từng giữ chức Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa từ năm 2012-2020.
Bình luận của bạn

Bình luận