Nguyễn Đức Mạnh, 7 lần sống và tác nghiệp trọn vẹn với Trường Sa

img

Nguyễn Đức Mạnh là phóng viên, biên tập viên của Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh. Anh được tuyển dụng vào Đài khi và bước chân vào nghề báo, cũng là bước chân đi chuyến đi tác nghiệp đầu tiên ở Trường Sa. Như là duyên nghiệp, hầu như năm nào anh cũng trở lại những hòn đảo trong quần đảo ngoài khơi ấy, trở thành một trong những phóng viên hiếm hoi có nhiều lần tác nghiệp nhất ở Trường Sa. 

Mỗi lần từ Trường Sa về, mỗi chuyến đi dài ngày với nắng gió trên biển, Nguyễn Đức Mạnh bị sạm nắng, da đen cháy đến mức độ anh và nhóm quay phim thường cự nự với nhau mỗi khi ra hiện trường vì khuôn mặt người hiện dẫn rất khó "bắt sáng" với ống kính máy quay.

Nguyễn Đức Mạnh, 7 lần sống và tác nghiệp trọn vẹn với Trường Sa - Ảnh 1.

Nguyễn Đức Mạnh (đứng giữa) tác nghiệp tại Trường Sa tháng 4/2022. Ảnh Nhân vật cung cấp

Nhưng qua những lần nhuộm nắng khốc liệt thế, không thể ngờ, gương mặt rắn rỏi với nét cười trắng sáng, mạnh mẽ ấy lại là một hình ảnh rất khó quên, trở thành biểu tượng của thế hệ làm báo trẻ nhưng tinh thần cống hiến, sung sức và nhiệt thành, trách nhiệm của Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh.

Nguyễn Đức Mạnh, 7 lần sống và tác nghiệp trọn vẹn với Trường Sa - Ảnh 2.

Hầu như năm nào, vào dịp cận Tết Nguyên Đán, Đức Mạnh đều có mặt ở các điểm truyền hình trực tiếp để sẵn sàng làm chương trình Tết, kết nối các điểm cầu trên cả nước; từ Trường Sa, Nhà giàn DK, Lý Sơn, Phú Quý, Cô Tô hay các đảo phía Tây Nam của Tổ quốc...

Năm 2012, anh và cả đoàn công tác ra đảo Thuyền Chài của quần đảo Trường Sa.

"Tôi vẫn còn nhớ, lúc đoàn tập trung ở Cảng Cam Ranh vẫn đang là áp thấp nhiệt đới, sau đó mạnh lên thành bão. Khi có tin áp thấp, đoàn dừng lại một ngày, nhưng sau đó trưởng đoàn vẫn quyết định cho tàu ra khơi. Khi chưa tới Trường Sa thì áp thấp mạnh lên thành bão Washi. Hồi đó, tôi đi tàu Trường Sa 22, điều kiện còn hạn chế, thiếu thốn rất nhiều, không hiện đại được như tàu KN491 bây giờ" – Mạnh chia sẻ.

Nguyễn Đức Mạnh đã gặp rất nhiều thế hệ nối tiếp nhau những người lính trẻ đóng quân ở quần đảo Trường Sa. Ảnh Nhân vật cung cấp

Anh bị kẹt lại ở Trường Sa đúng 1 tháng vì cơn bão Washi, trong đó 4 ngày liền ở đảo Thuyền Chài. Anh cùng những người lính bắt ốc, bắt cá cầm cự với cơn bão vần vũ. Những ngày ăn sóng nói gió, nằm vùng với lính hải quân, ngấm cái chất lính đảo, thèm đất liền y như thế. Khi phóng sự đầu tiên của nhà báo Đức Mạnh về Trường Sa được phát đi thì cũng đúng vào thời điểm chỉ còn vài tiếng nữa là đến giao thừa.

Nguyễn Đức Mạnh, 7 lần sống và tác nghiệp trọn vẹn với Trường Sa - Ảnh 4.

Vì ở dài ngày với lính đảo hồi ở đảo Thuyền Chài, Đức Mạnh làm phóng sự về cuộc sống đặc biệt giữa bốn bề sóng nước hải dương của người lính. Ăn ở cùng người lính, anh thấy trong góc tủ của chiến sĩ có 2 lá thư thò ra. Lúc đó tôi có hỏi chiến sĩ là thư của ai, nhưng anh chỉ cười và ngại không muốn nói - Nguyễn Đức Mạnh kể.

Mãi đến tận mấy ngày sau, tôi mới tìm hiểu được là chiến sĩ đó và vợ ở đất liền đã viết hơn 100 lá thư cho nhau kể từ khi anh nhận nhiệm vụ ra Trường Sa. Thời điểm đó, ekíp chúng tôi có đạo diễn, quay phim, biên tập đủ cả. Tôi nảy ra ý định làm một bộ phim tài liệu về câu chuyện lính đảo và hậu phương ở đất liền. Sau khi thực hiện nhiều cảnh ở trên đảo, lúc về đất liền, chúng tôi lặn lội về tận Biên Hòa, Đồng Nai, nơi vợ anh lính đảo đó đang làm giáo viên để quay những cảnh còn lại.

Nguyễn Đức Mạnh, 7 lần sống và tác nghiệp trọn vẹn với Trường Sa - Ảnh 5.

Nguyễn Đức Mạnh mang "quà" ra cho lính đảo Trường Sa, Ảnh Nhân vật cung cấp

Lúc ở đảo, tôi đã nghĩ ngay đến một kịch bản kết nối. Bởi vì tôi biết, nếu sai và thiếu ở khâu nào đó, tôi rất khó quay lại Trường Sa để khắc phục, tác nghiệp lại, chưa kể bối cảnh, thời điểm và cảm xúc của nhân vật dù có quay lại cũng khác rồi. Chúng tôi vắt hết sức mình để làm việc trên đảo Thuyền Chài, sau đó, sau đó mình về Biên Hòa để ráp nối lại. Có những tình huống phải dự phòng trước, những câu thoại hiện lên trong ý tưởng làm sao để có thể liên kết phù hợp và không bị chênh nhau. Đó là những tình huống cân não trong nghề nghiệp. Bởi vì chúng tôi đang làm phim tài liệu, và xúc cảm là thật, là không lặp lại và dư âm sẽ còn mãi.

Dâng trào nỗi niềm biển đảo – đất liền, khát vọng nối liền lại những mạch nguồn yêu thương với người thân, với quê hương, với những người lính. Những xúc cảm ấy cứ neo mãi trong lòng Nguyễn Đức Mạnh rồi được truyền tải đi bằng những thước phim chăm chút về nội dung, kỹ thuật làm lay động cả khán giả truyền hình.

Nguyễn Đức Mạnh nói những thước phim tài liệu đó sau khi được phát sóng đã lấy đi rất nhiều nước mắt của khán giả cũng như gia đình của anh lính đảo đó. Và cho đến bây giờ, tôi với những anh lính ấy vẫn như người một nhà, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn đi thăm nhau. 

"Có lẽ, tôi "lãi ròng" từ Trường Sa là ở chỗ đó" - anh tự hào chia sẻ. 

Tôi đi Trường Sa 7 lần từ khi bước vào nghề báo. Nếu như không bị gián đoạn vì phải làm nhiều chương trình khác, và vì COVID-19, thì mỗi năm tôi đi một lần. Tôi có nhiều tác phẩm báo chí về Trường Sa, nhiều lần được giải thưởng chuyên môn, nhưng tôi vẫn tiếp tục đi Trường Sa, đi không phải để làm giải, để "thỏa cái chí" của mình thôi.
Nguyễn Đức Mạnh, Phóng viên Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh

Trong số 7 lần đến Trường Sa, hầu như Đức Mạnh đi cùng những chuyến đảo quân, chúc Tết, những chuyến tuần biển của lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển. "Sóng vỗ thân tàu là sóng quê hương", lính Trường Sa tự hào hiên ngang từng mỗi hải lý trên những hành trình biển, anh cũng thế. 

Nếu để nói gì đó về Trường Sa, tôi chỉ nói rằng đối với nghề báo, buộc phải tắm mình trong hiện trường, phải sống cùng những suy nghĩ và cảm xúc rất đời. Thì khi tác phẩm ra đời, công chúng mới đón nhận nó một cách xứng đáng.

Cuộc sống luôn thay đổi, tiếp diễn, mỗi lần đi tới lại một lần gặp gỡ những người khác nhau, cảm xúc cũng khác, và cuộc đời mỗi người là kho tư liệu phong phú bất tận. Tôi đi chuyến đầu tiên đến Trường Sa khi mới chưa 30 tuổi, nhưng bây giờ tôi đã gần 40 tuổi rồi. Những trải nghiệm cuộc sống khác nhau đã giúp tôi có những cái nhìn khác về Trường Sa sâu sắc hơn, cảm thông hơn và trách nhiệm hơn.

Đơn cử như ngày trước, Trường Sa thiếu thốn trường học, cơ sở khám chữa bệnh, vật chất còn khó khăn, nhưng những năm qua, với sự chung tay của đất liền thì điều kiện sinh hoạt sống của quân và dân trên đảo cũng tốt hơn rất nhiều rồi. 

Tôi biết người làm báo như Nguyễn Đức Mạnh không cần một hẹn ước nào, anh cũng sẽ trở lại Trường Sa với lính đảo. Những tác phẩm hay vẫn còn ở dưới ngòi bút, thước phim đẹp và những ngày đẹp trời của nghề nghiệp còn nhiều nữa. 

Nguyễn Đức Mạnh, 7 lần sống và tác nghiệp trọn vẹn với Trường Sa - Ảnh 7.

Trương Thúy Hằng

Trình bày: Thụy Văn