Nguyễn Doãn Hiếu và chuyện cắt tóc thời công nghệ

Việt Hoàng
12:25 - 21/10/2022
Công dân & Khuyến học trên

Nghề cắt tóc đã có một thời phát triển cực thịnh ở Hà Nội. Bất cứ góc phố nào đều dễ bắt gặp một bác phó cạo với bộ đồ nghề, ghế cắt, gương lược treo trên tường. Rồi những dãy phố chuyên cắt tóc hình thành với hàng chục thợ vỉa hè lúc nào cũng tất bật phục vụ khách…

Nhiều người coi cắt tóc vỉa hè là một nét văn hóa của Hà Nội, nơi nhu cầu trong cách ăn mặc luôn được đánh giá là cầu kỳ, tinh tế… Trong khi không ít nghề đã dần mất đi theo năm tháng, nghề cắt tóc vẫn tồn tại qua bao thăng trầm cùng biến thiên của lịch sử. Tuy vậy theo sự đi lên ngày một hiện đại của Thủ Đô, công việc này đứng trước nhiều thách thức mới.

Vui buồn nghề thợ cạo

Trên vỉa hè phố Trần Khát Chân, một con phố mới rất sầm uất của thủ đô với khá nhiều các cửa hiệu làm đẹp sang trọng, có một điểm cắt tóc vỉa hè luôn đông khách. Chủ tiệm là Nguyễn Doãn Hiếu, anh đã bám trụ ở đây hơn 7 năm. Cũng như hầu hết các thợ cắt tóc vỉa hè, ngoài sự khéo léo về chuyên môn, anh là người cởi mở và "hay chuyện".

Cắt tóc vỉa hè Hà Nội thời công nghệ - Ảnh 1.

Nguyễn Doãn Hiếu cùng gia đình trong cuộc sống thường nhật. Ảnh: N.V

Hiếu tốt nghiệp trường Đại học Bách Khoa, khoa Điện lạnh, sau khi ra trường anh theo nghề sửa chữa, lắp đặt máy điều hòa. Công việc đúng chuyên môn lại là người chịu học hỏi nên thu nhập khá ổn định. Trong một lần chứng kiến bạn đồng nghiệp bị tai nạn lao động, ngã từ tầng cao xuống và bị liệt nửa người, Hiếu bị ám ảnh mỗi khi leo lên cao nên buộc phải bỏ nghề.

Nghỉ việc gần 1 năm, từ suy nghĩ phải kiếm một việc gì làm để trang trải cuộc sống, anh đến với nghề cắt tóc. Hiếu kể: "Trong 4 tháng học nghề, em gặp khá nhiều khó khăn, vừa không có thu nhập mà nặng nề nhất là đối mặt với những áp lực từ người thân trong gia đình. Vì mình học hành đến nơi đến chốn, lại chọn nghề cắt tóc".

Gia đình càng cản, Hiếu càng thêm quyết tâm vì suy nghĩ, đó là một nghề kiếm sống lương thiện, làm đẹp cho đời. Trải qua 4 tháng học việc, chủ yếu đứng xem thầy cắt và tự học bằng quan sát, dần dần anh được phụ việc đơn giản như cạo mặt rồi được cắt bằng tông đơ theo cữ… Kết thúc khóa học, dù đã quen việc nhưng Hiếu vẫn chưa tự tin lắm vào tay nghề.

Kiếm một địa điểm hành nghề cắt tóc không dễ. Đứng chỗ nào đều phải hỏi chủ nhà và mất một khoản chi phí hàng tháng. Ngoài những khó khăn về mưa nắng khi ra vỉa hè làm, khách hàng với thành phần đa dạng nhiều lứa tuổi cũng là một trở ngại, phải làm hài lòng tất cả mọi người tạo nên áp lực không nhỏ cho Hiếu khi mới làm nghề.

Cắt tóc vỉa hè Hà Nội thời công nghệ - Ảnh 2.

Hiếu đang cắt tóc cho khách tại một tiệm trên vỉa hè phố Trần Khát Chân. Ảnh: N.V

Vui nhất là được chuyện trò khi cắt tóc, Hiếu chia sẻ: "Mình gặp phải khó khăn hay trước quyết định đang đắn đo, không ít lần nhờ giao lưu với khách mà tìm ra hướng giải quyết".

Có lúc làm xong khách nở nụ cười, nét mặt rạng ngời pha chút ngượng ngùng vì soi gương thấy "trẻ ra mấy tuổi". Thái độ hài lòng đó tạo cho ông chủ tiệm nhiều động lực để tiếp tục công việc.

Đoạn vỉa hè này trước đây có vài tiệm cắt tóc, giá mỗi lượt từ 25. 000 đồng đến 30. 000 đồng. Hiếu là thợ mới nhưng cũng khởi đầu bằng mức giá ấy. Anh kể: "Sau một thời gian, khách từ những cửa hàng kia đều sang cắt ở hàng em cả. Nhiều người ngồi xếp hàng đợi đến lượt chứ không chịu sang hàng bên cắt mặc dù thợ hàng bên ngồi chơi. Thời điểm đó mỗi ngày em phục vụ từ 30 đến 40 lượt cắt".

Lượng khách đông, đồng nghĩa với thu nhập tăng, nhưng công việc khá áp lực, mệt mỏi. Anh đã quyết định thuê thêm thợ phụ, cửa tiệm vẫn không hết tình trạng quá tải vì khách thường chỉ yêu cầu chủ tiệm cắt.

Cuối cùng anh chọn giải pháp nâng giá lên mức 40.000 đồng bằng với mức giá của nhiều cửa hiệu cắt tóc vừa và nhỏ thời điểm đó. Hiếu kể: "Khi nâng giá thì lượng khách giảm đi gần một nửa, nhưng bù lại những người tiếp tục sử dụng dịch vụ đều tin tưởng và gắn bó lâu dài".

Tận dụng ưu thế của công nghệ

Hiện tại, các cửa hiệu mọc lên như nấm với đủ các dịch vụ đi kèm, khách hàng có nhiều sự lựa chọn và trải nghiệm như ngồi phòng máy lạnh, gội sấy, mát xa… với mức giá vài trăm nghìn tới cả triệu đồng. Hay gần đây, nhiều thợ trẻ học việc tổ chức ra các điểm công cộng để cắt tóc miễn phí… Tất cả đều ảnh hưởng lớn đến những tiệm cắt tóc vỉa hè.

Hiếu cho biết: "Khách hàng phân cấp thành nhiều mức độ, cắt tóc vỉa hè cơ bản vẫn là phục vụ giới bình dân. Dân mình giờ nhiều người giàu, người đi ô tô đông, mức hưởng thụ cao hơn nên họ sẽ ít lựa chọn loại hình này".

Đứng trước bài toán khó, anh đã tìm đến giải pháp bằng công nghệ, tận dụng lợi thế của mạng xã hội để mở rộng và kết nối khách hàng.

Anh lập trang Fanpage trên facebook thu hút hàng nghìn lượt "like". Đây là nơi Hiếu phát triển dịch vụ "Cắt tóc tại nhà". Nhất là thời điểm vừa qua xã hội giãn cách vì COVID, trang đã mang lại tính hiệu quả cao với lượng đăng ký dịch vụ tăng vọt. Hiếu không trực tiếp đáp ứng tất cả các lượt hẹn, anh kết nối thợ ở cùng địa bàn để phục vụ nhu cầu của khách mà không vi phạm lệnh giãn cách.

Cắt tóc vỉa hè Hà Nội thời công nghệ - Ảnh 3.

Thời điểm dịch COVID bùng phát, mạng xã hội đã phát huy tác dụng rất lớn trong công việc của Hiếu.

Từ hiệu quả của mạng xã hội, anh lập thêm các nhóm trên Zalo, facebook, kết nối với khách hàng của mình. Khách sẽ đặt trước dịch vụ, đúng ngày, giờ ra tiệm cắt tóc, thợ có thể chủ động sắp lịch theo thời gian trống, tránh được tình trạng khách phải ngồi đợi.

Cắt tóc vỉa hè Hà Nội thời công nghệ - Ảnh 4.

Một nhóm trên trang facebook do Hiếu lập ra với 1,4K thành viên đều là những khách hàng quen thuộc

của tiệm cắt tóc vỉa hè.

Anh chia sẻ: "Công nghệ làm thay đổi nhiều điều, trước đây khi nói đến cắt tóc vỉa hè đa số nghĩ thợ chỉ cần biết vài kiểu cơ bản, nhu cầu của khách đòi hỏi không cao, chỉ cần "xanh mai, trắng gáy" gọn gàng là được. Nhưng bây giờ nếu thợ không cập nhật các kiểu tóc mới, các kỹ thuật mới thì khó tồn tại được". Nhờ xem clip trên youtube, anh luôn nâng cấp tay nghề của mình để đáp ứng mọi nhu cầu của khách.

Cắt tóc vỉa hè Hà Nội thời công nghệ - Ảnh 5.

Nhờ công nghệ, Hiếu có thời gian cho những thú vui khác mà vẫn đảm bảo công việc. Trong giới chơi chim cảnh Hà Nội anh khá nổi tiếng vì từng sở hữu nhiều

chú chim độc đáo. Ảnh:N.V

Tận dụng lợi thế của công nghệ đã giúp anh có nhiều thời gian cho sở thích cá nhân và cho gia đình. Đồng thời giúp cho công việc của anh thuận lợi hơn rất nhiều. Hiếu tâm sự: "Em luôn muốn chia sẻ với mọi người vì xã hội cũng còn nhiều người không may mắn. Giờ em nhận dạy cắt tóc miễn phí cho người có hoàn cảnh đặc biệt, giúp họ có một công việc để kiếm sống".

Hướng tiếp cận đó là những bước thay đổi để thích nghi của người thợ trong thời công nghệ, đồng thời nó cũng đem lại những điểm tươi mới cho nghề cắt tóc vỉa hè. Khi được hỏi suy nghĩ gì về công việc này trong tương lai, anh nhận định: "Hà Nội ngày càng phát triển, em tin rồi đến một ngày cắt tóc vỉa hè sẽ không tồn tại nữa. Tuy có chút ngậm ngùi, nhưng chắc hẳn khi đó xã hội văn minh, nhiều người giàu hơn là điều rất đáng mừng".