Nguyên Chủ tịch phường Trảng Dài (Đồng Nai) bị cấm đi khỏi nơi cư trú
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) đã khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Võ Trường Hải về hành vi "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Nguyên Chủ tịch phường Trảng Dài và kế toán bị khởi tố
Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) đã khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với nguyên Chủ tịch phường Trảng Dài Võ Trường Hải (sinh năm 1978) về hành vi "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Ngoài ra, Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng khởi tố, bắt bị can để tạm giam đối với Lâm Thị Ngọc Tuyền (sinh năm 1982, nguyên Kế toán Ủy ban nhân dân phường Trảng Dài) về hành vi "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Các quyết định và lệnh nói trên đã được Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Biên Hòa phê chuẩn.
Quá trình điều tra, cơ quan công an xác định, từ ngày 18/3 đến 7/5/2022, lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao và được ông Võ Trường Hải (chủ tài khoản) giao chữ ký số, cung cấp mật khẩu giao dịch với Kho bạc Nhà nước, Lâm Thị Ngọc Tuyền đã ký khống một số chứng từ, lập khống hóa đơn, chứng từ để rút số tiền hơn 111 triệu đồng để trả nợ cá nhân.
Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Biên Hòa đang tiếp tục điều tra, xử lý các đối tượng.
Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng bị xử phạt như thế nào?
Theo Điều 360 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định:
1. Người nào có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 179, 308 và 376 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm.
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Tội "Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp" thuộc nhóm các tội xâm phạm sở hữu, quy định tại Điều 179 Bộ luật Hình sự, là hành vi của người có nhiệm vụ trực tiếp trong công tác quản lý tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đã không thực hiện đầy đủ các biện pháp quản lý tài sản thuộc trách nhiệm của mình làm mất mát, hư hỏng, lãng phí tài sản đó.
1. Người nào có nhiệm vụ trực tiếp trong công tác quản lý tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, vì thiếu trách nhiệm mà để mất mát, hư hỏng, lãng phí gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
3. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trị giá 2.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
4. Người phạm tội còn có thể cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google