Nguy hại từ lầm tưởng có một nghề "Youtuber"

Phan Anh
16:26 - 22/09/2022
Công dân & Khuyến học trên

Sau vụ cháy quán Kraoke An Phú (Bình Dương), dư luận bàng hoàng về thảm họa, đồng thời cũng đau lòng vì sự thật là đã có một nhóm "kền kền youtuber" lợi dụng sự việc, ăn nên làm ra, bất chấp đạo lí, đưa tin "câu view" những hình ảnh rùng rợn trên nền tảng mạng xã hội.

Ngày 6/9/2022, hộ kinh doanh Karaoke An Phú tại phường An Phú, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương xảy ra cháy. Một ngày sau đó, số nạn nhân được công bố lên đến 32 người thiệt  mạng. 

Số người tử vong trong vụ hỏa hoạn quá lớn khiến công chúng cả nước cảm thấy đau đớn bàng hoàng. Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An đã bày tỏ trên truyền thông, vụ cháy quán karaoke ở Bình Dương khiến 32 người chết là "thảm họa" chứ không còn là rủi ro cháy nổ bình thường. Gõ cụm từ "cháy karaoke An Phú" Google cho ra khoảng 8.050.000 kết quả chỉ trong 0,54 giây cho thấy sự quan tâm của dư luận xã hội lớn đến mức nào.

Nguy hại từ lầm tưởng có một nghề "Youtuber" - Ảnh 1.

Youtuber có phải là một nghề? Ảnh: ImageIT

Youtuber có phải là một nghề

Điều đáng nói ở đây, là khi thảm họa xảy đến, cộng thêm vào nỗi đau xót là những hình ảnh tràn lan trên mạng internet - hình ảnh thô, không được kiểm duyệt, không che mờ... như một cú bồi thêm nỗi đau xót vào gia đình nạn nhân và mọi tầng lớp xã hội. 

Ngay trong vụ cháy, nhóm "kền kền youtuber" cho ra đời hàng chục video liên quan đến hiện trường và những hình ảnh rùng rợn của các nạn nhân trong đám cháy. Nhiều video "giật tít" rất "hot" nhằm gây cảm giác tò mò cho người xem như: "Em L. nhân viên 16 tuổi", "Chết lè lưỡi nhăn răng", "Khách hát VIP", "Mẹ bé D. 16 tuổi cháy quan Karaoke Bình Dương kể lại lúc tìm kiếm và nhận xác"…

Thậm chí các youtuber này còn ra tận nơi an nghỉ của nạn nhân để "trao tiền của mạnh thường quân làm mái che" nhưng không vì mục đích từ thiện mà chỉ nhằm "câu view" là chính. Táng tận lương tâm hơn, bọn chúng còn quay di ảnh người đã mất, phỏng vấn thân nhân và "đào" lại các đoạn video khi nạn nhân còn sống mà không hề che hay làm mờ mặt. Công chúng phẫn nộ và nhức nhối vì những video này được phát đi phát lại trên mạng xã hội, ở bất cứ hang cùng ngõ hẻm nào. 

Hành động bất lương của một số youtuber dễ khiến công chúng có cái nhìn méo mó về sự thật. Nghiêm trọng hơn, chúng khiến cho trẻ nhỏ bây giờ thường xem youtuber - vốn là từ để gọi người sáng tạo nội dung trên nền tảng mạng xã hội YouTube là một nghề kiếm sống. Nghề youtober nhắm tới việc nhiều người xem, nhiều người bày tỏ cảm xúc thì cũng kiếm được tiền nhờ quảng cáo trên sản phẩm hình ảnh. Bất biết hình ảnh đó có nên phát hành hay không, miễn sao kích thích tò mò, nhiều người xem là được. 

Điều đó dẫn đến việc các youtuber làm video phản cảm, đi ngược lại đạo lí của dân tộc, cốt làm sao kiếm được càng nhiều tiền càng tốt từ doanh thu quảng cáo - tạo ra một nhóm "kền kền youtuber" nhức nhối. 

Sáng tạo nội dung bằng nhiều hình thức trên nền tảng internet có thể xem là công việc mới sinh ra bởi thời đại 4.0, tuy nhiên youtuber lại không phải là một nghề như lầm tưởng. 

Chế tài xử lý video "bẩn" chưa đủ tính răn đe

Cô gái trẻ tuổi nhất trong vụ cháy vừa được an táng thì ngay sau đó xuất hiện loạt youtuber cài những chiếc micro vào cổ áo của mẹ nạn nhân và chĩa máy quay vào mặt bà để phỏng vấn. Trong nỗi đau tột cùng mất con, người mẹ nước mắt ngắn dài, vừa nức nở vừa tâm sự đứt quãng trong vô thức về những ngày con còn sống thì lại vô tình mắc bẫy "kền kền youtuber" đã lên sẵn kịch bản.

Đáng bất ngờ hơn là những video rùng rợn, không hề mang tính nhân văn, cũng chẳng có một chút giá trị thẩm mỹ nào nhưng lại nhận được lượt xem "khủng" từ "công chúng". Chỉ sau vài ngày đăng tải, một video có thể nhận về hàng chục ngàn lượt xem, hàng trăm lượt chia sẻ và bình luận vô tội vạ về nạn nhân đã khuất.

Có thể nhận thấy, vẫn còn đó số đông "công chúng" thiếu tỉnh táo, hiếu kì và tâm lí hùa vào đám đông rất đáng lo ngại. Bên cạnh đó còn cho thấy phần nào sự khủng hoảng của truyền thông mạng xã hội ở mức độ rất đáng báo động. Chính điều này đã góp phần tạo điều kiện cho những "kền kền youtuber" có đất sống, sống khỏe, sống tốt đôi khi chỉ bằng một chiếc điện thoại thông minh trên tay.

Đập vào mắt người xem video về vụ cháy quán Kraoke An Phú là những thước phim quảng cáo sản phẩm, sau đó mới đến âm thanh, hình ảnh, nội dung. Số lượng người truy cập càng lớn càng giúp "kền kền youtuber" kiếm được nhiều doanh thu từ quảng cáo.

Những năm qua, hàng loạt video nhảm nhí, thô tục, câu view, thậm chí đi ngược lại luân thường đạo lí đã trở thành "ung nhọt" trên các nền tảng mạng xã hội nhưng việc quản lý của các cơ quan chức năng cho thấy vẫn còn nhiều hạn chế. 

Đa số những nhà sáng tạo nội dung youtube hiện nay làm việc nghiêm túc và sử dụng mạng xã hội lan tỏa năng lượng tích cực trong xã hội. Giới vlogger "trắng" này bất bình và phẫn nộ về các "video bẩn". Họ cho rằng chỉ khi nào nền tảng youtube kiểm soát mạnh hơn, thậm chí là xóa kênh thì mới xử lý tận gốc vấn đề clip nhảm, độc hại.

Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần có chế tài xử lý video "bẩn" theo Luật An ninh mạng và thậm chí là Bộ luật Hình sự thì mới đủ tính răn đe. Nhưng trước hết, mỗi cá nhân khi sử dụng mạng xã hội cần tỉnh táo, sáng suốt, tránh để trở thành "nạn nhân" của những tác động tiêu cực do đám "kền kền youtuber" gây ra.