Người vi phạm luật giao thông bỏ lại xe, không nộp phạt sẽ bị xử lý như thế nào?

Hồng Ngọc
14:20 - 24/04/2024
Công dân & Khuyến học trên

Theo quy định của pháp luật, người vi phạm luật giao thông bỏ lại phương tiện bị tạm giữ không có nghĩa là được bỏ qua việc chấp hành nộp phạt vi phạm hành chính. Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt thì bị cưỡng chế thi hành.

Người vi phạm luật giao thông bỏ lại xe, không nộp phạt sẽ bị xử lý như thế nào?- Ảnh 1.

Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện giao thông. Ảnh mình họa

Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường xử lý vi phạm luật giao thông, đặc biệt là nồng độ cồn và tạm giữ rất nhiều phương tiện của người vi phạm. Sau đó, không ít người vi phạm nồng độ cồn đã bỏ lại xe của mình, vì giá trị của chiếc xe không bằng mức phạt phải nộp. 

Vậy việc bỏ lại xe khi bị Cảnh sát giao thông tạm giữ sẽ ảnh hưởng như thế nào trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính sau này? Người vi phạm luật giao thông không nộp phạt, bỏ lại xe của mình sẽ bị xử lý như thế nào?

Cá nhân vi phạm luật giao thông không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt sẽ bị cưỡng chế thi hành

Về trách nhiệm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của người vi phạm, Bộ Công an cho biết, tại Điều 74 Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 1 năm, kể từ ngày ra quyết định. 

Trong trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt cố tình trốn tránh, trì hoãn thì thời hiệu nói trên được tính kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, trì hoãn.

Tại Điều 86 Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020) cũng quy định: Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt thì bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt.

Bên cạnh đó, Điều 78 Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng nêu rõ, khi đã hết thời hạn chấp hành quyết định xử phạt hành chính mà người có hành vi vi phạm vẫn không thực hiện nghĩa vụ của mình, thì cứ mỗi ngày chậm nộp tiền phạt sẽ phải nộp thêm 0,05% tính trên tổng số tiền phạt chưa nộp.

Chủ sở hữu phương tiện bị tạm giữ không tới nhận theo quy định thì phương tiện sẽ bị tịch thu

Về xử lý phương tiện hết thời hạn tạm giữ mà người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận mà không có lý do chính đáng, tại Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định: 

Trường hợp xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp của tang vật, phương tiện thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo cho họ 2 lần. 

Lần thông báo thứ nhất phải được thực hiện trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện. 

Lần thông báo thứ hai được thực hiện trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày thông báo thứ nhất. 

Hết thời hạn 1 tháng, kể từ ngày thông báo lần thứ hai nếu người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận thì trong thời hạn 5 ngày làm việc, người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.