Người trồng hoa Sa Đéc - mối duyên tình trăm năm

Thuỵ Văn
09:45 - 03/01/2024
Công dân & Khuyến học trên

Uỷ ban nhân dân thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp tổ chức Lễ tri ân tiền nhân và tôn vinh người trồng hoa, cây kiểng - nghề truyền thống nổi tiếng của vùng đất phù sa cổ bên dòng Cửu Long tối 2/1 trong khuôn khổ Festival hoa, kiểng Sa Đéc lần thứ 1.

Người trồng hoa Sa Đéc - mối duyên tình trăm năm- Ảnh 1.

Nghề trồng hoa, cây kiểng Sa Đéc đã tồn tại hàng trăm năm. Ảnh: Thụy Văn

Buổi lễ tri ân nhiều thế hệ người nông dân Sa Đéc giữ nghề truyền thống hàng trăm năm đóng góp cho sự hình thành, phát triển của vùng trồng hoa lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long. 

Ngày nay, làng hoa Sa Đéc đã trở thành làng nghề giàu bản sắc văn hóa truyền thống, có giá trị phát triển kinh tế địa phương. Các sản phẩm của làng nghề là hoa, cây kiểng trở thành ngành hàng chủ lực của nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp.

Đảng bộ, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân thành phố Sa Đéc đã đã dốc sức, dốc lòng thực hiện và tạo được bước phát triển cho “nông nghiệp đô thị hiện đại”, trong đó thế mạnh là phát triển hoa, kiểng kết hợp dịch vụ du lịch. 

Thành phố Sa Đéc trở thành trung tâm sản xuất, kinh doanh hoa, kiểng lớn của Đồng bằng sông Cửu Long

Dịp này, Ủy ban nhân dân thành phố Sa Đéc tổ chức trao giải hội thi trang trí cổng hoa, đường hoa và vườn hoa công sở đẹp. Hội thi có sự tham gia của hơn 100 cơ quan, đơn vị và gia đình người dân địa phương.

Người trồng hoa Sa Đéc - mối duyên tình trăm năm- Ảnh 2.

Hoa và cây kiểng Sa Đéc chuẩn bị cho vụ Tết 2024. Ảnh: Thụy Văn

Người trồng hoa Sa Đéc - mối duyên tình trăm năm- Ảnh 3.

Người nông dân lam lũ lưu giữ và làm nên làng nghề trồng hoa lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Thụy Văn

Trải qua hàng trăm năm hình thành và phát triển, từ những người nông dân đầu tiên đưa hoa về trồng trên mảnh đất Sa Đéc cho đến những nghệ nhân với đôi bàn tay tài hoa, khéo léo, tinh tế, thế hệ tiếp nối thế hệ, cần mẫn, lao động miệt mài hình thành nên làng hoa độc đáo bên dòng Sa Giang hiền hòa, thơ mộng. Làng hoa không ngừng phát triển, tô đẹp thêm cho thành phố Sa Đéc nói riêng và tỉnh Đồng Tháp nói chung.

Đối với người dân Sa Đéc bây giờ, hoa, kiểng là người bạn đồng hành cùng hành trình vượt khó, thoát nghèo, làm giàu. Hoa, kiểng Sa Đéc là thương hiệu của ngành hàng chủ lực trong nông nghiệp Đồng Tháp với giá trị hơn 6.000 tỉ đồng. 

Người nông dân trồng hoa, kiểng Sa Đéc đang nỗ lực từng ngày, nhạy bén, năng động, sáng tạo để “giữ lửa” cho nghề, truyền nghề và phát triển, lan xa.

Nhiều nghệ nhân vun trồng, chăm sóc, cắt tỉa, tạo dáng cho hoa, kiểng Sa Đéc

Ngày nay, Sa Đéc đã mang hình hài, dáng vóc của một thành phố hoa. Người nông dân tài hoa đã lai tạo được ra nhiều giống hoa phù hợp với thổ nhưỡng khí hậu, hợp với tính cách và phong thái người Nam Bộ, trở thành làng hoa có đặc trưng riêng, vừa có thể sản xuất hàng hoá, vừa có thể nâng tầm, sáng tạo thành nghệ thuật chơi hoa kiểng. 

Từ số lượng giống hoa, kiểng hạn chế và cung ứng sản phẩm chỉ trong tỉnh Đồng Tháp cùng một số tỉnh lân cận, giờ đây, diện tích trồng hoa, kiểng ở Sa Đéc phát triển lên khoảng 950 ha với hơn 2.000 giống loài, cung ứng hơn 10 triệu sản phẩm mỗi năm cho thị trường ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong nước và đã xuất khẩu sang một số quốc gia.

Theo lịch sử Làng hoa Sa Đéc, những người trồng hoa, kiểng ở Sa Đéc trong những năm cuối thế kỷ 19 đến năm 1930 được xem là thế hệ tiền phong, khai mở cho làng nghề. Lúc này, hoa kiểng chỉ mới đáp ứng nhu cầu gia đình, cá nhân riêng lẻ, chưa có điều kiện để đưa đi bán khắp nơi. Tuy vậy, việc định hình cho một nghề mới trong nông nghiệp đã được bắt đầu, được gây dựng và có một vị trí nhất định trong đời sống, sinh hoạt của cư dân Sa Đéc thời bấy giờ, đó là nghề trồng hoa, kiểng. 

Trải qua nhiều thế hệ, đến nay, Làng hoa Sa Đéc phát triển trải dài từ phường Tân Quy Đông, phường An Hòa đến xã Tân Khánh Đông, Tân Quy Tây, Tân Phú Đông (thành phố Sa Đéc) rồi lan rộng sang các địa phương lân cận như: xã Tân Khánh Trung, Tân Mỹ (huyện Lấp Vò), xã Tân Dương, Hòa Thành (huyện Lai Vung), xã Tân Bình (huyện Châu Thành)... Gia đình các ông Phạm Văn Nhạn, Võ Văn Phu, Trần Văn Dậu, Phạm Văn Xoài… được ghi nhận là những người trồng hoa đầu tiên ở Sa Đéc.