Người phụ nữ dành cả cuộc đời làm khuyến học

Đắc Quang
14:26 - 20/10/2022
Công dân & Khuyến học trên

Từ những năm 1990, khi Hội Khuyến học Việt Nam còn chưa thành lập, bà Hoàng Thị Sương (huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế) đã có những hoạt động khuyến học sôi nổi với cương vị Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Nam Đông.

Nam Đông đang vào mùa mưa, đi lại gặp nhiều bất tiện. Nhưng với bà Hoàng Thị Sương (sinh năm 1962), dù thời tiết thế nào chăng nữa cũng không làm khó được bước chân làm khuyến học của người phụ nữ luôn đau đáu về sự nghiệp giáo dục nơi này.

Vừa trở về từ "Hội nghị Triển khai kế hoạch xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030" do Sở Giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức, bà Hoàng Thị Sương (sinh năm 1962) vui vẻ chia sẻ về hành trình làm khuyến học trong hơn 20 năm qua của mình…

Người phụ nữ dành 1 phần 3 cuộc đời làm khuyến học - Ảnh 1.

Bà Hoàng Thị Sương, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế trong chương trình "Tiếp sức mùa thi" năm 2022. Ảnh: NVCC

Làm khuyến học từ khi chưa có hội khuyến học

"Tôi bắt đầu giữ vị trí Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Nam Đông từ năm 1990. Nam Đông khi ấy nghèo lắm. Người dân phải ăn khoai, sắn để sống. Cơ sở hạ tầng không có, đi lại khó khăn, nhất là khi đi các xã vùng núi. Học sinh thời đó không có phương tiện đi lại, còn phải học 3 buổi một ngày, vất vả vô cùng", bà Sương nhớ lại.

Huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế có khí hậu khắc nghiệt, nơi hội tụ nhiều yếu tố bất lợi về thời tiết, lũ lụt, bão,...

Là một huyện có nền sản xuất hàng hóa chưa mạnh, quy mô nhỏ, thu nhập bình quân đầu người thấp. Số hộ nghèo vẫn chiếm tỉ lệ đáng kể, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, khả năng thu hút vốn đầu tư bên ngoài hạn chế.

Đội ngũ cán bộ khoa học, cán bộ quản lý và các nhà doanh nghiệp còn nhiều bất cập cả về số lượng và chất lượng so với yêu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Trình độ dân trí thấp, do gần 50% dân số là người đồng bào dân tộc nên việc tiếp thu, hướng nghiệp còn nhiều vướng mắc.

Cũng vì điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều người dân Nam Đông đã phải di cư vào miền Nam sinh sống, trẻ con thì nghỉ học để đi làm kinh tế cùng gia đình.

Càng hiểu về vai trò của kiến thức và sự học với việc thay đổi cuộc sống, bà Sương càng thương các cháu nhỏ không được học hành tới nơi tới chốn vì cái đói, cái nghèo.

Là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Nam Đông, bà Sương đã đi vận động được phương tiện đi lại, sách vở cho các em học sinh. Dẫu là tự phát, hiệu quả của hoạt động chưa cao nhưng những việc làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện khi ấy đã góp phần tạo động lực để các em tiếp bước tới trường.

Hoạt động trên của bà Sương cứ thế tiếp diễn cho đến khi bà được chuyển sang công tác tại ban Dân vận Huyện ủy Nam Đông năm 2001, rồi ban vận động thành lập Hội Khuyến học vào năm 2005.

Đến năm 2006, khi Hội Khuyến học huyện Nam Đông được xây dựng, bà Hoàng Thị Sương được bầu vào Ban Thường vụ Hội, bà vẫn tiếp tục làm việc trong ban Dân vận huyện. Hoạt động khuyến học của huyện dần đi vào quy củ và chuyên nghiệp hơn.

Mười năm sau, khi đến tuổi về hưu, bà Sương có điều kiện dành toàn bộ thời gian của mình cho công tác khuyến học. Cũng trong năm này, bà chính thức được bầu làm Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Nam Đông. 

Từ đây, công tác khuyến học của huyện Nam Đông có nhiều đột phá.

Khuyến học linh hoạt dựa trên thực tế

Nhắc đến Hội Khuyến học Nam Đông, người dân địa phương đều ghi nhớ những hoạt động nhân văn, sôi nổi, góp phần thúc đẩy ngành giáo dục của huyện của bà Hoàng Thị Sương. Trong số đó, phải kể đến hoạt động "Tiếp sức mùa thi".

1.200 suất cơm, 6.000 hộp sữa và 500 cái bánh Bảo Thạnh là những con số ấn tượng mà mà Hội Khuyến học Nam Đông cùng với tổ chức Đoàn huyện Nam Đông và các nhà tài trợ đã "tiếp sức" cho các thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia trong 5 năm qua.

Cái hay ở Nam Đông là mỗi năm bà Sương đều thay đổi linh hoạt cho phù hợp với tình hình. Năm 2017, Hội Khuyến học huyện chỉ cấp phát cơm và nước uống, nước ngọt cho thí sinh nghèo, khó khăn và dân tộc thiểu số.

Dù là lần đầu thực hiện nhưng hiệu ứng lan tỏa từ hoạt động này là rất lớn. Được sự ủng hộ của chính quyền địa phương, các doanh nghiệp và người dân, những năm sau đó, nguồn kinh phí cho chương trình "Tiếp sức mùa thi" càng phát triển.

Dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Hội Khuyến học huyện Nam Đông đã nỗ lực phối hợp với các đoàn thể tổ chức chương trình "Tiếp sức mùa thi", đảm bảo an toàn dịch bệnh. Ảnh: NVCC

Năm 2018, có thêm sữa và mở rộng nước uống cho cả phụ huynh đưa con đi thi. Năm 2019, có thêm bánh ga tô Bảo Thạnh. Năm 2020 và 2021, ứng phó với dịch COVID-19, Hội còn cung cấp khẩu trang, nước sát khuẩn, hỗ trợ thêm bút cho thí sinh. Còn năm 2022, bà Sương nhẩm tính, 235 suất cơm cho 2 bữa trưa và hơn 1.000 hộp sữa đã được phát tới tận tay thí sinh thi tốt nghiệp trung học phổ thông và phụ huynh tham gia.

Ngày thi tốt nghiệp trung học phổ thông dần trở thành "ngày hội khuyến học" của cả huyện. Ngày mà các cơ quan đoàn thể, bà con, doanh nghiệp,… cùng đóng góp, tạo cho các em học sinh có điều kiện tốt nhất về vật chất, an tâm về tinh thần để bước vào kỳ thi trọng đại trong cuộc đời mình.

Để có kinh phí hoạt động và thực hiện nhiệm vụ "khuyến học", bà Sương cùng thành viên trong Hội Khuyến học huyện và xã Thượng Quảng đã nghĩ ra hình thức vận động độc đáo. Đó là tổ chức đêm văn nghệ nhân dịp kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ.

Bà Sương đã cùng với hội viên khuyến học cơ sở trực tiếp đôn đốc và thực hiện chương trình. Những tiết mục văn nghệ "cây nhà lá vườn" không chỉ thú vị mà còn mang nhiều ý nghĩa.

Tại sự kiện, chiếc thùng gây quỹ khuyến học được đặt ở vị trí thuận lợi. Bà con đến xem văn nghệ đều đóng góp ít nhiều vào quỹ.

"Có những người đến xem chương tình và đóng góp tiền vô thùng, nhìn bề ngoài khắc khổ của họ tôi cũng chảy nước mắt. Nếu so với đóng góp ở vùng đồng bằng, miền xuôi thì không nhiều, nhưng chúng tôi vô cùng trân trọng. Điều này chứng tỏ sự quan tâm, ủng hộ của người dân dành cho hoạt động nhiều đến nhường nào", bà Sương tâm sự.

Ngoài những hoạt động độc đáo trên, bà Hoàng Thị Sương đã tổ chức Hội Khuyến học huyện Nam Đông trao nhiều phần quà, học bổng cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hiếu học, những học sinh, sinh viên có thành tích học tập tốt. Ảnh: NVCC

Những ngày không quên…

Trong suốt hành trình làm khuyến học của mình, bà Sương không thể quên những giai đoạn khó khăn.

"Những năm đầu tiên thành lập Ban Vận động thành lập Hội Khuyến học, chúng tôi không có ngân sách để hoạt động, không thể tổ chức các sự kiện, trao quà, trao học bổng gì cả. Các thành viên trong ban phải lên kế hoạch, chia nhau ra để đi vận động tài trợ. Mỗi nơi một ít góp lại, cuối cùng chúng tôi cũng bắt đầu những hoạt động khuyến học đầu tiên.

Khoảng thời gian đáng nhớ thứ hai là khi dịch COVID-19 căng thẳng trong năm 2020, 2021. Hồi ấy, bao nhiêu hoạt động gặp trắc trở. Các văn bản, hướng dẫn, chỉ đạo từ cấp trên phải mang phát, trao đổi tới từng nhà hội viên. 

Chương trình "Tiếp sức mùa thi" là chúng tôi lo nhất. Hội đã định không tổ chức vì sợ lây lan dịch bệnh, nếu không may phát tán dịch bệnh thì sẽ rất nguy hiểm. Sau đó, được sự ủng hộ của nhân dân và chỉ đạo của Ủy ban nhân dân huyện Nam Đông, Hội đã kết hợp với Đoàn Thanh niên tiếp tục thực hiện hoạt động đó" - Bà Sương bộc bạch.

Để đảm bảo an toàn dịch bệnh, bà Sương đã nảy sáng kiến không để học sinh ăn cơm ngoài quán mà sẽ tổ chức ăn tại nhà đa năng tại chỗ giúp cho hoạt động "Tiếp sức mùa thi" vẫn được tổ chức mà mọi người đều an toàn sức khỏe.

Người phụ nữ dành 1 phần 3 cuộc đời làm khuyến học - Ảnh 5.

Bà Hoàng Thị Sương phát biểu tại buổi trao học bổng "Huế - Hiếu học" tại xã Hương Xuân, huyện Nam Đông. Ảnh: NVCC

Song, đó chưa phải là tất cả. 

Năm 2020, trong khoảng thời gian ngắn, 3 người thân của bà Sương đã lần lượt ra đi. Đây là một cú sốc tâm lý rất lớn với người phụ nữ đã tuổi gần 60. 

Tuy nhiên, gác lại chuyện buồn, bà tiếp tục hoạt động khuyến học và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Mắt ngấn lệ, bà tâm sự: "Lúc ấy cũng sốc lắm, lại vào dịp cuối năm, nhiều giấy tờ cần báo cáo. Tôi đã trình bày hoàn cảnh với tỉnh Hội về hoàn cảnh của mình và cũng cố gắng vượt qua, hoàn thành công việc".

Với bà Sương bây giờ, khuyến học không chỉ là một nhiệm vụ mà còn là một thú vui của tuổi già vì bản thân vẫn còn đóng góp được nhiều cho quê hương.

Còn khỏe thì còn làm khuyến học

Đúng như người ta vẫn nói: Mọi sự nỗ lực đều sẽ được ghi nhận xứng đáng. Với những hoạt động sôi nổi của mình, năm 2018 Hội Khuyến học huyện Nam Đông do bà Hoàng Thị Sương làm Chủ tịch đã được nhận cờ thi đua xuất sắc của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam.

Đến năm 2020, Hội Khuyến học huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục được Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam trao tặng cờ ghi nhận đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2016-2020.

Năm 2021, tỷ lệ "Cộng đồng học tập" ở cơ sở thuộc xã quản lý và "Đơn vị học tập cấp thôn, tổ dân phố" của huyện Nam Đông đều ở mức cao, lần lượt là 96,7% và 97,5%. Tỷ lệ "Gia đình học tập" và "Dòng họ học tập" chiếm tỷ lệ lần lượt là 74,5% và 34,7%.
Người phụ nữ dành 1 phần 3 cuộc đời làm khuyến học - Ảnh 7.

Hội Khuyến học huyện Nam Đông nhận cờ thi đua Đơn vị xuất sắc tại Đại hội Đại biểu lần thứ IV nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh: NVCC

Ở mảnh đất khí hậu khắc nghiệt, núi non hiểm trở, kinh tế khó khăn, ở một nơi trình độ dân trí còn thấp với gần 50% là người dân tộc thiểu số, vẫn có những con người nhiệt huyết với khuyến học như bà Hoàng Thị Sương. Khi được hỏi về mong muốn của bản thân, bà Sương nói: "Bây giờ cũng chỉ hy vọng có nhiều sức khỏe để làm công việc này thôi. Khi nào còn khỏe, tôi vẫn còn làm khuyến học".

Trong những năm qua, Hội Khuyến học Nam Đông đã có những đóng góp tích cực nhất vào công tác khuyến học tỉnh Thừa Thiên Huế. Chủ tịch Hội Khuyến học huyện này, bà Hoàng Thị Sương là người nhiệt tình, tâm huyết với khuyết học. Dù hoàn cảnh gia đình có lúc cực kỳ khó khăn nhưng bà đã cố gắng hoàn thành tốt công tác và nhiệm vụ của mình.
Ông Phan Công Tuyên - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Thừa Thiên Huế

Nam Đông giờ đã nhiều đổi thay. Nền kinh tế tăng trưởng khá, cơ sở hạ tầng được cải thiện nhiều, trình độ dân trí đã tốt hơn trước. Bà Sương vui sướng khi chứng kiến quê hương phát triển từng ngày. Và càng vui hơn khi hiểu rằng, những hoạt động khuyến học, khuyến tài của bà và mọi người đã góp phần vào sự phát triển ấy./.