
Người phu chữ một đời làm khuyến học
PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện là nhà văn, nhà báo, nhà giáo, nhà nghiên cứu lý luận phê bình văn học nghệ thuật, đồng thời là người tận tâm với sự nghiệp khuyến học. Ông đã xây dựng thư viện tư nhân với hơn một vạn đầu sách, đóng góp phát triển thư viện cộng đồng, thể hiện tinh thần cống hiến, "gieo hạt" tri thức bền bỉ.
Bài dự thi viết Gia đình học tập của tác giả Mã Duy Anh (Hà Nội)

PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện. Ảnh: Mã Duy Anh
"Thế Uẩn thư trai": Kho tư liệu quý và hành trình vun đắp suốt một đời người
Tôi tìm đến nhà PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thiện trong một buổi chiều Hà Nội nắng ấm, với tâm thế của một người trẻ ao ước được mượn sách cho công việc của mình. Thế nhưng, những gì tôi nhận được không chỉ là những cuốn sách quý, mà còn là một bài học lớn từ chính cách ông sống với tri thức.
Bước vào nhà ông, tôi như lạc vào một thế giới khác: sách, tư liệu, kỷ vật phủ kín không gian. Hơn nửa diện tích căn nhà được dành riêng cho "Thế Uẩn thư trai" - thư viện gia đình đặc biệt với hơn 10.000 cuốn sách, tạp chí, ấn phẩm thuộc lĩnh vực nghiên cứu, lý luận phê bình, từ điển, văn học kinh điển trong và ngoài nước.
Nhưng không chỉ lưu trữ tri thức của nhân loại, nơi đây còn ghi dấu hành trình học thuật miệt mài của chủ nhân. Với 12 đầu sách nghiên cứu, 40 đầu sách chủ biên và hơn 200 bài báo khoa học, ông được xếp vào hàng ngũ học giả "trước tác đẳng thân".

Một góc "Thế Uẩn thư trai" của PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện sau hơn 60 năm xây dựng và hoạt động. Ảnh: Mã Duy Anh
"Năm 1962, khi còn học lớp 10, tôi đã bắt đầu sưu tập sách như một tài sản quý giá. Sau này sang Đức học tiến sĩ, niềm đam mê ấy vẫn không đổi: thay vì gửi quần áo hay lương thực về nhà, tôi gửi những thùng sách nặng trĩu. Mỗi cuốn đều được tôi giữ gìn cẩn thận, ghi ngày tháng, có những cuốn đọc đi đọc lại hàng chục lần. Bị gọi là "mọt sách", tôi cũng không bận tâm, vì tin rằng sách vở chính là hành trang suốt đời…", PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện chia sẻ, mắt ánh lên niềm tự hào.
Sở hữu một kho sách khổng lồ chưa bao giờ là điều dễ dàng, nhất là trong điều kiện khí hậu nóng ẩm của Việt Nam. Ban đầu, sách được ông xếp trên những giá gỗ đơn sơ, nhưng chỉ vài năm sau, mối mọt đã bắt đầu xâm hại. Không nỡ để từng trang sách bị hủy hoại theo thời gian, ông kiên trì phơi sách, bọc bìa, đặt thuốc chống mối. Ông cũng phải thay toàn bộ giá sách bằng kệ sắt có chân di chuyển, đồng thời lắp đặt máy hút ẩm, quạt thông gió để bảo vệ kho sách khỏi nấm mốc. Hằng năm, ông dành thời gian tổng vệ sinh thư viện, lau chùi từng cuốn như chăm sóc chính "ký ức" của mình.
Hiện nay, "Thế Uẩn thư trai" không chỉ là một kho sách quý mà còn là điểm hẹn tri thức, nơi bất cứ ai muốn mượn sách, trao đổi học thuật hay tìm lời khuyên về nghiên cứu đều có thể tìm đến. Tuy không hào nhoáng như thư viện lớn, nhưng nơi đây đã thấm đẫm tâm huyết và tình yêu sách của PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện – người vẫn âm thầm gieo những hạt giống văn hóa đọc cho các thế hệ sau.
Tại "Thế Uẩn thư trai", có một kỷ vật mà ông trân quý hơn cả: tập san viết tay của lớp Văn 8, Đại học Tổng hợp Hà Nội, trong chuyến đi thực tế hai tháng tại Lạng Sơn.
Trong đó, ba bài thơ viết vào mùa xuân năm 1967 hiện lên với nét bút tuổi 20 chân phương, ký bút danh "Phú Trọng" - chàng sinh viên khoa Văn ngày ấy, sau này trở thành Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Những vần thơ ấy không chỉ mang giá trị văn chương, mà còn là dấu ấn thiêng liêng của một thế hệ thanh niên đầy lý tưởng và khát vọng cống hiến. Sau này, trong lễ tang cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông dẫn đầu đoàn viếng của các bạn đồng môn Văn 8 đến dự lễ tang và cho công bố những bài thơ năm xưa - như một nén tâm hương tiễn biệt người bạn hiền, một lời nhắn nhủ lặng lẽ về tinh thần học thuật, lý tưởng và lòng tận hiến của thế hệ đi trước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp bạn đồng môn - PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện, tại Văn phòng Tổng Bí thư, tháng 6/2022. Ảnh: nvcc
Người "gieo hạt" tri thức
Suốt sự nghiệp "gieo hạt" tri thức, PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện đã dìu dắt hàng chục nghiên cứu sinh tiến sĩ và học viên cao học. Ông không chỉ truyền dạy kiến thức mà còn rèn luyện sự nghiêm túc trong nghiên cứu và vun đắp tinh thần trách nhiệm đối với khoa học.
"Thế Uẩn thư trai" đã trở thành chứng nhân của những buổi thảo luận sâu sắc, những giờ học miệt mài và tình yêu tri thức thấm đẫm mà ông dành cho học trò, như một ngọn lửa bền bỉ cháy sáng, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
TS. Đỗ Phương Thảo (Vụ trưởng Vụ Thông tin - Đối ngoại, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương), một trong những nghiên cứu sinh đầu tiên của ông, vẫn nhắc về người thầy đáng kính với sự trân trọng sâu sắc: "Thầy tôi đã dạy cho tôi không chỉ cách thức, phương pháp một người làm khoa học mà còn dạy tôi về cách sống, lối ứng xử trong đời… Thầy chỉ chăm chỉ vào công việc, không hề bị tác động bởi ánh hào quang của người khác, không bạc tiền chi phối. Thầy tôi điềm nhiên vượt qua mọi khó khăn, vững chãi như tán cây rợp mát bên hiên ngôi nhà trí tuệ của Thầy."
Năm 2013, PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện cùng chính quyền phường Dịch Vọng Hậu xây dựng thư viện công cộng, trực tiếp quyên góp hơn 500 đầu sách và vận động tài trợ từ nhiều tổ chức.
"PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện là người đầu tiên hưởng ứng khi phường có kế hoạch xây dựng tủ sách. Không chỉ đóng góp sách, thầy còn vận động bà con, tìm kiếm nguồn sách từ nhiều nơi. Mỗi năm, thầy lại bổ sung hàng trăm đầu sách…" - ông Nguyễn Chiếm Sơn, Bí thư Chi bộ khu dân cư chia sẻ.
Nhưng với PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện, ông quan niệm rằng khuyến học không chỉ dừng lại ở những giá sách trong thành phố. Đâu đó, trong sâu thẳm ký ức, ông vẫn nhớ như in những ngày sơ tán ở Đại Từ (Thái Nguyên), nơi đã nuôi dưỡng và chở che ông qua những năm tháng chiến tranh ác liệt.
Khi ấy, dưới ánh đèn dầu leo lét, cậu học trò Nguyễn Ngọc Thiện vẫn kiên trì chép từng trang sách, mặc cho tiếng bom đạn vọng về từ xa. Những cuốn sách ngày đó không chỉ là tri thức, mà còn là hy vọng, là điểm tựa giúp ông hình dung về một tương lai tươi sáng hơn.
Và cũng từ chính trải nghiệm ấy, ông thấm thía rằng, tri thức là con đường thoát nghèo bền vững nhất. Chính vì thế, suốt nhiều năm qua, ông đều đặn gửi sách về Đại Từ, cẩn thận lựa chọn từng đầu sách phù hợp với từng lứa tuổi, từ truyện thiếu nhi, sách giáo khoa, đến những cuốn bồi dưỡng kỹ năng sống như một cách "trả ơn" mảnh đất đã cưu mang mình.
Với quê hương Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội) - nơi ông sinh ra và lớn lên - cũng luôn nằm trong tâm trí ông. Ở đó, ông âm thầm đồng hành cùng những học sinh nghèo hiếu học, lặng lẽ đóng góp vào quỹ khuyến học, trao học bổng, hỗ trợ sách vở từ chính tiền lương hưu của mình. Ông không muốn bất kỳ đứa trẻ nào phải từ bỏ giấc mơ chỉ vì thiếu một cuốn sách hay một khoản học phí nhỏ.
"Sách đã giúp tôi trưởng thành giữa những ngày gian khó. Bây giờ, tôi muốn bọn trẻ nơi này cũng có cơ hội như mình", ông trầm ngâm. Đó không chỉ là một lời nói, mà là tâm niệm cả đời ông - một trái tim bền bỉ gieo chữ, để những thế hệ sau có thêm niềm tin và nghị lực bước tiếp.
Bên cạnh đó, ông luôn dành trọn tình cảm cho những người lính nơi đầu sóng ngọn gió. Khi đoàn công tác của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam chuẩn bị ra Trường Sa, ông đã cẩn thận gói ghém từng cuốn sách, tạp chí gửi theo đoàn.
"Trường Sa không chỉ cần lương thực, nước ngọt, mà còn cần tri thức và tinh thần. Những trang sách này là lời động viên nhỏ của tôi gửi đến các anh…" - ông nói giản dị như vậy.
Vài tháng sau, một người bạn trong đoàn công tác trở về, mang theo lời nhắn từ những người lính đảo. Họ kể rằng, giữa biển trời mênh mông, những cuốn sách ấy đã trở thành người bạn quý giá. Những lúc không phải trực gác, các anh quây quần bên nhau, say sưa đọc từng trang sách, có người còn ghi chép lại những đoạn tâm đắc, như thể sợ mất đi từng con chữ.
Nghe vậy, PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện lặng đi một lúc. Ông không giấu được niềm xúc động, tưởng tượng đến hình ảnh những người lính đảo xa đang đọc sách dưới ánh đèn đêm, gió biển thổi lồng lộng xung quanh. Ông hiểu rằng, dù khoảng cách địa lý có xa đến đâu, thì một cuốn sách vẫn có thể kết nối những tâm hồn, truyền đi hơi ấm của tri thức và tình người. Và thế là, những chuyến sách ra Trường Sa vẫn tiếp tục, như một nhịp cầu bền bỉ nối đất liền với biển đảo quê hương.



Những đóng góp của PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện được ghi nhận bằng nhiều danh hiệu cao quý.
Những đóng góp không mệt mỏi của ông được ghi nhận bằng nhiều danh hiệu cao quý như Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp văn thư lưu trữ" của Bộ Nội vụ, Bằng khen của Hội Khuyến học Việt Nam (2018), danh hiệu "Người tốt - Việc tốt" của quận Cầu Giấy (2024)…
Tấm gương suốt đời học tập của ông và Thư viện gia đình ông - "Thế Uẩn thư trai" đã được báo chí nhắc đến, lan toả trong cộng đồng, mang đến niềm hứng khởi đọc sách, giáo dục cho nhiều thế hệ.
Cuộc trò chuyện của chúng tôi kéo dài, miên man như dòng chảy ký ức. Trước khi ra về, ánh mắt tôi dừng lại trên tấm bảng gỗ khắc ba chữ "Thế Uẩn thư trai", đặt trang trọng trên giá sách - một biểu tượng của tri thức và sự tận hiến cả đời người.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện không chỉ là người giữ lửa tri thức, mà còn là "người phu chữ" tận tụy, một tấm gương sáng cho thế hệ mai sau, một chiếc cầu nối giữa các thế hệ say mê với sách, với chữ của Việt Nam.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google