
Gia đình học tập và yêu thương - nền tảng cho nhân cách và sự phát triển bền vững
Gia đình là tế bào của xã hội, là nơi nuôi dưỡng tâm hồn và định hình nhân cách của mỗi con người. Với tôi, "Gia đình học tập" không chỉ là một khái niệm lý thuyết mà là hành trình sống động, xuyên suốt qua nhiều thế hệ – từ ông bà, cha mẹ đến chính tôi và các con.
Bài dự thi cuộc thi viết "Gia đình học tập" của tác giả Đinh Thị Thuý (Hà Nội)

Gia đình bên ngoại của tôi.
Thật tình cờ, gia đình tôi có một nhóm Zalo mang tên "Gia đình học tập và yêu thương". Và cũng thật ý nghĩa khi năm nay, tôi biết đến cuộc thi "Gia đình học tập" do Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học tổ chức. Tôi muốn chia sẻ câu chuyện của gia đình mình – một gia đình học tập đúng nghĩa, nơi tri thức và tình yêu thương luôn song hành.
1. Gốc rễ của sự học – Gia đình là cái nôi khơi nguồn tri thức
Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống yêu học tập. Bố tôi là con út trong một gia đình nghèo thời Pháp thuộc. Trong hoàn cảnh thiếu thốn, hai anh chị ruột đã nhường cơ hội đi học cho ông. Vượt lên gian khó, Bố tôi đỗ vào trường Trung cấp Sư phạm. Đến năm 1965, ông học xong và về quê dạy học tại trường cấp 2 Thanh Hồng (Thanh Hà, Hải Dương). Năm 1968, ông tình nguyện nhập ngũ, tham gia kháng chiến và được phong danh hiệu "Dũng sĩ diệt Mỹ".
Trong chiến tranh, Bố tôi bị thương tại chiến trường miền Đông Nam bộ và trở về tiếp tục dạy học từ năm 1972. Bốn năm sau đó, Bố tôi được đề bạt làm Hiệu trưởng trường Phổ thông cơ sở xã Quang Trung - khi đó Bố mới 32 tuổi, là người trẻ nhất huyện Tứ Kỳ được đứng vào hàng ngũ Hiệu trưởng. Bố thực sự là niềm tự hào, là tấm gương học tập của chúng tôi.
Những năm tháng chiến đấu khốc liệt được ông ghi lại trong cuốn nhật ký "Nhớ đêm cõng bạn lạc rừng" mà tôi đã vinh dự tổ chức xuất bản năm 2020 như một món quà tri ân lịch sử. Cho đến tận bây giờ, ông vẫn giữ thói quen ghi chép và gần đây đã xuất bản tuyển tập "Nhật ký những năm tháng tuổi già" (2005–2025) – một kho tư liệu sống động về đời sống gia đình, làng quê và xã hội.
Mẹ tôi – một người phụ nữ tảo tần, luôn yêu thương chăm sóc chồng con, sống nhân hậu tốt bụng với những người xung quanh. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng Mẹ vẫn cố gắng học hết cấp 2 và là học sinh giỏi của trường cấp 2 xã Nguyên Giáp. Mẹ buôn bán hàng xáo ở quê, tính toán nhanh nhạy, chăm lo kinh tế để cùng Bố tôi nuôi dạy ba anh em chúng tôi đều tốt nghiệp Đại học, đi làm và trưởng thành.
Tôi luôn nhớ lời Bố dạy: "Mình tốt với người này, người khác sẽ tốt với mình. Giúp được ai thì cứ giúp, đừng trông mong trả ơn". Mẹ tôi thì luôn dạy con cái bằng chính tấm gương sống nhân hậu, chăm chỉ, tận tụy với chồng con và hàng xóm láng giềng. Những đức tính đó đã ảnh hưởng tới tính cách, quan điểm sống của tôi và trở thành giá trị nền tảng trong cách tôi nuôi dạy con cái và xây dựng gia đình nhỏ của mình.
2. Gia đình chồng – nơi tiếp nối và lan tỏa tinh thần học tập
Bố chồng tôi là nhà giáo, Hiệu trưởng Trường THCS Phúc Thắng, Phúc Yên, rất nghiêm nghị. Mẹ chồng là người phụ nữ sắc sảo, mực thước và kỹ lưỡng trong từng lời ăn tiếng nói, cử chỉ. Chính sự ảnh hưởng sâu sắc từ hai phía gia đình Nội – Ngoại đã hình thành nên giá trị cốt lõi của gia đình nhỏ chúng tôi: "Sống tử tế, học tập suốt đời".

Gia đình bên nội đông đủ trong dịp mừng thọ mẹ chồng tôi tròn 80 tuổi.
Chồng tôi, từ một quân nhân chuyên nghiệp, đã quyết tâm học tiếp tại Học viện Kỹ thuật Quân sự. Anh tốt nghiệp loại giỏi, được giữ lại làm giảng viên tại Bộ môn Tên lửa, Khoa Kỹ thuật điều khiển với cấp bậc Thượng Tá. Anh không ngừng học hỏi, phấn đấu và hiện đảm nhiệm nhiều trọng trách trong đơn vị và đạt thành tích đáng tự hào.
3. Thế hệ tiếp nối – các con tôi học bằng tinh thần tự giác và yêu thương
Chúng tôi không đặt áp lực thành tích, mà chú trọng định hướng: học đầy đủ, ưu tiên ngoại ngữ (tiếng Anh), rèn nhân cách. Với tôi, "học" không chỉ là tri thức mà là cách sống – sống có ích, sống yêu thương, sống trung thực và biết chia sẻ, để trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Kết quả là:
Con trai cả sinh năm 2001, tốt nghiệp Đại học Anh quốc tại Việt Nam (BUV) và tự xin việc đi làm ở Malaysia gần 3 năm qua. Con trai thứ hai sinh năm 2007, hiện là học sinh lớp 12 chuyên Toán A1, Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên. Cháu đã trúng tuyển Đại học Boston (Mỹ), dự kiến du học vào tháng 8/2025. Con gái út sinh năm 2015, hiện là học sinh lớp 4 tại Trường Tiểu học Vinschool Gardenia.
Niềm vui lớn nhất của vợ chồng tôi là được đồng hành cùng con, chia sẻ trải nghiệm sống và truyền cho các con tinh thần "Phụng sự xã hội".

Gia đình nhỏ của tôi.
4. MISA – Gia đình thứ hai của tôi
Sau khi tốt nghiệp Học viện Tài chính năm 1998, tôi gắn bó với Công ty Cổ phần MISA suốt 27 năm. MISA không chỉ là nơi làm việc mà là môi trường học tập không ngừng nghỉ – nơi tôi học được tinh thần đổi mới, sáng tạo và giá trị cốt lõi từ người Thuyền trưởng Lữ Thành Long cùng các cộng sự tài năng. Từ một nhân viên ban đầu, tôi từng đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc trong hai nhiệm kỳ, và nay là Phó Chủ tịch HĐQT.
Sau 8 năm đảm nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc, nay tôi đã tìm được người kế cận đảm nhận vị trí Tổng Giám đốc, giúp tôi sẵn sàng đảm nhận vai trò Phó Chủ tịch HĐQT, tôi càng ý thức sâu sắc rằng: Để một tổ chức phát triển bền vững, thì mỗi cá nhân phải là người học suốt đời và cũng cần có trách nhiệm đào tạo chia sẻ cho lớp kế cận trưởng thành tiếp nối.
Những bài học tại MISA không chỉ giúp tôi trưởng thành trong sự nghiệp mà còn là kim chỉ nam trong giáo dục con cái và lan tỏa giá trị học tập đến cộng đồng.

MISA là nơi cho tôi môi trường học tập không ngừng.
5. Mỗi gia đình học tập là một viên gạch xây nên xã hội học tập
Tôi luôn tin rằng: học không chỉ trong sách vở, không chỉ từ thầy cô, mà còn từ sự quan sát, từ những người Thầy thông thái xung quanh chúng ta, đặc biệt chính gia đình – những người thầy đầu tiên, người đồng hành suốt đời. Gia đình học tập sẽ hình thành nhân cách, khơi dậy lòng nhân ái và tinh thần cống hiến. Mỗi cá nhân học tập tốt sẽ tạo nên một gia đình học tập tốt; nhiều gia đình học tập sẽ góp phần xây dựng xã hội văn minh, phát triển bền vững.

Hãy xây dựng nếp sống học tập, yêu thương, chia sẻ bắt đầu từ chính gia đình mình.
Tôi mong rằng, mỗi chúng ta hãy bắt đầu từ chính gia đình mình – xây dựng nếp sống học tập, yêu thương và sẻ chia. Hãy cùng lan tỏa những giá trị tốt đẹp để "Gia đình học tập" không chỉ là danh hiệu – mà là hiện thực sống động, bền vững trong mỗi mái ấm Việt Nam hôm nay và mai sau.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google