Người phát khoa cử nhân làng Thọ Linh

Đinh Xuân Trường
17:38 - 18/05/2022
Công dân & Khuyến học trên

Nói về tấm gương hiếu học thì cho đến nay, nhiều người ở làng Thọ Linh (xã Quảng Sơn, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) cũng đều nhắc đến ông Đinh Xuân Trạc.

Người phát khoa cử nhân làng Thọ Linh- Ảnh 1.

Ông Đinh Xuân Trạc.

Từ một cậu bé nhà nghèo ngày ngày chăn trâu, đi làm thuê cho các nhà giàu trong xã, nhờ sự kiên trì, bền bỉ học tập, ông đã trở thành người phát khoa cử nhân của làng, có tầm ảnh hưởng đến sự học trong cả vùng.

Không có tiền vào lớp thì "học lỏm"

Ông Đinh Xuân Trạc sinh năm 1868, là con trai thứ ba trong gia đình rất nghèo có 9 anh chị em gồm 7 người con trai và 2 người con gái. Khi ông đang tuổi vị thành niên thì thân phụ của ông bị bọn tay sai của quân Pháp giết hại, nhà cửa bị đốt phá sạch. Tuổi thơ ông là những năm tháng hàn vi khi lên rừng lấy củi, khi đi chăn trâu cắt cỏ, giúp việc cho các nhà giàu trong xã để có tiền phụ giúp mẹ nuôi gia đình.

Sống trong gia đình nghèo khó nhưng ông Đinh Xuân Trạc rất ham học. Những hôm đi chăn trâu, ông đều dắt trâu vào bãi cỏ buộc chắc chắn vào cái cọc ở đó, rồi nhanh chóng tạt qua nhà quan Biện là nơi có lớp học tư gia để nghe lỏm thầy giảng bài. Ông tranh thủ học mọi nơi, mọi lúc, khi ngồi trên lưng trâu,  lúc lại đốt lửa để có ánh sáng học ban đêm, dùng que nhọn viết chữ lên mặt đất để học…

Phát hiện thấy cậu bé ngày ngày bất kể nắng hay mưa đều đến học lỏm nên có những lần thầy cho cậu làm thử bài với các học trò trong lớp. Kết quả, bài làm của cậu luôn xuất sắc, vượt trội, được thầy khen là sắc sảo và có chí hướng.

Sau những năm "học lỏm" bên hiên nhà quan Biện, ông Định Xuân Trạc theo người anh cả là ông Đinh Bá Thưởng khi ấy làm việc tại tỉnh Quảng Trị để có điều kiện dùi mài kinh sử.

Kỳ thi Hương năm Canh Tý (1900) Thành Thái thứ 12 tại Trường Thừa Thiên, ông Đinh Xuân Trạc thi đỗ cùng với những người về sau trở thành những nhà chí sĩ yêu nước nổi tiếng như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng… Trong cuốn sách "Quốc triều Hương khoa lục" của tác giả Cao Xuân Dục (1842-1923) do Nhà xuất bản Lao Động - Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây xuất bản năm 2011 có ghi số thứ tự các thí sinh thi Hương đỗ trong cả nước như sau: -4305-1- Huỳnh Thúc Kháng. Học sinh. Người xã Thanh Bình, huyện Hà Đông, tỉnh Quảng Nam. Đậu năm 25 tuổi. -4307-3 - Phan Châu Trinh. Học sinh. Người xã Tây Lộc, huyện Hà Đông, tỉnh Quảng Nam. Đậu năm 19 tuổi. -4326-22 - Đinh Xuân Diệu (đổi là Đinh Xuân Trạc). Người xã Thọ Linh Thượng, huyện Tuyên Chính, tỉnh Quảng Bình. Đậu năm 33 tuổi…

Do hoàn cảnh gia đình nghèo khó, đến tuổi 33 ông mới đi thi và đậu kỳ thi Hương cho thấy sự học của ông Đinh Xuân Trạc rất kiên trì, bền bỉ.

Nói đi đôi với làm

Với ông Đinh Xuân Trạc, học là để giúp bản thân thoát dốt, thoát nghèo, để  phụng sự cho quê hương, đất nước. Sau khi đỗ kỳ thi Hương năm Canh Tý (1900) tại Trường Thừa Thiên, ông được triều đình bổ nhiệm làm Hậu bổ, Tri huyện, Tri phủ, Án sát ở nhiều tỉnh. Dù làm việc ở đâu, ông cũng luôn cố gắng học tập, giữ gìn nhân cách, phẩm giá, sự thanh liêm, chính trực, luôn được người dân tin yêu, quý trọng.

Thời gian ông làm Án sát ở Hà Tĩnh gặp lúc thiên tai, mùa màng thất bát, dân chúng lâm cảnh đói khổ nhưng vẫn phải chịu cảnh sưu cao, thuế nặng. Là quan địa phương, ông đã nhiều lần đề đạt ý kiến lên cấp trên xin miễn giảm sưu thuế cho dân. Khi không được chấp thuận thì ông làm tờ trình thẳng thắn kháng nghị nên bị quy tội không làm tròn trách nhiệm, bị giáng trật và một thời gian dài không được thăng chức. Sự việc không làm ông nao núng nên người dân địa phương càng cảm phục ông.

Quá trình tri nhậm ở nhiều nơi, dù Phan Thiết, Hà Tĩnh hay Thanh Hóa, ông đều quan tâm vấn đề dân sinh. Một mặt, ông hết sức nghiêm khắc với tệ đục khoét, tham nhũng, thói cường hào áp bức dân; mặt khác ông rất chăm lo đến việc mở mang khai hóa cho địa phương. Bởi vậy, có nơi đã lập sinh từ thờ sống ông.

Sau 25 năm làm việc, ông nghỉ hưu thụ chức Tham tri trí sĩ Trung phụng đại phu hàm nhị phẩm đại thần. Trở về quê, ông đã xúc tiến rất nhiều việc làm thay đổi diện mạo của làng Thọ Linh nghèo khó như tăng cường khai hoang mở rộng đất canh tác cho làng, kiến thiết đường sá, tu sửa, tôn tạo đình miếu, chỉnh trang chợ búa, xây dựng hương ước văn minh, tiến bộ cho làng…, góp phần cải thiện đời sống mọi mặt cho nhân dân.

Ông thường dạy con cháu và tâm sự với dân làng: "Không chịu khó học thì sẽ không làm tốt được việc gì hết". Nói đi đôi với làm, bằng uy tín và cách làm năng động, sáng tạo của mình, vào năm 1921, ông đã sáng lập Trường Tiểu học Thọ Linh (tên khai sinh là "Ecole Primaire Complémentaire de Tholinh" - một trong 5 trường tiểu học sớm nhất tỉnh Quảng Bình, bốn trường còn lại là Đồng Hới, Lệ Thủy, Ba Đồn và Roòn) để thắp sáng tri thức cho con em nhân dân trong làng, trong vùng và một số huyện gần đó.

Người phát khoa cử nhân làng Thọ Linh- Ảnh 2.

Trường Tiểu học Thọ Linh là tiền thân của Trường Tiểu học xã Quảng Sơn (thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) ngày nay.

Ngôi trường do ông sáng lập là tiền thân của Trường Tiểu học xã Quảng Sơn ngày nay vừa bước qua mốc 100 năm. Đây là nơi học tập, bồi dưỡng tinh thần yêu nước của những cựu học sinh xuất sắc, ưu tú như: Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên - Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ); Trung tướng Lê Văn Tri – nguyên Tư lệnh Phòng không Không quân; Trung tướng Mai Xuân Vĩnh - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Phó Đô đốc, Tư lệnh Hải quân; Trần Đình Luyến - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình; Trần Đình Lư - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Đại tá công an; các Giáo sư Lương Duy Trung, Lương Duy Thứ…