Người đàn ông hiến máu 100 lần trong 8 năm

17:32 - 13/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Nguyễn Văn Thanh trong 8 năm qua đã có 100 lần hiến máu và mỗi năm anh cũng hiến tiểu cầu 15 lần.

Người đàn ông hiến máu 100 lần trong 8 năm - Ảnh 1.

Nguyễn Văn Thanh tại chương trình gặp mặt người hiến tiểu cầu tiêu biểu 2021. Ảnh: TTXVN

‏Anh Nguyễn Văn Thanh trú tại xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh, Hà Nội trong một lần đi xe buýt đã tình cờ nghe được câu chuyện các tình nguyện viên đi tuyên truyền về hiến máu. Vì sự tò mò của bản thân, anh đã mạnh dạn đăng ký đi hiến máu khi đang là sinh viên Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật công nghiệp Hà Nội.

Sau 3 lần hiến máu tình nguyện, Nguyễn Văn Thanh được tư vấn hiến tiểu cầu. Cũng qua những lần hiến tiểu cầu đó, anh đã gặp rất nhiều những câu chuyện cảm động và hoàn cảnh đáng thương của những bệnh nhân ở đó. Những hình ảnh, câu chuyện ấy như thôi thúc chàng thanh niên tiếp tục tham gia tình nguyện hiến máu và tiểu cầu nhiều lần hơn nữa để có thể duy trì sự sống mỗi ngày cho các bệnh nhân kém may mắn.

Nguyễn Văn Thanh có được kinh nghiệm sau nhiều lần hiến máu an toàn. Anh nói khoảng thời gian tối thiểu giữa 2 lần hiến máu toàn phần liên tiếp là gần 3 tháng còn hiến tiểu cầu thi sau 21 ngày là có thể tiếp tục đi hiến. Anh đã lựa chọn đi hiến bằng cả 2 phương thức với mục đích có thể lan tỏa những điều tốt đẹp trong cuộc sống cho người bệnh.

Người đàn ông hiến máu 100 lần trong 8 năm - Ảnh 2.

Anh Nguyễn Văn Thanh đã tham gia hiến máu 100 lần trong 8 năm qua. Ảnh: TTXVN

‏Sau mỗi lần hiến máu, anh được cấp giấy chứng nhận để khi cần truyền máu thì sẽ nhận lại lượng máu miễn phí bằng số lượng máu đã hiến. Mỗi năm anh hiến tiểu cầu khoảng 14-15 lần.‏

‏Năm 2021, dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng anh vẫn đều đặn đến Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương để tham gia hiến máu. Cho tới khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, anh mới tạm ngừng đi hiến máu. Dù vậy, nhưng trong lòng Nguyễn Văn Thanh vẫn canh cánh một sự lo lắng vì dịch bệnh đã gây khó khăn cho công tác tiếp nhận máu. Và đồng nghĩa với đó, lượng máu dự trữ của ngân hàng máu sẽ trở nên vơi đi mỗi ngày, trong khi nhu cầu của người bệnh thì không hề giảm.

"Nếu không làm được điều gì to lớn thì hãy bắt đầu bằng việc nhỏ bé để giúp đỡ những người xung quanh"
Chàng trai trẻ Nguyễn Văn Thanh tâm niệm
Cân bằng chế độ dinh dưỡng, tập luyện để duy trì hiến máu

‏Để có được một cơ thể khỏe mạnh tham gia hiến máu đều đặn, Nguyễn Văn Thanh luôn cố gắng duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh và chơi thể thao mỗi ngày, hạn chế bia rượu, cà phê, những đồ uống có cồn, không ăn quá nhiều thực phẩm giàu chất béo.‏

‏Trước đây khi vợ anh còn chưa hiểu về hiến tiểu cầu lại thấy chồng tháng nào cũng đều đặn đi hiến thì rất lo lắng, sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của chồng nên cũng có ý phản đối. Sau đó, anh cũng chủ động giải thích và dành thời gian để tìm hiểu cùng vợ về những lợi ích của hiến máu tình nguyện. ‏

‏Đồng thời, anh cũng chia sẻ với vợ về những câu chuyện, hình ảnh xúc động mà anh được nghe và thấy mỗi khi tới Viện. Từ đó, vợ Thanh thêm hiểu và ủng hộ chồng tham gia hiến máu.

Theo Tiến sĩ, Bác sĩ Bạch Quốc Khánh, VIện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương từng chia sẻ: nguồn máu an toàn nhất là nguồn máu được tiếp nhận từ những người hiến máu thường xuyên.‏

‏Vì họ là những người có đủ kiến thức và luôn ý thức giữ gìn sức khỏe, tự sàng lọc các yếu tố nguy cơ để có được nguồn máu an toàn, chất lượng dành cho người bệnh. ‏

‏Nếu mỗi người dân đủ điều kiện sức khỏe duy trì hiến máu đều đặn, trung bình mỗi năm 2 lần, sẵn sàng hỗ trợ hiến máu vào những thời điểm khan hiếm máu, theo nhu cầu của các cơ sở truyền máu, thì hoạt động hiến máu tình nguyện sẽ phát triển bền vững, không xảy ra tình trạng thiếu máu theo mùa vụ, theo nhóm máu và người bệnh luôn có đủ máu để điều trị, duy trì cuộc sống.

Nhật Minh (Tổng hợp)