Dinh dưỡng và vận động cho trẻ sau đại dịch

Thế Vinh
03:39 - 11/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Tối thứ năm 9/6/2022 vừa qua đã diễn ra hội thảo online "Dinh dưỡng và vận động cho trẻ em sau thời kỳ đại dịch" do MetaMinds tổ chức, với sự đồng hành của Thương hiệu sách và tri thức Y học MedInsight cùng Hệ thống phòng khám 247.

Khi dinh dưỡng và vận động của trẻ không hợp lý

Mở đầu chương trình, BS Đỗ Tuấn Anh hiện đang công tác tại Trung tâm Nhi Khoa, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ kết quả nghiên cứu được công bố của WHO năm 2010 và 2016. Theo đó, hoạt động thể chất không đầy đủ ở trẻ mỗi ngày là nguyên nhân thứ 4 dẫn đến tử vong, và là vấn đề sức khỏe cộng đồng cần lưu tâm. 

Dinh dưỡng và vận động cho trẻ sau đại dịch - Ảnh 1.

Bác sĩ Tuấn Anh là một trong những y bác sĩ tiến vào tâm dịch, tham gia chi viện cho Thành phố Hồ Chí Minh trong thời điểm dịch COVID - 19 diễn biến phức tạp. Ảnh: NVCC

Trẻ em từ 5-17 tuổi được khuyến khích hoạt động thể chất ít nhất 60 phút mỗi ngày, nhằm giúp xây dựng hệ thống xương và cơ khỏe, giảm lo lắng và stress, kích thích sức khỏe tâm lý tích cực. Các hoạt động thể chất này phải tiêu thụ được năng lượng, khiến trẻ thở sâu, thở nhanh, vã mồ hôi mới đảm bảo được việc thúc đẩy trao đổi chất, phát triển cơ xương của trẻ.

Trẻ 6 tuổi trở lên nên vận động ít nhất 60 phút/ ngày. 3-6 tuổi vận động 3 tiếng/ ngày, trong đó có ít nhất 1 tiếng cho hoạt động thể chất mức độ từ vừa đến nặng. Các hoạt động vận động tốt nhất cho trẻ bao gồm: Chạy bộ (type: Aerobic), Nhảy (type: weght-bearing, cardio), Planks (type: strength training), Chống đẩy (type: strength training); Bơi, đạp xe, đá bóng...

Hầu hết các thực phẩm được quảng cáo trên truyền thông hiện đều nhiều mỡ, nhiều calo, muối và đường, nhưng ít dinh dưỡng cần có cho sự phát triển khỏe mạnh của trẻ. Nhiều nghiên cứu chỉ ra: Trẻ sẽ đòi hỏi cha mẹ mua thực phẩm quảng cáo, trẻ sẽ ăn nhiều hơn nhu cầu trong khi xem tivi/youtube/ game… những hoạt động ngày không giúp cho tiêu Calo và phát triển cơ xương.

Dinh dưỡng cho trẻ cần đảm bảo chế độ ăn cân bằng. Đảm bảo trẻ được nhận đủ các vitamins, khoáng chất và các dinh dưỡng thiết yếu khác để đáp ứng nhu cầu phát triển khỏe mạnh. Trong đó các chất dinh dưỡng quan trọng bao gồm: Calcium & Vitamin D tốt cho xương và hệ miễn dịch; Sắt tốt cho nhận thức; Omega 3 và DHA tốt chức năng não bộ

Dinh dưỡng và vận động không hợp lý dẫn đến hai trạng thái: Trẻ bị kém phát triển, suy dinh dưỡng hoặc trẻ bị béo phì, thừa cân. Trong đó nghiêng nhiều về hiện tượng thừa cân, béo phì đặc biệt là với trẻ em ở các thành phố lớn. Nghiên cứu của tổ chức Kopelman công bố năm 2007 cho thấy trẻ bị béo phì khi trưởng thành bị tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh nguy hiểm như: Tiểu đường type 2, tăng huyết áp, bệnh mạch vành, đột quỵ, ung thư, sinh sản, bệnh lý về gan mật, loãng xương…

Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động thể chất, dẫn đến tỷ lệ rối loạn tâm lý cao nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây với người dân, trong đó có đối tượng trẻ em. Các bậc phụ huynh cần nhận thức, theo dõi phát hiện các triệu chứng "hậu COVID" ở trẻ, đưa trẻ đi khám bác sỹ để được tư vấn, điều trị kịp thời; có chế độ dinh dưỡng và hoạt động thể chất phù hợp cho trẻ.

Dinh dưỡng và vận động cho trẻ sau đại dịch - Ảnh 3.

Bác sĩ Tiến Dũng đã tham gia nhiều khóa đào tạo của WHO và các tổ chức Y học khác tại Philippines, Nga, Nhật Bản, là chủ tọa và tham gia nhiều hội nghị, hội Thảo chuyên ngành tại Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Thụy Sỹ, Áo... Ảnh: NVCC

Những tiêu chí dinh dưỡng

Phó giáo sư - Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai, Phó Chủ tịch Hội Hô hấp Nhi Việt Nam cho biết, kết quả nghiên cứu của Bộ Giáo dục Đào tạo công bố trong thời gian qua cho thấy 45% trẻ có rối loạn tâm lý khi học online kéo dài. Vì vậy, khi được hỏi ý kiến, các chuyên gia như ông đều đồng thuận với quyết định cho trẻ đi học trực tiếp trở lại. 

Bởi dù xác định, khi trường học mở cửa trở lại có thể sẽ có nhiều trẻ bị ốm hơn, nhưng việc ốm sẽ khởi động hệ miễn dịch của bé, khiến sức khỏe của bé về lâu dài sẽ tốt lên. Ngoài ra, độc lực của virus đã giảm, miễn dịch cộng đồng đã có, nên lợi ích của việc cho trẻ được đi học lại, được vận động, giao lưu trực tiếp với thầy cô, bạn bè lớn hơn nhiều so với nguy cơ ốm sốt.

Quá trình thăm khám cho bệnh nhân nhi, Bác sĩ Tiến Dũng đã gặp hàng trăm phụ huynh thắc mắc: Cho con ăn uống đầy đủ mà tại sao chiều cao cân nặng vẫn dưới chuẩn. "Với những trường hợp này tôi khuyên cha mẹ nên cho trẻ đi khám xem trẻ có mắc bệnh gì không, tiếp đó xem thức ăn cho trẻ đã đủ dinh dưỡng chưa. Nhiều gia đình khẳng định chế độ ăn uống dành cho con đầy đủ dưỡng chất; nhưng sau khi tham khảo bác sĩ dinh dưỡng thì mới biết chế độ ăn của gia đình thật sự chưa đạt yêu cầu. Không phải đến bữa cha mẹ cứ mua cho con ăn cả cân tôm, cân cua là có thể cho rằng chế độ ăn mình chuẩn bị cho con cái đã đầy đủ dinh dưỡng đâu".

BS Đỗ Anh cung cấp thêm thông tin bổ sung: Dinh dưỡng cân bằng cho trẻ cần đáp ứng 5 tiêu chí: (1) đầy đủ: đủ dinh dưỡng thiết yếu, chất xơ và năng lượng (2) cân bằng: phối hợp hợp lý của 4 nhóm chất cần thiết bao gồm chất đạm, bột đường, chất béo, vitamin (3) đủ năng lượng cho hoạt động hàng ngày (4) điều độ (5) đa dạng thực phẩm.

Để khuyến khích trẻ ăn uống đa dạng thực phẩm, ăn thực phẩm tốt cho sức khỏe, Bác sĩ Đỗ Anh cũng đưa ra 4 nguyên tắc: (1) kết hợp đa dạng rau và trái cây màu sắc khác nhau để kích thích thị giác, vị giác của trẻ. Điều này cũng tốt về mặt dinh dưỡng vì các loại thực phẩm này chứa các loại dinh dưỡng khác nhau. (2) Thưởng thức: cha mẹ nên thể hiện "làm mẫu" cho trẻ thấy sự thú vị khi ăn uống, khuyến khích sự thưởng thức của trẻ ngay từ nhỏ. (3) Tự do để trẻ tự lựa chọn món ăn yêu thích. (4) Cho trẻ tham gia thảo luận về thực phẩm, đi chợ, nấu nướng để tạo hứng thú cho trẻ.

Nguyên tắc chung là trẻ phải được ăn tất cả các nhóm thực phẩm khác nhau: Nhiều rau và trái cây (rau nhiều hơn trái cây), ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, thịt, cá, hạt (mắc ca, óc chó, hạnh nhân, hạt điều, hạt dẻ…)

Cả hai bác sĩ Tiến Dũng và bác sĩ Đỗ Anh đều nhấn mạnh: Việc bổ sung dinh dưỡng cho trẻ kém phát triển chỉ nên tập trung vào thực phẩm. Cha mẹ không nên cho trẻ sử dụng các loại thực phẩm chức năng, bởi chúng có thể chứa những hoạt chất không tốt cho sức khỏe của trẻ về lâu dài.

Với trẻ bị thừa cân, béo phì Bác sĩ Tiến Dũng cho biết, đây là bệnh khó chữa vì yêu cầu trẻ phải thay đổi dinh dưỡng, vận động một cách có hệ thống, và việc này cần phải có sự đồng hành sát sao của cha mẹ. Về ăn uống khi trẻ nhỏ cần có bố mẹ đồng hành, giám sát để giảm dần khẩu phần ăn, giảm tiêu thụ các loại đồ ăn thức uống có hại cho sức khỏe. Trẻ lớn hơn thì cần giải thích rõ cho trẻ, tại sao cần tuân thủ nghiêm việc ăn uống lành mạnh. 

Việc vận động, cha mẹ cũng cần đồng hành với trẻ, vì trẻ thừa cân thường mệt khi vận động nên ngại vận động. Nên đa dạng vận động, vì có thể hoạt động đạp xe, đi bộ, đá bóng không phải lúc nào cũng hấp dẫn với trẻ.

Không bao giờ là quá muộn để cha mẹ bắt đầu khuyến khích tạo lập những thói quen sống khỏe - healthy habits ở trẻ.
Đồng hành cùng con trong hoạt động thể chất

Đồng quan điểm với Bác sĩ Tiến Dũng, Bác sĩ Đỗ Anh cũng đưa ra một số gợi ý cụ thể giúp cha mẹ có thể đồng hành với trẻ trong hoạt động thể chất:

Đảm bảo trẻ phải được hoạt động thể chất ĐỦ để cân bằng với Calo trẻ ăn hàng ngày.

Dành thời gian chơi/ tham gia ít nhất 60 phút vận động mỗi ngày với trẻ (đi bộ, đạp xe, bơi...). Cha mẹ nên đạp xe, đi bộ với trẻ càng nhiều càng tốt ( đưa đi học, sau ăn tối, thay vì xem tivi)

Khuyến khích trẻ hoạt động (thể thao, trò chơi, tham gia các đội thể thao ở cộng đồng)

Làm công việc nhà cùng trẻ (làm vườn, dọn nhà...)

Vận động đều và chế độ ăn uống khoa học sẽ giúp trẻ có được sức khỏe tốt, hình thể cân đối; khiến trẻ cảm nhận tốt hơn về bản thân. Khi trẻ tự tin, trẻ sẽ học tập tốt hơn, đối diện với stress/ áp lực, điều chỉnh/ kiểm soát cảm xúc tốt hơn; tránh/ loại bỏ được cảm xúc tiêu cực, trầm cảm… 

Điều này càng cần được chú ý khi chúng ta vừa trải qua thời kỳ đại dịch nhiều xáo trộn. 

Khi game "hack não" giới trẻ