Công dân khuyến học

Người dân Nghệ An hối hả chạy đua nước lũ dâng cao

Người dân Nghệ An hối hả chạy đua nước lũ dâng cao

Trần Quốc Huy

Trần Quốc Huy

07:01 - 24/07/2025
Công dân & Khuyến học trên

Các nhà máy thủy điện tiếp tục đồng loạt xả nước lũ khiến vùng hạ du ở Nghệ An tiếp tục bị ngập úng nghiêm trọng, người dân ở sát sông Lam hối hả chạy đua với nước lũ dâng cao chưa từng thấy.

Vào lúc 22 giờ 30 phút ngày 23/7,  ghi nhận phóng viên Công dân và Khuyến học tại Quốc lộ 7A đoạn dưới chân dốc Dừa, xã Vĩnh Tường, tỉnh Nghệ An nước lũ dâng cao khiến các phương tiện tham gia giao thông không thể đi qua. Chính quyền địa phương đã lập rào chắn, cảnh báo đường cấm người và phương tiện đi qua vì nước ngập úng.
Người dân Nghệ An hối hả chạy đua nước lũ dâng cao- Ảnh 1.

Biển cấm đường ngăn không cho người và phương tiện qua lại trên Quốc lộ 7A, qua xã Vĩnh Tường, Nghệ An. Ảnh: Quốc Huy

Hàng trăm nhà dân ở xã Vĩnh Tường bị ngập nước, người dân phải di chuyển lên núi cao để lánh nạn. 

Một số người dân tranh thủ dùng xe thô sơ để cứu đàn lợn bị ngập úng, chạy đua với nước lũ.

Người dân Nghệ An hối hả chạy đua nước lũ dâng cao- Ảnh 2.

Người dân khẩn trương di dời đàn lợn lên nơi an toàn ở dốc Dừa, xã Vĩnh Tường, Nghệ An trong lúc hơn 22 giờ đêm 23/7. Ảnh: Quốc Huy

Người dân Nghệ An hối hả chạy đua nước lũ dâng cao- Ảnh 3.

Dốc Dừa nơi nhiều đoàn xe phải dừng lại trên hành trình đi lên các xã miền núi Nghệ An. Ảnh: Quốc Huy

Do bị ngập lụt nên địa phương đã cắt điện hoàn toàn. Chính quyền địa phương đã chuẩn bị máy nổ, phát sáng nguồn điện để bà con xạc pin, thắp sáng ở chốt chặn Quốc lộ 7A dưới chân dốc Dừa.

Ông Trần Hữu Trường, thôn Quyết Thắng, xã Vĩnh Tường (Nghệ An) cho biết, mặc dù bà con có sự chuẩn bị nhưng vì nước dâng quá nhanh, bà con nhân dân trở tay không kịp. Từ sáng đến đêm, mực nước dâng từ sông Lam lên cao khoảng 3m, ruộng ngô sát bờ sông ngập hoàn toàn.

Người dân Nghệ An hối hả chạy đua nước lũ dâng cao- Ảnh 4.

Hàng trăm người dân tập trung lên cao ở Quốc lộ 7A, xã Vĩnh Tường vì nhà cửa bị ngập úng hoàn toàn. Ảnh: Quốc Huy

Toàn thôn Quyết Thắng có khoảng 290 hộ dân thì có đến khoảng 80% nhà dân đều bị ngập trong biển nước. Chỉ một số ít nhà ở trên đồi cao là nước chưa thể dâng đến.

"Sáng nay ra ngoài bãi ngô nước chưa ngập hết, vậy nhưng bây giờ nước dâng liên tục khiến ngập cả Quốc lộ 7A. Từ sáng đến giờ nước dâng cao lên khoảng 3m. Quá kỷ lục, khủng khiếp từ hàng chục năm qua. Sống đến 60 tuổi giờ mới chứng kiến trận lụt quá khiếp" - ông Trần Hữu Trường bộc bạch.

Phó Thủ tướng Mai Văn Chính trực tiếp chỉ đạo ở vùng lũ Nghệ An

Chiều tối ngày 23/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính đã dẫn đầu đoàn công tác vào thăm xã Con Cuông (tỉnh Nghệ An) nơi đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi hoàn lưu bão số 3 trong mấy ngày qua.

Chỉ đạo tại hiện trường, Phó Thủ tướng đã nghe Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đức Trung báo cáo nhanh về tình hình thiệt hại, công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ trong mấy ngày qua ở địa phương.

Người dân Nghệ An hối hả chạy đua nước lũ dâng cao- Ảnh 5.

Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính cùng đoàn công tác đến xã Con Cuông, Nghệ An kiểm tra, chỉ đạo và tặng quà động viên bà con nhân dân trong vùng lũ. Ảnh: CTV

Phó Thủ tướng Mai Văn Chính yêu cầu chính quyền tỉnh Nghệ An phải tiếp tục sâu sát cơ sở, theo dõi sát tình hình thời tiết và địa bàn. Sau mưa to thường là lúc người dân chủ quan, dễ xảy ra các sự cố đáng tiếc như bị cuốn trôi khi đi vớt củi, lội suối, sửa chữa nhà cửa nên không được lơ là, cảnh giác.

Phó Thủ tướng lưu ý, phải phát huy hiệu quả phương châm "4 tại chỗ", đảm bảo phản ứng nhanh, kịp thời trước mọi tình huống xảy ra trong và sau thiên tai. 

Các ngành chức năng cần chủ động đánh giá thiệt hại, xác định rõ những nơi người dân đang gặp khó khăn nhất để có phương án cứu trợ, tiếp tế sớm.

Tại xã Con Cuông, Phó Thủ tướng Mai Văn Chính và đoàn công tác đã đến thăm hỏi, động viên một số hộ dân bị ngập sâu trong lũ, trao 35 suất quà hỗ trợ gồm nhu yếu phẩm thiết yếu.

Phó Thủ tướng Mai Văn Chính yêu cầu tỉnh Nghệ An phải chủ động nghiên cứu lại quy hoạch dân cư, hạ tầng giao thông, hệ thống thủy lợi tại các vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng thiên tai. Không để người dân phải sinh sống ở nơi dễ bị chia cắt, ngập lụt hay nằm trong dòng chảy lũ. Cần đảm bảo hành lang thoát lũ đúng quy hoạch, không xây dựng công trình cản lũ làm tăng nguy cơ thiệt hại.

Về nguồn vốn, Phó Thủ tướng gợi ý, nguồn từ các công trình này có thể vận dụng từ các chương trình mục tiêu Quốc gia như giảm nghèo bền vững, phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Bình luận của bạn

Bình luận

icon icon