Công dân khuyến học

Lời dạy của Bác Hồ "Học không bao giờ cùng" - cảm nhận từ Nghệ An

Lời dạy của Bác Hồ "Học không bao giờ cùng" - cảm nhận từ Nghệ An

Nguyễn Văn Long

Nguyễn Văn Long

15:05 - 19/07/2025
Công dân & Khuyến học trên

Tôi về dự Lễ trao học bổng do Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức ở Nghệ An - vùng đất địa linh nhân kiệt, quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặt chân đến nơi này, lòng tôi dâng trào cảm xúc vừa thiêng liêng, vừa lắng đọng, tôi cảm nhận được lời dặn dò thân thương của Người về học không bao giờ cùng.

Học sinh hiếu học của thành phố Đà Nẵng nhận danh hiệu và học bổng "Học không bao giờ cùng" do Hội Khuyến học Việt Nam trao tặng. Ảnh: Nguyễn Văn Long

Chỉ một câu nói mộc mạc ấy mà chứa đựng cả một chân lý vĩnh hằng: Học là hành trình không có điểm dừng, là cánh cửa mở ra mọi chân trời tri thức.

Tư tưởng của Bác về giáo dục chưa bao giờ dừng lại ở những trang sách hay sau cánh cửa trường lớp. Bác từng nhấn mạnh: "Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại."

Giá trị ấy đến nay vẫn còn nguyên sức sống. Bởi lẽ, học không phải là mệnh lệnh từ bên ngoài mà là nhu cầu tự thân, là cách để mỗi chúng ta vươn lên, làm chủ số phận trong một thế giới biến đổi không ngừng. Bác coi trọng tự học là gốc, học đi đôi với hành, học suốt đời để không lạc hậu.

Người dặn: "Về việc học, lấy tự học làm cốt. Học hỏi là việc phải tiếp tục suốt đời." Trong suốt cuộc đời mình, Bác Hồ chính là tấm gương sáng ngời về tinh thần tự học…

Khi đất nước bước vào kỷ nguyên số, khoảng cách giữa người học và người không học không chỉ là khoảng cách tri thức mà còn là khoảng cách về cơ hội, về tương lai. Bởi vậy, xây dựng xã hội học tập không còn là khẩu hiệu mà là con đường sống còn của dân tộc.

Phong trào học tập suốt đời hôm nay chính là sự tiếp nối tư tưởng vĩ đại ấy. Quyết định 1315/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã phát động phong trào "Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2023–2030" và học bổng "Học không bao giờ cùng" mà chúng ta trân trọng trao tặng hôm nay chính là một nhịp cầu vững chắc – nối quá khứ với hiện tại, kết tinh lời dạy của Bác bằng những hành động thiết thực.

Con đường khuyến học chưa bao giờ trải đầy hoa hồng, nhưng trên hành trình ấy đã và đang có biết bao trái tim sáng. Xin kể vài câu chuyện nhỏ nhưng chứa đựng trong đó những điều lớn lao về ý chí và nghị lực. 

Tại làng quê nghèo Tam Thành (Phú Ninh), hai anh em song sinh Nguyễn Trí Hiền và Nguyễn Trí Hậu đã viết nên câu chuyện kỳ diệu về ý chí. Trong căn nhà hẹp, với bao thiếu thốn khi mẹ đơn thân nuôi dạy, hai em vẫn không lùi bước.

Ban ngày phụ giúp mẹ mưu sinh, đêm về các em chong đèn học, vượt qua bao nhọc nhằn. Và từ mái trường Trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, hai em đã làm rạng danh đất Việt khi xuất sắc giành Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế 2025. Thành tích ấy không chỉ là vinh quang cá nhân mà còn là thông điệp mãnh liệt khẳng định: "Học tập có thể đổi thay số phận, chỉ cần ý chí và niềm tin."

Tiếp theo là câu chuyện về Nhà giáo ưu tú Lê Thị Lý ở Nam Phước (Duy Xuyên) – người đã dành cả đời bền bỉ với sự nghiệp giáo dục và khuyến học. Sau khi nghỉ hưu, cô vẫn đi từng ngõ, gõ từng nhà, vận động phụ huynh, gây quỹ để trẻ em nghèo được đến trường. Cô tâm sự: "Hạnh phúc lớn nhất của tôi là nhìn thấy một đứa trẻ nghèo không bỏ học."

Hay như ông Lê Ngọc Chiếu, gần 80 tuổi ở Cẩm Nam (Hội An), người đã miệt mài 18 năm ròng làm Chủ tịch Hội Khuyến học phường. Dù tóc đã bạc, chân đã chậm, nhưng ông vẫn miệt mài, không ngừng gõ cửa từng nhà, vận động doanh nghiệp đóng góp Quỹ khuyến học. Người ta gọi ông là "ngọn đèn bên sông Hoài" – một ngọn đèn hàng đêm vẫn bền bỉ soi sáng cho lớp lớp học trò nghèo, vượt khó trên con đường chinh phục tri thức.

Ngoài ra, còn có doanh nhân Cao Xuân Dũng ở Tam Đàn, Phú Ninh. Dù không có nhiều bằng cấp, nhưng bằng con đường tự học, ông đã trở thành chủ một doanh nghiệp cơ khí uy tín, tiên phong sáng tạo ra những sản phẩm có giá trị cho sản xuất và phục vu đời sống. Ông nói một câu mà ai ai cũng đồng cảm, chia sẻ: "Không học, không thể làm mới mình. Là doanh nghiệp không sáng tạo thì không thể tồn tại."

Những câu chuyện ấy chỉ là vài nét chấm phá trong bức tranh đẹp về sự nghiệp khuyến học của quê hương xứ Quảng nhưng đủ để nhắc nhở chúng ta rằng: Học tập không phân biệt tuổi tác, không có giới hạn. Khi mỗi người cùng thắp lên một ngọn lửa tri thức, đất nước sẽ hóa thành biển sáng rực rỡ. Chúng ta học để mở mang trí tuệ, nhưng hơn hết, học để sống tử tế, để lan tỏa yêu thương, để cống hiến một phần nhỏ bé cho quê hương đất nước. Khi một đứa trẻ nghèo được đến trường, khi một người già vẫn say mê đọc sách mỗi ngày, khi một công nhân hàng ngày vẫn miệt mài học tập để nâng cao tay nghề… ấy chính là lúc chúng ta đang bước đi trên con đường Bác Hồ hằng mơ ước.

Từ mảnh đất Nghệ An thiêng liêng này, thông điệp được gửi đi muôn nơi: "Học không bao giờ cùng" – đó không chỉ là một lời răn dạy sâu sắc của Bác mà còn là một nhịp đập mãnh liệt của thời đại, tựa như dòng sông bồi đắp phù sa cho mảnh đất trí tuệ của dân tộc.

Trong kỷ nguyên tri thức, chỉ có học mới giúp chúng ta vươn lên, giúp đất nước phát triển, giúp mỗi con người chạm đến ước mơ. Xin mượn hai câu thơ sâu lắng để khép lại lời tâm sự này:

"Đường học mênh mông chẳng bến bờ/Người đi càng bước, càng say mơ…"

Hãy cùng nhau giữ vững ngọn lửa nhiệt huyết ấy, để lời dạy của Bác Hồ mãi cháy sáng trong trái tim mỗi người Việt Nam – hôm nay và mãi mãi về sau. 

*Bài viết của tác giả Nguyễn Văn Long - Phó chủ tịch Hội Khuyến học thành phố Đà Nẵng

Bình luận của bạn

Bình luận

icon icon