Người dân cần sử dụng đường dây nóng của Bộ Công an đúng quy định
Bộ Công an đề nghị người dân sử dụng các đường dây nóng phục vụ công tác đảm bảo an ninh, trật tự; xây dựng lực lượng Công an nhân dân theo đúng quy định. Các trường hợp sử dụng sai mục đích của đường dây nóng sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Chuyển hướng cuộc gọi không đúng quy định đến đường dây nóng của Bộ Công an
Theo Cổng TTĐT Bộ Công an, thời gian qua, Công an một số địa phương đã phát hiện và tiến hành xử phạt hành chính đối với các đối tượng chuyển hướng cuộc gọi sai quy định đến đường dây nóng Bộ Công an.
Gần đây nhất, ngày 16/3, Công an tỉnh Hà Nam đã xác định được đối tượng Trần Công Minh (sinh năm 2001, trú tại xã Thanh Phong, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) có hành vi chuyển hướng cuộc gọi không đúng quy định đến đường dây nóng của Bộ Công an, làm ảnh hưởng đến hoạt động tiếp nhận, xử lý tin phản ánh của cơ quan nhà nước.
Trần Công Minh khai nhận, khoảng tháng 8/2022, do cần tiền tiêu sài, Minh đã vay tiền qua một số app trên điện thoại di dộng. Do chậm trả tiền vay nên Minh bị các đối tượng cho vay sử dụng điện thoại liên tục nhắn tin, gọi điện đòi nợ. Để tránh bị làm phiền, Minh đã sử dụng dịch vụ chuyển hướng cuộc gọi của các đối tượng đòi nợ đến đường dây nóng của Bộ Công an.
Căn cứ kết quả xác minh và hành vi vi phạm của Trần Công Minh, Phòng An ninh Chính trị nội bộ Công an tỉnh Hà Nam đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hà Nam ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính Trần Công Minh số tiền là 7,5 triệu đồng, theo điểm e khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin, an toàn thông tin mạng và giao dịch điện tử.
Trước đó, Công an tỉnh Bắc Giang và Công an tỉnh Thái Nguyên cũng đã tiến hành xử phạt nhiều đối tượng có hành vi vi phạm sử dụng dịch vụ chuyển hướng cuộc gọi của các đối tượng đến đường dây nóng của Bộ Công an.
Xử lý nghiêm trường hợp sử dụng sai mục đích đường dây nóng của Bộ Công an
Bộ Công an đề nghị người dân sử dụng các đường dây nóng phục vụ công tác đảm bảo an ninh, trật tự; xây dựng lực lượng Công an nhân dân theo đúng quy định. Các trường hợp sử dụng sai mục đích sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể trực tiếp phản ánh thông tin về những hiện tượng tiêu cực, tham nhũng của Cán bộ chiến sĩ Công an đến đường dây nóng của Bộ Công an, theo số điện thoại: 069.232.6555.
Thông tin phản ánh đến đường dây nóng phải sử dụng bằng ngôn ngữ Tiếng Việt và có nội dung cụ thể về họ tên, địa chỉ, số điện thoại của cơ quan, tổ chức, cá nhân trực tiếp phản ánh thông tin đến đường dây nóng.
Thông tin phản ánh đến đường dây nóng có thể bị từ chối tiếp nhận khi cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin không nêu rõ họ tên, địa chỉ, số điện thoại liên hệ hoặc nội dung thông tin cung cấp không có cơ sở, căn cứ rõ ràng, không đủ điều kiện để tiếp nhận, giải quyết; quá trình trao đổi cung cấp thông tin có lời lẽ, thái độ lăng mạ, xúc phạm, không đúng mực; nội dung thông tin không liên quan đến tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, chiến sĩ Công an.
Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ về vi phạm quy định về lưu trữ, cho thuê, truyền đưa, cung cấp, truy nhập, thu thập, xử lý, trao đổi và sử dụng thông tin như sau:
1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi lưu trữ thông tin cá nhân của người khác thu thập được trên môi trường mạng vượt quá thời gian quy định của pháp luật hoặc theo thỏa thuận giữa hai bên.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không chấm dứt việc cho thuê chỗ lưu trữ thông tin số trong trường hợp tự mình phát hiện hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông báo cho biết thông tin đang được lưu trữ là trái pháp luật;
b) Không chấm dứt việc cung cấp cho tổ chức, cá nhân khác công cụ tìm kiếm đến các nguồn thông tin số trong trường hợp tự mình phát hiện hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông báo cho biết nguồn thông tin số đó là trái pháp luật;
c) Không kiểm tra lại, đính chính hoặc hủy bỏ thông tin cá nhân của người khác lưu trữ trên môi trường mạng trong quá trình thu thập, xử lý, sử dụng thông tin khi có yêu cầu của chủ sở hữu thông tin đó;
d) Cung cấp hoặc sử dụng thông tin cá nhân chưa được đính chính khi có yêu cầu đính chính của chủ sở hữu thông tin đó;
đ) Cung cấp hoặc sử dụng thông tin cá nhân khi đã có yêu cầu hủy bỏ của chủ sở hữu thông tin đó.
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Truy nhập, sử dụng, tiết lộ, làm gián đoạn, sửa đổi, phá hoại trái phép thông tin, hệ thống thông tin;
b) Không thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn chặn việc truy nhập thông tin hoặc loại bỏ thông tin trái pháp luật theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi truyền đưa hoặc cho thuê chỗ lưu trữ thông tin số;
c) Không thực hiện yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc xác định danh sách chủ sở hữu thuê chỗ lưu trữ thông tin số;
d) Không bảo đảm bí mật thông tin của tổ chức, cá nhân thuê chỗ lưu trữ thông tin số trừ các trường hợp cung cấp theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
đ) Không thực hiện các biện pháp quản lý, kỹ thuật cần thiết để bảo đảm thông tin cá nhân không bị mất, đánh cắp, tiết lộ, thay đổi hoặc phá hủy khi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin cá nhân của người khác trên môi trường mạng;
e) Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật;
g) Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác;
h) Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm quảng cáo, tuyên truyền hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bị cấm;
i) Ngăn chặn trái pháp luật việc truyền tải thông tin trên mạng, can thiệp, truy nhập, gây nguy hại, xóa, thay đổi, sao chép và làm sai lệch thông tin trên mạng;
k) Không tiến hành theo dõi, giám sát thông tin số của tổ chức, cá nhân theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
l) Không hợp tác, phối hợp điều tra các hành vi vi phạm pháp luật xảy ra trong quá trình truyền đưa hoặc lưu trữ thông tin số của tổ chức, cá nhân theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
m) Tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
n) Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân;
o) Chiếm đoạt thư, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa trên mạng dưới bất kỳ hình thức nào;
p) Cố ý lấy các thông tin, nội dung của thư, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa trên mạng;
q) Nghe, ghi âm cuộc đàm thoại trái pháp luật;
r) Thu giữ thư, điện báo, điện tín trái pháp luật.
4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không đảm bảo bí mật thông tin riêng chuyển qua mạng viễn thông công cộng hoặc tiết lộ thông tin riêng liên quan đến người sử dụng dịch vụ viễn thông;
b) Cung cấp, trao đổi, truyền đưa, lưu trữ, sử dụng thông tin, dịch vụ có nội dung đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc; dâm ô, đồi trụy, mê tín dị đoan, trái đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc.
5. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Mua bán hoặc trao đổi trái phép thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông;
b) Che giấu tên, địa chỉ điện tử của mình hoặc giả mạo tên, địa chỉ điện tử của tổ chức, cá nhân khác khi gửi thư điện tử, tin nhắn.
6. Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số để tuyên truyền sai trái, không đúng sự thật về chủ quyền lãnh thổ quốc gia Việt Nam.
7. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Tuyên truyền, kích động bạo lực; truyền bá tư tưởng phản động mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
b) Cung cấp thông tin, hình ảnh vi phạm chủ quyền quốc gia; xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
8. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tước quyền sử dụng Giấy phép thiết lập mạng xã hội từ 22 tháng đến 24 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 5, 6 và 7 Điều này;
b) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm b, g, h và q khoản 3, điểm a khoản 4 và khoản 7 Điều này.
9. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 4 và điểm a khoản 5 Điều này;
b) Buộc thu hồi đầu số, kho số viễn thông do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 4 Điều này;
c) Buộc thu hồi tên miền do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 Điều này;
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google