Chiêm ngưỡng tầu phá thủy lôi T5 huyền thoại ngay tại Hà Nội

Nguyễn Huy Minh
09:03 - 26/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Sát hàng rào sắt của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (phố Tôn Thất Thuyết, Hà Nội), kiêu hãnh và lặng lẽ một con tàu bé nhỏ có hình dáng lạ lùng - tượng đài khoa học kỹ thuật hiếm hoi của Việt Nam - mang mật danh T5 17A trong thời chiến.

Mấy năm trước đây, tượng đài tầu phá thủy lôi không người lái T5 tọa lạc tại mặt tiền trụ sở Công ty Quản lý bảo trì đường thủy nội địa số 4 (thành phố Bắc Ninh). Anh Phạm Văn Hanh - thành viên của công ty - chia sẻ với tôi rằng, trong những năm 1965-1972, Mỹ điên cuồng ném bom miền Bắc và thả thủy lôi phong tỏa mọi luồng lạch ra vào, với quy mô chưa từng có trong lịch sử chiến tranh. 

Để phá vây, ta lập nhiều đội cảm tử dùng tàu 23CV kéo thanh sắt chữ I chạy lướt qua nơi có bom từ trường kích nổ, hy vọng chạy qua rồi nó mới nổ... vuốt đuôi. Cách làm này nguy hiểm, ít hiệu quả, từng gây chìm tàu, làm chết và bị thương nhiều người.

Trong nhiều năm, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với nhiều cơ quan và viện nghiên cứu ở Hà Nội tìm cách chế tạo tàu phá lôi không người lái. Nhóm kỹ sư lấy tên công trình là T5. T5 cũng là tên con tàu, mẫu đầu tiên được chế tạo vào tháng 5.1968, chào mừng ngày Sinh nhật Bác. 

T5 17A là chiếc tàu thứ 17 được đóng, gọi tắt là T5A, xuất trận lần đầu phá thủy lôi trên sông Đuống cuối tháng 8.1972, do kỹ sư Nguyễn Hữu Bảo - chủ nhiệm công trình - trực tiếp chỉ huy. Giờ đây, tượng đài T5A tại vị trước cửa Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, như một biểu tượng của sức sáng tạo và lòng quả cảm phi thường những năm đất nước còn chìm trong trận mạc.

Một thời, mọi thông tin về T5 đều được xếp vào dạng Tối mật.

1. 

Ngắm tầu phá thủy lôi T5 huyền thoại ngay tại Hà Nội - Ảnh 1.

Vợ chồng kỹ sư Nguyễn Hữu Bảo thời trẻ. Ảnh: Huy Minh

"Công trình sư" Nguyễn Hữu Bảo nay đã 89 tuổi, ông sống trong một ngôi nhà yên tĩnh và ấm cúng bên phố Tôn Thất Thiệp (Hà Nội), ngay thềm cửa gắn một chiếc vô lăng tàu thủy. Ông kể, trước khi bắt tay vào việc, nhóm T5 đã vào tuyến lửa, tới cảng Bến Thủy (Thành phố Vinh) để nắm tình hình. Đội rà phá thủy lôi cảng Bến Thủy có vài chục người, sống trong mấy gian nhà lá.

Để thông luồng giải tỏa, không để tàu thuyền ứ nghẽn nối đuôi nhau dài hàng cây số làm mồi cho rốc két, bom bi, nhiều người đã vĩnh viễn ra đi. Trên bộ là bom bi, bom phát quang, bom nổ chậm; trên sông và trên biển là thủy lôi MK42 Mod 0, Mod 1 không ngừng được đối phương hoàn thiện kỹ thuật giết người. Các kiểu thủy lôi đều hết sức nhạy cảm trước những biến thiên của từ trường và để hiểu được chúng đều phải đổi bằng máu.

Có lần, quả lôi nổ trúng buồng lái, hất tung chiếc ca nô cảm tử đã vỡ tan từng mảnh lên trời. Thuyền trưởng, máy trưởng, thủy thủ hy sinh, nhiều khi không tìm thấy xác hoặc nếu có thì cũng chỉ được một cánh tay, một mảnh sọ...

Đội Bến Thủy không dùng ca nô sắt thép nữa mà đổi sang dùng thuyền nan, thuyền gỗ đóng đinh tre hoặc đinh nhôm, đinh đồng, gọi là thuyền tiêu từ, kéo theo phía sau cái lưới có mắc vào một cục nam châm. Con thuyền đi qua, quả thủy lôi chưa nổ. Cái lưới có nam châm lướt qua, nó mới nổ.

Các cuộc phá lôi "cưỡi trên thần chết" thường tiến hành vào ban đêm trên sông nước mênh mông lặng ngắt. Sinh mệnh có thể bị tước đoạt bất cứ lúc nào, thần kinh căng như sợi dây đàn. Mỗi lần lên thuyền đi làm nhiệm vụ, anh em thủy thủ phá lôi thường để lại địa chỉ cha mẹ, vợ con, những vật lưu niệm, ghi cẩn thận những điều dặn dò gần như trăng trối.

Hình ảnh ấy làm cho lòng nhóm kỹ sư T5 như thắt lại. Anh em cán bộ khoa học kỹ thuật đã làm được những gì để giảm bớt đau thương, mất mát? Thật quá ít ỏi. Phải chế tạo cho kỳ được một loại phương tiện phá thủy lôi an toàn hơn, có thể điều khiển từ xa, không cần người lái, càng sớm càng hay, sớm ngày nào là bớt thương vong ngày đó.

2. 

Ngày ấy, tình báo Mỹ không thể ngờ nổi T5 đã được đóng và chạy thử ngay tại hồ Bảy Mẫu, bất chấp B52 ném bom rải thảm xung quanh. T5 trông từa tựa như chiếc xuồng, dài khoảng 4m, vòng quanh thân là một cuộn dây điện lớn. Khi đóng mạch, cả con tàu biến thành một nam châm điện, có thể tiến, rẽ phải, rẽ trái, dừng, lùi, phóng từ, tắt từ. Những lệnh khác nhau của người đứng từ xa điều khiển biến thành mã hiệu điện khác nhau, và qua ăngten của máy phát, được truyền đi bằng sóng điện từ có điều chế âm tần khác nhau.

T5 nhận tín hiệu, đưa vào bộ phận dịch mã, xem mã đó ứng với lệnh gì rồi truyền lệnh đó cho cơ cấu chấp hành để nó điều khiển máy quay chân vịt, bẻ lái hay phóng từ.

Thiết bị điều khiển T5 thử nghiệm được tạo nên bởi vô số phế liệu chiến tranh, từ xác máy bay Mỹ và mọi nguồn có thể. Ăng-ten thu-phát sóng của T5, ngụy trang thành cần câu cá, được đưa đi thử nghiệm ở những địa hình khác nhau: Những vùng nhiều nhà cửa, lắm vật cản như Hàng Đào, Hàng Ngang, Nhà Chung, Ngõ Huyện; những cánh đồng rộng phẳng ở ngoại thành; trên mặt hồ Bảy Mẫu, hồ Tây; trên sông Nhuệ, sông Hồng để biết từng loại địa hình, với cự ly bao nhiêu thì có thể nhận được tín hiệu điều khiển…

T5 len lỏi vào đầu những nhà sáng chế, ngay cả trong giấc ngủ của Phó giáo sư Đoàn Nhân Lộ - cán bộ Vụ Thể thao Quốc phòng, người thiết kế vô tuyến điện: "Đêm 10.6: Trong giấc mơ thấy hướng giải quyết ở máy phát: Phải ổn định nguồn sợi đốt, có mạch lọc cao tần; Giảm nhẹ điện trở thiên áp lưới để cho tần phát sóng cao tần làm việc thuận lợi. Sáng tỉnh dậy vẫn còn nhớ rõ".

Giáo sư Tạ Quang Bửu - một người có tầm hiểu biết sâu rộng về nhiều ngành khoa học tự nhiên và khoa học kỹ thuật - đã xem rất kỹ và đánh giá cao hệ thống rơ-le điều khiển, đưa ra những nhận xét cụ thể, chính xác, bổ ích cho việc hoàn thiện con tàu. 

Đại tá Hoàng Đình Phu - Viện trưởng Viện Kỹ thuật Quân sự - góp ý nên làm cho việc điều khiển T5 được dễ dàng, đơn giản hơn, để "một o dân quân cũng sử dụng được".

Tháng 4/1972, Nixon ra lệnh ném bom ồ ạt miền Bắc. Ngày 10/4, B52 rải thảm tại thành phố Vinh. 2h15 sáng 16/4, B52 rải thảm tại thành phố Hải Phòng. 9h30 sáng hôm đó, máy bay cường kích chiến thuật ném bom Hà Nội. 2h sáng 9/5, Nixon ra lệnh phong tỏa miền Bắc. 7h27 hôm đó (giờ Hà Nội), thủy lôi Mỹ rơi xuống cửa biển Nam Triệu.

Chỉ mấy hôm sau, thủy lôi đã "bịt kín" tất cả các cửa biển lớn nhỏ ở miền Bắc nước ta và cả Cửa Việt ở vùng giải phóng miền Nam. Sáng 10/5/1972, sông Lèn, đoạn từ phà Tham đến lạch Sung, bị đánh mìn, mở đầu cuộc phong tỏa đường sông. Ngay sau đó, chúng thả thủy lôi khóa chặt Lục Đầu Giang, cửa Ba Lạt, cảng Bến Thủy, phà sông Gianh, ném bom khu nhà của các đoạn quản lý đường sông, sát thương những người gác lôi, bắn hỏng các tiêu đèn báo hiệu.

Mỹ dùng nhiều chủng loại máy bay để thả thủy lôi, thả vào lúc sương mù, nửa đêm về sáng, khiến ta khó phát hiện; thả cả bom nổ chậm lẫn với thủy lôi dự định làm cho ta dễ lẫn lộn, không xác định được đúng số lượng của từng loại; không đánh nhiều vào các phương tiện vận tải và hàng hóa mà tập trung phong tỏa các đầu mối đường sông, các cửa sông.

Chỉ trong một thời gian rất ngắn, Nixon đã gây cho ta nhiều khó khăn và thiệt hại hơn 4 năm đánh phá của Johnson. Thủy lôi từ tính MK42 Mod 0, Mod 1 thời Johnson đã được cải tiến thành Mod 2, Mod 3 và Mod 4 nguy hiểm hơn. Thời hạn thủy lôi tự hủy trước kia là 10 ngày đêm, bây giờ là 60 ngày đêm. Chỉ trong mấy tháng, chúng đã đánh 2.546 trận trên các tuyến đường sông, thả 10.505 quả bom các loại, trong đó có khoảng 6.000 quả thủy lôi từ tính thuộc các model mới. Những phương tiện thô sơ ta vẫn quen dùng từ thời Johnson để rà quét thủy lôi, giải tỏa đường sông, nay tỏ ra ít có tác dụng.

3. 

Đêm 23 rạng ngày 24/8/1972, Mỹ thả thủy lôi khóa chặt đoạn Thi Nhi - Đào Viên trên sông Đuống. Trên tuyến đường thủy nội địa, đây là một cái nút, một yết hầu. Tàu thuyền từ sông Kinh Thầy, sông Cầu, sông Lục Nam, sông Thương, sông Thái Bình về Hà Nội đều đi qua đoạn yết hầu này. Đây là lần đầu tiên địch đánh mìn một khúc sông gần kề Hà Nội. 

Đồng chí Bình Tâm - Cục trưởng Cục Đường sông - yêu cầu T5 xuất trận và trực tiếp chỉ đạo tại hiện trường.

Khoảng 23h đêm ấy, nhóm T5 có mặt tại cơ quan của Đoạn quản lý đường sông ở Bến Trì. Không khí xung quanh rất nặng nề. Mới vừa ban chiều, một con tàu phá lôi có người điều khiển từ Thi Nhi trở về Đào Viên bị dính lôi, chìm tại chỗ, 4 người bị thương, anh cán bộ huyện đội đứng ở mũi tàu bị hất tung lên, chết ngay, chưa tìm thấy xác.

Ngay sáng hôm sau, T5 ra trận. Trên đầu ầm ỹ tiếng máy bay địch qua lại oanh tạc Đông Du cách chừng 1km đường chim bay; trong thôn xóm, tiếng kẻng báo động liên hồi. Sông mênh mông. Nước ngập cả bãi ngô, ruộng mía, phủ khuất hết đầm, đìa, đường đi lối lại ở các xóm ngoài đê.

Dạo đó vào tháng 7 âm lịch, bà con nông dân thường nói: "Tháng 7 nước nhảy lên bờ" hay "Tháng 7 mưa gãy cành trám" là thế. T5 cày đi xới lại vùng nước mênh mông, đến 17h30 vẫn chẳng thấy gì, không lẽ con tàu… vô dụng?

Đúng 17h32, một tiếng nổ kinh người. Thường thường quả thủy lôi nổ dựng lên một cột nước trắng xóa cao chừng 20m. Nhưng ở quãng sông này, có lẽ quả lôi không bị vùi đi dưới lòng sâu, đã bốc cao thành một cột vừa lửa vừa nước đỏ rực trên nền trời chiều màu vàng sáng, cao đến 40m.

"Thành công rồi!" - kể lại giây phút ấy, kỹ sư Nguyễn Hữu Bảo nói - "Tôi thấy cột nước dựng lên và sau đó tất cả nhòa đi. Nước mắt cứ chảy tràn ra. Đây là giây phút xúc động nhất trong đời công tác của tôi!".

Ngày hôm sau, T5 tiếp tục phá nổ 3 quả nữa. Đồng chí Bình Tâm triệu tập cuộc họp chớp nhoáng ngay trên đê và nhận định: Số thủy lôi địch thả trên đoạn sông này, ta đã rà đi quét lại, có thể coi là đã nổ hết. Không thể để tàu bè ùn lại lâu hơn nữa, nhân danh Cục trưởng Cục Đường sông, anh ký lệnh giải tỏa.

Lập tức súng lệnh thông luồng bắn lên. T5 dẫn đầu dãy dài tàu, ca nô, thuyền và sà lan chất đầy đạn pháo 130 vàng chóe, phuy xăng sơn màu lá cây, phân đạm, ximăng, vôi, đường, muối… nếu còn nguy hiểm thì chính nó phải gánh chịu đầu tiên.

Sáng 29/8, Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ mời kỹ sư Nguyễn Hữu Bảo lên hỏi tình hình và sau đó quyết định cho đóng ngay hàng loạt T5. Tháng 10/1972, Nixon cho thả thủy lôi trên sông Hồng ở đoạn gần Nhà máy đường Vạn Điểm, T5 được điều đi rà phá, luồng lại thông ngay. T5 cũng được cẩu lên xe Din ba cầu, chở vào Bến Thủy. Chỉ sau một hôm luyện tập, anh em trong đội phá lôi đã sử dụng thành thạo T5.

Ít lâu sau, một bức điện từ Vinh đánh ra cho biết: Với T5, chỉ trong vòng 25 phút, đội Bến Thủy đã phá nổ 8 quả thủy lôi và thông luồng. Anh em không một ai xây xát, mà còn được thưởng thức một cái thú bất ngờ: Đứng từ xa ngắm thủy lôi nổ dựng lên những cột nước cao ngất trời trên con sông Lam rộng bao la. Vũ khí ác hiểm của kẻ thù không còn gây nguy hại cho người như trước nữa, nhưng vẫn còn đáng sợ đối với loài tôm cá: Hôm ấy cá nổi đầy sông.

4. 

Từ tháng 11/1972 đến tháng 2/1973, ở số nhà 80 phố Trần Hưng Đạo (Hà Nội), Bộ Giao thông Vận tải đã bí mật trưng bày các biện pháp chống phong tỏa, dành riêng cho các lãnh đạo cấp cao nhất. Gian phòng chỉ rộng 20m2, ở giữa đặt một quả MK52 và một quả MK42.

MK52 là loại thủy lôi chiến lược thả để bịt các cảng biển lớn như Hải Phòng, Hòn Gai, Cẩm Phả, rất đắt tiền (20.000USD), rất nặng (516kg), máy bay phải thả nó bằng dù, có thể phá tàu hàng chục vạn tấn. MK52 có bộ óc cơ-điện biết chọn tàu để phá. Một đoàn tàu đi qua, chiếc thứ nhất nó chưa nổ; chiếc thứ hai, chiếc thứ ba, nó vẫn chưa chịu nổ. Nhưng khi chiếc kỳ hạm đi qua, nó nổ liền và nổ trúng buồng máy, làm tàu chìm ngay tại chỗ. Chỉ cần một con tàu lớn như vậy bị chìm là luồng bị lấp.

MK42 là loại thủy lôi chiến thuật thả trong sông và dọc các luồng ven biển, nặng 226kg, một đầu nhọn, một đầu tù, có đuôi bằng nhôm khá to. Chính cái đuôi này giữ cho quả thủy lôi rơi chậm hơn, không cần dù. MK42 được sử dụng chẳng những để phong tỏa đường sông, đường ven biển, mà còn để cắt đứt đường bộ. Khi địch thả MK42 trên bộ, dọc các tuyến đường vùng khu IV cũ và đường Trường Sơn, các o thanh niên xung phong vẫn quen gọi là "bom từ trường"; khi thả dưới nước, các anh phá lôi lại đổi tên cho nó thành "thủy lôi từ tính".

Nhãn hiệu của hai quả lôi đều có mũi tên đâm xuyên qua trái tim và dòng chữ DST Destructor. Các chuyên gia kỹ thuật quân sự Mỹ đã vận dụng cả màng mỏng từ tính - một lý thuyết hiện đại của ngành vật lý chất rắn để chế tạo chúng. Với những bài toán đố hóc hiểm, quỷ quyệt gài trong bộ óc cơ-điện của MK52 và bộ óc điện tử của MK42, người Mỹ tưởng rằng ở Việt Nam không ai giải được.

Nhưng trong gian phòng trưng bày bí mật ấy còn treo cả sơ đồ cấu tạo hệ thống phá nổ thủy lôi MK42 của T5 cùng một số biện pháp khoa học kỹ thuật chống phong tỏa khác.

Đầu năm 1973, kỹ sư Nguyễn Hữu Bảo nhận được thư của kỹ sư Phan Văn Hiến - một trong những người điều khiển T5 - từ khu IV gửi ra: "Trên giao nhiệm vụ phải rà quét thật an toàn cho tàu vào Nam trước khi đóng cửa giới tuyến, Ủy ban Quốc tế vào kiểm soát. Bọn đường sông chúng tôi, người thì điều khiển T5 đi rà quét, người thì thả phao, đo nước cho tàu. 15h hôm sau, mọi việc xong xuôi. Tôi rất hãnh diện khi được phép cho tàu T5 đi đầu và ngồi trên tàu T480 đi sau T5 khoảng 200m để điều khiển.

Tiếp theo là một tàu dầu, rồi đến tàu VTB1 kéo theo hai sà lan B8 và B9 đầy ắp súng đạn từ cảng Bến Thủy ra biển để vào Nam. Cuối cùng là hai tàu hải quân hộ tống. Đồng chí Phó Tư lệnh Hải quân Quân khu IV đứng trên chiếc tàu dầu. Một hình ảnh thật đáng ghi nhớ: T5 nhỏ nhắn thế mà vượt qua được sóng lớn cửa sông, dẫn đường cho những con tàu to hơn nó hàng mấy chục lần. Uy tín của nó không phải tự dưng mà có: Nó đã phá nổ 25 quả thủy lôi...".

Chiêm ngưỡng tầu phá thủy lôi T5 huyền thoại ngay tại Hà Nội - Ảnh 2.

Tượng đài Tầu phá thủy lôi T5 huyền thoại được đặt sát cạnh hàng rào Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (phố Tôn Thất Thuyết, Hà Nội). Ảnh: Huy Minh

Chiêm ngưỡng tầu phá thủy lôi T5 huyền thoại ngay tại Hà Nội - Ảnh 3.

Tầu phá thủy lôi T5 huyền thoại dài 4,5m, rộng 2m, mớm nước 0.7m, trọng lượng chiếm nước 2,75 tấn, máy phát 4.6KW. Ảnh: Huy Minh

Chiêm ngưỡng tầu phá thủy lôi T5 huyền thoại ngay tại Hà Nội - Ảnh 4.

Hộp điều khiển tự động của Tầu phá thủy lôi T5 huyền thoại có 7 chức năng: Tiến, lùi, dừng, quay phải, quay trái, phóng từ, tắt từ, với cự ly điều khiển trên 500m. Ảnh: Huy Minh

5. 

Cuối tháng 3/1973, tại sân bay Cát Bi đã diễn ra phiên họp giữa Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Hoa Kỳ về việc tháo gỡ, làm mất hiệu lực vĩnh viễn, phá hủy bom mìn ở vùng biển, các cảng, sông ngòi Việt Nam. Phía Hoa Kỳ đến khá đông, trưởng phái đoàn là tướng hai sao chỉ huy lực lượng đặc nhiệm rà mìn số 78. Kỹ sư Nguyễn Hữu Bảo - tổ trưởng tổ GK2 - bỗng nhiên mang quân hàm "thượng sĩ"!

Theo Nghị định thư, Hoa Kỳ phải tự mình rà phá mìn mà họ thả trong vùng biển nước ta, còn trong sông ngòi thì phải cung cấp các phương tiện xác định vị trí, tháo vớt, phá hủy mìn và giới thiệu về kỹ thuật để phía ta tự rà phá lấy. Sáng 9/4/1973, tại sông Cầu Rào gần sân bay Cát Bi, phía Hoa Kỳ bàn giao cho ta thiết bị phá mìn điều khiển từ xa.

Khoảng 30 lính Mỹ lễ mễ khiêng từ bờ đê xuống mặt sông một ống từ màu da cam dài 10m, nặng 450kg, đường kính 254cm, một chiếc ca nô vỏ nhựa trắng dài 4,3m, rộng 1,2m và một ống quay tạo tiếng động giả tiếng chân vịt của một con tàu, kết quả nghiên cứu trong nhiều năm của Viện Thực nghiệm hệ thống bờ biển NCSL.

Thiết bị quá cồng kềnh: Ca nô phải kéo ống từ ở cách nó tới 60m, như vậy, toàn bộ thiết bị lê thê tới 80m, rất khó đi lại trên các luồng lạch hẹp và quanh co ở nước ta. Đó là chưa nói, nó không tự lùi được, và sau mỗi lần phá được một quả thủy lôi lại phải cẩu cái ống từ dài 10m, nặng 4 tạ rưỡi ấy lên bờ để nạp lại từ.

Thiết bị cũng được điều khiển từ xa bằng vô tuyến điện, ý tưởng gần giống như T5, nhưng chỉ được mươi phút, nó không tuân lệnh nữa, cả cái mớ loằng ngoằng chỉ hoạt động được ở những con sông có lòng rộng, thẳng, không có bãi ngầm ấy trôi theo dòng nước...

Chiến dịch "Nhát quét cuối cùng" để kéo cày trả nợ của Mỹ với lực lượng hiện đại, đồ sộ, chi phí tác nghiệp đắt đỏ đi đến kết quả cuối cùng là sự ngạc nhiên, bởi sau nhiều ngày hoạt động mà chỉ còn vài quả thủy lôi lẻ tẻ nổ, còn lại đều là các vùng nước đã được phía Việt Nam dùng mọi biện pháp dọn dẹp bình yên từ trước Hội nghị Paris.

"Cuộc chiến đấu chống phong tỏa là sự nghiệp của hàng vạn, hàng chục vạn con người thuộc nhiều ngành, nhiều binh chủng khác nhau. Tổ T5 của chúng tôi là một nhóm nhỏ, rất nhỏ trong đội ngũ đông đảo đó, đóng góp vào kho tàng vũ khí của nhân dân ta một sản phẩm có ý nghĩa" - kỹ sư Nguyễn Hữu Bảo nói.

Cậu bé Nguyễn Hữu Bảo sinh ra tại Hà Nội, nhưng thời tản cư kháng chiến chống Pháp không lạ gì nhút chấm tương với bù rợ, sống nhiều năm ở làng Bạch Ngọc, học ở trường cấp 3 Huỳnh Thúc Kháng nằm bên bờ sông Lam đã không đứng bên lề cuộc chiến đấu của dân tộc. Ông nhận về phần mình đề tài nghiên cứu đầy gian khổ và nguy hiểm, nhưng hoàn toàn hài lòng với công trình T5, thành tựu có ý nghĩa lớn lao nhất mà ông làm được trong đời.

Tôi hỏi: "Thời đất nước bị bao vây phong tỏa, thiếu thốn trăm bề, làm sao nhóm T5 có thể phát minh và tự mình chế tạo hoàn toàn trong nước được một thiết bị có ý tưởng và đạt hiệu quả tương tự với thiết bị rà phá của nền công nghiệp vũ khí hiện đại Hoa Kỳ?". Ông trả lời, sau một thoáng trầm ngâm: "Đó là sự quyết tâm gan góc của chúng tôi chống lại bằng được một cách sòng phẳng và trí tuệ với một đối thủ khổng lồ, giàu có về mặt vật chất và khoa học công nghệ… và cũng là nỗi lòng mong muốn cùng lặn lội với nước non".

Ngắm tầu phá thủy lôi T5 huyền thoại ngay tại Hà Nội - Ảnh 2.

Kỹ sư Nguyễn Hữu Bảo, "cha đẻ" của tầu phá thủy lôi T5 huyền thoại - công trình nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học Công nghệ đợt 1, năm nay đã 89 tuổi. Ông mời tôi qua thăm nhà để báo tin vui: Tượng đài tầu phá lôi T5 đã được chuyển từ Bắc Ninh về Hà Nội. Ảnh: Huy Minh