Người chết sống lại - chuyện bình thường

Bác sĩ Nguyễn Kiên
18:12 - 27/11/2022
Công dân & Khuyến học trên

Ông N.H.K, 47 tuổi, quê ở Tiên Phong, Tiên Phước, Quảng Nam, hiện sống và làm ăn ở thành phố Hồ Chí Minh, bị đau ngực, được đưa từ bệnh viện Bình Chánh, đến bệnh viện Nguyễn Tri Phương lúc 22 giờ 34 phút ngày 22/10. Trên đường, ông K đã ngừng thở, ngừng tim, phải hồi sức tim, phổi trên xe.

Tại viện, sau 5 lần dùng sốc điện chuyển nhịp (kỹ thuật cấp cứu hồi phục nhịp xoang của tim, bình thường khoảng 70 - 80 nhịp/phút). Sau một giờ hồi sức tích cực, tim người bệnh đập lại, huyết áp đo được… Chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp nặng, độ IV (với tỷ lệ tử vong 57,8%) theo thang điểm Killip (T.Killip và J.M.Kimball lập 1967 cho dự đoán nguy cơ tử vong do nhồi máu cơ tim). 

Các bác sĩ thông báo và giải thích tình trạng nặng cho người nhà, nói rõ những hậu quả thiếu oxy có thể xảy ra do ngừng tim và hồi sức dài hơn một giờ. Đồng thời đề nghị chụp mạch vành, xác định đoạn tắc để thông, nhưng người nhà từ chối, xin đưa người bệnh về… Ngày 23/10, trên đường về quê Quảng Nam, thấy tay, chân ông K cử động nên gia đình đưa vào khoa Cấp cứu, bệnh viện Quảng Nam trong tình trạng vẫn hôn mê sâu… Khoa Nội Tim mạch đã chụp mạch vành, thông tắc đoạn nhánh động mạch liên thất trước (ở vách ngăn thất phải và thất trái). Sau can thiệp, ông K tỉnh dần, tự thở được, duy trì thuốc vận mạch liều thấp, hồi sức tiếp tục. Sau 5 ngày, áp dụng phục hồi chức năng tim mạch cơ bản…

Đây là ca hy hữu bởi bệnh nhân đã ngừng tim, phổi cả giờ, sau đó di chuyển gần 900km mà vẫn sống lại, tất nhiên là không thể thiếu công lao của y tế.

Với những người hiếu kỳ, câu chuyện ồn ào này còn chưa kịp lắng thì mấy ngày sau có chuyện tương tự. Anh N.D.K, sống độc thân và làm việc ở thành phố Vũng Tàu, bị tại nạn giao thông... Hai bệnh viện ở Vũng Tàu nói không thể cứu chữa nên người nhà đành đưa anh về lo hậu sự... Hai ngày sau, thấy tay, chân anh động đậy, mắt lơ mơ mở, nên đưa đến bệnh viện Trưng Vương, thành phố Hồ Chí Minh... Bệnh viện chẩn đoán dập não thái dương hai bên, máu tụ dưới màng cứng (màng dính chặt vào mặt trong xương sọ). Do tình trạng không cho phép phẫu thuật nên chỉ định hồi sức tích cực, thở oxy, chống phù não… 

Hai ngày sau, các chỉ số sinh tồn có dấu hiệu hồi phục. Ba ngày sau cử động được tay chân, qua được nguy kịch tính mạng. Hai tuần tiếp theo, anh K nhận biết được xung quanh, chuyển sang phòng bệnh thường. Ngày 10/11, anh K tự đứng, đi được; ăn uống được, nhưng lúc tỉnh lúc mê, nhận biết không gian, thời gian, xung quanh, bản thân rối loạn… Ở cả hai bệnh nhân này, những di chứng thần kinh, tâm thần khó mà nói trước vì hủy hoại do thiếu oxy hàng giờ và dập mô não, đặc biệt là anh N.D.K tổn thương não thái dương - một vùng có nhiều đặc biệt…

Thế giới có nhiều trường hợp người chết sống lại

Người chết sống lại - chuyện bình thường - Ảnh 1.

Bà Lorna Baillie vừa hồi sinh và ông Baillie.

Trong hơn một thập kỷ gần đây đã có không ít chuyện "chết" đi "sống" lại. Năm 2009, bác sĩ bệnh viện Royal Preston, Anh, nói thanh niên Michael Wilkinson đã chết, nhưng 30 phút sau họ lại bắt được mạch của cậu. Wilkinson sống thêm 2 ngày rồi "nhất quyết" ra đi. 

Năm 2012, bé Kelvin Santos, 2 tuổi, ở Santos, Brazil, qua đời vì viêm phổi. Đang trong tang lễ, bé nhổm dậy trong quan tài nói: "Bố, cho con uống nước". Có người khóc vì vui mừng nhưng cũng có người sợ hãi đến ngất. Uống nước xong, em lại nằm xuống và bất động mãi mãi. 

Bác sĩ bệnh viện Hoàng gia Edinburgh, Anh, thông báo cho người nhà là bà Lorna Baillie, 49 tuổi, đã chết do nhồi máu cơ tim và sẽ rút các thiết bị cấp cứu… Khi ông Baillie, 58 tuổi, người chồng tật nguyền thì thầm vào tai bà "anh yêu em", thì bà tỉnh lại như chưa hề có gì xảy ra. 

Cụ bà Janina Kolkiewics, 91 tuổi, người Ba Lan, sống lại sau khi nằm trong nhà xác 11 giờ. Giới chức điều tra vì bác sĩ khẳng định bà đã chết... 

Cụ bà Edith Manning ở hạt Somerset, tây nam nước Anh, "nổi tiếng" bởi 12 lần trở về từ cõi chết trong 87 năm hưởng dương. Những cơn đau tim quái ác đã làm bà chết 12 lần và nhiều lần tim đã ngừng đập quá 4 phút, quá thời gian dài nhất (3 phút) chịu đựng thiếu oxy của tế bào não. 

Tháng 3/2021, ngay trước khi phẫu thuật tử thi trong vụ tai nạn giao thông, bác sĩ pháp y thấy "xác chết" đột nhiên cử động. Đó là thanh niên Shankar Shanmukh Gombi, 27 tuổi, ở thị trấn Mahalingapur, bang Karnataka, Ấn Độ, được đưa vào bệnh viện tư trong tình trạng nguy kịch… Bác sĩ khẳng định anh đã chết và rút ống thở… Ngay lập tức, Gombi được đưa đến bệnh viện và sau đó tình trạng có dấu hiệu tiến triển tốt. Một quan chức trong vụ việc nhấn mạnh lỗi tác trách của bệnh viện tư. May mắn, Gombi đã không mất mạng vì lỗi đó, nhưng sẽ có những di chứng não nặng vì gián đoạn cung cấp oxy khá dài. 

Người chết sống lại - chuyện bình thường - Ảnh 2.

Anh Gombi

Danh sách chết rồi sống lại được biết còn phải kể là bà Val Thomas, bang Tây Virginia, Mỹ đã chết não hơn 17 giờ. Cụ bà Nghiêm, 85 tuổi, ở Trung Quốc 2 lần chết đi sống lại. Thai nhi sinh non 26 tuần tuổi của chị Analia Bouter, người Argentina. Cụ bà Li Xiufeng, 95 tuổi, người Trung Quốc từ trong quan tài… vào bếp nấu ăn. Bà Lyudmila Steblitskaya, 62 tuổi, người Nga, 2 lần sống lại. Ông Balasubramanian Kumar, 74 tuổi, ở làng Kandhampatti, bang Tamil Nadu, Ấn Độ. Cụ bà Zinaida Kononova, 81 tuổi, người Nga. Bé trai ở huyện Bàn An, Chiết Giang, Trung Quốc. Bé gái 12 tuổi "đã chết" sống lại thêm 2 giờ trong một bệnh viện ở Indonesia. Người phụ nữ tử vong do tai nạn giao thông ở Johanesburg, Nam Phi. Anh Srikesh Kumar, 45 tuổi, ở bang Uttar Pradesh, Ấn Độ. Bà Fagilyu Mukhametzyanov, 49 tuổi, ở thành phố Kazan, Nga. Người đàn ông "đã chết" thở trong quan tài mở ở thành phố Hermel, Li Băng...  Trong đó có những người đã ở trong ngăn lạnh nhà xác (lạnh đến âm 10 độ) từ vài đến 15 giờ; người sống lại ngắn nhất là 12 phút.

Chuyện ly kỳ nhất ở Việt Nam về người chết sống lại

Danh sách phải kể là cụ Nguyễn Thị Kỳ, sinh năm 1898, ở xã Bảo Ninh, Đồng Hới, Quảng Bình, sống "thêm" 31 năm sau 2 giờ chết. Cụ Phạm Thị Châu, sinh năm 1913, ở làng Đồng Hải, Đồng Hới, Quảng Bình, sống "thêm" 11 năm, thọ 90 tuổi, sau khi chết năm 1992. 

Ở Xuân Lam, Nghi Xuân, Hà Tĩnh, có cụ Trần Thị Ban, chết năm 1967 lại "thọ" đến 2010 - 83 tuổi và cụ Trần Cảnh, "ra đi" năm 2002, "thọ" thêm 9 năm. Anh Nguyễn Thanh Hùng, 37 tuổi, ở thành phố Tân An, Long An, sống thêm một tháng sau 6 giờ chết. 

Chuyện bà Nguyễn Thị Dí, 67 tuổi, ở Đông Thạnh, Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh năm 2010 là "ly kỳ" nhất. Bà được cho là ra khỏi nhà lúc 3h sáng, 6h nghe tin có người chết trôi, 11h người chết được vớt lên bờ thì mở mắt và đó là bà Dí. Người chết ngạt nước nếu toàn thân ở trong nước thì bao giờ cũng chìm, kể cả chết theo cơ chế phản xạ thần kinh (nước không vào phổi, dạ dày) chỉ nổi lên mặt nước sau 24 - 72h tùy theo nhiệt độ nước, không khí và bản chất là do quá trình phân hủy mô mềm sinh hơi. Vì thế sau 3 giờ hoặc tính cả 8 giờ thì xác cũng không thể nổi? 

Có người giải thích văng mạng là người sống "nổi" hàng giờ, thì người chết cũng nổi được là do "cấu tạo cơ địa"!? Nhưng những người sống nổi hàng giờ như ông Hứa Hoàng Cương ở Cà Mau và 2 người trong gia đình; bé Nguyễn Trung Trực, 12 tuổi, ở Bạc Liêu là siêu hiếm và chắc chắn người chết không có "khả năng" này.

Chưa cắt nghĩa được hiện tượng chết đi sống lại

Từ xa xưa mọi quốc gia đều có cả kho chuyện ly kỳ, khó tin về hiện tượng này. Không đủ căn cứ khoa học để giải thích nên trước đây châu Âu cho đó là "quỷ nhập tràng". Ở Rumani người ta đóng cọc nhọn vào tim "quỷ". Có lẽ do trình độ y học thấp, chiến tranh và dịch bệnh liên miên, nên có nhiều người được chẩn đoán vội vàng và đã sai. Ở những đất nước có tục cải táng thường thấy nhiều bộ xương người chết trẻ hoặc đột ngột "nằm" với tư thế lạ, dù khi đặt vào quan tài người chết đều nằm ngửa thẳng thắn? 

Herbert Mayo (1796 - 1852), bác sĩ ngoại khoa nổi tiếng người Anh cho rằng, có khoảng 1 người bị chôn sống trong mỗi 200 người được chôn cất. Xưa kia, người chết thường được để trong nhà hoặc trong buồng bệnh, thi thoảng họ "sống" lại làm những người xung quanh hoảng loạn. Vì thế Christoph Wilhelm Friedrich Hufeland (1762 - 1836), bác sĩ, nhà nghiên cứu liệu pháp tự nhiên, nhà văn, người Đức đã "phát minh" ra nhà xác để lưu giữ tạm thời những người được coi là đã chết. Năm 1906, ở bang Kansas, Mỹ, chàng trai Havey, 20 tuổi, con một gia đình giàu có qua đời vì bệnh. Người vợ chưa cưới của Havey tin rằng anh chưa chết mà chỉ ngủ thiếp trong cơn bệnh nặng. Cô khẩn khoản xin mọi người đưa quan tài về nhà và "quả nhiên" Havey sống lại, sống "thêm" tới 54 năm. Khi đó người Mỹ xôn xao rằng sẽ có nhiều người bị chôn sống bởi bác sĩ xác định nhầm. Từ chuyện Havey, người ta "phát minh" ra những kiểu quan tài an toàn, có thiết bị thông gió, báo động và người bên trong có thể thoát ra... Quan tài loại này do bá tước người Nga, Kraxcaniki sáng chế, được cho là thiết kế tinh vi, an toàn nhất, người sống lại dễ dàng được cứu thoát. Những loại quan này thịnh hành ở phương Tây cho đến Thế chiến I…

Năm 1923, Klagen và Heer, hai bác sĩ người Áo làm thí nghiệm đặt một bệnh nhân sắp lìa đời trên chiếc bàn gắn cân cực nhạy, đậy lồng thủy tinh trong suốt, có dàn đèn tử ngoại chiếu vào lồng. Ngay khi bệnh nhân vừa ngừng tim, phổi, dưới ánh sáng cực tím, thấy một đám "bụi" nhỏ sáng rực, trọng lượng 0,06 gram, bay lên từ cơ thể, ra khỏi lồng kính rồi mờ dần. Klagen và Heer kết luận đó là điện sinh vật (ghi điện não, tim, cơ, chính là ghi lại những dòng điện sinh vật), nhưng những nhà duy tâm học cho đó là linh hồn. Nhiều người cho rằng dòng điện sinh vật tăng cường độ trong những trạng thái đặc biệt của cơ thể như cận chết, lên đồng hay nhiễm một số chất, nhưng chưa thể chứng minh! Người ta lấy tên Lazarus, người được Chúa Giesu cứu sống khi đã chết 4 ngày (ghi ở Chương 11, kinh Phúc âm trong kinh Thánh Tân ước) để gọi hiện tượng chết đi sống lại.

Cho đến nay, "cải tử hoàn sinh" vẫn hoàn toàn bí ẩn. Tuy nhiên, y học chia thành 2 giai đoạn chết lâm sàng và chết sinh vật. Chết lâm sàng tính từ khi ngừng tim, ngừng thở, điện tim và não là đường đẳng điện (mất hết các sóng cơ bản), sống lại chỉ xảy ra ở giai đoạn này (1/100.000 người chết theo một số thống kê) và quy định chôn cất, hỏa thiêu hay mổ xẻ phải sau 24 giờ từ khi bắt đầu chết lâm sàng. Chết sinh vật không thể có chuyện hồi sinh. Vì thế, không nên giật tít phảng phất "mùi" kích động dư luận "Bệnh nhân ngừng tim ở thành phố Hồ Chí Minh "sống lại" khi về lo hậu sự: Bệnh viện nói gì?" như một bài báo mạng!