Nghị định 21: Tạo điều kiện mua bảo hiểm cho người có thu nhập thấp

Quang Minh
07:14 - 10/05/2023
Công dân & Khuyến học trên

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 21/2023/NĐ-CP quy định về bảo hiểm vi mô (Nghị định 21), tạo điều kiện giúp hoạt động bảo hiểm vi mô phát triển, phù hợp với nhu cầu của cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp.

Nghị định 21/2023/NĐ-CP quy định về bảo hiểm vi mô cho người thu nhập thấp. Ảnh minh họa: IT.

Nghị định 21/2023/NĐ-CP quy định về bảo hiểm vi mô cho người thu nhập thấp. Ảnh minh họa: IT.

Chính phủ ban hành Nghị định quy định về bảo hiểm vi mô

Nghị định số 21/2023/NĐ-CP quy định về bảo hiểm vi mô (Nghị định 21) có hiệu lực từ ngày 5/5. Nghị định này ra đời với kỳ vọng tạo ra khuôn khổ pháp lý ổn định, minh bạch, rõ ràng với các quy định mang tính đặc thù, tạo điều kiện giúp hoạt động bảo hiểm vi mô phát triển, phù hợp với nhu cầu của cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp.

Việc ban hành Nghị định quy định về bảo hiểm vi mô nhằm thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về quản lý, phát triển xã hội bền vững, đảm bảo tiến bộ, công bằng xã hội cũng như thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15.

Đối với các doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài tại Việt Nam, Nghị định là hành lang pháp lý hỗ trợ để cung cấp sản phẩm bảo hiểm vi mô, tạo điều kiện tham gia bảo hiểm cho người dân có thu nhập thấp, ít có điều kiện tiếp xúc với các sản phẩm bảo hiểm thương mại thông thường của các doanh nghiệp bảo hiểm, góp phần thực hiện chính sách bảo đảm an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.

Nghị định cũng nhằm mục tiêu xây dựng khung khổ pháp lý cho các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp, các hợp tác xã thành lập các tổ chức tương hỗ để cung cấp bảo hiểm vi mô cho các thành viên.

Nghị định 21 gồm 4 chương, 46 điều và 11 phụ lục. Ngoài các điều khoản về quy định chung, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và điều khoản thi hành, Nghị định bao gồm các điều khoản quy định cụ thể về sản phẩm bảo hiểm vi mô, quy định về thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô.

Theo đó, bảo hiểm vi mô là các sản phẩm bảo hiểm được thiết kế và cung cấp hướng tới người nghèo, người có thu nhập thấp và những người yếu thế trong xã hội, với đặc điểm phí bảo hiểm thấp, số tiền bảo hiểm nhỏ, sản phẩm bảo hiểm đơn giản, dễ hiểu. Khi tham gia các sản phẩm bảo hiểm này, người nghèo, người có thu nhập thấp được tiếp cận với các giải pháp tài chính đối phó với rủi ro, thiệt hại trong cuộc sống.

Nghị định 21: Tạo điều kiện mua bảo hiểm cho người có thu nhập thấp - Ảnh 1.

Triển khai bảo hiểm vi mô cho người dân với mức phí tối đa 100 ngàn đồng/tháng

Theo Báo cáo triển vọng việc làm và xã hội châu Á – Thái Bình Dương năm 2020 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), có khoảng 22 đến 25 triệu người trong khu vực có thể rơi vào tình trạng nghèo đói do tác động của đại dịch COVID-19.

Đây là các chủ thể yếu thế trong xã hội, nhạy cảm trước những rủi ro rất cần được bảo hiểm nhưng lại không có điều kiện tiếp cận với các sản phẩm bảo hiểm thương mại thông thường.

Bên cạnh đó, tại các quốc gia đang phát triển, tỷ lệ dân cư thu nhập thấp chiếm tỷ trọng cao, nhất là khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, trong trường hợp này, bảo hiểm vi mô sẽ là cứu cánh hữu hiệu cho công tác an sinh, góp phần xóa đói, giảm nghèo và ổn định xã hội.

Nghị định 21 quy định, phí bảo hiểm tối đa của sản phẩm bảo hiểm vi mô bằng 5% thu nhập bình quân đầu người hàng năm của chuẩn hộ cận nghèo ở khu vực thành thị.

Số tiền bảo hiểm tối đa của sản phẩm bảo hiểm vi mô bằng 5 lần thu nhập bình quân đầu người hàng năm của chuẩn hộ cận nghèo ở khu vực thành thị.

Nghị định quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, thu nhập bình quân đầu người của hộ cận nghèo khu vực thành thị là 2 triệu đồng/tháng.

Như vậy, phí bảo hiểm tối đa của sản phẩm bảo hiểm vi mô khoảng 100 nghìn đồng/tháng, số tiền bảo hiểm tối đa là 120 triệu đồng, phù hợp với các sản phẩm bảo hiểm vi mô đã được triển khai thí điểm trong thời gian qua.

Việc triển bảo hiểm vi mô tại Việt Nam được cung cấp bởi các doanh nghiệp bảo hiểm và tổ chức chính trị - xã hội, bao gồm: doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm sức khỏe (sau đây gọi là doanh nghiệp bảo hiểm), chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài thành lập và hoạt động tại Việt Nam; Tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô thành lập và hoạt động tại Việt Nam.

Sản phẩm bảo hiểm vi mô do doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài cung cấp được quy định cụ thể tại điều 4 của Nghị định này, phù hợp với nội dung hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm được quy định tại Điều 63 của Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Cũng theo quy định tại Nghị định này, tổ chức tương hỗ chỉ được cung cấp sản phẩm bảo hiểm vi mô có thời hạn ngắn (từ 1 năm trở xuống) để bảo vệ rủi ro cơ bản, bao gồm tử vong hoặc thương tật toàn bộ vĩnh viễn, chăm sóc sức khỏe, tai nạn, thiệt hại về tài sản.

Để được cấp phép thành lập và hoạt động của tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô phải đáp ứng các điều kiện về vốn, nhân sự quy định tại Điều 149 Luật Kinh doanh bảo hiểm, trong đó đảm bảo có vốn thành lập bằng Đồng Việt Nam không thấp hơn 10 tỷ đồng.

Nguồn vốn thành lập tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô bao gồm: Vốn góp của cá nhân là thành viên sáng lập. Thành viên sáng lập không được sử dụng vốn vay, nguồn vốn ủy thác đầu tư của tổ chức, cá nhân khác để tham gia góp vốn; Hỗ trợ của tổ chức đại diện thành viên; Tài trợ từ các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế, các chương trình, dự án; Các nguồn hợp pháp khác theo quy định pháp luật.

Nội dung hoạt động của tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô gồm: Cung cấp sản phẩm bảo hiểm vi mô; đầu tư vốn hoạt động, quỹ dự trữ bắt buộc và vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm.

Bảo hiểm vi mô (Microinsurance) là hình thức bảo hiểm dành cho người có thu nhập thấp đang được mở rộng tại các quốc gia nghèo và đang phát triển, trong đó, người thu nhập thấp đóng phí cho tổ chức cung cấp bảo hiểm để nhận được khoản hỗ trợ tài chính khi xảy ra rủi ro.

Với đặc trưng là phí bảo hiểm thấp, số tiền bảo hiểm nhỏ, đơn giản về các thủ tục tham gia cũng như yêu cầu chi trả quyền lợi, bảo hiểm vi mô đang cung cấp các sản phẩm bảo hiểm nhằm bảo vệ những người nghèo có thu nhập thấp trong xã hội trước những rủi ro về thương tật, tử vong và tài sản.


Bình luận của bạn

Bình luận