Nghệ nhân rối nước Nguyễn Hữu Chính – người quản trò duy nhất còn lại của làng Ra

Hồng Phương
08:16 - 27/11/2023
Công dân & Khuyến học trên

Cách Trung tâm Hà Nội chừng 30km, làng Ra (xã Bình Phú, Thạch Thất, Hà Nội) nổi tiếng với nghệ thuật múa rối nước. Làng có 3 nghệ nhân ưu tú ở môn nghệ thuật này, đến nay chỉ còn nghệ nhân rối nước Nguyễn Hữu Chính (sinh năm 1946) – người gắn bó với những quân trò gần nửa thế kỷ qua.

Nghệ nhân rối nước Nguyễn Hữu Chính – người quản trò duy nhất còn lại của làng Ra- Ảnh 1.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Hữu Chính là người giữ lửa cho rối nước làng Ra. Ảnh: Hồng Phương

Nghề múa rối nước làng Ra: cha truyền con nối

Gần nửa thế kỷ làm nghề, nghệ nhân rối nước Nguyễn Hữu Chính có thể kể cả ngày về chuyện rối nước và sự nghiệp quản trò múa rối nước, truyền nghề múa rối của mình.

Tương truyền, múa rối nước làng Ra có quy tắc riêng biệt là cha truyền con nối, không truyền nghề cho người ngoài, không dạy cho con gái, ai phạm sẽ bị tuyệt tự.

Năm 1976, sau khi rời quân ngũ, ông Nguyễn Hữu Chính bắt đầu theo bố học nghề múa rối nước với mong muốn góp sức giữ gìn truyền thống của địa phương. Tính đến ông cũng là đời thứ tư, thứ năm trong gia đình.

"Nội dung của các trò múa rối nước là tái hiện lại những truyền thuyết và việc làm ngoài đời sống sinh hoạt của người dân, như xay lúa, giã gạo, chăn gà, chăn vịt, cày bừa, chọi trâu, leo thang, đốt pháo… Đời thường như thế nào thì trong múa rối đều có và tái hiện y thế, không được sai.

Tôi không diễn những vở rối nước đương đại, chỉ diễn những vở đã có từ ngày xưa các cụ để lại như Trưng Vương dựng nước, Sơn tinh - Thủy tinh..., một phần cũng để tái hiện lại lịch sử dân tộc, giữ gìn văn hóa địa phương", nghệ nhân Nguyễn Hữu Chính chia sẻ.

Nghệ nhân rối nước Nguyễn Hữu Chính được phong danh hiệu Nghệ nhân ưu tú vào năm 2015, khi đó ông đã theo nghề được gần 40 năm. Danh hiệu này khiến ông rất tự hào và càng thúc đẩy ông say sưa trong việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể này.

Từ người biểu diễn đến người quản trò

Tuổi đã cao, không trực tiếp tham gia múa rối nước nữa, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Hữu Chính lại "vào vai" một tổng đạo diễn, cố vấn để các nghệ nhân trẻ tuổi thực hiện; bất kỳ lúc nào cần biểu diễn, ông đều có mặt ở sân khấu.

Nghệ nhân rối nước Nguyễn Hữu Chính – người quản trò duy nhất còn lại của làng Ra- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Hữu Chính được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú vào năm 2015. Ảnh: Hồng Phương

Trước mỗi chương trình ông luôn kiểm tra kỹ lưỡng từ chất lượng các con rối, trang phục của nghệ nhân đến dặn dò từng người biểu diễn, những lưu ý khi dùng quân trò.

Một tiết mục múa rối cần có khoảng 24 nghệ nhân tham gia, trong đó, có 8 nhạc công, 16 người diễn dưới nước. Con rối đơn giản nhất cần 1 người điều khiển, con phức tạp nhất phải tới 8 người. Mất ít nhất 4-5 ngày để các nghệ nhân dựng và trang trí sân khấu.

Lấy dẫn chứng về phần biểu diễn con rồng, ông Chính cho biết, các nghệ nhân phải đứng cách chiếc mành khoảng chục mét, có người phải ngụp xuống để phun nước, phun lửa, có người phải cầm cữ, người thì làm nhiệm vụ dìm con rối xuống, một người phải đánh võng, một người phải làm cho rối quay. Nhiều khi đi diễn ở ao có bùn, rất khó khăn cho các nghệ nhân.

Trong suốt chương trình, ông Chính sẽ không rời sân khấu dù chỉ một giây để nắm bắt tình hình, xử lý tình huống phát sinh. Khi sự kiện kết thúc, cả đoàn đều họp lại để rút kinh nghiệm.

"Đem nghệ thuật phục vụ nhân dân mà sai sót thì rất bực. Những gì làm chưa tốt trong quá trình biểu diễn, tôi sẽ nói ngay, nói hết với đoàn để hoàn thiện. Có vậy mới mong bảo tồn nguyên bản được nghệ thuật dân gian này", ông Chính nói.

Khoảnh khắc thăng hoa của Nghệ nhân rối nước Nguyễn Hữu Chính

Ánh mắt nhìn xa xăm, ông Chính nhớ về một thời hưng thịnh của nghề múa rối nước trong cuộc đời biểu diễn của mình. Đó là vào khoảng những năm 1999-2003, không chỉ các địa phương trong nước mà hàng tuần, đều có những đoàn từ nước ngoài về bày tỏ mong muốn tài trợ và mời đoàn rối nước của làng đi diễn ở nước họ.

Nghệ nhân rối nước Nguyễn Hữu Chính – người quản trò duy nhất còn lại của làng Ra- Ảnh 3.

Ở tuổi ngoài 70, nghệ nhân Nguyễn Hữu Chính đau đáu việc truyền nghề múa rối nước cho thế hệ trẻ. Ảnh: Hồng Phương

"Đáng nhớ nhất là chuyến lưu diễn của đoàn tại nhiều nước như Đài Loan, Trung Quốc, Mỹ, Singapore, Ý. Diễn hàng tuần, mỗi ngày 1 chương trình kéo dài hơn một tiếng. Tôi nhớ khoảng sân khấu rất rộng, nhớ khán giả háo hức xem mình biểu diễn, nhớ những người nghệ nhân đồng diễn phối hợp nhịp nhàng.

Khi tôi diễn một quân trò, khán giả vỗ tay ầm ầm, các nhà quay phim, chụp ảnh thì nằm rạp cả sân khấu. Trong tiếng cổ vũ, đoàn nghệ nhân chúng tôi lại diễn càng hăng say, thăng hoa với những quân trò trên tay mình. Đến lúc hết rồi mà người ta vẫn vỗ tay, không cho nghệ nhân vào.

Có khán giả nước ngoài cũng cứ xem đi xem lại, hôm trước họ ngồi ghế này, hôm sau tôi lại thấy đến xem tiếp. Họ thích thú đến mức có hôm, nghệ nhân chưa đến nhưng khán giả đã tới đông rồi", ông Chính kể lại.

Người biểu diễn kiêm "nhà sản xuất" quân trò

Danh là nghệ nhân ưu tú, nhưng công việc chính của ông Chính bây giờ là làm mộc, gắn với múa rối và trách nhiệm với nghề.

Nghệ nhân rối nước Nguyễn Hữu Chính – người quản trò duy nhất còn lại của làng Ra- Ảnh 4.

Nghệ nhân Nguyễn Hữu Chính có thể tự làm quân trò phục vụ môn nghệ thuật dân gian múa rối nước. Ảnh: Hồng Phương

Bên cạnh hoạt động trình diễn, Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Hữu Chính còn tham gia vào công đoạn chế tác con rối. Cái tài của ông là dù không được học bài bản về đẽo gọt, quy trình chế tạo, mà chỉ quan sát theo bố, người nghệ nhân này đã tự làm nên con rối của mình.

"Tôi nắm được toàn diện cách đục con rối vì hiểu cách nó trôi nổi trên mặt nước như thế nào, cách nó đi ra sao để cân đo trọng lượng trong khi chế tác cho phù hợp.

Với 1 khúc gỗ, để thành một quân trò biểu diễn, bước đầu tiên phải đục lấy phôi. Sau đó phải gọt cái đầu trước làm mắt làm mũi, rồi làm cổ, rồi đến thân xong mới đến chân tay. Dùng giấy bạc vuốt cho thật mịn để khi sơn không bị thấm vào gỗ mà vẫn phải giữ được độ bóng của quân trò đó.

Vì rối của làng Ra là múa rối dây nên bên trong rối phải đục rỗng để luồn dây cho khéo, không được rối", ông Chính chia sẻ.

Thiếu quân trò nào, ông Chính bỏ tiền túi ra để mua nguyên vật liệu, tự đục quân trò để bù, chẳng ai trả công nhưng ông vẫn làm để níu giữ phần hồn của bộ môn nghệ thuật đang dần bị bào mòn bởi thời gian.

Để múa rối nước đến gần hơn với khán giả

Ngày nay, khi nhiều loại hình giải trí ra đời, giống như nhiều nghệ thuật dân gian khác, múa rối nước làng Ra cũng gặp nhiều thách thức. Bên cạnh việc đầu tư trùng tu nhà thủy đình, tạo hình con rối, cũng cần phải chọn lọc tích cổ, tiếp cận những tích trò hiện đại để làm mới mình, hấp dẫn khán giả.

Dẫu vậy, ông Chính không lo nghệ thuật này sẽ bị mai một vì ông tin giá trị văn hóa sâu sắc trong mỗi quân trò, tích trò sẽ bền vững với thời gian.

Hơn nữa, đây là nghề cha truyền con nối nên sẽ luôn có những thế hệ kế cận giữ gìn, và bản thân ông Chính cũng tham gia vào việc đào tạo nên thế hệ đó.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Hữu Chính chỉ mong, nghệ thuật múa rối nước tiếp tục nhận được sự quan tâm của chính quyền, có phương án tái tạo, phát triển môn nghệ thuật này, để rồi trên mặt nước bằng lặng của những ao làng, các quân trò làng Ra sẽ lại sẽ được xuất hiện dập dềnh và xung quanh chật kín khán giả hào hứng đón xem.