Nghe nhạc, xem video được tiền, người phụ nữ bị sập bẫy lừa đảo mất hơn 400 triệu đồng

N.Cường
06:51 - 06/04/2023
Công dân & Khuyến học trên

Chỉ cần nghe nhạc, xem video mà được tiền, đây là thủ đoạn lừa đảo mà nhiều người hám lợi sẽ dễ dàng bị mắc bẫy.

Thủ đoạn lừa đảo làm nhiều người dễ mắc bẫy

Theo Cổng TTĐT Công an thành phố Hà Nội, Công an quận Ba Đình đang điều tra vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn như trên, nạn nhân đã chuyển hơn 400 triệu đồng cho các đối tượng lừa đảo.

Theo đó, ngày 13/3, Công an phường Giảng Võ, quận Ba Đình tiếp nhận đơn trình báo của chị T (sinh năm 1982; hộ khẩu thường trú tại Ba Đình, Hà Nội) về việc bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. 

Chị T cho biết, ngày 10/3/2023, chị T có nhận được điện thoại mời tham gia làm cộng tác viên nghe nhạc tăng lượt view, lượt like cho ca sỹ sẽ nhận được 100.000 đồng đến 200.000 đồng qua ứng dụng Telegram. Chị T tin tưởng làm theo yêu cầu của đối tượng nhưng sau đó phát hiện ra chiêu trò lừa đảo nên đã đến cơ quan Công an trình báo. Tổng số tiền chị đã chuyển tiền vào tài khoản do đối tượng yêu cầu là hơn 400 triệu đồng.

quang cao lua dao.jpg

Quảng cáo lừa đảo được đăng tải nhiều trên mạng xã hội. Ảnh: Cổng TTĐT Công an thành phố Hà Nội

Việc nhẹ lương cao... dễ là lừa đảo

Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản xảy ra tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh.

Theo đơn trình báo, chị T (sinh năm 1982; hộ khẩu thường trú tại huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội) có thấy quảng cáo làm cộng tác viên online trên mạng xã hội facebook sẽ được hưởng tiền hoa hồng. Khi đặt lệnh làm nhiệm vụ mua bán sản phẩm để tăng tương tác, chị T sẽ được hưởng hoa hồng.

Với lời giới thiệu việc nhẹ lương cao, không cần làm nhiều mà vẫn có tiền, chị T đã chuyển gần 400 triệu đồng để làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, khi liên hệ bên đối tác thì chị T không nhận được tiền hoa hồng. Biết mình bị lừa, chị T đã đến cơ quan Công an trình báo.

Công an thành phố Hà Nội đề nghị người dân cảnh giác và tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. 

Khi làm cộng tác viên cho các công ty, doanh nghiệp, đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ, người dân cần kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp thông qua nhiều nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác. 

Nếu phát hiện ra trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.

Theo Cổng TTĐT Bộ Công an, trả lời câu hỏi của phóng viên tại buổi họp báo thông báo tình hình, kết quả công tác Công an Quý I năm 2023, liên quan đến các vụ lừa đảo qua điện thoại, qua mạng, đặc biệt là hiện tượng sử dụng trí tuệ nhân tạo để giả hình ảnh, giả giọng nói người thân để lừa đảo trong thời gian gần đây, đại diện Công an thành phố Hà Nội cho biết: Tội phạm trên không gian mạng hiện nay diễn biến rất phức tạp với nhiều thủ đoạn. Đây là loại tội phạm không biên giới, có gắn kết nước ngoài. Hiện nay, lực lượng Công an đã có nhiều buổi làm việc và phối hợp với các nước bạn, phối hợp điều tra chung để bắt giữ các loại đối tượng này.

Đại diện Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) khuyến nghị, người dân phải thường xuyên cập nhật thêm những thông tin về các phương thức thủ đoạn lừa đảo mới trên các phương tiện truyền thông, phải bảo mật các thông tin liên quan đến tài khoản mạng xã hội, đồng thời phải cảnh giác cao khi người quen tương tác với mình qua mạng xã hội có các yêu cầu giao dịch về mặt tài chính có dấu hiệu bất thường thì cần liên hệ trực tiếp với người đó để tránh thành nạn nhân của các vụ lừa đảo.