Ngày Tết, suy ngẫm về giáo dục trong kỷ nguyên số hoá
Trong những ngày Tết Ất Tỵ cùng đặt niềm tin, sự kỳ vọng vào một tương lai nền giáo dục đổi mới và phát triển toàn diện được dự báo có nhiều thời cơ cũng như thách thức trong kỷ nguyên số hoá.

Nhà giáo tiếp tục học tập, đổi mới, sáng tạo, cùng hướng đến một nền giáo dục chất lượng, đào tạo ra những con người có đầy đủ năng lực và phẩm chất đáp ứng thời đại.
Là một giáo viên trung học phổ thông, xin có vài điều suy ngẫm trong mùa xuân mới.
Vui mừng với kết quả kỳ diệu của giáo dục phổ thông
Sau một lộ trình thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới, giáo viên vẫn còn trăn trở là làm sao kết nối những nội dung tập huấn vào trong tiết dạy tốt nhất, đúng với tinh thần đổi mới.
Sắp tới đây, cả xã hội hồi hộp chờ đợi kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Vì thế, ngày Xuân, cùng nhìn lại chất lượng giáo dục, đào tạo và năng lực của học sinh phổ thông.
Có thể nói, năm 2024, Giáo dục phổ thông có tín hiệu khởi sắc. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã phát biểu trong ngày Nhà giáo Việt Nam rằng ngành Giáo dục và đào tạo đã hoàn thành phổ cập bậc tiểu học và trung học cơ sở, trong khi trên thế giới còn nhiều trẻ em chưa được đến trường. Tỉ lệ người biết chữ trong độ tuổi trên 16 đạt tới trên 97%. Đây là điều khẳng định rằng trình độ dân trí ngày càng được nâng cao.
Trên bản đồ Giáo dục phổ thông thế giới, Việt Nam đứng thứ 53 trên bảng xếp hạng. Trong các kỳ thi Olympic quốc tế, nhiều năm liền, học sinh phổ thông trung học vinh dự có mặt trong Top 10; trong đó, có những môn thi nằm trong nhóm 3 hoặc 5 nước có thành tích tốt nhất trên toàn thế giới.
Trong 5 năm gần đây, Việt Nam có 173 lượt thí sinh tham dự các cuộc thi Olympic khu vực và quốc tế; kết quả đạt được 159 huy chương, trong đó 54 huy chương vàng, 60 huy chương bạc và 45 huy chương đồng. Năm 2024 là năm mà các em giành được nhiều huy chương nhất.
Như vậy, chất lượng Giáo dục phổ thông ngày càng có nhiều điểm nhấn nổi bật. Những con số biết nói trên là minh chứng cho Chương trình Giáo dục phổ thông đang đi đúng hướng theo Nghị quyết số 29-NQ/TW.
Điều đó được khẳng định trong Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15 ngày 18/9/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: "Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng công phu, nghiêm túc, dựa trên cơ sở chính trị, khoa học, lý luận và thực tiễn, có tính kế thừa và phát triển; bám sát mục tiêu, yêu cầu và nội dung đổi mới theo Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo".
Vui mừng với những chính sách mới, thay đổi mới
Thứ nhất, có thể nói, năm 2024 là năm của Ngành Giáo dục và Đào tạo, bởi nhiều chính sách mới được ban hành nhằm nâng cao vị thế nhà giáo. Điều đó có tính khích lệ động viên rất lớn để nhà giáo tiếp tục gắn bó với sự nghiệp trồng người.
Niềm vui đầu tiên là Quốc hội đã đồng ý điều chỉnh, xếp lương nhà giáo cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, bên cạnh đó vẫn giữ nguyên phụ cấp nhằm cải thiện đời sống của giáo viên.
Tiếp theo là Nghị định 73/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định chế độ tiền lương cơ sở và tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Lần đầu tiên lương cơ sở tăng vọt từ 1,8 triệu/ tháng đến 2,34 triệu/ tháng (30%), cao nhất từ trước đến nay.
Và lần đầu tiên giáo viên được nhận tiền khen thưởng cuối năm nên vô cùng phấn khởi vì sự cống hiến được quan tâm, ghi nhận.
Dù còn hơi lung túng trong năm đầu thực hiện nhưng hầu hết các địa phương đều chi trả chế độ khen thưởng kịp thời trước tết Nguyên đán theo đúng tinh thần công khai, minh bạch. Nhiều nhà giáo đang hân hoan hướng về một cái tết Ất Tỵ hứa hẹn nhiều cảm xúc khó tả.
Thứ hai, trong năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ban hành chính thức Luật Nhà giáo. Theo nhiều chuyên gia, dự thảo Luật Nhà giáo có nhiều nội dung tôn vinh nhà giáo. Đó là giá trị cốt lõi của giáo dục cần được khẳng định trong thời đại mới. Nhưng nhiều người cho rằng tôn vinh nhà giáo bằng các chính sách chế độ là chưa đủ, cái mà nhà giáo cần nhất là sự kính trọng từ phụ huynh và học sinh.
Thứ ba, Chương trình môn Ngữ văn mới dần bộc lộ rõ những ưu điểm so với chương trình cũ. Chương trình Ngữ văn mới đã đặt mục tiêu rõ ràng chuyển đổi theo hướng từ tiếp cận nội dung sang năng lực, từ lấy giáo viên sang lấy học sinh làm trung tâm, hướng tới việc dạy và học dựa trên công nghệ và kỹ năng. Ghi nhận từ thực tế, chất lượng dạy và học Ngữ văn đang ngày càng được cải thiện và đảm bảo tính thực chất.
Cùng hướng về những giá trị cốt lõi trong thời đại kỷ nguyên số
Một trong những điều mà đội ngũ nhà giáo tâm đắc nhất là giá trị về tình yêu thương, sự trung thực, lòng thiện lương và cái đẹp. Trong thời đại mới, những giá trị cốt lõi ấy cần thêm vào đó những năng lực và kỹ năng mới.
Thật vậy, trong thời đại kỷ nguyên số, nhiều phương pháp và công cụ sư phạm mới; người dạy và người học phải trang bị kỹ năng thật bén. Nền giáo dục hiện đại là nền giáo dục coi trọng những giá trị cốt lõi, trang bị những kiến thức cơ bản để học sinh lấy đó làm công cụ cho tư duy, có khả năng thích ứng và tự học để phát triển bản thân, bởi trong tương lai không chỉ dừng lại ở 4.0.
Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, giá trị cốt lõi là những giá trị bất biến trong đạo học, đạo làm người. Dù trong thời đại nào, tư tưởng "Tôn sư trọng đạo" vẫn được suy tôn, kể cả trong thời đại trí tuệ nhân tạo với công cụ sư phạm mới. Bộ trưởng cũng đã khuyên nhủ học sinh, trong thời đại tự do, dân chủ và bình đẳng, học sinh không cần co ro, khép nép, sợ hãi trước người thầy, nhưng cũng không được "cá mè một lứa", làm vỡ nát truyền thống tôn nghiêm của đạo thầy trò.
Câu nói của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mà những nhà giáo tâm đắc nhất: "Thách thức càng lớn, biến động càng nhiều, cái mới càng dồn dập, giáo dục càng cần quay về củng cố, trang bị cho người học những cái cơ bản nhất, nền tảng nhất". Đó là triết lý giáo dục hiện đại mà vị tư lệnh ngành đã nhắn nhủ đội ngũ thầy và trò trong năm học mới này.
Ngày Tết, cùng nhìn lại thành tựu giáo dục và phát biểu của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, để trân trọng và tự hào với thành tích của giáo dục phổ thông.
Năm 2025 đã đến với hy vọng ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục đột phá, vươn mình và tiếp tục khẳng định Chương trình giáo dục phổ thông 2018 xây dựng đúng hướng theo Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo qua Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và Kỳ thi trung học phổ thông sắp tới.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google