Ngày 4/8: Vàng quay đầu giảm, giá dầu biến động mạnh sau cuộc họp OPEC+

Li Lê
09:57 - 04/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Giá dầu thô ngày 3/8 đã sụt giảm mạnh xuống mức thấp nhất kể từ đầu tháng 2. Tuy nhiên, sau cuộc họp của OPEC+, giá dầu đã có sự biến động mạnh.

Giá vàng

Sang 4/8, giá vàng trong nước quay đầu giảm mạnh với mức giảm từ 1,4 triệu đồng đến 1,85 triệu đồng/ lượng ở chiều bán. Với mức điều chỉnh này, giá vàng trong nước đã rơi xuống quanh ngưỡng 67 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.

Như vậy, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới đã được thu hẹp. Khi giá vàng trong nước giảm mạnh và giá vàng thế giới niêm yết tại Kitco ở mức khoảng 1.760 USD/ounce (tương đương 50 triệu đồng/lượng nếu quy đổi theo tỉ giá Vietcombank, chưa thuế, phí).


Giá mua vào (VNĐ/lượng)Giá bán ra (VNĐ/lượng)

DOJI Hà Nội

65.000.000

66.500.000 

DOJI Thành phố Hồ Chí Minh

65.000.000

66.600.000

SJC Thành phố Hồ Chí Minh

66.000.000

67.000.000 

SJC Hà Nội

66.000.000

67.020.000

SJC Đà Nẵng

66.000.000

67.020.000

Phú Quý SJC

65.800.000 

67.000.000

Vietinbank Gold

66.000.000

67.000.000

Tính đến 9 giờ sáng 4/8, giá vàng thế giới neo ở mức 1.767,20 USD/ounce. 

Thị trường kim loại quý thế giới trong phiên giao dịch giữa tuần chịu áp lực mạnh bởi lợi suất trái phiếu kho bạc và chỉ số US Dollar Index tăng và giá dầu thô giảm.

Ngày 4/8: Giá dầu biến động mạnh sau cuộc họp của OPEC+ - Ảnh 1.

Diễn biến giá vàng thế giới tính đến sáng 4/8.
Nguồn: Kitco

Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã tăng lên mức 2,75% sau loạt phát biểu của các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong tuần này nhắc lại rằng họ có kế hoạch tiếp tục tăng lãi suất mạnh mẽ để giảm lạm phát giá.

Bên cạnh đó, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) tiếp tục tăng thêm 0,13% lên mức 106,38.

Thêm vào đó, giá dầu thô Nymex giảm liên tục và giao dịch quanh mức 91,5 USD/thùng cũng gây bất lợi cho vàng. 

Vàng đã được hưởng lợi từ một loạt các dữ liệu kinh tế ảm đạm được công bố gần đây. Tuy nhiên, việc các ngân hàng trung ương lớn tăng lãi suất để chống lại lạm phát tăng cao thường đè nặng lên sức hấp dẫn của vàng thỏi.

Nhà phân tích Edward Meir của ED&F Man Capital Markets dự báo, vàng có thể tăng cao hơn một chút về mức trung bình 1.800 USD/ounce do đồng USD suy yếu trong suốt tháng 8 khi nhiều số liệu vĩ mô của Mỹ bắt đầu có vẻ tồi tệ hơn.

Giá dầu

Tính đến sáng 4/8 (theo giờ Việt Nam), trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 10/2022 đứng ở mức 90,32 USD/thùng, tăng 0,58 USD/thùng trong phiên. Tuy nhiên, nếu so với cùng thời điểm ngày 3/8, giá dầu WTI giao tháng 10/2022 đã giảm tới 2,29 USD/thùng.

Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 10/2022 đứng ở mức 97,31 USD/thùng, tăng 0,53 USD/thùng trong phiên nhưng đã giảm tới 2,45 USD/thùng nếu so với cùng thời điểm ngày 3/8.

Giá dầu ngày 4/8 tăng mạnh trong bối cảnh thị trường kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ dầu sẽ được cải thiện trước tình trạng nguồn cung khí đốt ở châu Âu giảm, các kho dự trữ xuống mức thấp kỷ lục. Điều này sẽ thúc đẩy chính phủ các nước buộc phải tìm kiếm các nguồn cung năng lượng mới, trong đó có dầu thô, để đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng vào mùa đông tới.

Giá dầu hôm nay tăng mạnh trở lại còn do thị trường hoài nghi về khả năng thực hiện kế hoạch sản lượng của OPEC+ và mức tăng sản lượng tháng 9 cũng rất khiêm tốn so với mức tăng vào tháng 7 và 8/2022.

Thông tin về việc G7 tiếp tục xem xét khả năng chặn đường đi của dầu thô Nga cũng là một tác nhân thúc đẩy giá dầu ngày 4/8 đi lên.

Ngày 4/8: Giá dầu biến động mạnh sau cuộc họp của OPEC+ - Ảnh 2.

Giá dầu thế giới phiên 3/8 giảm xuống mức thấp nhất gần sáu tháng.

Trước đó, giá dầu thô ngày 3/8 đã sụt giảm mạnh khi thị trường dấy lên nhiều lo ngại về triển vọng tiêu thụ dầu, trong khi nguồn cung tiếp tục được bổ sung.

Chốt phiên giao dịch 3/8, mỗi thùng dầu Brent giảm 3,7 USD về 96,78 USD. Dầu thô Mỹ WTI cũng giảm tương tự, về 90,66 USD. Đây là mức thấp nhất kể từ đầu tháng 2, trước thời điểm Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Kết thúc cuộc họp ngày 3/8, OPEC+ đã thống nhất sẽ tăng sản lượng thêm 100.000 thùng/ngày trong tháng 9/2022. Con số này thấp hơn rất nhiều so với con số mục tiêu 600.000 thùng/ngày được OPEC+ đặt ra cho tháng 7 và 8/2022.

Quyết định trên của OPEC+ đã xoá tan mọi kỳ vọng về việc nhóm có thể tăng mạnh sản lượng nhằm hạ nhiệt giá dầu như kỳ vọng của Mỹ cũng như nhiều quốc gia đồng minh.

Tác động đến giá dầu trong phiên này còn có những phát biểu của các quan chức Iran và Mỹ cho biết họ đang đến Vienna, Áo để nối lại các cuộc đàm phán trực tiếp về thỏa thuận hạt nhân Iran, làm dấy lên hy vọng về khả năng các lệnh trừng phạt với hoạt động xuất khẩu dầu của Iran sẽ được dỡ bỏ.

Về phía cung, các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 3/8 đã một lần nữa thể hiện quyết tâm kiềm chế lạm phát. Diễn biến này khiến chỉ số đồng USD, thước đo sức mạnh của “đồng bạc xanh” so với rổ các đồng tiền chủ chốt khác, tăng lên, gây áp lực lên nhu cầu vì khiến dầu trở nên đắt hơn đối với người mua nắm giữ các đồng tiền khác.

Cũng trong ngày 3/8, thị trường dầu thô còn ghi nhận thông tin dự trữ dầu thô Mỹ bất ngờ tăng mạnh. Cụ thể, theo dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước đã bất ngờ tăng 4,467 triệu thùng, lên 426,6 triệu thùng. Đây là mức tăng lớn nhất trong vòng một tháng và nó cũng vượt xa con số dự báo 600.000 thùng được giới chuyên gia đưa ra trước đó.

Sản lượng các nhà máy lọc dầu ở Mỹ cũng giảm 174.000 thùng/ngày, còn công suất hoạt động thì đã sụt giảm 1,2 điểm phần trăm.

Triển vọng tiêu thụ dầu toàn cầu tiếp tục bị phủ bóng bởi sự gia tăng các lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế. Theo dữ liệu vừa được Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố, chỉ số quản lý thu mua (PMI) của nước này trong tháng 7/2022 chỉ đạt 49 điểm, thấp hơn mức 50,2 điểm của tháng 6. Chỉ số PMI dưới 50 điểm cho thấy hoạt động sản xuất bị thu hẹp.

Tại châu âu, theo dữ liệu từ S&P Global, PMI của khu vực đồng tiền chung châu Âu đã giảm từ 52,1 của tháng 6 xuống còn 49,8 vào tháng 7, ghi nhận lần đầu tiên từ tháng 6/2022 chỉ số PMI của khối xuống dưới 50 điểm.

Trước đó, GDP quý II/2022 của Mỹ cũng được ghi nhận giảm 0,9% và là quý giảm thứ 2 liên tiếp sau khi lao dốc 1,6% trong 3 tháng đầu năm 2022.

Tại thị trường trong nước, hiện giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau: 

Loại xăng/dầuGiá bán

Xăng E5 RON 92

< 24.629 đồng/lít

Xăng RON95

< 25.608 đồng/lít

Dầu diezel 0.05S 

< 23.908 đồng/lít

Dầu hỏa

< 24.533 đồng/lít

Dầu mazut 180CST 3.5S

< 16.548 đồng/kg

Giá Bitcoin 

Tính đến sáng 4/8 (theo giờ Việt Nam), giá Bitcoin trên sàn CoinDesk giao dịch ở ngưỡng 22.822 USD, giảm 1%, khiến mỗi coin giảm 202 USD.

Theo CoinMarketCap, khối lượng giao dịch Bitcoin trong 24 giờ qua rơi vào khoảng 25,9 tỉ USD, vốn hóa thị trường ở mức 436 tỉ USD.

Tại sàn Vicuta, giá mua Bitcoin giảm xuống mức 543,3 triệu đồng, trong khi giá bán là 561,6 triệu đồng.

Trên toàn thị trường tiền kỹ thuật số, đà giảm của Bitcoin khiến nhiều tiền ảo vốn hóa lớn như Ethereum, Binance USD, Ripple... lao dốc. Tuy nhiên vẫn xuất hiện những điểm sáng tích cực như Binance Coin tăng 4,5%, Polkadot tăng 0,7%, Uniswap tăng 6,8%..., giúp tổng vốn hóa toàn thị trường tính đến sáng 4/8 ghi nhận ở mức 1.060 tỉ USD, tăng 0,7%.

Theo giới phân tích, thị trường tiền ảo trong đó có Bitcon đang chịu ảnh hưởng trước những thông tin tiêu cực liên quan tới tình hình kinh tế vĩ mô khi kinh tế thế giới đang gồng mình đối phó lạm phát tăng kỷ lục.

“Khi lạm phát đang là một đối thủ khó đánh bại hơn dự kiến, Bitcoin và nhiều tiền ảo vốn hóa lớn tiếp tục bị tổn thương nghiêm trọng. Tiền số đang là nạn nhân hàng đầu của cuộc chạy trốn khỏi các tài sản rủi ro khi nhà đầu tư lo lắng giá tiêu dùng đang tăng lên”, một nhà giao dịch chuyên nghiệp nhận định.

Trước đó, ông Edward Moya, chuyên gia phân tích tại hãng tư vấn Americas Oanda, nhận định, các nhà đầu tư tiền mã hóa đã hoảng loạn, sự lạc quan bốc hơi nhanh chóng. Giá trị vốn hóa của toàn bộ thị trường tiền mã hóa chỉ quanh quẩn ngưỡng 1.000 tỉ USD.

Edward Moya nhận định nếu giá Bitcoin giảm xuống dưới ngưỡng 20.000 USD/đồng, tình hình có thể xấu đi hơn nữa.

Nhà phân tích thị trường Francis Hunt cũng cho rằng giá Bitcoin thậm chí có thể giảm xuống mức thấp nhất là 8.000 USD trước khi tăng trở lại.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không chấp nhận các loại tiền ảo là tiền tệ cũng như là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Việc sở hữu, mua bán, sử dụng các loại tiền ảo như là một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân và không được pháp luật bảo vệ.
Nguồn: Tổng hợp