Công dân khuyến học

Ngành nghề nào cần nhiều nhân lực giai đoạn 2025-2035?

Ngành nghề nào cần nhiều nhân lực giai đoạn 2025-2035?

GS.TS Phạm Tất Dong

GS.TS Phạm Tất Dong

06:00 - 22/02/2025
Công dân & Khuyến học trên

Việc mô tả chi tiết những đặc trưng của những nghề này giúp học sinh có những hiểu biết cơ bản về một lĩnh vực nghề nghiệp đang trong xu thế phát triển mạnh trên toàn cầu và có ích cho việc giáo dục hướng nghiệp.

Ngành Trí tuệ nhân tạo

Trí tuệ nhân tạo (AI) thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ máy tính – một ngành còn khá mới mẻ với Việt Nam và đang thiếu nhiều nhân sự để phát triển. 

Trong nước nhiều trường đại học thuộc lĩnh vực đào tạo về kỹ thuật và công nghệ chưa có khoa trí tuệ nhân tạo. Do nhu cầu nhân lực về lĩnh vực này chưa được đáp ứng nên những người được đào tạo về ngành trí tuệ nhân tạo rất dễ kiếm được việc làm.

Một số nhà khoa học dự báo rằng, trong khoảng thời gian 2030-2035, trí tuệ nhân tạo sẽ được hoàn thiện về mọi mặt. Trong vòng 50 năm nữa, trí tuệ nhân tạo sẽ hoàn toàn thay thế người lao động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp nặng, hóa chất, dây chuyền sản xuất tự động v.v… 

Sự phát triển của ngành trí tuệ nhân tạo là một thách thức với con người. Những lớp người thuộc thế hệ Alpha, Beta (và thế hệ hiện chưa có mặt là Gamma) sẽ phải hoàn thiện năng lực số của mình để cạnh tranh với lực lượng Robot thông minh.

Ngay từ bây giờ, những bạn trẻ cần cố gắng nắm lấy khoa học máy tính, học để nắm vững công nghệ trí tuệ nhân tạo. Những tri thức về trí tuệ nhân tạo sẽ không bao giờ thừa, hơn nữa, khoảng cuối thập niên 2021-2030, những tri thức về trí tuệ nhân tạo sẽ tăng lên rất nhiều, nếu không truy cập thường xuyên, con người sẽ rơi vào tình trạng lạc hậu. Vì thế trong hành trình chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo cần được đặt vào trung tâm của chương trình học tập thường xuyên.

Trong giáo dục hướng nghiệp, ngay từ bây giờ, ngành giáo dục cần biên soạn bài giảng về các nghề thuộc lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, xây dựng các bản họa đồ nghề nghiệp (Professiogramme) mô tả chi tiết những đặc trưng của những nghề này để giúp học sinh có những hiểu biết cơ bản về một lĩnh vực nghề nghiệp đang trong xu thế phát triển mạnh trên toàn cầu.

Những nghề trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo đang có nhu cầu nhân lực cần mau chóng được đáp ứng là:

1. Kỹ sư trí tuệ nhân tạo (AI Engineer)

Tham gia phân tích dữ liệu: Thu thập, là sạch và xử lý các tập dữ liệu; Phát triển mô hình học máy; Đưa các mô hình AI vào hoạt động thực tiễn trong các ứng dụng web hoặc thiết bị IoT… Mức lương trung bình: 20.000.000 – 40.000.000đ/ tháng

2. Kỹ sư máy học (Machine Learning Engineer)

Công việc chủ yếu là cung cấp dữ liệu đầu vào cho các mô hình, hệ thống máy học thông qua các thuật toán cho phép chúng tự học cách xử lý dữ liệu và đưa ra những nhận định chính xác nhất với nhu cầu người sử dụng, cụ thể là tạo ra các chương trình tự động làm những nhiệm vụ xử lý dữ liệu phức tạp, giúp cải thiện hiệu quả công việc. Mức lương trung bình: 22.000.000 – 37.000.000đ/ tháng

3. Kỹ sư dữ liệu (Data Engineer)

Nhiệm vụ chính là chuẩn hóa dữ liệu để hỗ trợ Data Scientists and Business Analysts (Các nhà nghiên cứu, phân tích dữ liệu) tìm ra giải pháp cho các bài toán kinh doanh. Mức lương trung bình khoảng 23.600.000đ/ tháng

4. Nghiên cứu viên trí tuệ nhân tạo (AI Researcher)

Thực hiện nghiên cứu chất lượng cao trong các lĩnh vực khác nhau của AI, bao gồm máy học, học sâu, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, thị giác máy tính và robot. Mức lương trong khoảng 10.000.000 – 32.000.000đ/ tháng

5. Chuyên gia phân tích trí tuệ nhân tạo (AI Analyst)

Trích xuất thông tin chi tiết có giá trị từ các tập dữ liệu lớn, giúp định hình chiến lược sản xuất kinh doanh; triển khai các mô hình học máy để tự động hóa các quy trình dữ liệu và nâng cao khả năng phân tích dự đoán; Bảo đảm tính chính xác và toàn vẹn của dữ liệu được sử dụng cho mục đích phân tích thông qua việc xác thực và thử nghiệm nghiêm ngặt. Mức lương trung bình: 12.000.000 – 38.000.000đ/ tháng

6. Giảng viên về trí tuệ nhân tạo (AI Lecturer)

Thiết kế và cung cấp các khóa học về AI, tổ chức và hướng dẫn các hội thảo của sinh viên, tiến hành nghiên cứu và đăng tải các bài báo trong lĩnh vực chuyên môn. Lương giảng viên ở các trường đại học hiện nay rất khó xác định, nhất là giữa các trường thực hiện chế độ tự chủ với trường chưa theo chế độ này. Ở những trường tự chủ,, lương trung bình thường khoảng 15.000.000 đến 22.000.000đ/ tháng

7. Lập trình viên trí tuệ nhân tạo (AI Programmer)

Lập trình AI bao gồm việc sử dụng một hoặc nhiều ngôn ngữ lập trình, khuôn khổ AI và trình soạn thảo để phát triển các AI thực hiện các nhiệm vụ như dự báo, phân khúc khách hàng, tạo nội dung; xác định các rủi ro… với ít hoặc không có sự can thiệp của con người. Họ phải thiết kế và phát triển các thuật toán học máy. Các thuật toán này sau đó được đào tạo trên các tập dữ liệu lớn, cho phép chúng phân tích các mẫu, học, giải quyết vấn đề và đưa ra một số quyết định. Tùy thuộc vào ngôn ngữ lập trình mà mức lương khác nhau, song, nhìn chung, mức lương đạt được thường ở khoảng 15.000.000 – 34.000.000đ/ tháng

8. Kỹ sư phần mềm về trí tuệ nhân tạo (AI Software Engineer)

Công việc chính là vận dụng những kiến thức chuyên môn về nguyên lý kỹ thuật và ngôn ngữ lập trình để tạo ra sản phẩm phần mềm, thiết lập các trò chơi máy tính và chạy hệ thống điều khiển mạng. Mức lương trong khoảng 18.400.000 – 46.000.000đ/ tháng

9. Chuyên gia tư vấn đào tạo về trí tuệ nhân tạo (AI Consulting Expert)

Nhiệm vụ chính là đưa ra lời khuyên thuyết phục khách hàng và giải quyết những vấn đề họ gặp phải mà chưa có giải pháp tháo gỡ. Họ chỉ thực hiện những công việc cần thiết để hỗ trợ cá nhân và chăm sóc khách hàng. Việc quyết định hoàn toàn thuộc về khách hàng. Mọi lời khuyên và phương án do Consultant đề xuất đều được cân nhắc kỹ lưỡng dựa trên từng tình huống cụ thể, cũng như các yếu tố về nghiệp vụ và chuyên môn khác. Mức lương trong khoảng 15.000.000 – 21.000.000đ/ tháng

Ngành Công nghiệp bán dẫn

Ngành chip bán dẫn còn có tên là Ngành Công nghiệp bán dẫn (Semiconductor Industry). Ngành này có chức năng sản xuất các Vi mạch bán dẫn (chíp bán dẫn). Việc sản xuất các chíp bán dẫn được chia thành 4 quy trình công nghệ: Thiết kế, Chế tạo, Kiểm thử, Cắt và đóng gói.

Ngành Semiconductor là lĩnh vực kết hợp giữa khoa học cơ bản với khoa học ứng dụng. Các kỹ sư và chuyên gia trong ngành này phải là người có kiến thức sâu về vật lý cơ bản, mặt khác họ lại phải có năng lực thiết kế và sản xuất các thiết bị bán dẫn.

Chíp bán dẫn được ứng dụng vào rất nhiều lĩnh vực. Có thể kể tới những thiết bị, máy móc gắn chíp điện tử như Smartphone, máy tính cá nhân, trung tâm dữ liệu/ lưu trữ, điện tử gia dụng, điện tử công nghiệp, ,công nghiệp ô tô, cơ sở hạ tầng có dây/ không dây v.v…

Người ta coi ngành sản xuất chíp bán dẫn là một hệ sinh thái toàn cầu, trong đó Hoa Kỳ, Đài Loan, Hàn Quốc Nhật Bản… dẫn đầu về công nghệ và năng lực sản xuất.

Trung Quốc và Việt Nam đang nỗ lực gia nhập vào công nghiệp bán dẫn, còn Singapore và các nước châu Âu thì đóng vai trò hỗ trợ, đảm bảo sự bền vững và ổn định của chuỗi cung ứng. Hiện nay, Đài Loan được coi là quê hương của các doanh nghiệp hàng đầu về bán dẫn, dẫn đầu toàn cầu là TSMC (Taiwan Semiconductor Manufacturing Co-Ltd); MediaTek,, Marwell, Broadcom, Quadcomm… đều là những khách hàng của TSC.

Top 10 công ty dẫn đầu về sản xuất Semiconductor hiện nay là:

Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. Ltd. Samsung Electronic (Hàn Quốc). Quadcom (Hoa Kỳ). NVIDIA (Hoa Kỳ). Advanced Micro Devices – AMD (Hoa Kỳ). Broadcom (Hoa Kỳ). Texas Instruments – TI (Hoa Kỳ). Micron Technology (Hoa Kỳ). Sony Semiconductor Solution (Nhật Bản).

Các chuyên ngành công nghiệp bán dẫn có tính phổ biến ở Việt Nam hiện nay là:

- Kỹ thuật Điện tử.

- Khoa học Vật liệu.

- Vật lý học.

- Kỹ thuật máy tính.

- Kỹ thuật cơ điện tử.

- Kỹ thuật viễn thông.

- Kỹ thuật Nano.

- Hóa học.

Qua đào tạo về công nghiệp bán dẫn, các sinh viên có thể trở thành những nhà chuyên môn sau:

1. Kỹ thuật viên sản xuất (Production Technican)

Nhiệm vụ của họ là tham gia dây chuyền sản xuất thiết bị bán dẫn tại các nhà máy. Mức lương trung bình: 10.000.000 – 15.000.000đ/ tháng

2. Kỹ sư kiểm định vi mạch (IC Verification Engineer)

Nghiên cứu vận hành và phát triển sản phẩm tại các công ty thiết kế chip. Mức lương trung bình: 20.000.000 – 35.000.000đ/ tháng.

3. Kỹ thuật viên kiểm thử (Quality Assurance Tester)

Tham gia quy trình kiểm thử và bảo đảm chất lượng của sản phẩm vi mạch. Mức lương trung bình: 12.000.000 – 18.000.000đ/ tháng.

4. Kỹ sư hiện trường (Field Engineer)

Lắp đặt, bảo trì và sửa chữa thiết bị sản xuất – xử lý chất bán dẫn. Mức lương trung bình: 15.000.000 – 25.000.000đ/ tháng.

5. Chuyên gia tư vấn kỹ thuật (Technical Consultant)

Tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho các dự án sản xuất và thương mại sản phẩm ngành chíp bán dẫn. Mức lương trung bình: 25.000.000 – 40.000.000đ/ tháng.

6. Kỹ sư nghiên cứu và phát triển (Research – Development Engineer)

Nghiên cứu, cải biến các công nghệ semiconductor mới cho các thiết bị bán dẫn tiếp theo. Mức lương trung bình: 25.000.000 – 40.000.000đ/ tháng.

Bình luận của bạn

Bình luận

icon icon