Ngành logistics Việt Nam với những bước tăng trưởng ấn tượng

Quang Minh
23:11 - 14/05/2023
Công dân & Khuyến học trên

Theo Báo cáo về chỉ số logistics thị trường mới nổi năm 2022 của Agility, Việt Nam xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu.

Việt Nam được đánh giá là một "ngôi sao logistics" của châu Á

Thông tin được đưa ra tại cuộc họp báo giới thiệu "Triển lãm quốc tế logistics Việt Nam 2023-VILOG 2023" vừa được tổ chức ngày 11/5 vừa qua.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết: "Logistics được xác định là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của cả nước, cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế".

Trong những năm qua, ngành logistics Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể với tốc độ bình quân từ 14-16%/năm, quy mô 40-42 tỷ USD/năm. Số lượng các doanh nghiệp và chất lượng kinh doanh dịch vụ logistics ngày càng tăng lên, đóng góp không nhỏ đưa kết quả xuất nhập khẩu hàng hóa đạt mức cao nhất từ trước đến nay là 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm 2021.

Theo đánh giá của Agility năm 2022, Việt Nam xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương)

Tuy nhiên, đại diện Cục Xuất nhập khẩu cũng nhìn nhận, ngành logistics Việt Nam vẫn còn nhiều điểm yếu, như: chi phí logistics còn cao; thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp dịch vụ logistics với nhau và với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp xuất nhập khẩu; quy mô và tiềm lực về tài chính của các doanh nghiệp logistics Việt Nam còn yếu, việc tiến ra thị trường nước ngoài còn chưa đáng kể.

Ứng dụng công nghệ, số hóa và sự chung tay của các doanh nghiệp để ngành logistics tiếp tục phát triển

Tại sự kiện, sự có mặt của các chuyên gia cũng đã đánh giá cao về sự tăng trưởng ấn tượng của ngành logistics tại Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam được khuyến khích phải cùng nhau hợp tác, hỗ trợ nhau cùng phát triển trước làn sóng công nghệ và thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ. Việc bắt tay hợp tác là cần thiết, sẽ giúp tận dụng công nghệ để hình thành một mô hình hợp tác kết nối và hỗ trợ lẫn nhau trong logistics.

Ngành logistics Việt Nam với những bước tăng trưởng ấn tượng - Ảnh 2.

Việt Nam là nền kinh tế lấy sản xuất, xuất khẩu làm trung tâm, đây là tiền đề cho ngành logistics phát triển mạnh. Ảnh minh họa: IT.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics cũng được đưa ra là một yêu cầu tất yếu của xu hướng phát triển. Đặc biệt, với sự phát triển của nhiều ngành hàng trong lĩnh vực thương mại điện tử cần một nhu cầu lớn đối với việc vận chuyển hàng hóa. Việc ứng tích hợp thêm các công nghệ để thiết lập mô hình đa kênh (omni-channel) nhằm tối đa hóa thời gian xử lý các đơn hàng và đem đến cho khách hàng những trải nghiệm tốt nhất nhằm phát triển ngành khai thác cảng và cung cấp dịch vụ logistics.

Theo chuyên gia, ở thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp Việt Nam đã thấy rõ các điểm yếu cũng như dư địa phát triển của lĩnh vực logistics và đang đẩy mạnh đầu tư, đổi mới để đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Có thể nói, nhờ vào sự ổn định về chính trị, xã hội và vị trí địa lý thuận lợi, Việt Nam đang hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng. Đồng thời, những năm qua, tận dụng lợi thế quốc gia có đường bờ biển, hệ thống cảng biển, cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ giúp cho ngành logistics Việt Nam có bước tăng trưởng ấn tượng.

Kết quả được báo cáo cho thấy, tốc độ tăng trưởng ngành bình quân hằng năm từ 14-16%, số lượng và chất lượng dịch vụ logistics được nâng cao, đóng góp quan trọng trong việc đưa tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam năm 2022 lên 730,2 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2021.

Thông tin thêm về triển lãm quốc tế logistics Việt Nam

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, lần đầu tiên tại Việt Nam, Triển lãm quốc tế logistics Việt Nam (VILOG) được tổ chức bởi Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) và Công ty VINEXAD.

Triển lãm sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 10-12/8, tại Nhà B, Trung tâm Triển lãm và hội nghị Thành phố Hồ Chí Minh (SECC, 799 Nguyễn Văn Linh, Quận 7, TPHCM). Đây sẽ là cơ hội lớn để các doanh nghiệp dịch vụ logistics trong nước và quốc tế cũng như cộng đồng các nhà đầu tư, doanh nghiệp chủ hàng và các bên liên quan khác giao lưu, hợp tác, tư vấn và lựa chọn các giải pháp nhằm tối ưu hóa quy trình logistics của doanh nghiệp.

Tính đến hiện tại, VILOG 2023 đã nhận được đăng ký tham gia từ hơn 150 doanh nghiệp với trên 200 gian hàng đến từ 16 quốc gia và vùng lãnh thổ: Bỉ, Canada, Đài Loan (Trung Quốc), Đức, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Hong Kong (Trung Quốc), Malaysia, Nga, Nhật Bản, Singapore, Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Sĩ, Trung Quốc, Italy, Việt Nam.

Trong khuôn khổ Triển lãm VILOG 2023, bên cạnh các hoạt động kết nối thiết yếu, chuỗi hội thảo "mục tiêu kép" vừa thảo luận vừa kết nối về các chủ đề đáng quan tâm như "Xuất khẩu nông sản trực tuyến theo mô hình Buy-Ship-Pay", "Chuỗi cung ứng lạnh".


Nguồn: VGP, TTXVN