Đàm phán các FTA: Con đường sáng để thúc đẩy xuất khẩu

PV
06:08 - 27/02/2023
Công dân & Khuyến học trên

Thực hiện chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã và đang tích cực tham gia đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác lớn và khi được ký kết, đưa vào thực thi, các FTA sẽ tạo cơ hội mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu cho hàng hóa của Việt Nam.

Các FTA sẽ tạo cơ hội mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu cho hàng hóa của Việt Nam. Ảnh minh họa: IT.

Các FTA sẽ tạo cơ hội mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu cho hàng hóa của Việt Nam. Ảnh minh họa: IT.

Theo Trung tâm WTO và Hội nhập (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), những Hiệp định thương mại tự do (FTA) đang có giữa Việt Nam với các đối tác thị trường từ châu Âu - châu Mỹ như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA) hay Hiệp định thương mại Việt Nam - Chi lê, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á Âu (VN-EAEU FTA)... đang tiếp tục có tác động tích cực đối với thương mại, đầu tư; đặc biệt là xuất khẩu của Việt Nam.

FTA mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy năm 2021 kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-EU đạt 57,01 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt 40,1 tỷ USD, tăng 14,2%; nhập khẩu 16,9 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Tính riêng 10 tháng năm 2022, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và EU đạt 52,5 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, xuất khẩu đạt 39,7 tỷ USD, tăng 23,5%.

EU hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân đạt 7,5%, chiếm tỷ trọng bình quân 13,6% trong tổng xuất khẩu của cả nước (2015-2021).

Ở chiều ngược lại, Việt Nam đã vượt Singapore trở thành đối tác thương mại lớn nhất của EU trong khối ASEAN và đứng vị trí thứ 11 trong số các nước cung ứng hàng hóa lớn nhất vào EU (năm 2021 - theo Eurostat).

Tuy nhiên, trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine còn chưa ngừng, những ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu dẫn tới nguy cơ suy thoái kinh tế, lạm phát và lãi suất tăng kéo theo nhu cầu tiêu dùng giảm tại các quốc gia trên thế giới; trong đó có khu vực châu Âu - châu Mỹ thì Việt Nam cần tích cực đàm phán các FTA để thúc đẩy xuất khẩu, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng khoảng 6% và tiếp tục duy trì xuất siêu trong thời gian tới.

Tích cực tìm kiếm các cơ hội đàm phán các FTA

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, Việt Nam đã thu được nhiều kết quả tích cực trong việc triển khai những hiệp định thương mại tự do hiện có. Ngay từ đầu năm tới nay, các cơ quan chức năng đang tích cực đàm phán nhiều hiệp định nữa; chú trọng hơn tới một số thị trường mà từ trước đến nay Việt Nam chưa có khả năng thâm nhập sâu và mạnh.

Trước mắt, phía Việt Nam đang tiến tới gần hơn trong quá trình kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do với Israel - tạo bước tiến quan trọng để có thể thâm nhập thị trường Trung Đông thông qua cửa ngõ các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Dự kiến FTA với Israel được ký kết trong năm nay để mở ra cơ hội hợp tác với khu vực Trung Đông đầy tiềm năng.

Cùng với đó, đẩy mạnh xuất khẩu sang một số thị trường ngách, thị trường tiềm năng như Bangladesh, Pakistan; đồng thời, coi các thị trường này là “bàn đạp” để thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ với một sức mua lớn của hơn 1,4 tỷ dân… Ngoài ra, thị trường châu Phi với thị phần nhập khẩu 600 tỷ đô la Mỹ (USD)/năm nhưng Việt Nam cũng mới chỉ khai thác được 0,6%. Đây sẽ là đích nhắm tiếp theo để đàm phán ký kết hiệp định thương mại tự do của Việt Nam.

Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ cho biết, phát huy tốt lợi thế từ các FTA đã có cũng là những ưu tiên trong năm 2023 song song với việc đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa ngành hàng sẽ giảm bớt sự phụ thuộc vào các thị trường, ngành hàng truyển thống. Hiện nay các thị trường như Hoa Kỳ, Đức, Anh, Hà Lan… chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu, nhưng những thị trường khu vực như Bắc Âu, Đông Âu hay Mỹ La Tinh cũng đang có tốc độ tăng trường cao (cho dù, tỷ trọng xuất khẩu còn nhỏ).

Có thể nói, việc khai thác những thị trường còn nhiều dư địa sẽ giúp cho việc thúc đẩy tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tăng trưởng cao, thời gian tới. Nếu có hướng tiếp cận và thâm nhập bài bản, phù hợp, hàng hóa Việt Nam có thể phát huy được lợi thế cạnh tranh, gia tăng hiện diện tại các thị trường này.

Về phía các doanh nghiệp cũng cần gia tăng, đa dạng hóa những sản phẩm mũi nhọn trong xuất khẩu, đẩy mạnh trao đổi các nhóm hàng có lợi thế cạnh tranh, có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao, chế biến sâu, các sản phẩm kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Nguồn: TTXVN, Bộ Tài Chính