Ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo có gì mới?
Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý năm 2022, nhưng rất ít viên chức đủ điều kiện vì vướng một số quy định chung.
Lần đầu tiên Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức thi tuyển 3 hiệu phó cho 3 trường trung học phổ thông trên địa bàn Thành phố. Từ trước đến nay, việc bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý đơn vị sự nghiệp công lập ngành giáo dục Thành phố vẫn thực hiện quy trình 5 bước theo Nghị định 115/2020/NĐ-CP.
Viên chức dự thi lãnh đạo, quản lí phải đảm bảo nhiều điều kiện
Ngày 21/9/2022, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh ra Thông báo số 3433/TB-SGDĐT về việc thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý năm 2022. Sở Giáo dục và Đào tạo cần tuyển 3 vị trí phó hiệu trưởng cho các trường: Trường Trung học phổ thông An Nhơn Tây, Trường Trung học phổ thông Quang Trung và Trường Trung học phổ thông An Nghĩa.
Ứng viên dự thi phải đảm bảo một số tiêu chuẩn, điều kiện như sau: Phải được quy hoạch chức vụ phó hiệu trưởng nếu là nguồn nhân sự tại chỗ hoặc được quy hoạch chức vụ tương đương nếu là nguồn nhân sự từ nơi khác; Có bản kê khai tài sản, thu nhập theo quy định; Viên chức tham gia thi tuyển chức danh phó hiệu trưởng phải còn đủ 5 năm công tác tính từ khi dự tuyển;
Không thuộc các trường hợp bị cấm đảm nhiệm chức vụ theo quy định của Đảng và của pháp luật, không đang trong thời hạn xử lí kỉ luật, không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỉ luật viên chức.
Có trình độ tốt nghiệp đại học trở lên đúng với chuyên ngành, chuyên môn phù hợp với ngành, lĩnh vực công tác; Có kĩ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản; Sử dụng được ngoại ngữ ở trình độ tương đương bậc 3 Khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam.
Đã được bổ nhiệm ngạch chuyên viên và tương đương trở lên hoặc chức danh nghề nghiệp tương ứng hạng III trở lên; Có chứng chỉ chương trình đào tạo, bồi dưỡng kĩ năng lãnh đạo, quản lí cấp phòng hoặc tương đương; Có trình độ lí luận chính trị từ trung cấp hoặc tương đương trở lên.
Viên chức phải thi viết và trình bày đề án
Tham gia thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lí, viên chức giáo viên sẽ thi viết và thi trình bày đề án. Trong đó, phần thi viết (môn thi điều kiện) có thời gian làm bài 180 phút. Nội dung thi kiến thức chung về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về chuyên ngành, lĩnh vực dự tuyển. Viên chức cần hiểu biết về nghiệp vụ quản lý chuyên ngành, lĩnh vực dự tuyển; về chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của chức danh dự thi và các nội dung khác do hội đồng thi quy định. Ứng viên phải đạt từ 50/100 điểm mới được tham gia phần thi trình bày đề án.
Ở phần thi trình bày đề án, mỗi phần thi có thời gian tối đa 30 phút và chất vấn từ 30 đến 40 phút. Nội dung thi đánh giá thực trạng, phân tích những mặt mạnh, hạn chế, nguyên nhân của đơn vị sử dụng chức danh thi tuyển; dự báo xu hướng phát triển, đề xuất kế hoạch, giải pháp; chương trình hành động thực hiện kế hoạch, giải pháp nếu được bổ nhiệm vào chức danh thi tuyển; kỹ năng trình bày, giao tiếp ứng xử, giải quyết tình huống quản lý, phong cách lãnh đạo...
Chủ đề của đề án sẽ được Sở Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh thông báo công khai. Điểm thi phần thi này sẽ được cơ cấu gồm 3 phần: xây dựng đề án (20 điểm), bảo vệ đề án (40 điểm), trả lời câu hỏi chất vấn (40 điểm).
Dự kiến, thi viết được tổ chức vào ngày 28/10 và thi đề án ngày 4/11. Quyết định người trúng tuyển và quyết định bổ nhiệm chức danh dự kiến sẽ công bố trong tháng 12/2022.
Rất ít viên chức đủ điều kiện thi tuyển
Rất ít viên chức giáo viên ở Thành phố Hồ Chí Minh đủ điều kiện thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lí vì hai nguyên nhân chủ yếu sau đây.
Thứ nhất, Ngày 7/12/2020, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 3205/QĐ-GDĐT-TC về quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm cán bộ công chức lãnh đạo, viên chức quản lí các đơn vị trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo.
Quyết định 3205/QĐ-GDĐT-TC căn cứ Nghị định 115/2020/NĐ-CP, quy định quy trình bổ nhiệm đối với nguồn nhân sự tại chỗ theo quy trình 5 bước bằng cách lấy phiếu tín nhiệm. Đáng chú ý, giáo viên không giữ chức vụ lãnh đạo (tổ trưởng, tổ phó chuyên môn…) thì không được bỏ phiếu tín nhiệm hiệu trưởng, hiệu phó. Vậy nên, đa phần giáo viên không biết ngành giáo dục Thành phố có tổ chức thi chức danh lãnh đạo, quản lí nên họ chưa có sự chuẩn bị kĩ lưỡng.
Thứ hai, mặc dù nhiều giáo viên được nằm trong nguồn quy hoạch nhưng họ vẫn thiếu chứng chỉ bồi dưỡng kĩ năng lãnh đạo, quản lí và chứng chỉ trung cấp lí luận chính trị. Giáo viên muốn có chứng chỉ quản lí thì phải được hiệu trưởng gửi danh sách tham gia học tại Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh trong 6 tháng.
Tương tự giáo viên muốn lấy chứng chỉ trung cấp lí luận chính trị cũng phải được hiệu trưởng gửi danh sách lên Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó, Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định cử giáo viên đi học 1,5 năm tại Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh, người đi học được cấp kinh phí từ ngân sách Thành phố.
Nhìn chung, việc thi tuyển hiệu trưởng ở trường công lập hiện nay đã mở về chủ trương nhưng vẫn đóng tiêu chuẩn nên đã tước mất cơ hội của nhiều giáo viên giỏi, tâm huyết với nghề. Nên chăng, ngành giáo dục cần xem xét cho giáo viên còn thiếu hai chứng chỉ này tham gia thi tuyển lãnh đạo, quản lí để không bỏ sót những nhà giáo có tâm, có tài.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google