Ngành đào tạo Nghệ thuật đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo mở toang cánh cửa

Ly Hương
12:02 - 10/03/2023
Công dân & Khuyến học trên

Thông tư 22/2017/TT-BGDĐT và Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT đã có những quy định thông thoáng đối với ngành đào tạo thuộc lĩnh vực Nghệ thuật.

 Bộ Giáo dục và Đào tạo mở toang cánh cửa cho ngành đào tạo Nghệ thuật - Ảnh 1.

Nghệ nhân Chamaléa Rấp - một trong số ít nghệ nhân biết chế tác cây đàn chapi của dân tộc Raglai. Ảnh: TTH

Đề xuất "nghệ sĩ nhân dân tương đương tiến sĩ" gây xôn xao dư luận

Vừa qua, Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội đã có kiến nghị, cần có cơ chế đặc thù cho các giảng viên có danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân được tính tương đương học vị thạc sĩ, tiến sĩ để phù hợp với đặc thù nghề nghiệp của ngành đào tạo.

Đề xuất được hiệu trưởng nhà trường đưa ra tại buổi làm việc giữa trường này với Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, ngày 6/3/2022.

Lãnh đạo nhà trường cho hay, việc đề xuất các nghệ sĩ nhân dân đã có bằng thạc sĩ tại trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội được tính điểm tương đương như tiến sĩ để phù hợp với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về xác định chỉ tiêu và điều kiện mở ngành. Việc này hoàn toàn không có ý định hạ thấp học vị tiến sĩ và không đánh đồng học vị tiến sĩ với danh hiệu nghệ sĩ nhân dân.

Theo vị này, số giảng viên cơ hữu ở các trường văn hóa nghệ thuật hiện rất ít, do cắt giảm biên chế. Các trường phải mở rộng mời giảng viên thỉnh giảng ở bên ngoài. Tuy nhiên, quy định mỗi ngành phải có 5 giảng viên trình độ tiến sĩ thì các trường rất khó đáp ứng.

"Việc nghệ sĩ nhân dân tham gia giảng dạy trong lĩnh vực nghệ thuật nói chung và Đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội nói riêng là cần thiết. Họ là những người nhiều kinh nghiệm thực tiễn để hướng dẫn cho sinh viên làm nghề", một số tờ báo dẫn lời hiệu trưởng cho biết đề xuất này là để các nghệ sĩ nhân dân được tham gia vào việc giảng dạy thạc sĩ, tiến sĩ.

Ngoài đề xuất nêu trên, hiệu trưởng nhà trường còn đề nghị hạ tiêu chuẩn công bố bài báo khoa học trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. 

Ngay sau đó, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bác đề xuất này, bởi tiêu chí đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ so với tiêu chí đánh giá nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân khác nhau hoàn toàn, không thể quy đổi được.

Theo đó, nghệ sĩ nhân dân là danh hiệu được trao tặng cho những diễn viên, ca sĩ, nhạc sĩ...có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển nghệ thuật và xã hội. Còn tiến sĩ là bằng cấp được các trường đại học cấp sau khi nghiên cứu sinh hoàn thành chương trình học, nghiên cứu trong thời gian dài mới đạt được.

Hiện trong Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học đều chưa có quy định về quy đổi tương đương giữa trình độ tiến sĩ và nghệ sĩ nhân dân. Do vậy, đề xuất đó không thể xảy ra. "Nếu nghệ sĩ nhân dân được công nhận tương đương trình độ tiến sĩ thì tiến sĩ cũng sẽ được công nhận tương đương nghệ sĩ nhân dân. Chắc chắn là không thể được", đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo nói thêm.

Ngành đào tạo nghệ thuật được quy định thế nào trong quy chế?

Bàn về việc Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội đề xuất "nghệ sĩ nhân dân tương đương tiến sĩ", thầy giáo Phan Anh, giáo viên ở Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: "Tôi cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những quy định thông thoáng đối với ngành đào tạo thuộc lĩnh vực nghệ thuật".

Việc này được quy định tại Thông tư 22/2017/TT-BGDĐT và Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT". Khoản d Điều 2 Thông tư 22/2017/TT-BGDĐT quy định điều kiện mở ngành đào tạo trình độ đại học.

"Đối với ngành đăng ký đào tạo thuộc nhóm ngành Nghệ thuật phải có ít nhất 10 (mười) giảng viên cơ hữu cùng ngành hoặc ngành gần, trong đó phải có 01 (một) tiến sĩ và 03 (ba) thạc sĩ cùng ngành đăng ký đào tạo. Nếu ngành đăng ký mở mới mà trong nước chưa có cơ sở đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ thì có thể thay thế giảng viên cơ hữu trình độ tiến sĩ bằng nghệ sĩ nhân dân có bằng đại học cùng ngành đăng ký đào tạo, thay thế giảng viên cơ hữu có trình độ thạc sĩ bằng nghệ sĩ ưu tú có bằng đại học cùng ngành đăng ký đào tạo".

"Với quy định này, các nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú (có bằng đại học) đã đủ điều kiện vào giảng dạy ở các trường đại học, không phải đề xuất gì thêm", thầy Phan Anh phân tích.

Thứ hai, điểm b khoản 2 Điều 3 Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT đã bổ sung thêm một số quy định đối với ngành đào tạo thuộc lĩnh vực Nghệ thuật như sau:

"Giảng viên có danh hiệu là Nghệ sĩ nhân dân hoặc Nghệ nhân nhân dân hoặc Nhà giáo nhân dân do Nhà nước trao tặng, đồng thời có bằng thạc sĩ ngành phù hợp với ngành đào tạo dự kiến mở có thể thay cho giảng viên có bằng tiến sĩ và không phải là giảng viên chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện giảng dạy chương trình đào tạo (đối với mở ngành đào tạo trình độ đại học); hoặc đồng thời có bằng tiến sĩ ngành phù hợp với ngành đào tạo dự kiến mở có thể thay cho giảng viên có chức danh phó giáo sư và không phải là giảng viên chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện giảng dạy chương trình đào tạo".

Có thể khẳng định, danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú, Nghệ sĩ nhân dân (có thể trưởng thành từ dân gian mà không qua trường lớp đào tạo nào) là do Nhà nước phong, hoàn toàn khác với người có học hàm (Nhà nước phong cho những người đã có học vị tiến sĩ), học vị tiến sĩ (theo Quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ ban hành kèm Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT). 

Bình luận của bạn

Bình luận