Ngân hàng Phát triển châu Á lý giải nguyên nhân giá vàng Việt Nam liên tục tăng

Trang Linh
16:45 - 11/04/2024
Công dân & Khuyến học trên

Chuyên gia kinh tế trưởng ADB cho rằng, giá vàng tăng cao chủ yếu do quy luật cung - cầu trong nước. Để điều hành thị trường vàng hiệu quả hơn, cần có cách tiếp cận kết hợp về quản lý Nhà nước, coi vàng như công cụ tiền tệ, sản phẩm tài chính đầu tư, đồng thời là hàng hoá cơ bản.

nguyên nhân giá vàng tăng

Giá vàng trong nước tăng "điên cuồng" trong thời gian qua. Ảnh: Chí Hiếu

Nguyên nhân giá vàng tăng chủ yếu do quy luật cung cầu của thị trường

Tại buổi công bố báo cáo Triển vọng phát triển châu Á ngày 11/4, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) Nguyễn Bá Hùng phân tích: "Những căng thẳng địa chính trị gần đây đã khiến Ngân hàng Trung ương của một số quốc gia tích cực mua vàng để dự trữ, điều này là nguyên nhân giá vàng tăng cao trên thị trường thế giới".

Có thể hiểu vàng là công cụ quản lý rủi ro khi có những biến động lớn về địa chính trị. Trong bối cảnh địa chính trị thế giới không có nhiều biến động, nhu cầu mua vàng tích trữ sẽ thấp. Ngược lại, nếu địa chính trị căng thẳng, nhiều biến động, nhu cầu mua vàng tích trữ sẽ tăng cao.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Bá Hùng nhìn nhận giá vàng thế giới không tác động quá lớn đến việc giá vàng liên tục "phá đỉnh" trong thời gian gần đây. Thực tế cho thấy, nhiều ngày nay giá vàng neo cao là do quy luật cung cầu của thị trường.

"Nhu cầu mua vàng trong nước đang có xu hướng gia tăng do tâm lý của người mua vàng bị ảnh hưởng. Đồng thời, lãi suất tiết kiệm đang ở mức thấp cũng khiến các nhà đầu tư chuyển sang vàng cũng khiến nhu cầu tăng cao. Trong khi đó, nguồn cung vàng trong nước lại rất hạn chế, đẩy giá vàng trong nước tăng mạnh trong thời gian qua", ông Nguyễn Bá Hùng đánh giá.

Tìm được nguyên nhân giá vàng tăng, cần coi vàng tương tự một công cụ tiền tệ để quản lý thị trường 

Về công cụ quản lý giá vàng trong nước, kinh tế trưởng ADB cho biết, ADB không tham gia vào việc sửa đổi, điều chỉnh Nghị định 24 về kinh doanh vàng. Nhưng đứng dưới góc độ cá nhân, ông Nguyễn Bá Hùng cho rằng, Chính phủ nên kết hợp việc quản lý vàng tương tự như một công cụ tiền tệ và sản phẩm tài chính để đầu tư, đồng thời cũng là hàng hóa có cung - cầu. Do đó, việc quản lý sẽ hiệu quả hơn nếu có thể dung hòa được các yếu tố này.

Đầu giờ chiều ngày 11/4, các đơn vị kinh doanh giảm giá vàng nhẫn từ 200.000-1,2 triệu đồng mỗi lượng.

Cụ thể, Tập đoàn Doji giảm giá vàng nhẫn 1,2 triệu đồng/lượng sau khi lên mức kỷ lục 78,6 triệu đồng/lượng, mua vào 75,85 triệu đồng/lượng, bán ra 77,4 triệu đồng/lượng.

Giá vàng tại Công ty Bảo Tín Minh Châu mua vào 76,08 triệu đồng/lượng, bán ra 77,88 triệu đồng/lượng. 

Công ty Phú Quý mua vào 76,1 triệu đồng/lượng, bán ra 77,7 triệu đồng/lượng. Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) mua vào 74,8 triệu đồng/lượng, bán ra 76,6 triệu đồng/lượng… Giá mua vào của các đơn vị thấp hơn bán ra từ 1,5 - 1,8 triệu đồng mỗi lượng.

Trong khi đó, giá vàng miếng SJC tăng nhẹ trở lại 100.000 đồng mỗi lượng. SJC mua vào 82,3 triệu đồng/lượng, bán ra 84,3 triệu đồng/lượng. Tập đoàn Doji mua vào 82,2 triệu đồng/lượng, bán ra 84,2 triệu đồng/lượng. Công ty Bảo Tín Minh Châu mua vào 82,25 triệu đồng/lượng, bán ra 84,15 triệu đồng/lượng…

Giá vàng nhẫn hiện cao hơn thế giới 5,6-6,7 triệu đồng/lượng, còn vàng miếng SJC cao hơn ở mức 13,1 triệu đồng/lượng.