Ngân hàng Nhà nước báo cáo việc xử lý vụ ngân hàng SCB
Thực hiện nghị quyết của quốc hội về giám sát, chỉ đạo điều hành trong lĩnh vực ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã có báo cáo trình Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém, trong đó có vụ việc Ngân hàng Sài Gòn (SCB).
Tập trung, kiên quyết xử lý dứt điểm các ngân hàng yếu kém
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước vừa gửi Quốc hội báo cáo việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội về giám sát, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV với lĩnh vực ngân hàng, trong đó gồm việc xử lý các ngân hàng yếu kém.
Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc với 4 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt bao gồm: Ngân hàng Xây dựng (CBBank), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), Ngân hàng Dầu khí toàn cầu (GP Bank) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á (DongABank). Theo đó, các ngân hàng này được yêu cầu thực hiện các biện pháp phối hợp với các đơn vị tư vấn, kiểm toán để thực hiện các vấn đề định giá, cải tổ để có thể có các biện pháp phát triển trong thời gian tới.
Về vụ việc Ngân hàng SCB đã được đặt vào diện kiểm soát đặc biệt từ tháng 10.2022, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay, hiện nay, Ngân hàng nhà nước đã và đang phối hợp với các bộ, ngành triển khai các giải pháp để bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng và bảo đảm quyền, lợi ích của người gửi tiền.
Tìm kiếm nhà đầu tư để cơ cấu lại SCB
Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, hiện nay việc tìm kiếm nhà đầu tư tham gia cơ cấu lại SCB là giải pháp ưu tiên được Ngân hàng Nhà nước đệ trình Chính phủ xem xét, quyết định theo kế hoạch chủ trương cơ cấu lại SCB theo quy định.
Trước đó, SCB đã trải qua một giai đoạn tài chính khó khăn và gặp rủi ro liên quan đến việc quản lý tài sản, nợ xấu và năng lực tài chính. Điều này đã dẫn đến mất giá trị cổ phiếu và tình trạng không ổn định trong ngành ngân hàng.
Cụ thể, thông tin từ Bộ Công an cho biết, SCB cũng vướng vào các rủi ro liên quan tới việc hợp tác bảo lãnh môi giới bán trái phiếu của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư An Đông và một số công ty liên quan, khi các đơn vị này tạo lập 25 gói trái phiếu trị giá hơn 30.000 tỉ đồng để bán cho 42.000 người mua, huy động tiền và chiếm đoạt trong thời gian từ năm 2018 - 2020.
Vào cuối tháng 10.2022, sau khi vụ Vạn Thịnh Phát được cơ quan công an khởi tố điều tra, người dân đã đến rút tiền hàng loạt tại SCB. Ngân hàng Nhà nước đã quyết định áp dụng biện pháp kiểm soát đặc biệt đối với SCB.
Hiện tại, việc xử lý vụ việc SBC và các ngân hàng yếu kém còn tồn tại không ít khó khăn, theo các chuyên gia, việc tìm kiếm, đàm phán các đơn vị đủ uy tín, năng lực tài chính phù hợp để cơ cấu lại SCB cần thời gian và các điều kiện bảo đảm an toàn cho hệ thống.
Để tránh các vướng mắc sau này, các đơn vị tiếp nhận cần có đủ năng lực quản trị, kinh nghiệm xử lý cơ cấu các ngân hàng yếu kém và có đủ thời gian, nguồn lực giải quyết các vấn đề tồn đọng trong hệ thống. Đồng thời, các ngân hàng có nhu cầu "mua lại" SCB cũng cần thời gian để đàm phán, xin ý kiến và thuyết phục cổ đông đồng thuận theo đúng quy định thì mới có thể tiến hành các công việc chuyển giao.
Bên cạnh đó, theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu tại báo cáo, hiện nay, hệ thống các cơ chế chính sách để thực hiện quá trình chuyển giao bắt buộc còn nhiều bất cập, vướng mắc, thủ tục kéo dài, việc phối hợp tham gia ý kiến của các bộ, ngành liên quan còn kéo dài do việc xử lý các ngân hàng yếu kém "phức tạp, chưa có tiền lệ".
Tuy nhiên, với những nỗ lực thực hiện và cải thiện các giải pháp của Ngân hàng Nhà nước là tập trung triển khai chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền sẽ sớm giúp bảo đảm ổn định tình hình hoạt động và hỗ trợ các ngân hàng yếu kém từng bước được phục hồi.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google