Chính phủ yêu cầu xử lý dứt điểm vụ Ngân hàng SCB
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 144/NQ-CP ngày 10/9/2023 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2023. Trong đó, yêu cầu Ngân hàng nhà nước khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền trong tháng 9/2023 phương án xử lý Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB), không để chậm trễ hơn nữa.
Tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm cao, thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp
Nghị quyết nêu rõ: Trong tháng 9 và quý 4 năm 2023, Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm cao, đoàn kết, thống nhất, phối hợp chặt chẽ, thực hiện quyết liệt, nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết, Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Chú trọng ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và an sinh xã hội; đẩy mạnh thực hiện các giải pháp trong trung và dài hạn, nhất là 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; nỗ lực phấn đấu để hoàn thành đạt mức cao nhất các nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023.
Giám sát chặt chẽ tình hình nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng
Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương theo dõi sát tình hình, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác để ưu tiên hơn nữa cho thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và an sinh xã hội.
Điều hành tăng trưởng tín dụng đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên; khẩn trương hoàn thiện theo thẩm quyền các quy định, chính sách tín dụng, điều kiện cho vay với thủ tục thông thoáng, thuận tiện, khả thi, hợp lý hơn, tăng mạnh khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp và hấp thụ vốn của nền kinh tế, góp phần hạn chế "tín dụng đen."
Tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay; theo dõi việc triển khai thực hiện Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, Thông tư số 03/2023/TT-NHNN để kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ các vướng mắc phát sinh (nếu có).
Có giải pháp tiếp tục đẩy mạnh giải ngân các gói tín dụng 40 nghìn tỷ đồng hỗ trợ lãi suất, 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, 15 nghìn tỷ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản. Khẩn trương xem xét, điều chỉnh phù hợp theo thẩm quyền hệ số rủi ro đối với các phân khúc bất động sản khác nhau; rà soát các quy định liên quan đến cho vay, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cho đồng bộ, phù hợp với chính sách phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ.
Yêu cầu khẩn trương báo cáo phương án xử lý Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB)
Tập trung xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém, báo cáo các cấp có thẩm quyền trong tháng 9/2023. Giám sát chặt chẽ tình hình nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng; khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền trong tháng 9/2023 phương án xử lý Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB), không để chậm trễ hơn nữa.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phối hợp với Bộ Công an trong việc sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo Đề án 06 để có cơ chế, chính sách cho vay tín chấp phù hợp, góp phần hạn chế "tín dụng đen."
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google