Ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất tiền gửi, cao nhất 9,75%/năm

N.Cường
15:52 - 15/11/2022
Công dân & Khuyến học trên

Lãi suất huy động cao nhất tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) từ mức 9,3%/năm đã lên thành 9,75%/năm dành cho các kỳ hạn 13, 15, 18, 24 và 36 tháng.

Ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất tiền gửi, cao nhất 9,75%/năm - Ảnh 1.

Lãi suất tiết kiệm cao nhất tại VPBank hiện là 9%/năm, áp dụng cho khách hàng ưu tiên gửi tiết kiệm online kỳ hạn từ 18 tháng và không phân biệt số tiền gửi. Ảnh: INT

Lãi suất huy động cao nhất 9,75%/năm tại SCB

Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB), vốn có mức lãi suất niêm yết cao nhất hệ thống, đã tiếp tục tăng mạnh lãi suất tất cả các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, tiệm cận mốc 10%/năm.

Lãi suất huy động cao nhất tại ngân hàng này từ mức 9,3%/năm đã lên thành 9,75%/năm dành cho các kỳ hạn 13, 15, 18, 24 và 36 tháng. Lãi suất kỳ hạn từ 7 đến 12 tháng dao động từ 9,4-9,65%/năm. Kỳ hạn 6 tháng lãi suất hiện là 9,35%/năm.

Lãi suất huy động cao nhất 9%/năm tại VPBank, SHB 

Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vừa tăng lãi suất tiết kiệm cho các khoản tiền gửi nhỏ. Nếu như trước đây, khách hàng gửi tiền dưới 300 triệu đồng chỉ được áp dụng lãi suất từ 5,6 - 5,8%/năm cho kỳ hạn 1 tháng và từ 5,7 - 5,9%/năm cho kỳ hạn 3 tháng, thì nay lãi suất huy động cho kỳ hạn từ 1 đến 5 tháng đồng loạt chỉnh lên mức tối đa là 6%/năm, không phân biệt số tiền gửi.

Đối với kỳ hạn 6 tháng, khách hàng gửi dưới 10 tỷ đồng sẽ được áp dụng lãi suất từ 8,3 - 8,4%/năm trong khi trước đây, điều kiện hưởng lãi suất trên là gửi từ 50 tỷ đồng.

Đồng thời, VPBank cũng tăng thêm từ 0,2-0,4%/năm cho các khoản tiền gửi nhỏ dưới 10 tỷ đồng tại các kỳ hạn 12, 24 và 36 tháng. Lãi suất tiết kiệm cao nhất tại VPBank hiện là 9%/năm, áp dụng cho khách hàng ưu tiên gửi tiết kiệm online kỳ hạn từ 18 tháng và không phân biệt số tiền gửi. Còn với khách hàng thông thường, lãi suất cao nhất là 8,9%/năm.

Tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB), khách hàng gửi tiết kiệm online kỳ hạn từ 36 tháng sẽ được áp dụng lãi suất cao nhất là 9%/năm, kỳ hạn 12 tháng là 8,7%/năm và kỳ hạn 6 tháng là 8,4%/năm...

Lãi suất huy động cao nhất 8,2%/năm tại VietinBank, BaoVietBank

Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank) cũng vừa nâng lãi suất huy động cao nhất lên 8,2%/năm. Đây là mức lãi suất VietinBank áp dụng cho các khoản tiền gửi online từ 12 đến dưới 36 tháng. Với mức tăng cao hơn 0,8%/năm so với lãi suất gửi tại quầy, VietinBank đang trở thành ngân hàng áp dụng lãi suất cao nhất trong nhóm các ngân hàng có vốn Nhà nước.

Lãi suất tiền gửi online các kỳ hạn khác tại VietinBank cũng tăng mạnh: kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng được hưởng lãi suất 7,8%/năm, tăng 1,6%/năm so với cuối tháng trước; lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 1 đến 5 tháng nâng lên mức kịch trần 6%/năm.

Tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Bảo Việt (BaoVietBank), mức điều chỉnh lãi suất dao động từ 0,1 - 0,75%/năm. Lãi suất kỳ hạn 1 tháng được điều chỉnh lên 5,65%/năm, kỳ hạn 6 tháng là 7,6%/năm. Lãi suất tiết kiệm cao nhất được BaoVietBank áp dụng là 8,2%/năm dành cho kỳ hạn 12 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ.

Ngoài ra, Ngân hàng Thương mại cổ phần Bắc Á (Bac A Bank) cũng tăng lãi suất thêm từ 0,15 - 0,25%/năm với các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, nâng lãi suất kỳ hạn 6 - 12 tháng lên thành 7,9 - 8,2%/năm; kỳ hạn 18-36 tháng thành 8,45%/năm. Lãi suất các kỳ hạn dưới 6 tháng đều ở mức kịch trần quy định.

Ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất tiền gửi, cao nhất 9,75%/năm - Ảnh 2.

Công ty Chứng khoán SSI dự báo mặt bằng lãi suất huy động và cho vay có thể tiếp tục tăng thêm

0,5 - 1 điểm % trong 2 tháng cuối năm

Lãi suất huy động và cho vay có thể tiếp tục tăng

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán SSI, nhiều ngân hàng đã nâng lãi suất huy động về lại vùng trước COVID-19, thậm chí cao hơn, với mức tăng lãi suất trung bình từ 3 - 4%/năm so với cuối năm 2021. SSI dự báo mặt bằng lãi suất huy động và cho vay có thể tiếp tục tăng thêm 0,5 - 1 điểm % trong 2 tháng cuối năm.

Tương tự, các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng có khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng thêm lãi suất điều hành ít nhất 0,5 - 1 điểm % trong quý IV/2022 đến quý I/2023.

"Dư địa tăng tiếp lãi suất điều hành sẽ tùy thuộc vào diễn biến áp lực các yếu tố bên ngoài, lạm phát trong nước và áp lực mất giá của tiền đồng", VDSC nhận định.

Tại Quyết định số 1812/QĐ-NHNN ngày 24/10/2022, Ngân hàng nhà nước quy định mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng theo quy định tại Thông tư số 07/2014/TT-NHNN ngày 17/3/2014.

Theo đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng từ mức 0,5%/năm lên 1,0%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 5,0%/năm lên 6,0%/năm, riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô từ 5,5%/năm lên 6,5%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.

Đầu tháng 11/2022, hai nhà hoạch định chính sách hàng đầu của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) là Phó Chủ tịch ECB Luis de Guindos và Thống đốc Bundesbank (ngân hàng trung ương Đức) Joachim Nagel cho biết: ECB sẽ tiếp tục tăng lãi suất chủ chốt ngay cả khi nền kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) gặp khó khăn, bởi lạm phát cao sẽ còn gây tổn hại nặng nề hơn.

ECB đã và đang tăng lãi suất với tốc độ kỷ lục, đồng thời vẫn hướng tới nhiều đợt tăng lãi suất tiếp theo để đưa lạm phát đang ở mức hai con số của Eurozone trở lại mức mục tiêu 2%.