Áp lực lãi suất đè nặng lên thị trường chứng khoán

Quang Minh
05:59 - 06/11/2022
Công dân & Khuyến học trên

Việc tăng lãi suất điều hành, sự thay đổi của tỷ giá đang tác động không nhỏ tới thị trường chứng khoán. Trong đó, lãi suất tăng, dòng vốn có xu hướng dịch chuyển ra khỏi thị trường, khiến sự u ám ngày càng đè nặng.

Thị trường chứng khoán trong nước cả tuần vừa qua  (từ 31/10 - 4/11) chứng kiến sự sụt giảm không phanh của chỉ số VN-Index giảm 30,21 điểm xuống 997,15 điểm, HNX-Index giảm 9,17 điểm xuống 204,56 điểm.

Áp lực lãi suất đè nặng lên thị trường chứng khoán - Ảnh 1.

Thị trường chứng khoán chịu sức ép từ xu hướng tăng lãi suất. Ảnh: IT

Giới phân tích cho rằng, áp lực bán tháo, giải chấp vẫn còn gia tăng trong các phiên tiếp theo khi theo dõi dòng tiền đang dần được rút mạnh ra khỏi thị trường. 

Hàng loạt những quyết định gia tăng lãi suất của các Ngân hàng thế giới, và hệ thống các Ngân hàng trong nước đã khiến nhà đầu tư có tâm lý tìm chỗ trú ẩn an toàn. 

Chỉ tính riêng trong năm nay, mặt bằng lãi suất đã được các ngân hàng trung ương điều chỉnh tăng hơn 3%. Đây là mức tăng rất mạnh trong khoảng thời gian ngắn. Điều này hàm ý áp lực đối với tỷ giá và lãi suất trong nước hiện hữu đồng nghĩa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhiều khả năng sẽ phải tiếp tục nâng lãi suất điều hành đi cùng với việc tăng tỷ giá nhằm đảm bảo các cân đối vĩ mô. 

  • Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành thêm 1%, từ 25/10

  • Ngân hàng Anh dự kiến tăng lãi suất thêm 0,75%

  • FED dự kiến tiếp tục tăng lãi suất

Thực tế, sau tuần hồi phục nhẹ trước đó, thị trường chứng khoán Việt Nam đã quay lại trạng thái điều chỉnh giảm. Việc giảm điểm ở quãng rộng trong những phiên giao dịch gần đây đã khiến cho hàng loạt cổ phiếu đầu ngành cũng giảm mạnh. Cả thị trường có những phiên ngập tràn sắc đỏ, thậm chí vài nét xanh lơ khiến nhà đầu tư hoang mang, lo lắng. 

Nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu giảm mạnh nhất trong tuần qua với mức giảm 8,5% giá trị vốn hóa. Nguyên nhân chủ yếu cho việc này đến từ việc nhóm ngành thép giảm mạnh với các đại diện như: NKG giảm 17,5%, HPG giảm 12,8%, HSG giảm 9,4%... do chịu ảnh hưởng từ báo cáo kết quả kinh doanh tiêu cực trong quý III/2022. Bên cạnh đó, cổ phiếu hóa chất cũng giảm rất mạnh. Cụ thể, DCM giảm 8,9%, DGC giảm 8,3%, DPM giảm 8,1%...

Ngành dịch vụ tiêu dùng cũng giảm rất mạnh với 8,5% giá trị vốn hóa, chủ yếu do đà giảm mạnh từ cổ phiếu bán lẻ như: MWG giảm 13,4%, DGW và FRT đều giảm 11,3%...Nhóm tài chính giảm 5,1% giá trị vốn hóa; trong đó, cổ phiếu bất động sản có DIG giảm 12,6%, IDC giảm 8,4%, KBC giảm 7,3%, DXG giảm 6,3%...; cổ phiếu bảo hiểm BMI giảm 11%, BVH giảm 4,8%, PVI giảm 2,5%...

Các ngành còn lại đều giảm như công nghệ thông tin giảm 3,9% giá trị vốn hóa, công nghiệp giảm 3,1%, dầu khí giảm 2,6%, dược phẩm và y tế giảm 2,5%, hàng tiêu dùng giảm 0,8%, ngân hàng và tiện ích cộng đồng đều giảm  0,5%.

Khối ngoại bán ròng mạnh trên hai sàn trong tuần qua với giá trị ròng đạt 549,13 tỷ đồng. Xét theo khối lượng ròng, HPG là mã chứng khoán bị bán ròng nhiều nhất với 74,2 triệu cổ phiếu. Tiếp theo là KBC và HDB với lần lượt 16,9 triệu cổ phiếu và 4,8 triệu cổ phiếu. Ở chiều ngược lại, FUESSVFL là mã chứng khoán được mua ròng nhiều nhất với 21,8 triệu cổ phiếu.

Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 11/2022 đang thấp hơn so với chỉ số cơ sở VN30, với mức 17,92 điểm cho thấy các nhà giao dịch đang nghiêng về khả năng thị trường có thể tiếp tục điều chỉnh trong tuần tới.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán thế giới cũng chịu sức ép từ xu hướng tăng lãi suất. Theo đó, các chỉ số chứng khoán Mỹ đồng loạt giảm trong tuần qua. Cụ thể, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 1,39%, kết thúc bốn tuần tăng. Chỉ số tổng hợp S&P 500 giảm 3,34%, và chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 5,65%.

Những phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell vào ngày 2/11 đã làm gia tăng lo ngại FED có thể tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian dài hơn dự kiến và gây thêm sức ép lên thị trường chứng khoán.

Thực tế, xu hướng tăng lãi suất đang diễn ra ở nhiều ngân hàng trưng ương lớn trên thế giới. Cụ thể, ngày 3/11, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) đã tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm, mức tăng lớn nhất trong 33 năm, để kiểm soát lạm phát dự báo tăng cao kỷ lục lên khoảng 11%.

Có thể nói, việc quyết định tăng lãi suất là những yếu tố bất khả kháng, song nó có tác động khá mạnh tới thị trường chứng khoán trên cả thế giới và trong nước. 

Việc tăng lãi suất kéo theo nhiều quyết định về dòng tiền dịch chuyển lớn về các thị trường an toàn hơn. Tương lai xanh, tím trở lại của thị trường chứng khoán có lẽ còn khá xa vời, trừ khi có thêm một lực đẩy nào đó rất mạnh mẽ từ các chính sách điều hành và hỗ trợ từ nền kinh tế vĩ mô.