Ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh do gia cầm nhập lậu vào Việt Nam

PV
19:30 - 26/02/2023
Công dân & Khuyến học trên

Sau khi tỉnh Prey Veng, Campuchia phát hiện ca tử vong trên người do virus cúm gia cầm A/H5N1, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có công điện khẩn về việc ngăn chặn tình trạng nhập lậu, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam.

Ngày 26/2/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ra Công điện khẩn số 1030/CĐ-BNN-TY nhằm ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh do vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển chăn nuôi, an toàn thực phẩm và sức khỏe cộng đồng.

Tăng cường kiểm soát các cửa khẩu, khu vực biên giới, cảng biển

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ban ngành và chính quyền các cấp của địa phương tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp theo quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành luật, Quyết định số 172/QĐ-TTg ngày 13/2/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt "Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh cúm gia cầm giai đoạn 2019 - 2025".

Ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh do gia cầm nhập lậu vào Việt Nam - Ảnh 1.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ra công điện khẩn nhằm ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh do vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam. Ảnh: Reuters/Randall Hill

Các tỉnh, thành phố khẩn trương tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, cảng biển, đường sông... để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép vào Việt Nam, đặc biệt các tỉnh biên giới phía Nam.

Trường hợp bắt các lô hàng động vật, sản phẩm động vật vận chuyển bất hợp pháp thì phải tiêu hủy ngay (trước khi tiêu hủy, cần lấy mẫu gửi các cơ quan thú y để xét nghiệm bệnh).

Xử lý nghiêm các vụ nhập khẩu trái phép gia cầm và sản phẩm gia cầm

Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố chỉ đạo lực lượng công an, bộ đội biên phòng lập chuyên án đấu tranh với các đối tượng vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới; phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện bắt giữ và xử lý nghiêm các vụ nhập khẩu trái phép gia cầm và sản phẩm gia cầm.

Đồng thời, tổ chức tuyên truyền cho nhân dân khu vực biên giới về sự nguy hiểm của bệnh cúm gia cầm và tác hại khi buôn bán, vận chuyển gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc.

Quản lý thị trường tại địa phương tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật trái phép vào Việt Nam, gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc trên thị trường.

Các địa phương báo cáo kịp thời, đầy đủ, chính xác tình hình dịch bệnh qua Hệ thống thông tin dịch bệnh động vật trực tuyến (VAHIS); tổ chức kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo, giấu dịch, làm lây lan dịch bệnh.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn giao Cục Thú y và đơn vị liên quan tổ chức các đoàn công tác đến các địa phương để kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh; chủ động phối hợp với các tổ chức quốc tế, các nước để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và giải pháp phòng, chống dịch bệnh.

Ngày 22/2/2023, Bộ Y tế Campuchia cho biết nước này đã ghi nhận một bé gái 11 tuổi tử vong do nhiễm virus cúm gia cầm H5N1. Ngày 24/2, Campuchia tiếp tục xác nhận ca nhiễm virus cúm gia cầm H5N1 thứ hai ở người.

WHO đang xem xét đánh giá rủi ro toàn cầu dựa trên tình hình mới nhất ở Campuchia.

Trong cuộc họp báo ngày 24/2, Tiến sĩ Sylvie Briand, Giám đốc văn phòng Dịch bệnh và Đại dịch của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết: "Tình hình H5N1 trên toàn cầu rất đáng lo ngại do sự lây lan rộng rãi của virus ở các loài chim, động vật có vú, gồm cả con người. WHO cho rằng virus để lại rủi ro nghiêm trọng, kêu gọi tất cả quốc gia tăng cường cảnh giác."

Theo bà Briand, hiện chưa rõ virus có thể lây lan từ người sang người hay không. Đây là lý do WHO muốn tập trung vào các trường hợp ở Campuchia do điều kiện môi trường của bệnh nhân giống nhau, khả năng lây nhiễm do cùng tiếp xúc gần với chim hoặc các động vật khác.

WHO đang đẩy mạnh nỗ lực chuẩn bị ứng phó với căn bệnh. Hiện thế giới đã có sẵn thuốc kháng virus H5N1 cũng như 20 loại vaccine được cấp phép. Dù vậy, có thể chúng cần được điều chỉnh để phù hợp hơn với chủng bệnh đang lưu hành.