Ngai vàng Triều Nguyễn - báu vật độc bản thể hiện quyền lực của triều đại phong kiến cuối cùng
Chiếc ngai vàng Triều Nguyễn - hiện thân quyền lực của triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam đã được gắn mác "bảo vật quốc gia" có thể bị một kẻ loạn thần dễ dàng ngồi lên, đập phá, làm hỏng, và vĩnh viễn không còn nguyên vẹn.

Cận cảnh chiếc ngai vàng - bảo vật quốc gia tại Điện Thái Hoà, Hoàn thành Huế.
Ngai vàng đặt tại Điện Thái Hòa, Hoàng thành Huế, là biểu tượng tối cao cho quyền lực của các vua triều Nguyễn. Chiếc ngai được đặt trên bệ cao giữa điện, chế tác tinh xảo từ gỗ sơn son thếp vàng lộng lẫy, chạm khắc rồng uốn lượn uy nghi.
Chiếc ngai không chỉ là nơi vua ngự khi thiết triều, tiếp đón sứ thần mà còn là hiện thân của vương quyền, thể hiện sự cao quý, uy nghiêm của nhà Nguyễn trong suốt thời gian trị vì.
Ngai vàng là biểu tượng quyền lực của triều đại, được truyền qua 13 đời vua triều Nguyễn. Ngai làm bằng gỗ, cao 101cm, rộng 72cm và dài 87cm. Phía trên ngai vàng có bửu tán bằng gỗ thếp vàng và trang trí pháp lam lộng lẫy. Bên dưới là bệ ngai vàng với ba tầng bệ bằng gỗ sơn son thếp vàng. Tất cả đều được làm bằng gỗ với nhiều hình con rồng mang ý nghĩa cầu phúc, cầu thọ, cầu may mắn.

Chiếc ngai vàng đặt ở Điện Thái Hoà bên trong lầu son gác tía, trang trí thêm vài đồ vật là sứ kí kiểu của Triều Nguyễn.
Theo Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, Ngai vàng triều Nguyễn chưa từng bị thất lạc hay rời khỏi điện Thái Hòa trong suốt hơn 200 năm. Ngay cả khi chế độ phong kiến sụp đổ năm 1945, vua Bảo Đại thoái vị, ngai vẫn được gìn giữ nguyên vẹn.
Theo các nhà nghiên cứu, ngai vàng có từ thời vua Gia Long hoặc vua Minh Mạng, tức vào đầu thế kỷ 19, giai đoạn đặt nền móng cho hệ thống lễ nghi và quyền lực tập quyền của triều Nguyễn.
Đây là nơi vua thường thiết triều với bá quan văn võ, trung tâm của nghi lễ hoàng gia, nơi diễn ra các sự kiện trọng đại như lễ đăng quang, đại triều, tiếp sứ thần và các dịp lễ tiết quốc gia. Ngai vàng vì thế là biểu tượng quyền lực và thể hiện sự uy nghiêm tuyệt đối của thiên tử, người được "trời trao mệnh".
Sau năm 1975, công tác trùng tu và bảo tồn ngai vàng được đẩy mạnh. Đặc biệt, từ khi quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới năm 1993, ngai vàng trở thành một trong những trọng điểm bảo tồn. Tháng 1/2016, hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia.

Chiếc ngai vàng của các vua triều Nguyễn được công nhận là bảo vật quốc gia Việt Nam vào năm 2016.
Như Công dân và Khuyến học thông tin, sáng 25/5, một video lan truyền trên mạng ghi lại sự việc được cho là của một du khách nước ngoài quay lại khi đang tham quan điện Thái Hòa vào trưa 24/5.
Trong video, một người đàn ông đã vượt qua hàng rào bảo vệ, leo lên ngồi xếp bằng trên ngai vàng triều Nguyễn trước sự chứng kiến của nhiều người. Người đàn ông này đã bẻ gãy phần bệ tì tay của ngai vàng thành nhiều khúc.
Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết người đàn ông đã bị lực lượng bảo vệ thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế khống chế, giao cho công an xử lý.
Chiều 25/5, Cục trưởng Di sản Văn hóa Huế Lê Thị Thu Hiền cho biết ngay sau khi nắm được thông tin, đơn vị đã gửi công văn tới Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế, yêu cầu tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng, đề xuất giải pháp xử lý, bảo quản theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
"Đây là sự việc đau lòng, xảy ra ở khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt. May mắn là ngai vàng có bản sao, các hình ảnh chi tiết khi lập hồ sơ công nhận là bảo vật quốc gia, nên nhiều khả năng có thể phục hồi nguyên bản", bà Hiền nói.
Thời điểm xảy ra sự việc, cán bộ an ninh thấy Hồ Văn Phương Tâm, 42 tuổi, ngụ ở phường Hương Long, quận Phú Xuân, có biểu hiện không bình thường, nên đã mời Tâm đi ra phía hậu điện. Song người này quay lại lẻn vào khu vực trưng bày ngai vua, la hét và bẻ gãy phần tựa phía trước tay bên trái. Để tránh Tâm manh động, đập phá các hiện vật khác, nhân viên bảo vệ tiếp cận từ xa, nhắc nhở Tâm đi ra bên ngoài, đồng thời gọi điện thoại yêu cầu tăng cường lực lượng hỗ trợ.
Đến 12 giờ 10 phút, họ đã khống chế Tâm, báo cho Công an phường Đông Ba lập biên bản. Hiện tại, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã chỉ đạo Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế đưa bản sao của ngai vàng ra trưng bày tạm thời.
Với ngai vua triều Nguyễn bị hư hại, Trung tâm sẽ mời các chuyên gia, nghệ nhân để cùng đánh giá và lập phương án tu sửa phù hợp; đồng thời có phương án tăng cường lực lượng, phương tiện để đảm bảo an toàn cho hệ thống hiện vật trưng bày.
Chiều 25/5, cơ quan chức năng vẫn chưa lấy được lời khai của kẻ đập phá ngai vàng do người này có biểu hiện loạn thần, nói nhảm và không hợp tác trong giao tiếp.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google