Gia tăng ca mắc đậu mùa khỉ, bệnh viện đầu ngành sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh

Lan Dương
17:45 - 04/11/2022
Công dân & Khuyến học trên

Trước một số ca nhiễm đậu mùa khỉ được ghi nhận ở trong nước, với vai trò là bệnh viện đầu ngành về chuyên ngành truyền nhiễm và các bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương triển khai các biện pháp sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh này.

78.000 ca mắc đậu mùa khỉ trên thế giới

Hiện nay, dịch bệnh đậu mùa khỉ (monkey pox) đang gia tăng trên toàn thế giới. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ, tính đến 16 giờ ngày 4/11 (theo giờ Hà Nội) trên thế giới đã ghi nhận 78.000 ca bệnh đậu mùa khỉ ở 94 quốc gia.

Trong số đó, có 77.075 ca đậu mùa khỉ tại các quốc gia không lưu hành dịch đậu mùa khỉ trong thời gian trước đó. Chỉ có 925 ca đậu mùa khỉ ở các quốc gia đã từng có bệnh đậu mùa khỉ lưu hành trước đây. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, số ca được thống kê trong vùng đã có dịch đậu mùa khỉ trước đây (ở châu Phi) thường không đầy đủ bởi có thể có hàng ngàn ca "nghi nhiễm" chưa được xét nghiệm vì năng lực xét nghiệm đậu mùa khỉ của nhiều nước ở châu lục này còn rất hạn chế.

Mỹ là quốc gia đứng đầu về số ca mắc đậu mùa khỉ trên thế giới, với 28.619 trường hợp được ghi nhận.

Đứng thứ 2 về số ca mắc đậu mùa khỉ trên thế giới là Brazil với 9.260 trường hợp. Tây Ban Nha là nước đứng thứ 3 trên thế giới với 7.317 trường hợp mắc đậu mùa khỉ. Ngay sau đó là Pháp với 4.094 trường hợp mắc đậu mùa khỉ.

Tại châu Á, Australia là nước ghi nhận số ca mắc đậu mùa khỉ nhiều nhất ở châu lục với 140 trường hợp.

Bệnh viện đầu ngành sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh đậu mùa khỉ   - Ảnh 1.

Bản đồ phân bổ dịch đậu mùa khỉ trên thế giới. Ảnh: Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ

Sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh đậu mùa khỉ

Tại Việt Nam, ngày 3/10, Bộ Y tế cũng đã công bố ca mắc đậu mùa khỉ đầu tiên du nhập từ nước ngoài. Ngày 19/10, Việt Nam đã ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ thứ 2. Cả 2 ca bệnh này đều ở Thành phố Hồ Chí Minh và đã được ra viện sau khi khỏi bệnh.

Ngày 2/11, tại tỉnh Đắk Lắk ghi nhận một trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ trú tại huyện Cư M'gar có tiền sử đi du lịch từ nước ngoài về. Ngày 3/11, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) gửi Công văn đề nghị Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn tỉnh.

Theo Tiến sĩ Trần Văn Giang, Phó Viện Trưởng Viện Đào tạo và nghiên cứu Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: Nhằm chuẩn bị ứng phó với dịch bệnh trên, với vai trò là bệnh viện đầu ngành về chuyên ngành truyền nhiễm và các bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã tiến hành các hoạt động cụ thể như:

Thành lập Ban quản lý bệnh đậu mùa khỉ, gồm đại diện Ban Giám đốc, lãnh đạo các khoa phòng liên quan;

Xây dựng phác đồ hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh bệnh đậu mùa khỉ cấp quốc gia, bệnh viện và khoa phòng; Hiện nay phác đồ này đã được Bộ y tế phê duyệt theo quyết định số 2099/QĐ-BYT ngày 29/7/2022.

Xây dựng quy trình tiếp đón, phân luồng và khu vực khám, điều trị bệnh nhân đậu mùa khỉ.

Ngoài ra, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã tiến hành phổ biến kiến thức về bệnh đậu mùa khỉ cho các bác sĩ, điều dưỡng và kỹ thuật viên.

Đặc biệt, khoa Virus-Ký sinh trùng nơi có nhiều kinh nghiệm điều trị các bệnh dịch do virus như COVID-19, cúm, thủy đậu... đã chuẩn bị sẵn các nguồn lực, cơ sở vật chất để tham gia tiếp nhận và điều trị các bệnh nhân mắc hoặc nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ.

Khoa khám bệnh đảm bảo phân luồng và bố trí khu vực khám người bệnh nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ. Đội cấp cứu ngoại viện sẵn sàng cho các hoạt động ứng phó khi có ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng.

Các đơn vị khác như khoa Vi sinh – sinh học phân tử phối hợp với Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford đã chuẩn bị sẵn sàng hóa chất sinh phẩm để xét nghiệm chẩn đoán và sàng lọc ca bệnh dựa trên các kĩ thuật hiện đại PCR và giải trình tự gene. Khoa Dược cũng sẵn sàng các thuốc điều trị.

Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn sẵn sàng với quy trình khử khuẩn và xử lý đồ vải, vật dụng liên quan đến người bệnh và người nghi nhiễm; Khoa Dinh dưỡng lên phương án cung ứng các suất ăn dinh dưỡng và nhu yếu phẩm cần thiết cơ bản tại giường bệnh.

Bệnh viện đầu ngành sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh đậu mùa khỉ   - Ảnh 2.

Dịch bệnh đậu mùa khỉ vẫn là Tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu với

78.000 trường hợp mắc phải. Ảnh: Verywellhealth

Bên cạnh đó, Bệnh viện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp tục phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để triển khai các lớp đào tạo tập huấn cho các bệnh viện tuyến dưới về các biện pháp chăm sóc, điều trị bệnh nhân đậu mùa khỉ và phòng chống lây nhiễm trong cơ sở y tế. Phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương để khẳng định ca bệnh và phối hợp với các CDC địa phương để truy vết và giám sát ngoài cộng đồng.

Hiện tại, việc phòng bệnh đậu mùa khỉ chủ yếu dựa vào các biện pháp phát hiện sớm và cách ly ca bệnh đang được triển khai nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh trong khi vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ chưa được triển khai.

Để an toàn cho bản thân và cộng đồng, người dân cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ theo khuyến cáo của ngành y tế. Khi có triệu chứng nghi ngờ hoặc tiếp xúc gần với ca nghi ngờ Đậu mùa khỉ, hãy liên hệ với Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tại các tỉnh, thành phố, đường dây nóng của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương theo số điện thoại (024).3581 0172 để được tư vấn và điều trị sớm.

Ngày 1/11, Ủy ban Khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới khẳng định dịch bệnh đậu mùa khỉ vẫn là Tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu (PHEIC) - mức cảnh báo cao nhất của tổ chức này.

Hồi tháng 7, Tổ chức Y tế Thế giới lần đầu tiên ban bố PHEIC đối với dịch đậu mùa khỉ để kích hoạt phản ứng phối hợp quốc tế và có thể thúc đẩy công tác tài trợ nhằm hợp tác chia sẻ vaccine và phương pháp điều trị dịch bệnh này trong bối cảnh dịch có dấu hiệu lây lan nhanh.

Kể từ tháng 1, Tổ chức Y tế Thế giới đã nhận được báo cáo về sự xuất hiện của bệnh đậu mùa khỉ từ 109 nước thành viên trên toàn bộ 6 khu vực của WHO.