Năm 2023, thế giới đối mặt với những vấn đề gì?

P.V (tổng hợp)
11:48 - 26/12/2022
Công dân & Khuyến học trên

Một kỷ nguyên địa chính trị mới, suy thoái kinh tế và biến đổi khí hậu sẽ là những vấn đề định hình cục diện thế giới vào năm 2023.

Khủng hoảng kinh tế

Theo nhà kinh tế học Nouriel Roubini, một cuộc suy thoái "kéo dài và khủng khiếp" sắp đến gần, và những rủi ro hệ thống mới là không thể tránh khỏi trong nền kinh tế toàn cầu. Nhà kinh tế học Nouriel Roubini đã dự đoán chính xác cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Năm 2023: Thế giới đối mặt với những vấn đề gì? - Ảnh 1.

COVID ảnh hưởng đến nhiều hoạt động của người dân ở Santiago, thủ đô Chile, ngày 18/8/2020. Ảnh:Tân Hoa Xã

Hơn nữa, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo, 1/3 nền kinh tế toàn cầu có thể bị thu hẹp trong năm nay và năm tới, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại ở mức 2,7% vào năm 2023.

Ông trùm kinh doanh - người sáng lập Amazon, Jeff Bezos cũng đã cảnh báo rằng người tiêu dùng và doanh nghiệp nên chuẩn bị cho suy thoái kinh tế.

Đặc biệt, nhiều nền kinh tế đang phát triển và mới nổi đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi những khó khăn về kinh tế và tài chính. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục tăng lãi suất như đổ thêm dầu vào lửa.

Các nguy cơ khác

Thế giới đang nín thở theo dõi mọi diễn biến trong cuộc xung đột ở Ukraine. Nhiều đảng chính trị, đặc biệt là những đảng ở Nam bán cầu, đã kêu gọi chấm dứt chiến sự bằng con đường ngoại giao. Xuất khẩu lúa mì của Ukraine giảm, cùng với giá nhiên liệu tăng cao, đã gây thiệt hại cho một số quốc gia dễ bị tổn thương.

Tuy nhiên, hầu hết các nhà phân tích nói rằng các cuộc đàm phán dường như còn xa vời. Cả Nga và Ukraine dường như đều không sẵn sàng lùi bước sau 10 tháng giao tranh ác liệt giữa hai bên.

Năm 2023: Thế giới đối mặt với những vấn đề gì? - Ảnh 2.

Căng thẳng giữa Trung Quốc và phương Tây cũng tác động lớn đến tương lai thế giới. Ảnh: Reuters

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc hội đàm trực tiếp đầu tiên bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 11, động thái cho thấy cả hai nhà lãnh đạo đều muốn chấm dứt hiện trạng. Cuộc gặp đã tái khởi động đối thoại giữa Washington và Bắc Kinh sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Đài Loan (Trung Quốc).

Cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước là dấu hiệu cho sự căng thẳng tạm thời lắng dịu, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều bất ổn phía trước có thể ảnh hưởng đến quan hệ hai nước.

Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã dẫn đến sự gián đoạn lớn trên thị trường năng lượng, hầu hết các quốc gia đều hướng mối quan tâm của mình về an ninh năng lượng, tạm gác lại những nỗ lực bảo vệ môi trường và giảm lượng phát thải khí carbon.

Với nhiều nước châu Âu phụ thuộc vào mỏ dầu và khí tự nhiên của Nga, phương Tây đã tìm đến các nguồn cung khác như Ả Rập Saudi và Venezuela để tăng sản lượng.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu COP27 tổ chức tại Ai Cập vào tháng 11 vừa qua, cơ chế để các nước giàu bù đắp tài chính cho những mất mát và thiệt hại ở các nước đang phát triển chưa đạt được bất kỳ tiến bộ nào.

Ngoài ra, Châu Âu cũng sẽ phải vượt qua tình trạng khó khăn về sản xuất điện. Nhiều nước lên kế hoạch tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân. Giá dầu thô sẽ khó có khả năng giảm thêm, trong khi nhà sản xuất lớn như Ả Rập Xê Út vẫn chưa có động thái tăng sản lượng.

Theo thống kê của Viện Tài chính Quốc tế, tính đến tháng 6/2022, tổng nợ của 31 nền kinh tế mới nổi lên tới 98,8 nghìn tỷ USD, gấp 2,5 lần tổng GDP của các nền kinh tế này. Nợ toàn cầu đã tăng lên mức kỷ lục 303 nghìn tỷ USD vào năm 2021. Khủng hoảng nợ đã lan sang nhiều nước đang phát triển như Pakistan, Sri Lanka, an ninh lương thực và năng lượng đang đối mặt với nhiều thách thức hơn, thậm chí gây ra bất ổn chính trị, khủng hoảng xã hội và nhân đạo.