Áp trần giá dầu Nga: Trung Quốc, Ấn Độ tăng mua - EU gặp khó

PV
10:08 - 08/12/2022
Công dân & Khuyến học trên

Áp giá trần với dầu của Nga có thể dẫn đến việc Trung Quốc và một số nước châu Á tăng lượng nhập khẩu đầu thô gây ra bất ổn về sản lượng dầu toàn cầu dẫn đến biến động giá cả. Bên cạnh đó khó khăn cho các nền kinh tế thuộc EU ngày càng hiện hữu.

Trung Quốc - Ấn Độ "phát tín hiệu" mua

Trung Quốc đã mua 513 triệu tấn dầu thô và sản xuất trong nước 199 triệu tấn. Nga là nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai của Trung Quốc, với xuất khẩu 79,6 triệu tấn vào năm 2021. Saudi Arabia đứng đầu danh sách với 87,6 triệu tấn dầu xuất khẩu sang Trung Quốc trong năm 2021.

Đánh giá thị trường dầu mỏ toàn cầu đã chuẩn bị cho diễn biến này từ nhiều tháng trước, ông Kang Wu tại công ty S&P Global Commodity Insights (Anh) nói: "Trung Quốc và nhiều nước châu Á khác có thể duy trì nhập khẩu dầu thô Nga miễn là dịch vụ bảo hiểm vận chuyển không phải do một công ty có trụ sở ở các nước thuộc EU và G7 cung cấp".

Huang Yongzhang, phó chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc, vài ngày trước cho biết Nga đã xuất khẩu 33,3 triệu tấn dầu thô sang Trung Quốc thông qua đường ống trong 10 tháng đầu năm 2022, chiếm một nửa tổng nguồn cung của Nga trong cùng thời kỳ.

Áp trần giá dầu Nga: Trung Quốc, Ấn Độ tăng mua - EU gặp khó - Ảnh 1.

Bể chứa dầu ở Diên An, tỉnh Thiểm Tây phía tây bắc Trung Quốc. Ảnh: news.cn

Nhà nghiên cứu Wang Yongzhong ước tính rằng ngay cả với mức giá trần 60 USD/thùng, Nga vẫn thu được lợi nhuận khoảng 20 USD/thùng và điều này vẫn khuyến khích Moskva tiếp tục cung cấp "vàng đen" cho thị trường toàn cầu.

Theo đánh giá của các chuyên gia dẫn trên tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho rằng mức giá trần 60 USD/thùng dầu có hiệu lực từ ngày 5/12 nhiều khả năng góp phần khiến Trung Quốc mua thêm nhiên liệu rẻ từ láng giềng Nga.

Trung Quốc nhập khẩu hơn 70% nhu cầu dầu thô hàng năm và là nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Do đó, an ninh năng lượng luôn là vấn đề hàng đầu trong chương trình nghị sự của Bắc Kinh, nhất là khi giá dầu thô quốc tế biến động do COVID-19 và xung đột Nga - Ukraine.

Trên thực tế, sau khi quy định áp giá trần đối với dầu thô Nga có hiệu lực, Ấn Độ đã phát tín hiệu rằng nước này sẽ ưu tiên nhu cầu năng lượng của mình và tiếp tục mua dầu từ Nga.

Phát biểu sau cuộc hội đàm với người đồng cấp phía Đức Annalena Baerbock hôm 5/12, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar cho rằng các nước châu Âu hành động "không phải" khi họ ưu tiên nhu cầu năng lượng của mình nhưng lại yêu cầu Ấn Độ làm khác.

Các khách hàng mua dầu thô của Nga có thể "lách luật" bằng cách sử dụng đội tàu của mình, thành lập các công ty bảo hiểm để thay thế cho các doanh nghiệp bảo hiểm bị cấm theo quyết định của phương Tây.

Nền kinh tế lớn nhất EU trước nguy cơ suy thoái

Ông Klaus Ernst, nhà lập pháp tại Quốc hội Liên bang Đức cho biết giá dầu thô trên thị trường toàn cầu có thể bị đẩy lên cao hơn nữa khi áp giá trần đối với dầu Nga.

Những biện pháp giới hạn giá dầu, cũng như mọi phương án của Berlin nhằm loại bỏ nguồn năng lượng của Nga nói chung, sẽ gây tác động xấu đến nền kinh tế Đức và thậm chí có thể dẫn đến suy thoái trong tương lai, ông Ernst cảnh báo.

ông Ernst phân tích, nếu lệnh giới hạn làm giảm nguồn cung thì giá dầu sẽ ngay lập tức tăng lên. Việc đặt ra trần giá dầu là 60 USD/ thùng, cần xem xét lại về tính hiệu quả của giới hạn này.

Áp trần giá dầu Nga: Trung Quốc, Ấn Độ tăng mua - EU gặp khó - Ảnh 2.

Một trạm xăng tại Nürnberg, Đức. Ảnh: Markus Spiske

Chính phủ Nga đã thực hiện nhiều biện pháp phòng ngừa, trong đó có mua tàu chở dầu để phá giá trần. Tất cả những chính sách trừng phạt cùng với tẩy chay sản phẩm dầu mỏ và khí đốt của Nga đều sẽ dẫn đến giá năng lượng tăng vọt trên toàn cầu mà không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy cuộc xung đột quân sự ở Ukraine sẽ kết thúc, nhà lập pháp Quốc hội Liên bang Đức cho biết.

Ngày 4/12, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) quyết định vẫn duy trì sản lượng nhưng sẵn sàng hỗ trợ cân bằng và ổn định của thị trường dầu mỏ nếu cần thiết.

Hãng tin TASS (Nga) dẫn lời một người phát ngôn Điện Kremlin cho biết Nga không chấp nhận mức giá trần áp lên dầu thô của nước này nhưng cũng đã có bước chuẩn bị.

Bình luận của bạn

Bình luận