Năm 2022, Viettel tăng trưởng tích cực, nộp ngân sách nhà nước 38 nghìn tỷ đồng

N.Cường
17:23 - 03/01/2023
Công dân & Khuyến học trên

Năm 2022, Viettel tăng trưởng 6,1%, doanh thu hợp nhất đạt 163,8 nghìn tỷ đồng. Nộp ngân sách nhà nước 38 nghìn tỷ đồng, tương đương đóng góp năm 2019.

Năm 2022, Viettel nộp ngân sách nhà nước 38 nghìn tỷ đồng - Ảnh 1.

Năm 2022, lợi nhuận trước thuế của Viettel lên tới 43,1 nghìn tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2021. Ảnh: Viettel

Năm 2022, Viettel tăng trưởng 6,1%

Ngày 3/1, Viettel cho biết năm 2022, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) tăng trưởng 6,1%, doanh thu hợp nhất đạt 163,8 nghìn tỷ đồng. Đóng góp vào tăng trưởng toàn diện của Viettel đến từ tất cả các lĩnh vực như viễn thông, đầu tư nước ngoài, công nghệ chuyển đổi số và sản xuất công nghiệp công nghệ cao.

Mức tăng trưởng doanh thu 6,1% đem lại cho Viettel lợi nhuận trước thuế lên tới 43,1 nghìn tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2021; nộp ngân sách nhà nước 38 nghìn tỷ đồng tương đương đóng góp năm 2019 của Tập đoàn – trước đại dịch COVID-19.

Nguồn doanh thu chủ lực từ viễn thông được Viettel duy trì khi tiếp tục giữ vững vị trí nhà cung cấp dịch vụ viễn thông di động số 1 Việt Nam với 54% thị phần. Tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ viễn thông Viettel bằng 1,5 lần trung bình ngành trên thế giới.

Năm 2022 là năm đầu tiên Viettel hoạt động dưới sự điều hành của thế hệ lãnh đạo mới. Đại tá Tào Đức Thắng được giao nhiệm vụ Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn; lãnh đạo chỉ huy các đơn vị được bổ sung nhiều cán bộ trẻ. Hoạt động sản xuất kinh doanh của Viettel giữ vững tăng trưởng trong bối cảnh diễn biến phức tạp về dịch bệnh và kinh tế trên toàn cầu.

Năm 2022, Viettel nộp ngân sách nhà nước 38 nghìn tỷ đồng - Ảnh 2.

Viettel trở thành đối tác tư vấn chuyển đổi số, đánh giá trưởng thành số cho các tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam. Ảnh: Viettel

Đầu tư nước ngoài đạt gần 3 tỷ USD

Hoạt động đầu tư nước ngoài của Viettel lần đầu tiên doanh thu dịch vụ đạt gần 3 tỷ USD (khoảng hơn 70.000 tỷ đồng) – tương đương với viễn thông trong nước, đóng góp 50% doanh thu dịch vụ viễn thông. Nguồn ngoại tệ chuyển về nước trong năm 2022 gần 500 triệu USD - cao nhất trong 5 năm vừa qua.

Lũy kế đến nay, Viettel đã chuyển về nước gần 70% tổng số tiền đầu tư nước ngoài.

Lĩnh vực giải pháp và dịch vụ số thể hiện sự bứt phá, doanh thu từ các giải pháp công nghệ thông tin tăng trưởng 58%. Thuê bao Viettel Money phát triển mới tăng gấp 6 lần so với các năm, vượt mốc 5 triệu thuê bao.

Thành tựu của mỗi lĩnh vực, mỗi đơn vị của Viettel có thể khác nhau, nhưng công thức chung cho thành công đều là khát vọng lớn, nỗ lực không ngừng và không lùi bước. Văn hoá Viettel đã xây dựng cho chúng tôi một thái độ độc đáo: luôn tìm thấy cơ hội trong khó khăn, sẵn sàng đối diện với thách thức, không né tránh trước nhiệm vụ...
Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Viettel Tào Đức Thắng

Đi đầu chuyển đổi số

Cùng với việc tiếp tục chuyển đổi số cho các ngành giáo dục, y tế, giao thông, Viettel đã triển khai trung tâm điều hành thông minh (IOC) cho chính quyền 35 tỉnh/thành phố, xây dựng trung tâm giám sát an toàn thông tin (SOC) cho 20 tỉnh/thành phố.

Không chỉ cung cấp giải pháp, Viettel trở thành đối tác tư vấn chuyển đổi số, đánh giá trưởng thành số cho các tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam. Điểm khác biệt lớn là hầu hết những giải pháp do Viettel cung cấp đều do người Việt phát triển, làm chủ công nghệ.

Lĩnh vực an ninh quốc phòng, Viettel đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Chính phủ và Bộ Quốc phòng giao. Nổi bật là công tác nghiên cứu, làm chủ, chế tạo thành công các loại khí tài chiến lược quan trọng, trở thành hạt nhân tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao. Viện hàng không Vũ trụ Viettel ghi nhận doanh thu trên 1.000 tỷ đồng.

Lĩnh vực thương mại điện tử và logistics được tái cấu trúc, tối ưu các sản phẩm, dịch vụ theo hướng tăng cường đầu tư công nghệ, nâng cao hiệu quả và tạo sự khác biệt trong trải nghiệm khách hàng. 

Hệ sinh thái hạ tầng viễn thông 5G của Viettel đảm bảo tiến độ của Bộ Thông tin và Truyền thông và Tập đoàn, đưa Việt Nam vào top 5 quốc gia đầu tiên làm chủ công nghệ 5G.

Theo công bố danh sách xếp hạng 1.000 doanh nghiệp nộp thuế Thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2021 của Tổng cục Thuế, Viettel là doanh nghiệp xếp vị trí số 1.

Công bố ngày 14/9/2022 của Brand Finance - công ty định giá thương hiệu hàng đầu thế giới, Viettel được định giá 8,8 tỷ USD. Với mức định giá này, Viettel tiếp tục giữ vững vị trí thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 7 năm liên tiếp. Giá trị thương hiệu Viettel chiếm gần 36% tổng giá trị 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam (24,42 tỷ USD).

Cùng với sự tăng trưởng vượt bậc trong sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, thương hiệu Viettel được đánh giá cao về việc luôn chú trọng đến tính bền vững môi trường. Nghiên cứu của Brand Finance ở 40 quốc gia cho thấy Viettel là thương hiệu có nhận thức về tính bền vững đứng ở vị trí số 1 trong số các doanh nghiệp viễn thông tại Việt Nam.