Mỹ phẩm giả tung hoành, người tiêu dùng "lãnh đủ"

Nhóm Phóng viên

Nhóm Phóng viên

20:00 - 28/12/2024
Công dân & Khuyến học trên

Dù báo chí, truyền thông liên tục cảnh báo về tình trạng mỹ phẩm giả tràn lan trên thị trường, nhiều người tiêu dùng vẫn mua, dùng hàng giả dẫn tới hậu quả và di chứng lâu dài. Các đầu mối sỉ lẻ, phân phối mỹ phẩm giả ngày càng hoạt động công khai trên mạng xã hội.

Mỹ phẩm giả tung hoành,  - Ảnh 1.

Mỹ phẩm giả đang được mua bán tràn lan trên mạng xã hội, nguồn nhập số lượng tính bằng container, kho bãi và được bán lẻ ra trăm, nghìn đơn mỗi ngày. Ảnh: Nhóm PV

Tưởng chừng nạn mỹ phẩm giả tràn lan đã được đẩy lùi nhờ nỗ lực kiểm soát của các lực lượng chức năng, nhưng cùng với sự phát triển của các nền tảng bán hàng trực tuyến, sàn thương mại điện tử, mỹ phẩm giả "lộ sáng" với lượng bán ra khổng lồ, uy hiếp sức khoẻ người tiêu dùng. 

Đằng sau những lời quảng cáo bóng bẩy về các sản phẩm làm đẹp giá rẻ là một thực tế đáng báo động: hàng giả, hàng nhái ngang nhiên trôi nổi một cách công khai. Lượng người kinh doanh mỹ phẩm giả hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc ngày càng đông, trong đó một lực lượng không nhỏ là những người bán hàng trực tuyến, tiếp thị liên kết...

Bóc trần "thiên đường" mỹ phẩm giá rẻ

Để bắt đầu cuộc điều tra về thị trường mỹ phẩm giả từ nguồn gốc tới tay người tiêu dùng, chúng tôi đã thâm nhập vào hàng loạt các hội nhóm trên mạng xã hội chuyên bán mỹ phẩm chính hãng với giá "siêu rẻ", thu hút hàng chục nghìn thành viên tham gia. 

Chỉ sau vài ngày theo dõi, chúng tôi nhận thấy thực trạng dường như đương nhiên là: các sản phẩm làm đẹp từ các thương hiệu nổi tiếng như MAC, Chanel, Dior, Estée Lauder, Lancôme, La Roche-Posay và hàng loạt hãng mỹ phẩm nổi tiếng khác liên tục được rao bán với giá chỉ bằng 20-30% so với giá niêm yết trên thị trường, giá của hãng. 

Những thỏi son, chai kem dưỡng, lọ serum vốn có giá tiền triệu nay chỉ còn vài trăm nghìn đồng, thậm chí chỉ còn vài chục nghìn nếu mua với giá sỉ.

Mỹ phẩm giả tung hoành,  - Ảnh 2.

Mức giá chỉ vài chục nghìn đồng một chai serum, dưỡng ẩm... Ảnh chụp màn hình

Người bán dùng thủ đoạn quen thuộc nhất là quảng cáo sản phẩm "hàng xách tay chính hãng", khẳng định mỹ phẩm được mua từ trung tâm thương mại lớn ở Hàn, Nhật, Pháp, nhờ đó tránh được các khoản thuế nhập khẩu nên giá rẻ. 

Để tăng tính thuyết phục, họ đăng hóa đơn mua hàng nước ngoài, kèm theo video "đập hộp" sản phẩm, khiến người tiêu dùng dễ dàng tin tưởng. Tất nhiên là các video này được nguỵ tạo tinh vi. 

Không dừng lại ở đó, một số người bán khác sử dụng lý do "xả lô hàng lỗi" để giải thích cho mức giá giảm sâu. Họ thông báo rằng đây là các sản phẩm bị lỗi bao bì hoặc hết đợt sản xuất nên được thanh lý với mức giá cực ưu đãi, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng bên trong. Thậm chí, những bài viết quảng cáo còn nhấn mạnh rằng đây là "cơ hội hiếm có", khuyến khích khách hàng mua nhanh trước khi "cháy hàng".

Mỹ phẩm giả tung hoành,  - Ảnh 3.

Người bán hồn nhiên lừa người tiêu dùng bằng đủ chiêu trò cũ rích, mà người tiêu dùng vẫn bị lừa vào tròng, mua mỹ phẩm giả tốn tiền, hại thân. Ảnh: Nhóm PV

Để tìm hiểu về xuất xứ, nguồn gốc của các sản phẩm "xách tay chính hãng" và "xả lô hàng lỗi", chúng tôi đã trực tiếp đóng vai người mua hàng để tiếp cận những người bán hàng này. 

Biết được chúng tôi có nhu cầu mua mỹ phẩm, người bán "chào hàng" bằng những hình ảnh, video sản phẩm có đầy đủ từ mã QR đến tem chính, tem phụ... để chứng minh mỹ phẩm bên họ là hàng "chuẩn auth" 100%. 

Tuy nhiên, khi chúng tôi yêu cầu gửi hóa đơn nhập hàng, chứng từ chứng nhận xuất xứ mỹ phẩm của Hải quan, họ thường từ chối, lảng tránh, đưa ra những lý do thiếu thuyết phục, hoặc biến mất, không trả lời nữa.

Một trong những chiêu trò tinh vi khác mà chúng tôi ghi nhận được là các sản phẩm được quảng cáo là "hàng like auth". Thuật ngữ này ám chỉ những loại mỹ phẩm giả nhưng được làm tinh vi đến mức giống y như hàng thật, từ bao bì, tem nhãn đến mùi hương. Những sản phẩm "like auth" thường được quảng cáo là có chất lượng giống đến 90% so với hàng chính hãng, nhưng thực tế lại không qua bất kỳ quy trình kiểm định nào.

Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là tần suất tương tác trong các hội nhóm bán mỹ phẩm giả này. Mỗi ngày, hàng chục bài viết mới được đăng tải, không ít những bình luận như: "chốt đơn", "cho địa chỉ, mình qua lấy", "ship cho mình sản phẩm luôn nhé" được xuất hiện thường xuyên dưới các bài đăng này. Điều này cho thấy nhu cầu mua mỹ phẩm giá rẻ là có thật, và nhiều người tiêu dùng vẫn sẵn sàng chấp nhận rủi ro về chất lượng và mua hàng chỉ vì mức giá quá "hời".

Mỹ phẩm giả tung hoành,  - Ảnh 4.

Lượt tương tác khủng tại các bài đăng có kèm giá mỹ phẩm siêu rẻ. Ảnh chụp màn hình

Giá sỉ gây sốc trên các nhóm kín Zalo

Zalo trở thành bãi đáp cho người bán mua hàng giả. Từ nhiều nền tảng khác, người bán điều hướng người mua sang tin nhắn riêng ở Zalo để không bị cấm sóng, xoá kênh, không vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng... 

Sau khi quan sát nhiều người bán ngang nhiên rao bán tràn lan các mặt hàng mỹ phẩm trên hội nhóm với mức giá thấp hơn rất nhiều so với giá bán chính thức của các thương hiệu, chúng tôi nhận thấy phần lớn họ đều dẫn số điện thoại qua bài viết để người mua liên hệ và xem thêm hàng qua các nhóm kín trên Zalo. Nhằm tiếp cận sâu hơn vào hệ thống phân phối này, chúng tôi đã trực tiếp tham gia vào một nhóm kín Zalo có tên "Mỹ phẩm Đ.V".

Trong nhóm kín Zalo, hàng loạt các thương hiệu mỹ phẩm được đăng bán với mức giá còn sốc hơn trên các nền tảng mạng xã hội khác. Cụ thể: Serum Estée Lauder hàng sỉ thùng 96 chai chỉ 50.000 đến 55.000 đồng/chai; Kem dưỡng Lancôme sỉ thùng 291 chai chỉ 22.000 đồng/lọ,... trong khi giá bán chính thức của các sản phẩm này dao động từ 3-6 triệu đồng một chai. 

Tại đây, chúng tôi quyết định tiếp cận với chủ nhóm kín này tên Đ.V để điều tra về thực hư mức giá sốc của các sản phẩm này.

Mỹ phẩm giả tung hoành,  - Ảnh 5.
Mỹ phẩm giả tung hoành,  - Ảnh 6.

Mức giá gây sốc trong nhóm kín Zalo. Ảnh chụp màn hình

Trong vai một chủ cửa hàng online nhỏ đang đi tìm nguồn hàng rẻ để nhập về bán, chúng tôi thể hiện mình rất quan tâm đến các sản phẩm và liên tục đặt câu hỏi về giá sỉ, giá lẻ cũng như nguồn gốc hàng hóa. 

Lúc này, Đ.V tỏ ra vô cùng nhiệt tình và "bật mí" rằng nếu khách mua về để dùng cho bản thân chị sẽ bán loại hàng chuẩn để giữ uy tín. Tuy nhiên, nếu khách hàng có nhu cầu nhập về bán online, livestream như chúng tôi thì chị tư vấn nên lấy loại "hàng rẻ". 

Người này giải thích "hàng rẻ" ở đây là hàng "super fake", hàng "gia công" nhưng "like auth 90%" và có bao bì mẫu mã, chất lượng giống hệt như hàng chính hãng, tem chính, tem phụ đầy đủ. Loại hàng này gần như không thể phân biệt khi nhìn qua màn hình, thậm chí đến lúc cầm trên tay rồi vẫn rất khó để nhận ra. 

Đ.V còn không ngần ngại cung cấp cho chúng tôi hình ảnh, video của sản phẩm để khẳng định lời nói của mình. Chị chia sẻ thêm rằng, những mặt hàng này nhắm vào những khách hàng chỉ quan tâm đến giá cả mà ít chú ý đến chất lượng. Chị đảm bảo đây là cách thức bán hàng sẽ tối ưu lợi nhuận cho chúng tôi. 

Để tạo dựng lòng tin, chúng tôi đã đặt mua lẻ nhiều lần với lý do thử bán sản phẩm, thanh toán nhanh chóng và không ngần ngại chi số tiền lớn để trở thành khách quen. Sau vài lần giao dịch suôn sẻ, Đ.V dần buông lỏng cảnh giác và coi chúng tôi như khách hàng thân thiết.

Nhận thấy thời cơ đã chín muồi, chúng tôi bắt đầu ngỏ ý muốn nhập số lượng lớn hơn và đề nghị được đến trực tiếp kho hàng để tự tay lựa chọn, với lý do muốn lựa thêm hàng và đảm bảo chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, yêu cầu này ban đầu đã bị từ chối thẳng thừng. 

Không nản lòng, chúng tôi tiếp tục viện ra lý do rằng chúng tôi muốn nhập một lô hàng kem chống nắng La Roche-Posay có bao bì giống hàng thật hơn và sỉ với số lượng lớn, nhằm phục vụ cho việc kinh doanh lâu dài. Sau vài lần cố gắng ra sức thuyết phục, cuối cùng chúng tôi cũng được Đ.V chấp nhận cho địa chỉ đến kho.

Muôn vàn cách thức qua mặt người tiêu dùng

Theo thông tin địa chỉ được cung cấp, chúng tôi đã tiếp cận kho hàng nằm tại một toà chung cư trên đường Hoàng Công (phường Mậu Lương, quận Hà Đông, Hà Nội). Khi tới nơi, chủ cửa hàng kho mỹ phẩm tên Đ.V ra đón và đưa chúng tôi lên một căn chung cư nhỏ - chính là kho mỹ phẩm của người này.

Việc chọn chung cư làm nơi cất giữ hàng hóa cho thấy đây là một lựa chọn khá kín đáo, giúp tránh sự phát hiện và kiểm tra từ cơ quan chức năng. Không gian nhỏ hẹp, nằm xen lẫn trong khu dân cư khiến việc xác định và truy xuất nguồn gốc hàng hóa trở nên khó khăn hơn, tạo điều kiện cho các đối tượng này dễ dàng "lọt lưới".

Theo quan sát của chúng tôi, "kho hàng" giống hệt một căn nhà bình thường, không hề có biển hiệu. Trong "kho" có 4-5 kệ đựng đủ loại mỹ phẩm sắp xếp khá lộn xộn. Các sản phẩm chỉ được đóng gói sơ sài trong những hộp các-tông không nhãn dán.

Mỹ phẩm giả tung hoành,  - Ảnh 7.

Những thùng hàng thật - giả lẫn lộn được chất đống ngổn ngang trong kho. Ảnh: Nhóm PV

Ngay khi bước vào, chủ cửa hàng kho mỹ phẩm liền giới thiệu về các "loại" kem chống nắng La Roche-Posay đang có trên thị trường. Chúng tôi tỏ ra nghi ngờ về độ giống hàng thật của các "loại" được quảng cáo này. Đ.V vội trấn an, khẳng định mẫu mã sản phẩm này rất tinh vi, khách hàng không thể phân biệt được. Ngoài ra, hàng rẻ có 2 loại: loại "rẻ hẳn" có giá sỉ 25.000 đồng, loại 1:1 giống hàng "xịn" có giá sỉ 80.000 đồng. Riêng loại "xịn" có giá 300.000 đồng.

Mỹ phẩm giả tung hoành,  - Ảnh 8.

Kem chống nắng La Roche-Posay loại 1:1 (trái) và loại "rẻ hẳn" (phải). Ảnh: Nhóm PV

Chủ cửa hàng cũng cho biết thêm, loại hàng giả "cao cấp" được mô tả là "1:1" (có nghĩa là gần như giống hệt hàng thật), không được đăng công khai trên các kênh mạng xã hội phổ biến như Zalo. Thay vào đó, sản phẩm này chỉ được giới thiệu riêng tư cho những khách hàng lâu năm hoặc người quen. Còn khách nhập sỉ số lượng lớn hỏi thì người này mới giới thiệu chứ không chủ động chào mời.

Khi chúng tôi thắc mắc điểm khác nhau giữa các loại hàng giả, Đ.V phân tích: "Chất kem khác, cổ chai cũng khác. Hộp loại 1:1 cứng cáp, sắc nét và bé hơn; cổ chai của hàng này nó khác, vỏ nhám cũng khác mà không vặn ra được. Còn loại rẻ hẳn sẽ vặn ra được."

Sau khi giải thích cặn kẽ, chủ cửa hàng báo giá mua lẻ là 120.000 đồng, mua sỉ 80.000 đồng. Không dừng lại ở đó, Đ.V còn tiếp tục giới thiệu, loại 1:1 cũng được chia ra thành 2 loại: hàng Trung Quốc và hàng Sài Gòn.

Chủ cửa hàng ở kho mỹ phẩm cũng không ngại ngần giúp chúng tôi phân biệt hai loại hàng giả "cao cấp" hơn này. Hàng Trung Quốc thường có kết cấu lỏng, dễ tách nước. Ngược lại, hàng Sài Gòn được cho là có chất kem đặc hơn, màu sắc cũng có sự khác biệt. Song, cả hai loại đều có tem nhãn, hạn sử dụng cũng như mã vạch được dập tinh vi, sắc nét giống hàng thật.

Mỹ phẩm giả tung hoành,  - Ảnh 9.
Mỹ phẩm giả tung hoành,  - Ảnh 10.

Chủ cửa hàng "hướng dẫn" cách phân biệt hai loại hàng giả. Ảnh: Nhóm PV

Chủ cửa hàng khuyến khích chúng tôi nên nhập hàng Sài Gòn, bởi "giá không chênh nhau bao nhiêu" nhưng khi về có thể "bán thoải mái không khác gì hàng xịn". Đặc biệt, riêng với loại hàng Sài Gòn, chị Đ.V khẳng định rằng sản phẩm này chỉ mình chị mới sở hữu và không thể tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác.

Chị Đ.V cũng tiết lộ thêm về quy trình đặc biệt để có được loại hàng Sài Gòn "độc quyền". Chị cho biết, có một xưởng sản xuất tại Thành phố Hồ Chí Minh chuyên gia công mỹ phẩm được một người "khách lớn" đặt làm riêng loại kem chống nắng này, sau đó bán ra thị trường thành hàng xịn. Để có thể sở hữu mặt hàng này, chị đã phải "đặt ké" theo đơn hàng của vị khách đó.

Chủ cửa hàng cũng không ngần ngại bóc tem một lọ kem chống nắng chính hãng, mang ra so sánh trước mắt chúng tôi để tạo dựng lòng tin: "Hàng này bình thường người ta không bán ra ngoài. Hàng xịn đây, nó có vỏ nhám y hệt như của chị luôn. Nếu bình thường thì em không phân biệt được đâu."

Khi chúng tôi thắc mắc về việc kiểm tra mã vạch để xác minh nguồn gốc, chủ cửa hàng cam đoan rằng dù là loại hàng giả rẻ tiền, việc quét mã vạch vẫn cho ra thông tin tương tự như hàng thật. Điều này ngầm chỉ ra rằng việc nhận biết sản phẩm qua mã vạch là vô nghĩa, khiến việc phân biệt giữa hàng thật và hàng giả trở nên vô cùng khó khăn.

Nếu không có sự can thiệp mạnh mẽ từ cơ quan chức năng và nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, thị trường mỹ phẩm sẽ vẫn là một mảnh đất màu mỡ cho các sản phẩm kém chất lượng, khách hàng sẽ tiếp tục là những nạn nhân lạc lối trong "ma trận" mỹ phẩm thật - giả khó lường.

Khi "lãi" hóa "lỗ"

Từng không may mua phải mỹ phẩm giả và phải chịu hậu quả nặng nề khi sử dụng, H.M (Hà Nội) ngậm ngùi kể về trải nghiệm đầy ám ảnh: "Mình thường xuyên mua hàng trên mạng vì tiện lợi và có nhiều chương trình giảm giá. Vì vậy, khi thấy một loại mỹ phẩm bản thân đang sử dụng được bán giá rẻ hơn với lý do trả mặt bằng cửa hàng, mình đã không ngần ngại đặt hàng.

Ban đầu, mình thấy khá hài lòng vì bao bì sản phẩm sắc nét giống với sản phẩm đang dùng nên dù có nhận ra chất kem lỏng hơn, mình vẫn bỏ qua và sử dụng bình thường. Chỉ sau một đêm sử dụng, mình thấy da mặt nóng rát và xuất hiện nhiều nốt mụn nước li ti. Ngay lập tức, mình đã lên các hội nhóm mỹ phẩm trên Facebook để nhờ kiểm tra, lúc đó mình mới biết bản thân mua phải hàng giả. Mình có liên hệ lại với cửa hàng nhưng phía bán hàng không phản hồi và thẳng tay chặn tài khoản mình".

Theo bác sĩ Hoàng Văn Tâm - Giảng viên Bộ môn Da liễu Đại học Y Hà Nội - mỹ phẩm giả là các mỹ phẩm hướng đến mục đích kinh tế, ưu tiên tiêu chí giá thành rẻ nên không được điều chế theo quy chuẩn khoa học, có nhiều sản phẩm không đúng liều lượng và cách thành phần được in trên bao bì. Sử dụng mỹ phẩm giả thường có hai xu hướng. Một là không có tác dụng trông thấy, các tác hại thì ngấm ngầm xuất hiện. Hai là tác hại đến ngay lập tức, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống của người sử dụng.

Về các tác hại tức thì, mỹ phẩm giả có thể gây tình trạng kích ứng, nhiễm trùng, gây ra các cảm giác đau rát, ngứa và khó chịu cho người sử dụng. Nếu sử dụng lâu dài, người tiêu dùng có thể mắc các vấn đề về da, tiểu đường, loãng xương, suy tuyến thượng thận, đục thủy tinh thể hoặc ung thư,... "Có nhiều trường hợp bệnh nhân nghiện một trong các thành phần có trong mỹ phẩm giả đã được ghi nhận, phải tìm đến các phương pháp cai nghiện cưỡng ép" - bác sĩ chia sẻ.

Mỹ phẩm giả tung hoành,  - Ảnh 11.
Mỹ phẩm giả tung hoành,  - Ảnh 12.

Một số trường hợp kích ứng mỹ phẩm giả. Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Khó khăn trong việc rà soát các "kho" hàng giả

Mặc dù các cơ quan chức năng đã ráo riết vào cuộc để ngăn chặn các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái nhưng dường như những nỗ lực ấy chỉ như "muối bỏ bể". Bởi trên thực tế, lợi dụng sự phát triển của công nghệ mới, các đối tượng sản xuất, buôn bán mỹ phẩm giả, mỹ phẩm nhái đã dùng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Những món hàng được nhái lại y như thật, khó phân biệt bằng mắt thường nên dễ dàng đánh lừa người tiêu dùng và qua mặt lực lượng chức năng.

Trên góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Mạnh Thuật thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, Giám đốc Công ty luật hợp danh Đông Nam Á chia sẻ: "Theo Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực từ ngày 15/10/2020, việc buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng sẽ bị phạt từ 50-70 triệu đồng nếu hàng giả có trị giá từ 30 triệu đồng trở lên hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 50 triệu đồng trở lên mà chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Nếu là mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, chất tẩy rửa, hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, xi măng, sắt thép xây dựng, mũ bảo hiểm thì mức phạt sẽ tăng gấp đôi. 

Như vậy, người bán mỹ phẩm giả có thể bị xử phạt lên đến 100-140 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị tịch thu tang vật, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 1-3 tháng và phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do hành vi vi phạm". 

Bình luận của bạn

Bình luận