Mỹ: Chương trình xóa nợ cho sinh viên lại vướng rào cản pháp lý

PV
17:10 - 13/11/2022
Công dân & Khuyến học trên

Chánh án Tòa án liên bang Mỹ ở Bắc Texas, ông Mark Pittman, vừa chặn chương trình xóa nợ tiền học cho sinh viên của chính quyền Tổng thống Joe Biden, đồng thời tuyên bố chương trình này là bất hợp pháp.

Theo Reuters, Chánh án Mark Pittman - người được cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump bổ nhiệm, gọi kế hoạch này là "hành vi vi hiến đối với quyền lập pháp của Quốc hội".

Theo TTXVN, tháng 10 vừa qua, tổ chức bảo thủ Job Creators Network Foundation đã thay mặt cho 2 cựu sinh viên từng vay tiền đi học nhưng không hội đủ điều kiện được xóa nợ, đệ đơn kiện lên tòa án liên bang. Trong đơn, họ cáo buộc chính quyền Tổng thống Biden vi phạm thủ tục liên bang qua việc không cho người vay tiền cơ hội công khai góp ý trước khi đưa ra chương trình này.

Mỹ: Chương trình xóa nợ cho sinh viên lại vướng rào cản pháp lý - Ảnh 1.

Sinh viên tại trường đại học Georgetown ở Washington, DC, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong một thông cáo, Chủ tịch Job Creators Network Foundation, bà Elaine Parker, nhấn mạnh: “Tòa đã làm đúng khi ra phán quyết tán thành đề nghị của chúng tôi và xem chương trình xóa nợ học phí của ông Biden là bất hợp pháp”.

Đến nay, chương trình xóa nợ sinh viên đã tiếp nhận đơn nhưng chưa xóa nợ cho ai vì Tòa Kháng án Mỹ số 8 ở Missouri, nơi đang xét xử một đơn kiện khác do 6 tiểu bang theo đảng Cộng hòa đứng đơn (gồm Nebraska, Missouri, Iowa, Nam Carolina, Kansas và Arkansas) tạm thời chặn chương trình này hôm 21/10. Trước đó, Tòa án Tối cao đã bác 2 đơn yêu cầu chặn chương trình này, gồm một đơn của nhóm cư dân bang Wisconsin và một đơn của nhóm pháp lý bang Indiana.

Cuối tháng 8/2022, Tổng thống Biden đã công bố kế hoạch xóa một phần nợ sinh viên tại Mỹ theo cam kết của ông trong chiến dịch tranh cử vào Nhà Trắng năm 2020. Cụ thể, Chính phủ Mỹ sẽ xóa nợ 10.000 USD đối với khoản nợ của những người có mức thu nhập dưới 125.000 USD/năm.

Đối với các cựu sinh viên đã được nhận trợ giúp liên bang trong thời gian học đại học trong khuôn khổ chương trình trợ cấp Pell (chương trình hỗ trợ cho các sinh viên thuộc gia đình thu nhập thấp), số nợ được xóa là 20.000 USD. Văn phòng Ngân sách của Quốc hội Mỹ (CBO) ước tính, theo kế hoạch của Tổng thống Biden sẽ tiêu tốn khoảng 430 tỉ USD và hơn 40 triệu người đủ điều kiện để được xóa nợ và  sẽ tiêu tốn khoảng 400 tỉ USD.Văn phòng Ngân sách Quốc hội hồi tháng 9 ước tính hơn 40 triệu người đủ điều kiện để được xóa nợ.

Chính quyền Tổng thống Biden cho hay chương trình này phù hợp với luật liên bang 2003 có tên Đạo luật Xóa nợ cho sinh viên (HEROES Act). Theo đó, Bộ trưởng Giáo dục có quyền xóa nợ học phí vào những lúc xảy ra “tình trạng khẩn cấp quốc gia”. Ngược lại, phe Cộng hòa cho rằng kế hoạch này của Tổng thống Biden là động thái nhằm "gom phiếu" ủng hộ của cử tri dành cho đảng Dân chủ trước bầu cử giữa kỳ năm 2022.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia, nhà hoạch định chính sách cho rằng việc miễn trừ các khoản nợ sinh viên sẽ không thể giải quyết được vấn đề học phí tăng cao hay giảm lãi suất vay cho sinh viên. Bà Maya MacGuineas, Chủ tịch Ủy ban Ngân sách liên bang có trách nhiệm (CRFB) đã chỉ trích kế hoạch xóa nợ đối với sinh viên, cho rằng động thái này sẽ khiến thâm hụt ngân sách của Mỹ tăng thêm khoảng 500 tỉ USD.

Nhiều chuyên gia khuyến cáo việc xóa nợ cần đi kèm với những cải cách để giúp tạo ra nền giáo dục đại học công có chất lượng với chi phí hợp lý.

Theo The Guardian, hơn 45 triệu người, tương đương khoảng 13,5% dân số Mỹ, đang gánh số nợ sinh viên với tổng trị giá hơn 1.700 tỉ USD. Chủ nợ của phần lớn các khoản vay này là Chính phủ Mỹ. Tuy các khoản vay dành cho sinh viên không phải là mới ở Mỹ nhưng hiện tượng đáng ngại là tổng nợ sinh viên đã tăng gấp hơn 3 lần trong 16 năm qua.

Các trường đại học ở Mỹ thường có học phí từ 10.000 - 70.000USD/năm, khiến sinh viên tốt nghiệp phải gánh khoản nợ khá lớn khi họ tham gia lực lượng lao động. Theo ước tính của chính phủ, khoản nợ trung bình đối với sinh viên đại học Mỹ khi họ tốt nghiệp là 25.000USD. Trung bình một người mất tới 21 năm mới có thể thoát ra khỏi món nợ từ thời sinh viên, tức là khi họ đã ở tuổi tứ tuần.

Trung bình cứ 7 người Mỹ thì lại có một người gánh món nợ từ thời sinh viên. Do vậy, vay nợ để học đại học và dành phần lớn thời gian đi làm để trả nợ là vòng luẩn quẩn mà hàng triệu người Mỹ đang phải đối mặt.


Nguồn: tổng hợp