Kế hoạch xóa nợ sinh viên của Mỹ ước tốn khoảng 400 tỉ USD

Trúc Phong
06:22 - 28/09/2022
Công dân & Khuyến học trên

Văn phòng Ngân sách của Quốc hội Mỹ (CBO) mới đây cho biết kế hoạch của Tổng thống Joe Biden về xóa nợ sinh viên sẽ tiêu tốn khoảng 400 tỉ USD. Con số này dự kiến sẽ làm gia tăng tranh cãi giữa Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa về vấn đề trên.

Kế hoạch xóa nợ sinh viên của Mỹ ước tốn khoảng 400 tỉ USD - Ảnh 1.

CBO cho biết kế hoạch của Tổng thống Joe Biden về xóa nợ sinh viên ước tính tiêu tốn khoảng 400 tỉ USD. Ảnh: AFP

Các nghị sĩ Đảng Dân chủ thì hoan nghênh kế hoạch, cho rằng việc xóa nợ giúp thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo, hỗ trợ tốt hơn cho những người thu nhập thấp. Song, một số đảng viên Cộng hòa lại phản đối, bởi điều này không công bằng với các sinh viên đã chăm chỉ làm việc và trả hết nợ. Đảng Cộng hòa cho rằng kế hoạch này lãng phí tiền của và ngân sách có thể sử dụng cho các mục đích khác hiệu quả hơn. 

Khoảng 30% sinh viên tại Mỹ phải đi vay để đóng học phí. Giới chức Mỹ đang chỉ ra nhiều sai sót lớn trong hệ thống cho vay sinh viên của Liên bang.

Cuộc khủng hoảng nợ vay sinh viên đã trở thành chủ đề quen thuộc tại các gia đình Mỹ. Hơn 40 triệu người Mỹ đang mắc nợ bởi học hành. Tổng số nợ sinh viên tại Mỹ giờ đã lên tới 1,7 nghìn tỉ USD.

Các trường đại học ở Mỹ thường có học phí từ 10.000 đến 70.000 USD mỗi năm. Theo ước tính của Chính phủ Mỹ, khoản nợ trung bình đối với sinh viên đại học Mỹ sau khi tốt nghiệp là 25.000 USD.

Chi phí học đại học tại Mỹ đã tăng vọt trong 3 thập kỷ qua, tăng gấp đôi ở các trường cao đẳng, đại học. Gần 90% người đi vay có thu nhập trung bình hàng năm dưới 75.000 USD.  Sinh viên bị vướng vào các khoản vay nợ kéo dài. Nhà Trắng gọi khoản nợ ngày càng tăng của sinh viên là "gánh nặng đáng kể đối với tầng lớp trung lưu của Mỹ".

Kế hoạch xóa một phần nợ sinh viên tại Mỹ được Tổng thống Biden công bố hôm 24/8 theo cam kết của ông trong chiến dịch tranh cử vào Nhà Trắng năm 2020. Theo đó, Chính phủ Mỹ sẽ xóa nợ 10.000 USD đối với khoản nợ của những người có mức lương dưới 125.000 USD. Đối với các cựu sinh viên đã được nhận trợ giúp của Liên bang trong thời gian học đại học trong khuôn khổ chương trình trợ cấp Pell, số nợ được xóa là 20.000 USD. Ngoài các chi phí để xóa khoản nợ đó, CBO ước tính chi phí của việc tạm dừng thanh toán khoản vay cho sinh viên từ tháng 9 đến tháng 12 năm 2022 tổng cộng là 20 tỉ USD.

Hiện kế hoạch trên của Tổng thống Biden vẫn đang gây nhiều tranh cãi tại Mỹ. Một số người lo ngại việc xóa nợ sinh viên sẽ ảnh hưởng đến chi ngân sách, theo đó dẫn đến làm trầm trọng hơn tình trạng lạm phát. Thế nhưng, nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá, con số này là quá nhỏ để có thể tác động đến lạm phát tại Mỹ hiện nay.

Tranh cãi giữa các chuyên gia và các nhà kinh tế cũng gia tăng, đặc biệt vì hiện vẫn chưa rõ về số nợ đã trả từ những người trong diện được áp dụng chính sách xóa nợ này.

Dự kiến đầu tháng 10 sẽ bắt đầu nộp hồ sơ xin xóa nợ. Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết chính quyền sẽ có thông tin cập nhật về quy trình đăng ký "rất sớm".

Bình luận của bạn

Bình luận