Mưa lớn từ ngày 9-10/10 đã làm 4 người thương vong, hơn 1 nghìn ngôi nhà bị ngập

Lan Dương
11:23 - 11/10/2022
Công dân & Khuyến học trên

Ảnh hưởng của đợt mưa lớn từ ngày 9-10/10/2022 đã làm 1 người chết, 2 người mất tích, 1 người bị thương, 1.010 nhà bị ngập. Dự báo từ đêm 11/10, mưa lớn ở các khu vực trên giảm nhanh.

4 người thương vong, hơn 1 nghìn ngôi nhà bị ngập do mưa lớn

Theo Tổng cục Phòng, chống thiên tai, báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố, ảnh hưởng của đợt mưa lớn từ ngày 9-10/10/2022 đã gây thiệt hại như sau:

1 người chết, 2 người mất tích (Quảng Nam); 1 người bị thương (Quảng Ngãi).

1.010 nhà bị ngập (Bình Thuận 46; Quảng Ngãi 250; Đà Nẵng 714); 21 nhà bị tốc mái (Quảng Ngãi).

392ha cây ăn trái, 310 con gia cầm (Bình Thuận); 47ha thủy sản (Đà Nẵng) bị thiệt hại.

72 điểm đường bị ngập 20-70cm (Quảng Bình 38; Quảng Trị 3; Huế 1; Đà Nẵng 1; Quảng Nam 29).

Thủy điện Kà Tinh (Quảng Ngãi) bị sạt lở vùi lấp 1 tổ máy.

Hiện nay, mực nước hạ lưu sông Thu Bồn đang dao động ở mức đỉnh, các địa phương đang tổ chức thống kê tình hình ngập lụt dân cư ven sông.

Mưa lớn từ ngày 9-10/10 đã làm 4 người thương vong, hơn 1 nghìn ngôi nhà bị ngập - Ảnh 1.

Nhiều tuyến đường ở Quảng Ngãi bị ngập sâu. Ảnh: VGP

Mưa lớn từ ngày 9-10/10 đã làm 4 người thương vong, hơn 1 nghìn ngôi nhà bị ngập - Ảnh 2.

Nước lũ dâng cao gây ngập sâu chia cắt tại xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: TTXVN

Mưa lớn từ ngày 9-10/10 đã làm 4 người thương vong, hơn 1 nghìn ngôi nhà bị ngập - Ảnh 3.

Mưa lớn làm sập đổ tường nhà văn hóa tổ 4, thôn Vuông, xã Trà Thanh, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: TTXVN

Tin lũ khẩn cấp trên sông Thu Bồn, tin lũ trên các sông ở Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Bình Định và Kon Tum

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hiện nay, lũ hạ lưu sông Thu Bồn (Quảng Nam) đang dao động ở mức báo động 3; trên sông Vu Gia (Quảng Nam) và sông Vệ (Quảng Ngãi) đang xuống; sông Bồ (Thừa Thiên Huế) đang lên; sông Hương (Thừa Thiên Huế), sông Trà Khúc (Quảng Ngãi) các sông ở Bình Định và Kon Tum có dao động.

Mực nước lúc 7 giờ ngày 11/10, trên các sông như sau:

- Sông Bồ tại Phú Ốc 2,58m, dưới báo động 2 0,42m;

- Sông Vu Gia tại Ái Nghĩa 8,74m, dưới báo động 3 0,26m;

- Sông Thu Bồn tại Nông Sơn 15,22m, trên báo động 3 0,22m; tại Giao Thủy 8,22m, dưới báo động 3 0,58m; tại Câu Lâu 4,03m, trên báo động 3 0,03m;

- Sông Trà Khúc tại Trà Khúc 4,84m, dưới báo động 2 0,16m;

- Sông Vệ tại Sông Vệ 4,47m, dưới báo động 3 0,03m;

- Các sông khác ở Bình Định và Kon Tum còn ở dưới mức báo động 1.

Trung tâm này dự báo: Trong 6 giờ tới, lũ trên hạ lưu sông Thu Bồn sẽ đạt đỉnh, sau xuống; đỉnhlũ trên sông Thu Bồn tại Câu Lâu lên mức 4,1m, trên báo động 3 0,1m.

Từ 6-24 giờ tiếp theo, lũ trên sông Vu Gia - Thu Bồn tiếp tục xuống; các sông ở Quảng Ngãi dao động ở mức báo động 2-báo động 3.

Cảnh báo tình trạng ngập lụt tiếp tục diễn ra, đặc biệt tại Thành phố Tam Kỳ, Thành phố Hội An, Thị xã Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên, Thăng Bình và thị trấn Núi Thành(Quảng Nam), Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức, Thị xã Đức Phổ và Thành phố Quảng Ngãi (Quảng Ngãi).

Trong hôm nay (11/10), trên các sông ở Thừa Thiên Huế, Bình Định và Kon Tum sẽ xuất hiện một đợt lũ; đỉnh lũ trên các sông khả năng ở mức báo động 1 - báo động 2, có sông trên báo động 2.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở trung du, vùng núi, ven sông và ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông, khu đô thị các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định và Kon Tum. Đề phòng sự cố các công trình thủy điện, thủy lợi nhỏ xung yếu.

Mưa lớn từ ngày 9-10/10 đã làm 4 người thương vong, hơn 1 nghìn ngôi nhà bị ngập - Ảnh 4.

Nước lũ sông Phước Giang dâng cao gây ngập một trụ sở xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành,

tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: TTXVN

Từ đêm 11/10, mưa lớn ở các khu vực từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa, Kon Tum giảm nhanh

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết: Trong 24 giờ qua, ở khu vực Trung và Nam Trung Bộ, phía Bắc Tây Nguyên đã có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to; ở khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ đã có mưa rào và dông, cục bộ có nơi mưa to; riêng khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định có mưa to đến rất to với lượng mưa tính từ 8h ngày 10/10 đến 8h ngày 11/10 phổ biến 150-400mm, có nơi trên 450mm như: Bạch Mã (Thừa Thiên Huế) 586.8mm, Tam Lãnh (Quảng Nam) 520.4mm, Sơn Kỳ (Quảng Ngãi) 502.8mm, Trà Hiệp (Quảng Ngãi) 492.6mm…

Dự báo diễn biến mưa lớn trong 24 giờ đến 48 giờ tới: Ngày 11/10, ở khu vực từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa và Kon Tum có mưa vừa, mưa to và dông; riêng khu vực Quảng Ngãi có mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại những vùng trũng, thấp.

Từ đêm 11/10, mưa lớn ở các khu vực trên giảm nhanh.

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét: cấp 1.

Mưa lớn từ ngày 9-10/10 đã làm 4 người thương vong, hơn 1 nghìn ngôi nhà bị ngập - Ảnh 5.

Một trường học tại huyện Hòa Vang, Thành phố Đà Nẵng bị ngập do mưa lớn. Ảnh: VGP

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ động ứng phó mưa lũ tại các tỉnh Trung Bộ

Ngày 10/10/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Công điện số 908/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ động ứng phó mưa lũ tại các tỉnh Trung Bộ.

Công điện nêu rõ: Do ảnh hưởng của không khí lạnh, đã xảy ra mưa lớn tại các tỉnh Trung Bộ, đặc biệt là tại các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi nhiều nơi đã có mưa rất lớn với tổng lượng mưa trong 24 giờ trên 300 mm, có nơi trên 550 mm, gây ngập cục bộ tại các khu vực thấp, trũng, chia cắt giao thông, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của nhân dân.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, khu vực Trung Bộ có thể vẫn tiếp tục xảy ra mưa lớn trong thời gian tới, nguy cơ cao xảy ra lũ, ngập lụt sâu cục bộ tại vùng thấp trũng, sạt lở đất, lũ quét tại vùng núi.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành, địa phương tuyệt đối không được chủ quan, tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 875/CĐ-TTg ngày 30 tháng 9 năm 2022, tập trung một số nhiệm vụ cụ thể sau:

1. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, rà soát chủ động sơ tán nhân dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ xảy ra ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất; bố trí lực lượng kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm an toàn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết, không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, hạn chế thiệt hại khi mưa lũ, ngập lụt; chủ động bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân tại các khu vực có nguy cơ bị chia cắt do ngập sâu, sạt lở, sẵn sàng tổ chức cứu trợ cho các hộ dân có nguy cơ thiếu đói.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục chỉ đạo theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, dự báo, thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng và người dân biết để chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó.

3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương theo chức năng quản lý nhà nước được giao phối hợp địa phương chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai công tác bảo đảm an toàn đối với sản xuất nông nghiệp, công nghiệp; chủ động điều tiết các hồ thủy lợi, thủy điện bảo đảm an toàn công trình, đồng thời góp phần giảm lũ cho hạ du.

4. Bộ Giao thông vận tải phối hợp với địa phương chỉ đạo, triển khai công tác bảo đảm an toàn giao thông, nhất là tại các khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở đất, khắc phục nhanh các tuyến giao thông bị sạt lở do mưa lũ.

5. Bộ Y tế phối hợp với địa phương chỉ đạo, triển khai công tác y tế, khám chữa bệnh cho nhân dân vùng lũ, bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh trong và sau lũ.

6. Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn tính mạng cho học sinh và cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng học tập, hạn chế thiệt hại.

7. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng vũ trang chủ động bố trí lực lượng, phương tiện hỗ trợ sơ tán, di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm, tổ chức cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu của địa phương.

8. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân và các cơ quan thông tin đại chúng ở trung ương, địa phương tiếp tục làm tốt công tác truyền thông, đưa tin kịp thời, chính xác về diễn biến mưa lũ, chỉ đạo của cơ quan chức năng; phối hợp với cơ quan chức năng hướng dẫn người dân kỹ năng ứng phó để hạn chế thiệt hại do thiên tai.

9. Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tổ chức trực ban theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo thẩm quyền; kịp thời báo cáo, đề xuất cấp thẩm quyền chỉ đạo, xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền.

Ngày 10/10/2022, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai cũng đã ban hành công điện số 31/CĐ-QG gửi Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Trung Bộ từ Quảng Bình đến Phú Yên, các Bộ, ngành về việc chủ động ứng phó với mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.