Mua bảo hiểm - Có thực sự là mua "sự an tâm"?!

Vũ Nam
15:21 - 19/04/2023
Công dân & Khuyến học trên

Từ sự việc "lùm xùm" gần đây giữa công ty bảo hiểm Manulife với diễn viên Ngọc Lan, đã xuất hiện thêm hàng chục khách hàng gửi đơn thư phản ánh việc tiền gửi SCB được chuyển sang bảo hiểm nhân thọ Manulife đã khiến nhiều người dân thực sự hoang mang, lo lắng.

Nhiều nhà đầu tư coi sản phẩm bảo hiểm như một kênh sinh lời hấp dẫn, liệu có thực sự hấp dẫn nếu nó tiềm ẩm nhiều nguy cơ pháp lý không rõ ràng?! Ảnh minh họa: IT.

Nhiều nhà đầu tư coi sản phẩm bảo hiểm như một kênh sinh lời hấp dẫn, liệu có thực sự hấp dẫn nếu nó tiềm ẩm nhiều nguy cơ pháp lý không rõ ràng?! Ảnh minh họa: IT.

Cái giá của sự "an tâm đầu tư"...

Với những lời quảng cáo như "mật ngọt", dễ khiến khách hàng cảm thấy thuyết phục ngay từ những lần tư vấn mà không cần phải đọc, tìm hiểu kỹ càng khi ai cũng dễ dàng tham gia "mua một sự an tâm" đúng như lời quảng cáo, nhưng thực tế, những sự việc gần đây đang dấy lên hồi chuông cảnh báo cho những ai tin vào sự "an tâm" cần xem xét kỹ lại việc an tâm ấy có thực sự như những lời đồn?! 

Mỗi sản phẩm bảo hiểm nhân thọ được thiết kế đều dựa trên yếu tố bảo vệ được đảm bảo, người tham gia bảo hiểm vẫn được quyền lợi sẽ được mời gọi tham gia một chặng đường dài "đóng tiền" để mua sự đảm bảo, đồng thời họ còn được mời gọi hấp dẫn với các mức bảo tức tích lũy và lãi chia theo bảng phân tích mà các nhân viên môi giới giới thiệu. Tuy nhiên, thực tế mỗi dòng sản phẩm bảo hiểm có cơ chế chia lãi khác nhau, và thậm chí cách vận hành sản phẩm cũng có nhiều điểm khác nhau nếu không được phân tích và xem xét một cách kỹ lưỡng, nhiều người có thể dễ dàng lầm tưởng với những sản phẩm tiết kiệm thông thường. Và cái giá của nó thì sẽ... rất cao. 

Theo các hãng bảo hiểm, khi thiết kế các dòng sản phẩm bảo hiểm truyền thống, người tham gia ngoài quyền lợi bảo hiểm về sức khỏe, sẽ có nhận được các khoản chia lãi từ món tiền mà mình đóng. Tiền lãi này được hiểu là lãi chia, và mức chia lãi phải phụ thuộc vào kết quả kinh doanh hàng kỳ (tháng, quý, năm) của công ty ty bảo hiểm. Khoản này còn được gọi là bảo tức tích lũy và thường lãi chia sẽ được chi trả vào cuối hợp đồng. 

Đối với các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, đúng như tên gọi, là sự kết hợp giữa bảo hiểm và đầu tư với các đơn vị liên kết của công ty bảo hiểm. Ở đây có thể sẽ phát sinh một phần phí và cơ chế chia lãi hoàn toàn khác nhau.

"Hai trong một" - Liệu có tốt hơn các sản phẩm chính chuyên?

Thực tế, với các sản phẩm bảo hiểm liên kết chung, phần quyền lợi đầu tư dành cho bên mua được hưởng từ kết quả đầu tư thực tế của quỹ liên kết chung, tuy nhiên mỗi công ty bảo hiểm sẽ quy định một mức chi trả theo thời hạn, cách chia khác nhau. 

Theo chuyên gia, lãi suất bảo hiểm nhân thọ không phải là mục đích của bảo hiểm nhân thọ vì đây là kênh dự phòng tài chính trước những rủi ro và tích lũy cho tương lai. Chính các đơn vị bảo hiểm cũng đã từng khuyến cáo, trước khi tham gia bảo hiểm nhân thọ khách hàng cần hiểu rõ mục đích của mình để chọn sản phẩm phù hợp và an tâm với quyền lợi được chi trả trong tương lai. Tuy nhiên, thực tế, việc "nhân viên tư vấn mập mờ" để có thể thuyết phục được khách hàng tận dụng những "lợi thế" một cách mơ hồ của các sản phẩm bảo hiểm có thể xem là một "liều thuốc đắng" cho bất kỳ ai thơ ngây tin vào những sản phẩm "hai trong một". Vì khi thiết kế sản phẩm, chẳng có lợi ích nào được "vẹn cả đôi đường", trừ khi anh phải trả một cái giá... rất cao!

Liên quan đến thông tin báo chí đã đưa trong chiều ngày 18/4, đã có hơn 30 người đến cơ quan Công an TP HCM nộp đơn tố cáo về các khoản tiền gửi tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) được liên kết với Công ty bảo hiểm Manulife Việt Nam được tư vấn trở thành gói đầu tư mag tên "Tâm an đầu tư". Theo đó, phía tư vấn đã quảng cáo về mức sinh lợi nhuận "hấp dẫn" từ khoản tiền gửi tại SCB, tuy nhiên khách hàng đã phát hiện thực chất đây đều là hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, chứ không phải hợp đồng gửi tiết kiệm. 

Sự mập mờ trong khâu tư vấn đã dẫn tới rất nhiều người dân hoang mang, lo lắng về các khoản đầu tư "bị kẹt" trong những hợp đồng ràng buộc. Điều "dở khóc dở cười" ở đây là khi đã phát hiện ra mình bị "mắc kẹt", nhiều trường hợp thương tâm là khách hàng không còn đủ khả năng chi trả các khoản phải đóng theo quy định của hợp đồng, và xét ở phương diện hợp đồng, nhiều người sẽ có khả năng bị "mất trắng" các khoản tiền lãi, tiền gửi theo quy định và lời quảng cáo hấp dẫn trước đó. 

Vì vậy, một lần nữa, việc xem xét kỹ hợp đồng với sự tư vấn của các chuyên gia pháp lý là điều cần thiết. Thiết nghĩ, với các khách hàng thông thường, việc mượn chuyên gia pháp lý là điều không khả thi, tuy nhiên, các hãng bảo hiểm cần xem xét liên kết với các bên thứ ba để cung cấp các dịch vụ tư vấn pháp lý cho khách hàng để có thể đảm bảo sự minh bạch, công bằng và mang lại sự an tâm thực sự đối với khách hàng bảo hiểm hay nhà đầu tư nói chung.